Tuesday, January 20, 2009

ĐẠI SỨ LÊ CÔNG PHỤNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trả lời phỏng vấn RFA về quan hệ Việt-Mỹ
Nguyễn Khanh & Gia Minh, RFA
2009-01-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interviewing-with-VN-Aamb-to-the-US-on-VN-US-relationship-during-Qbama-administration-NKhanh-BMinh-01192009213422.html

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, vừa trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh và Gia Minh thực hiện, ba ngày trước khi Tân Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức.

Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn Nguyễn Khanh (giữa) và Gia Minh hôm 16-1-2009, tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở thủ đô Washington DC. PHOTO RFA/DoLinh Dzung
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interviewing-with-VN-Aamb-to-the-US-on-VN-US-relationship-during-Qbama-administration-NKhanh-BMinh-01192009213422.html/Phung-Khanh-An-01162009-305.jpg

Chính sách đối với VN

Nguyễn Khanh: Trước hết xin thay mặt quý thính giả cám ơn ông Đại sứ đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin phép được đặt ra là ông Đại sứ nhận xét như thế nào về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa rồi ?
Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi cũng như nhân dân Việt Nam chia sẻ vui mừng về sự thành công trong cuộc bầu cử vừa rồi với nhân dân Mỹ. Chúng tôi cho rằng cuộc bầu cử vừa rồi là thắng lợi, tạo nên một nội các mới với vị Tổng thống mới. Chắc chắn là nội các đó, chính quyền đó sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu mà các đời Tổng thống đã làm vì lợi ích nước Mỹ, vì lợi ích cho nhân dân Mỹ.
Trong mối quan hệ với Việt Nam thì tôi cũng rất tin tưởng là chính quyền mới của ông Obama sẽ cùng với chúng tôi thực hiện những thỏa thuận mà 2 bên cần thiết phục vụ cho lợi ích của mỗi bên.

Nguyễn Khanh: Một Tổng thống mới, một nội các mới như Đại sứ vừa mới trình bày liệu có gì thay đổi chính sách đối với Việt Nam mà ông Đại sứ có thể nghĩ đến trong giờ phút này không?
Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi chưa hỏi ý kiến ông Obama xem ông có định thay đổi gì không (cười). Nhưng theo phát biểu của bà Hillary - ngọai trưởng sắp tới, thì tôi tự tin là chắc chính quyền Mỹ hiện nay cũng như chính quyền Mỹ sắp tới của ông Obama sẽ tiếp tục những việc đã làm, những thỏa thuận đã đạt được với phía Việt Nam.
Ở đây, theo chúng tôi nghĩ là dù chính quyền nào cũng đều là sự kế tục, tiếp tục của chính quyền trước. Không phải là vì chính quyền Dân Chủ hay chính quyền Cộng Hòa.
Các vị cần lưu ý là năm 1995, Tổng Thống Clinton là người đứng đầu chính quyền dân chủ đã bỏ cấm vận Việt Nam, và đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Chính Tổng thống Clinton cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam trong năm 2000.
Như vậy nếu nói là quan hệ Việt Nam với Mỹ có từ lâu đời, nhưng bắt đầu khai thông là bắt đầu từ chính quyền dân chủ Clinton, thì tiếp theo đó 8 năm trời, chính quyền Cộng hòa của ông Bush đã thúc đẩy rất mạnh.
Ở đây nói lên một điều là sự liên tục trong chính sách đối ngọai của Mỹ, đặc biệt là trong mối quan hệ với VN vì Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng vì lợi ích của Mỹ, của nhân dân Mỹ, mà làm.
Chính quyền Dân Chủ mới này, tôi cho rằng, chính sách về chiến lực trong quan hệ với Việt Nam cũng sẽ không thay đổi. Có chăng là có thể những thay đổi về bước đi, về tốc độ nhanh hay chậm, tùy thuộc vào những điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế của từng nước, và tùy cuộc diện thế giới thay đổi.
Nhưng vì lợi ích của nhân dân Mỹ, nên tôi vẫn cho rằng Hoa Kỳ cần thiết phai thúc đẩy quan hệ với Việt Nam về nhiều mặt và có hiệu quả.
Chúng tôi không có nghi ngờ gì về chính quyền Obama có sự thay đổi về chính sách đối với Việt Nam. Trái lại, chính quyền này cũng sẽ tiếp tục định hướng những chính sách đã có, và cũng sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà hai nước đã đạt được.

Chương trình cho 4 năm tới

Gia Minh: Đại sứ vừa mới nói đến những điều mà 2 nước đã cam kết được, và trong năm qua, ông Đại sứ cũng đã có mặt tại đây hơn 12 tháng rồi. Vậy ông có thể đánh giá trong thời gian làm việc vừa qua, có những điều gì đạt được, thưa ông ?
Đại sứ Lê Công Phụng: Năm 2008 là năm thành công trong quan hệ Việt-Mỹ, không những là mở rộng hợp tác giữa 2 bên trong nhiều lãnh vực, mà theo chúng tôi, năm 2008 làm cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn và quan trọng hơn.
Theo chúng tôi nghĩ trong mối quan hệ Việt-Mỹ có sự thăng trầm như vậy, thì sự tin cậy giữa Việt Nam và Mỹ trong suốt 13 năm bình thường quan hệ, đặc biệt là năm 2008, được nâng lên một cách đáng khích lệ. Nó thể hiện rõ nhất qua việc 2 bên nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về vấn đề chính trị, an ninh và quốc phòng. Đồng thời cũng có những cuộc đối thọai song phương giữa 2 lực lượng quốc phòng với nhau.
Về kinh tế, đầu tư, văn hóa, giáo dục, vì nhu cầu, nên 2 bên đều phát triển. Nhưng khi đã tăng được nhu cầu hợp tác về đối thọai chiến lược, tức là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi cho rằng nếu sự tin cậy lẫn nhau thiết lập và củng cố được sẽ là cơ sở hết sức vững chắc và quan trọng cho 2 bên thúc đẩy hợp tác.
Năm 2008 không những là năm đạt được thành công lớn sự hợp tác ở nhiều lãnh vực, mà tôi cho là năm 2008 còn có nút quan trọng với chuyến thăm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm cuối cùng của Tổng Thống Bush. Nó khẳng định một điều mà 2 bên có nhu cầu phải gặp nhau trước khi ông Bush mãn nhiệm kỳ; gặp nhau để bàn xem, nhìn lại xem là đã hợp tác được những gì, và sắp tới chuyển giao chính quyền cho một chính quyền mới.
Hồi tháng 6 thì chúng ta chưa biết Dân Chủ hay Cộng Hòa lên, nhưng đã bàn được chuyện là thế nào 2009 cũng thay đổi chinh quyền ở Mỹ. Thế thì chính quyền của ông Bush cùng chính quyền Việt Nam phải bàn xem 2009 làm những gì, và 4 năm sau đó làm những gì.
Cho nên tôi nghĩ là năm 2008 quan trọng không những ở chỗ đạt được hiệu quả thực tế mà nó còn là bước chuẩn bị cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và chính quyền mới trong 4 năm tới.

Nguyễn Khanh: Những điều đã được thảo luận giữa chính phủ VN và chính phủ Hoa Kỳ George W. Bush cho năm 2009 và 4 năm sắp đến mà ông Đại sứ vừa nói, ông có thể chia sẻ chúng tôi một phần nào chi tiết được không?
Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi không nghĩ là chúng ta có nhiều chi tiết trong chuyện này. Nhưng điều quan trọng khi các vị lãnh đạo cấp cao hai bên gặp nhau, cái người ta bàn là thể hiện quyết tâm và cam kết với nhau rằng trong những năm tới, Việt-Mỹ cần phải tiếp tục mối quan hệ.
Thứ hai, về lãnh vực kinh tế thương mại, thì 2 bên cam kết với nhau rằng sẽ hết sức tôn trọng những luật lệ của các tổ chức, cơ chế kinh tế mà Việt Nam và Mỹ đã tham gia, và tôn trọng các thỏa thuận song phương, đồng thời đề ra một số bước đi mới, thí dụ như tiến hành khởi động và bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại song phương, rồi tính toan để Việt Mỹ cùng với Mỹ tham gia về việc tổ chức gọi là Thuế Quan Tự do. Hai bên cùng cam kết với nhau là sẽ hỗ trợ và động viên các doanh nhân hai bên làm ăn với nhau, buôn bán thương mại cũng được đẩy mạnh lên.
Về vấn đề giáo dục đào tạo, thì phía Mỹ không những cam kết hỗ trợ Việt Nam mà còn chủ động cùng Việt Nam lập nhóm làm việc hợp tác giáo dục. Đã đạt được những bước ban đầu và năm 2009 cũng sẽ làm như vậy.
Chúng tôi nghĩ rằng ngòai phương hướng lớn thì quyết tầm của hai chính phủ cần phải thúc đẩy quan hệ do yêu cầu của nhân dân Việt Nam và yêu cầu nhân dân Mỹ, đồng thời cũng đi vào một số thỏa thuận cụ thể. Có những cái đã làm rồi, cũng có những cái đang làm dở dang và sẽ tiếp tục. Sắp tới thì hai bên cũng cam kết để tiến hành thương thảo, trao đổi về đi đến triển khai các bước mà hai bên thấy cần thiết phải tăng cường.

Đối tác chiến lược Mỹ-Việt

Nguyễn Khanh: Ông Đại sứ dùng chữ “hai bên” khi nói chuyện đối thoại chiến lược, “tức là 2 bên bắt đầu tin tưởng ở nhau hơn”. Mức độ tin tưởng đó, thưa ông Đại sứ, đang ở mức độ nào ?
Đại sứ Lê Công Phụng: Sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một quá trình, vì thực tế, sự quan hệ của chúng ta có những lúc thăng trầm. Có những lúc chúng ta là kẻ thù với nhau. Có những lúc chúng ta là đối tác của nhau. Và như là Tổng thống Bush đã nói với Chủ Tịch Nước chúng tôi trước đây Việt Nam là kẻ thù, còn bây giờ là đối tác.
Thế thì chuyện từ kẻ thù sang đối tác là cả một quá trình, chuyển từ không tin cậy lẫn nhau, nghi kỵ lẫn nhau sang tin cậy lẫn nhau cũng là một qua trình dài.
Không phải qua một đêm mà chúng ta xây dựng được sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng với việc 2 bên ngồi lại với nhau ban thảo nhựng vấn đề mang tính rất chiến lược cần có sự tin cậy lẫn nhau như là chiến lược về hợp tác chính trị, chiến lược hợp tác quân sự, chiến lược hợp tác an ninh, thì chúng tôi thấy rằng sự tin cậy lẫn nhau bắt đầu đã được xây dựng.
Còn nói đến mức nào thì điều này rất khó đong, đo, đếm. Nhưng chúng tôi thấy mừng là đã đến lúc Việt Nam và Mỹ cần phải thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Không có lý do gì mà hai bên lại không thể tin cậy lẫn nhau được.
Có điều xin quý vị kiên trì, vì là sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ cần có thời gian. Cũng như tôi với quý vị, không phải nói hôm nay rồi ngày mai có được. Phai đi từng bước một.

Những trở lực còn lại

Gia Minh: Chúng tôi cũng đồng ý với ông Đại Sứ như vậy, nhưng cũng còn những trở lực. Thưa ông Đại Sứ trở lực lớn nhất hiện giờ là những gì?
Đại sứ Lê Công Phụng: Trở lực thì nhiều. Trước đây chúng ta không đi được vì trở lực, nhưng bây giờ đã đi được rồi vì trở lực hôm nay ít hơn hôm qua, trở lực ngày mai sẽ ít hơn ngày hôm nay.
Có nhiều trở lực như là gốc rễ lịch sử trong quan hệ, những thăng trầm trong quan hệ quá khứ, cách tiếp cận, cách suy nghĩ khác nhau về một vấn đề, ví dụ như vấn đề dân chủ, nhân quyền, có những cái khác nhau. Hoặc là khác biệt về địa lý, khác biệt về đồng minh, bạn bè của Hoa Kỳ ở chỗ này chỗ khác, đồng minh, bạn bè của chúng tôi ở chỗ này chỗ khác, cũng có lúc là thuận lợi nhưng cũng có lúc lại là trở lực.
Cái trở lực lớn nhất theo tôi là vì xưa nay chúng ta chưa tin cậy lẫn nhau nhiều lắm, cho nên trong suy nghĩ của mỗi một bên vẫn còn những cái vướng mắc, cản trở. Cũng có người hoài cổ, nhưng cũng có người muốn thúc đẩy cho nhanh hơn. Theo tôi nghĩ trở lực chính khiến chưa thể đi nhanh được là cái suy nghĩ, điều kiện của mỗi bên chưa cho phép chúng ta đi nhanh như chúng ta mong muốn.
(còn tiếp)


Phỏng vấn Đại sứ Lê Công Phụng
Lê Quỳnh
BBCVietnamese.com, Washington DC

19 Tháng 1 2009 - Cập nhật 06h54 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/01/090119_lecongphung_iv.shtml
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nói với BBC rằng ông hy vọng quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama sẽ được tiếp tục củng cố, mặc dù khó có sự kiện lớn trong năm 2009.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC Việt ngữ ngày 16/01, ông Lê Công Phụng, cựu thứ trưởng ngoại giao, cũng nói Việt Nam không có ý định trở thành đồng minh của Mỹ, mà chỉ hợp tác với sự "tôn trọng và tin cậy lẫn nhau".
Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm Mỹ, thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về an ninh và quốc phòng.
Hai bên cũng thiết lập thêm cơ chế hợp tác về giáo dục, khoa học kỹ thuật, môi trường.
Theo Đại sứ Lê Công Phụng, những diễn biến này thể hiện "mong muốn, ý chí của chính phủ hai bên, cũng như nguyện vọng nhân dân hai nước".
Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Bush cũng được xem là sự chuẩn bị của hai phía cho thời kỳ mới sắp đến.

Lê Công Phụng: Chúng tôi rất mừng Tổng thống Obama sắp nhậm chức, và tin chính quyền đảng Dân chủ sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận của các chính quyền trước đây, sẽ tiếp tục đi theo hướng hợp tác chặt chẽ vì lợi ích hai nước.
Thời kỳ tổng thống Clinton, chính quyền Dân chủ đã dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ, ông Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam (VN). Đây là cái đà do chính quyền Dân chủ mở ra, và tám năm tiếp theo của ông Bush đã thúc đẩy quan hệ rất mạnh. Nên tôi cho rằng chính quyền Dân chủ sắp tới, với đa số cả trong thượng viện và hạ viện, sẽ tiếp tục hợp tác với VN. Có thể có mức độ khác nhau, nhưng đó là sự nối tiếp lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không phải vì cá nhân người này, người khác.
VN chúng tôi đã chuẩn bị, phải nói là rất quyết liệt, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ. Với chuyến thăm của thủ tướng chúng tôi năm 2008, mặc dù là năm cuối của tổng thống Bush, nhưng hai bên cho rằng cần có chuyến thăm để chuẩn bị cho giai đoạn tới thay đổi chính quyền.
Chúng tôi lúc ấy cũng không biết Dân chủ lên hay Cộng hòa lên, nhưng phải bàn định những cái đã làm và sắp tới phải làm. Và chúng tôi cho rằng phía Mỹ cũng đã làm như thế, để làm sao lợi ích hai nước trong bốn năm tới được thúc đẩy hơn.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước sắp tới cũng sẽ có nhiều cái mà chúng tôi phải tính. Quyết tâm hai bên là cao, nhưng nội bộ mỗi nước và thế giới có những khó khăn.
Ví dụ, trong 2009, điều đầu tiên ông Obama phải lo là ổn định nội bộ, còn VN cũng phải xử lý các vấn đề do khủng hoảng tài chính thế giới. Cả hai bên đều bận rộn, và khó làm được những việc lớn hơn. Nhưng những gì đã thỏa thuận, triển khai, thì chắc chắn tốc độ sẽ cao hơn. VN rất mong muốn tổng thống Obama sớm thu xếp sang VN, và lãnh đạo chúng tôi cũng rất muốn thăm Mỹ khi thời gian, điều kiện cho phép.

BBC:Chiến lược ngoại giao của VN có bao giờ đặt vấn đề VN sẽ là đồng minh của Mỹ hay không, thưa đại sứ?
Lê Công Phụng: Quan hệ hai nước từ 13 năm qua đi nhanh hơn so với quan hệ song phương với một số đối tượng khác. Nhưng không có nghĩa VN đang chuẩn bị trở thành đồng minh của Mỹ. Lĩnh vực nào, thời gian nào mà lợi ích trùng hợp với nhau, có sự hiểu biết với nhau, thì có thể hợp tác.
Còn những lúc lợi ích dân tộc hai phía chênh nhau, thì phải đấu tranh. Chủ trương đối ngoại của VN là không ngừng tăng cường hợp tác với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, càng nhiều càng tốt, với sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

BBC:Quan hệ tay ba của VN với Hoa Kỳ và Trung Quốc (TQ) sẽ như thế nào?
Lê Công Phụng: Chiến lược đối ngoại của chúng tôi là đặt lên hàng đầu quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Do vậy, VN rất coi trọng quan hệ với TQ vì đây là láng giềng có nhiều ảnh hưởng, có nhiều mối quan hệ đặc biệt với VN. TQ ngày càng lớn mạnh thì VN càng phải học cách sống chung, nhưng phải không ngừng làm quan hệ với TQ tốt đẹp trong sự tôn trọng lẫn nhau.
Còn với Mỹ, VN sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi hiểu rằng để phát triển mạnh mẽ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là hợp tác với Mỹ. Thông qua đó, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh, bạn bè của Mỹ.
VN không có ý nghĩ là tăng cường hợp tác với Mỹ để chống TQ, hay tăng cường hợp tác với TQ để làm hại quan hệ với Mỹ. Đó không phải là lập trường của VN.

BBC: Còn hai cường quốc kia, theo đại sứ, có lôi kéo VN hay không?
Lê Công Phụng: "Lôi kéo" không phải là thuật ngữ ngoại giao thường được phát biểu công khai. Nhưng chúng tôi cho rằng TQ và Mỹ đều có nhu cầu tăng cường đối tác và về mặt nào đấy, họ cũng rất mong tăng cường mối quan hệ mang tính đồng minh.
VN nằm ở vị trí địa chính trị nhạy cảm, sát cạnh TQ, lại nằm trong vùng Đông Nam Á, cho nên cả hai đều có nhu cầu tranh thủ VN.
Cái khó của VN là làm sao đáp ứng được mong muốn của họ trên cơ sở lợi ích chung của chúng ta, đáp ứng những gì không làm phương hại quan hệ với các đối tác khác, giữ được độc lập.

BBC: Trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo điện tử VietnamNet, cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ nói ý rằng trong chiến lược đối ngoại, nội bộ lãnh đạo cấp cao của VN có bất đồng. Đại sứ đồng ý với nhận xét đó không?
Lê Công Phụng: Tôi chưa đọc bài phỏng vấn của ông Trần Quang Cơ, mặc dù ông là một trong những bậc đàn anh của tôi trong lĩnh vực ngoại giao.
Nhưng qua kinh nghiệm thực tế, tôi nghĩ thế này, trong các vấn đề lớn của các quốc gia, bao giờ cũng có những ý kiến khác nhau.
Nhưng những ý kiến khác nhau đó được xử lý quan trọng nhất là lúc bàn thảo, còn khi đã quyết sách rồi, mọi người đều nhất tâm thực hiện. Bằng không, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, sẽ không làm được gì. Người ngoài nhìn vào, cũng thấy mình không ổn, thì họ sẽ hợp tác với mình không hiệu quả.

Quan hệ với Việt kiều

BBC:Sau hơn một năm làm việc tại Mỹ, đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ với cộng đồng người Việt tại đây?
Lê Công Phụng: Đồng bào trong nước lúc nào cũng chăm chú theo dõi, lúc nào cũng mong muốn bà con, dù bất kỳ ở đâu, cũng có cuộc sống tốt lành, đoàn kết, tôn trọng luật pháp địa phương, xây dựng nơi đang chăm sóc mình. Vì vậy, VN đã có nhiều chính sách thuận lợi như miễn visa, cho hưởng song tịch, cho mua nhà...Nhà nước sẽ làm mọi thức có thể làm được để quan hệ giữa bà con và trong nước ngày càng chặt chẽ hơn.
Sau hơn một năm ở đây, tôi thấy tình cảm bà con chuyển biến nhiều. Có những người trước đây chưa hiểu lắm, bây giờ cũng hiểu đôi chút. Có những người trước đây chống đất nước, bây giờ cũng thay đổi suy nghĩ.
Chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc với bà con, nghe tâm tư, thậm chí chỉ trích của bà con để làm sao trong nước hoàn thiện hơn, thì cũng là một trong những yếu tố làm cho bà con tự hào hơn mình là người VN ở nước ngoài.

BBC:Ông Joseph Cao vừa trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Mỹ. Một trong những việc đầu tiên của ông là đề nghị đưa VN trở lại danh sách các nước đàn áp tôn giáo (CPC). Đại sứ có đồng ý là những vấn đề chính trị, nhân quyền sẽ luôn là khúc mắc giữa chính phủ trong nước và Việt kiều tại đây?
Lê Công Phụng: Với đại bộ phận Việt kiều tại đây, cái đó không phải là vướng mắc. Người ta về thăm đất nước, biết dân chủ là thế nào, nhân quyền ra làm sao, đời sống phát triển thế nào.
Nhưng phải khẳng định giữa VN và Mỹ đang có cách nhìn khác nhau về dân chủ, nhân quyền. Đã có diễn đàn đối thoại nhân quyền hàng năm, mang lại hiệu quả cao.
Chắc nhiều người mừng khi ông Joseph Cao trở thành nghị sĩ người Việt đầu tiên. Chúng tôi chưa tiếp xúc với ông ấy, cũng chưa phê phán. Nhưng tôi nghĩ thế này, đến ông Obama làm đến tổng thống thì ông ấy vẫn là người gốc Kenya. Bà con người Việt ở đây muốn làm đến tổng thống, thủ tướng thì vẫn là người Việt. Mà nếu lại đi nói xấu VN, người nghe cũng cảm thấy mình không đứng đắn lắm.
Chúng tôi mong muốn tất cả những người Việt có gì thì góp ý thẳng thắn với đồng bào trong nước, có gì chỉ trích thì cứ chỉ trích, nhưng không nên chống lại đồng bào mình.
Còn hệ thống chính trị, có thể có nhiều ý kiến khác nhau, và chúng ta chấp nhận sự khác nhau để cùng tồn tại trong cộng đồng người Việt.

BBC:Đại sứ nghĩ thế nào về nhận định trao đổi giáo dục là sự đầu tư cho tương lai quan hệ hai nước?
Lê Công Phụng: Hai bên đã lập được nhóm công tác về hợp tác giáo dục, đã họp hai cuộc mà tôi cũng là thành viên tham gia. Hiện nay tri thức của VN chưa đủ theo kịp tầm phát triển của đất nước, nên phải hướng ra thế giới xem chỗ nào tốt nhất thì ta học. Mỹ, Anh và một số nước là những nơi trình độ giáo dục rất cao.
Chính phủ chủ trương tăng cường đưa sinh viên sang Mỹ, đưa giáo viên, tiến sĩ VN sang Mỹ đào tạo lại, tăng cường hợp tác với các hệ giáo dục của Mỹ. Chúng tôi dự kiến sẽ có 20.000 tiến sĩ được đào tạo đến năm 2020.
Đi học thì tốn kém, nhưng tốn kém cũng phải học. Trong gần 9000 sinh viên hiện nay học ở Mỹ, khoảng 85% là tự túc. Điều đó cho thấy sự hiếu học của người VN và mong muốn được hưởng sự giáo dục cao. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình vì việc này.

Bài phỏng vấn được thực hiện tại Washington DC trong chuyến đi của phóng viên BBC Việt ngữ tường thuật về lễ đăng quang của Tổng thống đắc cử Obama và quan hệ Mỹ-Việt trong thời kỳ mới.

No comments:

Post a Comment