Sunday, January 4, 2009
HỒ SƠ TRƯƠNG TỬU
Hồ sơ TRƯƠNG TỬU
Học trò chửi thầy
Thế Vinh (sinh viên khoa Văn, Sư Phạm) giới thiệu
Posted on January 3, 2009 by admin
http://mangykien.wordpress.com/2009/01/03/h%e1%bb%8dc-tro-ch%e1%bb%adi-th%e1%ba%a7y/
Thưa các bạn sinh viên
Dẫu các bạn thích Văn Học (như tôi) hay không thích nó, thì câu chuyện dưới đây cũng cho phép chúng ta rút ra một cái gì đó.
Năm 1956, khi cha mẹ chúng ta chưa ra đời, ở nước ta đã xảy ra vụ đàn áp thảm khốc các trí thức và văn nghệ sĩ. Đó là vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.
Sau đó nửa thế kỷ (thời chúng ta đây) nhiều nạn nhân của vụ án trên đã được giải oan một cách ngấm ngầm (ví dụ được giải thưởng văn học), trong đó giáo sư Trương Tửu đang được phục hồi danh dự và ghi nhận công lao. Một số người trót dại, hùa theo cường quyền đả kích đồng nghiệp, thoá mạ các thầy dạy mình - nếu còn chút lương tâm – đã nói lên tiếng nói hối hận. Nhưng cũng có người … chẳng cần ăn năn chút gì hết, ví dụ GS Phan Cự Đệ, trước kia là học trò của thầy Trương Tửu. Năm 1956, ông Đệ viết bài sỉ nhục thầy mình, nhưng nay vẫn im lặng… Có lẽ ông Đệ không cần rút lại lời “chửi thầy” vì những thủ phạm đầu sỏ gây oan trái (đang còn nắm quyền lực) chưa có nửa lời chính thức xin lỗi công khai. Còn có lẽ vì ông Đệ đã đào tạo cho đảng những người “tuyệt đối trung thành”, như Tạ Ngọc Tấn (nay là uỷ viên trung ương đảng, tổng biên tập tạp chí Công Sản…
Thế Vinh (sinh viên khoa Văn, Sư Phạm) giới thiệu - lấy từ trang blog Viet-Study http://www.viet-studies.info/
------------------------------
Dưới đây là bài viết năm 1958, của ông “sinh viên mới ra trường Phan Cự Đệ”, thoá mạ thầy mình là GS Trương Tửu (đăng báo Độc lập ngày 10-4-58)
THÁI ĐỘ VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CỦA TRƯƠNG TỬU
Phan Cự Đệ
Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm
http://www.viet-studies.info/TruongTuu/TruongTuu_PhanCuDe.htm
Gần đây, báo chí đã vạch trần những tư tưởng chính trị và văn nghệ phản động của Trương Tửu. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn nói lên ở đây thái độ và phương pháp giảng dạy của Trương Tửu mấy năm qua ở Đại học ảnh hưởng đến nhà trường và sinh viên như thế nào.
Với cương vị một giáo sư ở trường, Trương Tửu luôn luôn tìm cách đả kích vào lãnh đạo, gây bè phái để chia rẽ hàng ngũ giáo sư, sinh viên. Trước mặt sinh viên, Trương Tửu luôn luôn nói xấu, vu khống các giáo sư Đặng Thai Mai, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu là những người có trách nhiệm lãnh đạo ở Đại học. Trương Tửu lại câu kết với một số giáo sư khác để tìm cách gây khó khăn cho ban giám đốc, gây khó khăn cho lãnh đạo. Năm nào Trương Tửu cũng mua chuộc một số sinh viên làm “tay chân” xung quanh mình. Dưới sự giáo dục của Trương Tửu, họ trở thành những kẻ kiêu căng, tự do vô kỷ luật, gây chia rẽ bè phái trong sinh viên, nói xấu cán bộ, nói xấu Đảng (Hầu hết sinh viên tham gia viết “Đất mới” đều là “tay chân” của Trương Tửu).
Năm vừa qua, trong thời gian đi thực tập, Trương Tửu khuyên sinh viên sư phạm cứ giữ vững “lập trường đại học” (tức lập trường Trương Tửu!) chống lại “lập trường phổ thông”, chống lại quan điểm sách giáo khoa của Bộ giáo dục. Kết quả sinh viên về các trường không chịu dạy theo sách giáo khoa, thậm chí có sinh viên công kích sách giáo khoa ngay trước mặt học sinh, gây rất nhiều khó khăn cho lãnh đạo, làm mất đoàn kết với một số giáo sư phổ thông.
Ở lớp, lợi dụng cương vị giáo sư, Trương Tửu đã xuyên tạc văn học sử theo phương pháp suy luận duy tâm chủ quan để bênh vực cho lập trường văn nghệ phản động của mình. Những quan điểm văn nghệ sĩ phải tự do tư tưởng, phải chống đối lại chính quyền, không cần sự lãnh đạo của Đảng cũng có nghệ sĩ thiên tài, luôn luôn được lắp đi lắp lại và lồng vào các giờ lên lớp.
Cần phải nói rõ rằng mấy năm qua, Trương Tửu không hề viết giáo trình cho sinh viên. Lý do chính là vì Trương Tửu là người hay nói bừa bãi, xuyên tạc trắng trợn nên không dám viết, sợ phải chịu trách nhiệm trước “giấy trắng mực đen”! Trong lúc giảng cho lớp Văn 3 vừa qua (giai đoạn văn học 1930-1945), Trương Tửu không chú ý đến thơ văn yêu nước như thơ văn Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, thơ văn cách mạng hồi Xô-viết Nghệ Tĩnh, hồi Mặt trận Bình dân, thơ Tố Hữu, v.v… Trương Tửu chỉ nhấn mạnh và đề cao có Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Nhận định của Trương Tửu về Vũ Trọng Phụng thay đổi như chong chóng qua từng năm học. Khen chê hoàn toàn theo chủ quan của mình. Trong giáo trình (miệng) 1957, Trương Tửu đặc biệt đề rất cao Vũ Trọng Phụng. Một mặt khác, lúc kết hợp giảng về phương pháp hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu đã cố ý hạ thấp vai trò của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Trong giáo trường (a) mấy năm trước, Trương Tửu cho rằng Nguyễn Công Hoan không lúc nào chế riễu mai mỉa kẻ bị áp bức như Vũ Trọng Phụng. Trương Tửu nói: “Toàn bộ văn nghiệp của Nguyễn Công Hoan tố cáo kịch liệt chế độ làm khổ người nghèo lương thiện, văn nghiệp có tính chất cách mạng. Nguyễn Công Hoan là nhà văn phản phong kịch liệt”. Ngay năm ấy Trương Tửu cũng đánh giá Ngô Tất Tố là “phản phong sâu sắc hơn cả” so với các nhà văn hiện thực thời ấy. Nhưng đến năm 1957, Trương Tửu chỉ nhấn mạnh vào tính chất “lạc hậu” của Nguyễn Công Hoan (“Cô giáo Minh”, “Thanh đạm”) mà không nêu ưu điểm của Nguyễn Công Hoan. Ngô Tất Tố không được nhắc tới, Nguyên Hồng bị lu mờ. Trong khi đó chỉ một mình Vũ Trọng Phụng được đề lên rất cao. Trương Tửu cho Vũ Trọng Phụng là một nhà văn chiến đấu cho chủ nghĩa hiện thực, tác phẩm có một nội dung hiện thực rất vĩ đại.
Đặc biệt Trương Tửu đề cao cuốn “Vỡ đê”. Trương Tửu nói ở lớp: “Vũ Trọng Phụng viết ‘Vỡ đê’ là để chứng minh sự thất bại của cải lương chủ nghĩa. ‘Vỡ đê’ là sự tan hoang của cải lương chủ nghĩa trước sức tấn công của giai cấp thống trị”. Nhân vật Phú trong ‘Vỡ đê’ đã đi từ chỗ trôi vào cải lương đến chỗ thấy rõ sự thất bại của cải lương chủ nghĩa. Thế mà, theo Trương Tửu, lúc đó Đảng ta lại chủ trương cải lương chứ không chủ trương đấu tranh cách mạng! (Cần chú ý rằng luận điệu này là luận điệu của bọn Trốt-ky hồi đó). Như vậy tuy không kết luận, Trương Tửu đã làm cho sinh viên thấy Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Điều này phù hợp với lập luận của Trương Tửu trong Giai phẩm cho rằng văn nghệ sĩ có khả năng “phát hiện sự thật toàn diện”, văn nghệ sĩ sáng suốt hơn Đảng, “trong tương lai, văn nghệ sĩ sẽ là chứng nhân mọi hành động của Đảng trước tòa án lịch sử ngàn đời”!
Sự thật, Vũ Trọng Phụng có đáng đề cao như vậy không? Thái độ chính trị của Vũ Trọng Phụng như thế nào? Hiện nay chúng ta chưa đủ tài liệu để kết luận đầy đủ về Vũ Trọng Phụng, nhưng qua một vài biểu hiện về mặt thái độ chính trị, ta thấy Vũ Trọng Phụng không đáng được đề cao quá mức như vậy.
Vũ Trọng Phụng đã nhìn quần chúng với một con mắt mỉa mai, ngòi bút tàn nhẫn không thương xót. Đây là một đoạn trong “Giông tố”: “Trẻ con người lớn đứng xem đen ngòm… Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái đống người tò mò ấy tan tác ra như một đàn ruồi ở sau mông con bò lúc bị cái đuôi bò đập một cái vậy”.
Nhưng có một điều quan trọng là trong một tác phẩm nhan đề “Nhân sự chia rẽ giữa Đệ tam và Đệ tứ” (b) xuất bản ở Sài Gòn năm 1938 (nhà xuất bản Thanh Mậu), Vũ Trọng Phụng đã dựa vào những tài liệu phản động của bọn đế quốc chủ nghĩa và theo luận điệu của bọn Đệ tứ quốc tế để xuyên tạc sự nghiệp cách mạng tháng 10, sự nghiệp của Lê-nin, để đề cao Trốt-ky, phỉ báng Sta-lin.
Vũ Trọng Phụng viết: “Trong khi Lê-nin trốn tránh ở Phần Lan thì Trốt-ky đã ở nhà ra lệnh tổng công kích… Cái giời khởi công sắp đến. Trong hai tuần lễ, Trốt-ky đã tàng trữ khí giới và phân phát cho mọi người, họp đảng viên thành những tốp nhỏ có những kẻ chắc chắn đem đặt các quân đội của mình tại những yếu điểm. Sau cùng theo mật chỉ của Trốt-ky, Lê-nin lại đeo tóc giả, ăn mặc đàn bà, từ Phần Lan về Pê-tờ-rô-grát”.
Thật là một sự xuyên tạc trắng trợn về sự chuẩn bị Cách mạng tháng 10! Vũ Trọng Phụng hạ thấp vai trò của Lê-nin để đề cao Trốt-ky.
Một mặt khác, chúng ta cũng cần xét tại sao năm vừa qua Trương Tửu đề cao Vũ Trọng Phụng hơn các năm trước? Trong mấy năm trước, Nhân văn, Giai phẩm chưa ra đời, tư tưởng chống Đảng tức là chống chế độ, chống chủ nghĩa xã hội của Trương Tửu chưa dám bộc lộ một cách trắng trợn. Năm vừa qua, gặp “cơ hội tốt” ở bên ngoài, Trương Tửu mới ngang nhiên đề hết sức cao Vũ Trọng Phụng để cố tình hạ thấp vai trò các nhà văn đảng viên (như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng).
Cuối cùng, như ở trên đã nói, đề cao Vũ Trọng Phụng, đề cao tác phẩm “Vỡ đê”, Trương Tửu có dụng ý đề quá cao vai trò của văn nghệ sĩ, hạ thấp vai trò của Đảng. Trương Tửu cố làm cho sinh viên hiểu rằng: “Vũ Trọng Phụng có chịu sự lãnh đạo của Đảng đâu, thế mà cũng là nhà văn hiện thực vĩ đại!” Như vậy, theo Trương Tửu, đúng là văn nghệ sĩ sáng suốt hơn Đảng, đứng trên Đảng, có thể “phát hiện sự thật toàn diện” hơn Đảng!
Dụng ý của Trương Tửu trong lúc giảng dạy rất là thâm độc. Có thể nói Trương Tửu đã nhiều lần xuyên tạc giáo trình đề đầu độc tư tưởng của sinh viên. Chỉ qua việc giảng dạy, ta cũng đủ thấy phương pháp nghiên cứu văn học của Trương Tửu là phương pháp duy tâm chủ quan, thích ai thì khen, ghét ai thì chê, hoàn toàn theo ý muốn cá nhân của mình. Về thái độ chính trị thì đó là chủ nghĩa cơ hội, phản động, lợi dụng thời cơ để phất cờ, hôm nay nói thế này, mai nói thế khác một cách rất giáo giở.
Với một lập trường chính trị phản động, thù địch với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, với những quan điểm văn nghệ tư sản lỗi thời, với một phương pháp giảng dạy hoàn toàn duy tâm chủ quan, cơ hội, chúng ta có thể kết luận rằng: trong mấy năm qua, Trương Tửu đã tỏ ra không xứng đáng một tý nào với cương vị giáo sư một trường Đại học của chế độ ta, một chế độ tốt đẹp đang tiến dần lên xã hội chủ nghĩa.
● Nguồn: (báo) Độc lập, Hà Nội, s. 354 (10.4.1958), tr. 3.
(a) Chỗ này có lẽ ở báo gốc có lỗi in, có thể dạng đúng là “giáo trình” (Lại Nguyên Ân chú)
(b) Bài báo dài của Vũ Trọng Phụng nhan đề “Nhân sự chia rẽ của Đệ Tam và Đệ Tứ, ta thử ngó lại cuộc cánh mệnh cộng sản ở Nga từ lúc khởi thủy cho đến ngày nay” thoạt đầu đăng “Đông Dương tạp chí” trong tháng 9 và tháng 10/1937, khi Vũ Trọng Phụng là thư ký tòa soạn phần tiếng Việt của tạp chí này; sau đó, H.V.T. (= Huỳnh Văn Tài) đem in thành sách riêng tại nhà in Thanh Mậu, Sài Gòn, 1938, 28 trang 14×20 cm. (L. N. A. chú).
-----------------------------------------------------------
Dưới đây là bài viết của ông PGS TS Tạ Ngọc Tấn, tự nhân là học trò của ông thầy “từng chửi thầy” Phân Cự Đệ
Nhớ mãi một người thầy mẫu mực
PGS TS Tạ Ngọc Tấn
Cập nhật 11:16 ngày 26-12-2008
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=41&sub=74&article=137876
ND - Hơn một năm trước, tôi đang đi công tác phía nam thì nghe tin thầy Phan Cự Ðệ mất. Thế là còn bao nhiêu kế hoạch, dự định khoa học và hoạt động xã hội thầy không kịp thực hiện nữa. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, những gì thầy đã làm và nhất là nhân cách mẫu mực của thầy sẽ còn mãi với thời gian, sẽ là niềm tự hào của tôi cùng bao học trò ngưỡng mộ thầy, được thầy dạy dỗ trên giảng đường cũng như trong những tác phẩm.
Cuối tháng 9 năm 1971, tôi trở thành sinh viên ngành Văn học, khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Ðối với lớp sinh viên chúng tôi bấy giờ, cùng với niềm tự hào về truyền thống của khoa, của trường, đương nhiên còn có niềm tự hào về những người thầy mà tên tuổi đã rất nổi tiếng trong xã hội. Trong số những người thầy của Khoa Ngữ văn thời ấy mà tôi rất ngưỡng mộ và trân trọng có Giáo sư Phan Cự Ðệ.
Tuy nhiên, giấc mộng sinh viên văn - Ðại học Tổng hợp Hà Nội của tôi đã không trọn vẹn. Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ quay trở lại đánh phá miền bắc bằng không quân. Một tháng sau, tôi có mặt trong số 39 sinh viên Khoa Ngữ văn lên đường nhập ngũ. Cùng nhập ngũ một ngày với tôi còn có anh Dương Xuân Nam, lúc đó là sinh viên năm cuối và sau này trở thành Tổng Biên tập Báo Tiền Phong. “Xếp bút nghiên” lên đường đánh giặc đương nhiên là niềm tự hào lớn của chúng tôi. Song, trong mỗi người cũng không phải không có một chút bâng khuâng, tiếc nuối, trong đó có việc chưa được học những giờ giảng của những người thầy mà mình hằng ngưỡng mộ như thầy Phan Cự Ðệ cùng nhiều thầy khác.
Sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tôi chuyển sang học tập và làm việc ở một chuyên ngành mới, chuyên ngành báo chí. Phần lớn thời gian từ sau khi tốt nghiệp Ðại học báo chí, tôi làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo người làm báo. Công việc ấy không cho phép tôi có dịp được gặp gỡ, làm việc trực tiếp với thầy Phan Cự Ðệ, nhưng nó lại đòi hỏi tôi luôn phải nghiên cứu các tác phẩm của thầy.
Do đặc điểm vận động và phát triển của báo chí và văn học nước ta thời kỳ cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nên hai lĩnh vực này có mối quan hệ rất gần gũi với nhau, thậm chí tác động ảnh hưởng lẫn nhau về nhiều phương diện. Vì thế, những bộ sách lớn của thầy Phan Cự Ðệ như: “Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 - 1945)”, “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” - 2 tập, “Nhà văn Việt Nam (1945 - 1975)” - viết chung với thầy Hà Minh Ðức, v.v. là loại sách không thể thiếu trên giá sách của tôi. Thực ra, sách của thầy viết về các vấn đề văn học nhưng cũng có rất nhiều tư liệu, thông tin về báo chí hay liên quan đến báo chí, nhiều cứ liệu để có thể so sánh, làm rõ những chi tiết về lịch sử báo chí.
Cuối năm 2002, khi tôi đang làm Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Cao Ðắc Ðiểm tìm đến gặp và mời tôi tham gia góp ý cho nội dung đề tài nghiên cứu về di sản báo chí của Ngô Tất Tố. Anh Ðiểm cho tôi biết, chủ nhiệm đề tài là Giáo sư, Viện sĩ Phan Cự Ðệ. Cũng trong câu chuyện, tôi được biết, Tiến sĩ Cao Ðắc Ðiểm là con rể cụ Ngô Tất Tố. Sau này, nhiều lần, anh Ðiểm còn đưa cả chị Ngô Thị Thanh Lịch cùng đến gặp tôi bàn về chuyện nghiên cứu, khai thác di sản báo chí của cụ Ngô Tất Tố.
Tôi khoe với anh Ðiểm rằng, Giáo sư Phan Cự Ðệ là thầy của tôi và thầy Ðệ làm chủ nhiệm đề tài thì bảo đảm chắc chắn cả về chất lượng khoa học và tiến độ thời gian. Tôi hứa sẽ cố gắng nghiên cứu và đóng góp những gì tôi biết về lĩnh vực báo chí liên quan đến đề tài. Tôi bộc bạch với anh Ðiểm rằng, thực ra thì trước đó, tôi đã có nghiên cứu và viết về tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, nên ngoài những gì liên quan đến di sản văn học của cụ, tôi cũng rất ngưỡng mộ tài viết tiểu phẩm của cụ. Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ là người học trò của thầy Phan Cự Ðệ trong lĩnh vực nghiên cứu về Ngô Tất Tố nói riêng, và về văn học và báo chí nói chung. Vì thế, tôi cũng không dám chắc có thể góp ý được gì vào đề tài này.
Trong Hội đồng nghiệm thu đề tài về di sản báo chí Ngô Tất Tố do Giáo sư Phùng Hữu Phú làm Chủ tịch, tôi lại được chọn làm người phản biện thứ nhất. Tôi nhớ là thầy Phan Cự Ðệ đã rất chú ý lắng nghe, nhất là những ý kiến mà tôi chưa tán thành với một vài chi tiết trong đề tài. Tất nhiên đó chỉ là những chi tiết nhỏ có liên quan đến nội dung về báo chí.
Sau cuộc nghiệm thu kết thúc thầy Phan Cự Ðệ tìm gặp tôi ở ngoài hành lang phòng họp. Thầy bảo, thầy rất lắng nghe và đồng tình với những ý kiến của tôi. Thầy muốn rằng sau này, khi triển khai giai đoạn mới nghiên cứu về Ngô Tất Tố, nhất là những gì liên quan đến báo chí, tôi sẽ cùng tham gia. Quả thật, lúc đó tôi rất xúc động và càng cảm phục thầy ở thái độ chân thành và sự khiêm nhường. Không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận những ý kiến khác với mình, nhất là trong trường hợp của người thầy tài năng và đã quá nổi tiếng với một người học trò cũ của mình. Chính đức tính khiêm nhường ấy càng làm cho tôi thêm nể phục, thêm trân trọng và yêu quý thầy!
Hơn hai năm được làm việc với thầy Phan Cự Ðệ là thời gian tôi có dịp gần gũi, học hỏi những kinh nghiệm về hoạt động khoa học và cảm nhận được nhiều điều ở người thầy mà từ lâu tôi hằng kính phục. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện, thầy có nhắc đến nhiều nhà văn, nhà thơ, cán bộ lãnh đạo Ðảng, Nhà nước mà thầy đã từng gặp gỡ, làm việc. Trong những câu chuyện đó, có khi thầy khen, có những ý thầy chưa đồng tình, có những chi tiết vui về một thói quen, một tính nết hay về một sự nhầm lẫn bất ngờ nào đó, nhưng trong cách nói hóm hỉnh của thầy, không bao giờ có ác ý, có sự coi thường. Thầy có thể gọi các đồng chí lãnh đạo, các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học là “cụ”, là “ông”, nhưng từ nội dung đến lời nói bao giờ cũng thể hiện sự trân trọng và thái độ khiêm tốn.
Thầy Ðệ là người rất quan tâm, chu đáo với mọi người. Có hôm, thầy gọi điện hỏi thăm tình hình công việc của tôi. Thầy động viên tôi cố gắng phấn đấu vì có điều kiện tốt về chuyên môn mà tuổi còn trẻ. Khi anh Xuân Trình (lúc đó đang là Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới) bị tai biến não, thầy cứ phàn nàn mãi là vì biết tin muộn nên không đến bệnh viện thăm được. Hôm anh Xuân Trình mới ra viện về nhà, thầy, anh Ðiểm và tôi đến thăm. Lúc ra về, thầy cứ thương anh Xuân Trình còn trẻ thế mà đã mắc bệnh nặng, không biết có phục hồi được không.
Tôi còn nhớ, hôm Hội đồng khoa học họp xét duyệt các đề tài khoa học thuộc chương trình nghiên cứu khoa học về các di sản văn hóa và danh nhân Hà Nội, một số thành viên trong Hội đồng không ủng hộ đề tài giai đoạn hai nghiên cứu di sản báo chí của Ngô Tất Tố do thầy Ðệ làm chủ nhiệm, với lý do chủ yếu là tên đề tài không mới so với đề tài giai đoạn một. Có điều hơi khó hiểu là có thành viên đã rất khen đề tài này khi làm việc trực tiếp với chủ nhiệm đề tài để chuẩn bị bảo vệ, nhưng khi ra Hội đồng lại phản đối hoặc im lặng không nói gì. Tất nhiên là đề tài vẫn được thông qua, nhưng qua vẻ mặt tôi biết thầy vẫn buồn.
Mấy hôm sau khi gặp lại để chuẩn bị triển khai thực hiện đề tài, thầy phàn nàn với tôi, đại ý: Các cụ trong Hội đồng nghĩ oan cho đề tài vì cái mới của nó là việc mở rộng nội dung vấn đề nghiên cứu thể hiện trong nhiệm vụ nghiên cứu, còn cái tên thì đương nhiên là không mới vì không khác đi được. Tuy nhiên, điều ấy có thể hiểu. Cái không thể hiểu là có cái gì đó không thật lòng hoặc hơi vụ lợi trong phát biểu của một vài nhà khoa học trong Hội đồng. Khoa học không thể còn là khoa học nếu không trung thực!
Tôi cứ suy ngẫm mãi về lời kết trong câu chuyện vừa rồi. Sự trung thực đã thật sự như một châm ngôn, một điều tâm huyết sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học của thầy Ðệ. Và có lẽ nó cũng là bài học được kết tinh từ cả một cuộc đời nếm trải gian nan để tới được vinh quang; từ nỗi vất vả của người thanh niên Phan Cự Ðệ - con nhà nghèo làng Quỳnh Ðôi, từng cuốc đất, dạy học thuê, bán sách thuê… đổi lấy miếng ăn để theo sự học hành, đến khi thành đạt, trở thành Giáo sư, Viện sĩ Phan Cự Ðệ. Và có lẽ, đó cũng là bài học không bao giờ cũ cho chúng tôi, những thế hệ học trò của thầy!
Một lần, nhân có việc muốn hỏi ý kiến về đề tài, tôi đến thăm thầy Ðệ ở phòng làm việc trên tầng sáu tòa nhà của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trên bàn làm việc của thầy bề bộn tài liệu. Ðây là thời gian thầy cũng đang hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản bộ sách đồ sộ “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”, và chủ trì đề tài giai đoạn hai về di sản báo chí Ngô Tất Tố. Tôi thầm hỏi, không biết một người đã ngoài thất thập, cái tuổi “xưa nay hiếm” như thầy lấy đâu ra thời gian và sức lực để cùng một lúc làm bấy nhiêu công việc.
Tôi đem cái điều tâm sự ấy bộc bạch với thầy. Thầy Ðệ nói với tôi với vẻ mặt gợn chút đăm chiêu: “Phải cố thôi ông ạ! Mình còn nhiều việc cần làm và muốn làm lắm, nhưng tuổi đã già mất rồi. Ðến cái tuổi thất thập rồi, mình cảm giác thời gian của mình không còn nhiều nữa, vì thế phải lo tập trung chạy đua với thời gian để làm việc !”.
Tạ Ngọc Tấn
Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
------------------------------
Hồ sơ TRƯƠNG TỬU
Do Vietstudy đang thiết lập
Con người và sự nghiệp Trương Tửu: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ — TS Nguyễn Thị Bình
Cần tiếp cận nghiên cứu một cách bài bản đối với Trương Tửu
như một tác gia và như một nhân vật văn hóa-lịch sử - Lại Nguyên Ân
GS Trương Tửu: Người đào tạo số mệnh cho chính mình – Kiều Mai Sơn
Một vài điều ít được nhắc lại về nhà phê bình Trương Tửu — Phan Ngọc
Với thầy Trương Tửu — Ninh Viết Giao
Bản lĩnh và cá tính phê bình Trương Tửu — Hoài Nam
Phương diện lí thuyết của “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu — Trịnh Bá Đĩnh
Đôi điều về cuốn sách Tương Lai Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Trương Tửu - Nguyễn Đình Chú
Thái độ và phương pháp giảng dạy của Trương Tửu - Phan Cự Đệ
No comments:
Post a Comment