Hiến chương 08 muốn noi gương Tiệp Khắc
Thanh Thủy
Bài đăng ngày 26/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 26/01/2009 18:01 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2341.asp
Dưới tựa đề « Mùa Xuân mới của các nhà dân chủ Trung Quốc », Le Figaro nhắc lại là năm nay là lần kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp phong trào dân chủ ở Bắc Kinh. Hiến chương 08 đòi quyền công dân cho người Trung Quốc, trực tiếp nhắc lại bản Hiến chương 77 của phong trào dân chủ Tiệp Khắc.
Trang nhất của nhiều tờ báo Pháp hôm nay đề cập đến cơn bão kbủng khiếp cuối tuần qua và đăng những tấm ảnh cho thấy cây cối bị thổi ngã xuống đường, đè bẹp nhà cửa và xe hơi như tấm ảnh lớn đăng trên trang nhất của tờ Le Figaro.
Nhưng trên trang hai, tờ Le Figaro đề cập đến phong trào phản kháng ở Trung Quốc mang tên là Hiến chương 08.
Dưới tựa đề « Mùa Xuân mới của các nhà dân chủ Trung Quốc », thông tín viên Arnaud de la Grange của Le Figaro tại Bắc Kinh nhắc lại là năm nay là lần kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp phong trào dân chủ ở Bắc Kinh. Hiện nay một bản kiến nghị đang được lưu truyền trên Internet. Mang tên là Hiến chương 08 kiến nghị này đòi quyền công dân cho người Trung Quốc và trực tiếp nhắc lại bản Hiến chương 77 của phong trào dân chủ ở Tiệp Khắc.
Ngày mùng một tháng giêng năm 1977, với chữ ký của một nhóm người chống đối mà đứng đầu là ông Vaclav Havel, bản Hiến chương 77 của Tiệp Khắc nguyên thủy lên án chính sách đàn áp của chính quyền cộng sản đối với một nhóm nhạc rock. Bản hiến chương này đã giữ một vai trò chính yếu trong quá trình đưa Tiệp Khắc đến cuộc « cách mạng nhung » của năm 1989.
Đối với nhà báo Le Figaro, còn quá sớm để nói là Hiến chương 08 có sẽ giữ một vai trò quan trọng hay không trong sự biến chuyển của Trung Quốc. Nhưng có một điều chắc chắn là Bắc Kinh không coi thường vụ này. Lý do là vì văn bản của Hiến chương 08 là tài liệu hoàn chỉnh nhất từ sau 1989. Nhất là nó lại được phổ biến vào một thời điểm cực kỳ nhạy cảm, nghĩa là vài tháng trước ngày kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 tới này.
Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ hoá và chấm dứt chế độ độc đảng.
Mọi việc đã bắt đầu ngày 8 tháng 12 vừa qua, khi chính quyền Bắc Kinh đã bắt giam nhà văn Lưu Hiểu Ba, một gương mặt được xem là một trong những người đã chấp bút thảo ra Hiến chương 08.
Sau Thiên An Môn, giáo sư văn học Lưu Hiểu Ba đã trải qua 20 tháng tù giam và 7 năm tù lao cải vào năm 1996. Giờ đây người ta không biết ông bị giam cầm ở đâu. Cuối tháng 12 vừa qua, nhiều nhà trí thức trên thế giới đã ký một kiến nghị đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.
Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ trước sự kiện này trước khi bản Hiến chương 08 được phổ biến trên Internet ngày 10 tháng 12 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày tuyên bố bản Nhân quyền Quốc tế. Văn bản Hiến chương 08 đưa ra một chương trình 19 điểm trong đó có việc cải thiện quyền con người ở Trung Quốc, dân chủ hoá chế độ, chấm dứt chính thể độc đảng, bảo đảm tự do thành lập hội đoàn và thiếp lập một hệ thống tư pháp độc lập.
Phóng viên Arnaud de La Grange phỏng vấn một người đã ký Hiến chương 08, ông Bào Đồng, 76 tuổi, một cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông là một trong những người cuối cùng còn sống sót trong êkíp của tổng bí thư Triệu Tử Dương, người đã chống đối việc gửi quân đội đến đàn áp phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh.
Ông Bào Đồng phát biểu một cách tự do thoải mái vì, ở tuổi ông, ông không còn e ngại gì cả : ông đưa bản Hiến pháp Trung Quốc ra làm cơ sở cho bản kiến nghị. Không khác gì trước đây những người bạn của ông Vaclav Havel khi họ đơn thuần kêu gọi Nhà nước cộng sản Tiệp Khắc hãy tôn trọng bản Hiến Pháp.
Hiến chương 08 vạch ra khuôn khổ của một cuộc cải tổ chính trị toàn diện.
Một nhà trí thức khác, cũng đã ký tên vào Hiến chương 08, giải thích với Le Figaro vì sao lần đầu tiên ông chấp nhận ký vào một bản kiến nghị. Lý do là vì đây là lần đầu tiên có một tài liệu vạch ra khuôn khổ của một cuộc cải tổ chính trị toàn diện, và tại liệu này đã tổng hợp gần như tất cả các luồng tư tưởng phản kháng ở Trung Quốc.
Còn ông Jean-Philippe Beja, giám đốc Trung tâm Pháp nghiên cứu về Trung Quốc đương đại, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, trong số những người ký kiến nghị, có cả những nhân vật nằm trong bộ máy của chế độ.
Để kết luận, nhà báo Le Figaro nhận thấy là Bắc Kinh đang cố gắng làm mọi cách để chuyện xảy ra cách nay 20 năm không tái diễn.
No comments:
Post a Comment