Saturday, January 10, 2009

HÃY CHẤM DỨT BỊT MIỆNG NHỮNG NGƯỜI ĐƯA TIN

Human Rights Watch
Việt Nam: Hãy chấm dứt bịt miệng những người đưa tin
Các nhà báo và Blogger bị Bỏ tù, Sa thải và Gây phiền nhiễu
Ngày 8-1-2009

(New York, ngày 8-1-2009) - Các tổng biên tập của hai tờ báo hàng đầu của Việt Nam đã bị sa thải ngày 2-1-2009, động thái gần đây nhất trong một loạt các biện pháp của chính quyền Việt Nam nhằm dập tắt những lời chỉ trích và hoạt động bất đồng chính kiến, tổ chức Giám sát Nhân quyền [Human Rights Watch] đã cho biết hôm nay. Vào tháng Mười hai, chính quyền Việt Nam đã thông báo những quy định mới khắt khe chính thức cấm các trang blog trên internet phổ biến những nội dung nhạy cảm về chính trị được cho là nhằm lật đổ chính quyền.

Trong ba tháng qua, hai nhà báo và một blogger đã bị xét xử và buộc tội. Ít nhất bốn nhà báo đã bị thu hồi thẻ hành nghề sau khi họ viết về những đề tài như các cuộc phản kháng của nông dân, các mối quan hệ với Trung Quốc, quyền tự do phát biểu ý kiến và về nhân quyền. Toàn bộ báo chí tại Việt Nam là thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của nhà nước.

“Việt Nam là một trong ít quốc gia nơi mà người dân có thể bị giam giữ với những lời buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” ông Brad Adams, giám đốc Á châu của tổ chức Human Rights Watch, nhận xét. “Các nước cấp viện cho Việt Nam cần phải tiếp tục đòi hỏi chính phủ nước này hãy chấm dứt việc hình sự hóa những hành động bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.”

Ngày 2 tháng Một, ông Nguyễn Công Khế, tổng biên tập tờ Thanh Niên và ông Lê Hoàng, tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ, đã bị thải hồi khỏi chức vụ của mình. Hành động sa thải họ tiếp theo sau việc buộc tội vào tháng Mười các nhà báo của hai tờ báo này - ông Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và ông Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ - do đã phơi bày một vụ bê bối tham nhũng lớn, trong đó các quan chức nhà nước đã bỏ túi hàng triệu đô la của các quỹ đầu tư của Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới để cá độ bóng đá. Ông Chiến đã bị kết án hai năm tù giam và ông Hải bị hai năm “cải tạo” với những lời buộc tội đã “lợi dụng những quyền tự do dân chủ để xâm phạm các lợi ích quốc gia” theo điều 258 của luật hình sự Việt Nam.

Trong một bước tiến triển khác thường, cả hai tờ báo này đã sử dụng trang nhất của mình để chỉ trích các vụ bắt giữ hai nhà báo vào tháng Năm, năm 2008, và những người đứng đầu của một số đoàn thể báo chí tại Việt Nam cũng đã nói thẳng ra quan điểm của mình chống lại các vụ bắt giữ đó. Các phó tổng biên tập của hai cơ quan truyền thông này đã bị thay thế trong một phản ứng từ chính quyền, và tiếng nói phản ứng chỉ trích quyết liệt đã nhanh chóng tắt dần.

“Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản cần phải có hành động bảo vệ các phóng viên điều tra này và các tổng biên tập của họ,” ông Adams kêu gọi. “Họ phải công khai nói rõ và nói riêng với chính phủ Việt Nam rằng kiểu trả thù này đối với nghề báo chân chính là không thể chấp nhận được.”

Những quy định được đưa ra tháng Mười hai về hoạt động blog đã ngăn cấm các blog phổ biến hoặc có đường kết nối tới những nội dung phản đối chính quyền, ngấm ngầm phá hoại an ninh quốc gia và trật tự xã hội, hoặc tiết lộ bí mật quốc gia. Thứ trưởng bộ thông tin và truyền thông Việt Nam, ông Đỗ Quý Doãn, đã nói rằng các blog cần phải được hạn chế trong nội dung cá nhân và tránh đưa lên những bài báo hay những quan điểm đề cập tới chính trị, tôn giáo, và các vấn đề xã hội. Ông Đỗ Quý Doãn đã phát biểu công khai rằng bộ dự định cố gắng có được sự trợ giúp của các công ty interntet là Google và Yahoo để nhằm “chỉnh đốn” và “phát hiện” những nội dung của các blog và trang web. Yahoo là một bên tham gia của Sáng kiến Mạng Toàn cầu [Global Network Initiative], được hình thành để đưa ra những vấn đề trong trách nhiệm hợp tác khi cư xử với các chính quyền thường bị chỉ trích.

Việc sử dụng internet tại Việt Nam, chủ yếu tại các quán cà phê internet giá rẻ, đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Hiện có khoảng 20 triệu người sử dụng internet (trong số 84 triệu dân) và hơn một triệu blog, theo các số liệu thống kê của chính phủ.

“Yahoo 360″ là một trong những diễn đàn blog phổ biến nhất. Vào tháng Năm, Yahoo đã đưa ra một số dịch vụ giải trí đặc biệt cho các blogger Việt Nam, ví như một công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt và các đường nối kết thân thiện với người dùng tới các ca sĩ người Việt.

Chính phủ kiểm soát việc sử dụng internet bằng cách kiểm tra hoạt động trên mạng trực tuyến, quấy rối và bắt giữ những nhà bất đồng chính kiến trên mạng, và khoá chặn các trang web của các nhóm hoạt động dân chủ và nhân quyền, các đảng chính trị đối lập, và các trang báo đài độc lập đóng tại Việt Nam và nước ngoài. Các nhà cung cấp dịch vụ inetrnet và các chủ quán cà phê internet bị đòi hỏi phải thu được chứng minh căn cước có dán ảnh của người sử dụng internet, kiểm soát lưu giữ các thông tin về các hoạt động trên mạng trực tuyến của họ.

Vào tháng Mười hai năm 2008, tòa phúc thẩm Thành phố Hồ Chí minh đã giữ nguyên mức án 30 tháng tù giam đối với một blogger internet, ông Nguyễn Hoàng Hải (hay còn gọi là Điếu Cày), một sáng lập viên của Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do tại Việt Nam. Ông đã đưa lên blog các bài báo và đã tham gia vào các cuộc mít tinh phản kháng những yêu cách của Trung Quốc đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp. Chính quyền Việt Nam coi các hoạt động đó gây nên rắc rối cho các mối quan hệ với Trung Quốc. Những lời chỉ trích quanh chủ đề này đã dẫn tới những cuộc thẩm vấn và cầm giữ các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến trên mạng khác nữa. VietnamNet, một nguồn tin tức trực tuyến, đã bị phạt 2.000 đô la sau khi cho đăng tải một bài xã luận về chủ đề này.

Vào tháng Bảy năm 2008, một tòa án ở Tỉnh Kiên Giang đã y án năm năm tù giam đối với ông Trương Minh Đức, một nhà báo trên mạng, một nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi đất đai, và là thành viên của Đảng Dân túy [?] Việt Nam, do hành động “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

“Điều mỉa mai cho những lời buộc tội này là làm gì có ‘quyền tự do dân chủ’ ở Việt Nam,” ông Adams nhận xét. “Chính quyền Việt Nam buộc phải làm nhiều hơn để cho phép giới truyền thông có được những quyền tự do này.”

Hiệu đính:
TBT Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
Posted on 10/01/2009 at 11:06 pm
http://anhbasam.wordpress.com/2009/01/10/35hay-ch%e1%ba%a5m-d%e1%bb%a9t-b%e1%bb%8bt-mi%e1%bb%87ng-nh%e1%bb%afng-ng%c6%b0%e1%bb%9di-d%c6%b0a-tin/#comments

———————————————–

An internet café in Hanoi. The Vietnamese government imposes tight legal and technical restrictions on internet use to control access to writings and people who criticize the government or challenge one-party rule.
© 2006 Reuters

----------------------------

Human Rights Watch
Vietnam: Stop Muzzling the Messengers
Journalists and Bloggers Jailed, Fired, and Harassed
January 8, 2009

No comments:

Post a Comment