Saturday, January 3, 2009

DÂN BIỂU JOSEPH CAO - ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

Ước Mơ Trở Thành Hiện Thực
Nguyễn Minh Tâm dịch ngày 2/1/09
Thứ Sáu, ngày 2 tháng 1 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090102_03.htm
• Nhật Báo Washington Post, số ra ngày 30 tháng 12 năm 2008 đăng một bài phân tích về sự thành công của Dân Biểu Joseph Cao Quang Ánh của Ký Giả Neely Tucket. Nhận thấy bài viết rất sâu sắc, và chi tiết. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây.

Ước Mơ Trở Thành Hiện Thực
The Possible Dream

Louisiana's Historic New Congressman Seems to Surprise Everyone but Himself
By Neely Tucker
Washington Post Staff Writer
• Mọi người đều ngạc nhiên về sự kiện làm nên lịch sử của vị Dân Biểu mới đắc cử ở Louisiana. Riêng đối với ông ta đó là kết quả của một quá trình tranh đấu lâu dài.

NEW ORLEANS: Ông Joseph Cao, tức ông Cao Quang Ánh “Joseph”, vị dân biểu mới nhất của Quốc Hội Hoa Kỳ, còn có mỹ danh là “Mr. Upset”, “Người Gây Kinh Ngạc”. Vâng, ông là một người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ Viện, hay Thượng Viện Hoa Kỳ, và ông cũng là người theo đảng Cộng Hoà đầu tiên đắc cử Dân Biểu Quốc Hội đơn vị 2nd Congressional District, tính từ ngày nghệ sĩ thổi kèn trứ danh Louis Amstrong chào đời. Ông sẽ từ miền kinh rạch nước Mỹ đi về thủ đô Hoa Thịnh Đốn làm Dân Biểu Quốc Hội, đại diện cho dân cư ở đây. Câu chuyện về cuộc đời của ông Cao Quang Ánh là câu chuyện của một chủng sinh dòng Jesuit,người từng sống trong vùng nghèo khổ nhất ở Mễ Tây Cơ cách đây 20 năm, và cũng là người đã từng trải qua những giai đoạn khủng hoảng về đức tin.
Ông là người đã có những giây phút xuống tinh thần đến cùng cực, ông tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại để cho loài người phải chịu nhiều nỗi thống khổ như vậy, và chính từ giai đoạn khủng hoảng đức tin đó, ông đã làm một bước nhảy vọt, vượt ra khỏi sự khủng hoảng này, để có thể cứu rỗi chúng sinh.
Ông hỏi tôi: “Có bao giờ bà đọc sách của triết gia Kierkegaard chưa?”
Tôi ấp úng trả lời: “Ờ! Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như ông ta là một triết gia Đan Mạch hồi thế kỷ thứ 19, nhưng “Sự Sợ Hãi và Run Rẩy” (Tên tác phẩm của triết gia này) không có chỗ đứng tại bàn cà phê nơi tôi đang được hầu chuyện cùng ông Cao.
“Kierkegaard kể lại câu chuyện về một người, anh ta trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc sống. Có lần anh bị xuống tinh thần đến tột độ. Anh phải làm cái điều mà triết gia Kierkegaard gọi là bước nhảy vọt của đức tin. Vâng, trên hành trình của cuộc đời, có đôi lúc bạn rơi vào tình trạng bất an kinh khủng, bạn phải quyết định đánh liều làm một bước nhảy vọt.”.
“Đó chính là hoàn cảnh của tôi khi tôi còn ở Mễ Tây Cơ. Dạo ấy tôi phải làm việc trong hoàn cảnh hết sức cơ hàn, và tôi lại muốn thực hiện những cải cách xã hội. Cuối cùng, sau khỏang thời gian hai hay ba năm phục vụ ở đây, tôi nghiệm thấy rằng muốn thực hiện cải cách xã hội, tôi phải đi làm việc trong một chức vụ công quyền. Và tôi cũng nghiệm ra rằng mình cần phải lập gia đình, sống cuộc đời độc thân cô đơn quá. Vì thế, tôi tự vẽ ra trong đầu kế hoạch tham gia hoạt động chính trị. Nhưng muốn làm điều ấy, tôi sẽ phải làm một sự đoạn tuyệt khá đau lòng. Có nghĩa là tôi sẽ phải trả lại áo nhà dòng, và tôi sẽ phải bắt đầu cuộc đời mới lại từ đầu. Tôi sẽ phải làm một quyết định nhảy vọt về đức tin của mình.”.
Ông Cao năm nay được 41 tuổi. Ông ăn nói nhỏ nhẹ. Mái tóc đen, và dầy của ông lúc nào cũng được chải mượt mà. Nghề nghiệp gần đây nhất của ông là Luật Sư chuyên về Di Trú và tai nạn gây thương tích. Dáng người ông nhỏ bé, ông chỉ cao khoảng 1 m 55 (5 feet 2 inches). Ngâm người cho ướt sũng nước, ông mới chỉ nặng được độ 125 pounds. Ông là người chịu khó lắng nghe người khác. Ông hay mỉm cười, song không phải lúc nào cũng cười. Mỗi sáng, ông chạy bộ 5 miles trước khi mặt trời mọc.
Ông kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời của ông bằng một thứ tiếng Anh trôi chảy, ít pha âm hưởng tiếng nước ngoài, khiến chúng tôi nhớ lại rằng hồi còn bé, ông đã được bốc đi khỏi Saigon bằng máy bay khoảng “hai hay ba ngày” trước khi thành phố này bị rơi vào tay của quân cộng sản.
Ông kể sơ lược một vài giai đoạn gian khổ khác trong cuộc đời của ông như sau: Hồi mới đến tiểu bang Indiana tị nạn, không có cha mẹ ở bên cạnh, ông là một cậu bé 8 tuổi ngơ ngáo, hoảng hốt, lại còn không biết một chữ tiếng Anh; rồi đến giai đoạn rời khỏi chủng viện vào năm 1996, lái chiếc xe Honda Accord cũ xì, phong trần để đến nhà người chị ở tận Falls Church, trong túi chỉ có $20 đô la, kèm theo đức tin, lòng cương quyết, cùng với vốn trí thức trong người. (Đấy là chưa kể vụ trận bão Katrina đã làm tiêu tan căn nhà của ông ở New Orleans hồi năm 2005).
Đến ngày hôm nay với chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử đánh bại ông dân biểu kỳ cựu William Jefferson. Ông này có hỗn danh là “Cold Cash” hay sư phụ chuyên dấu tiền hối lộ trong tủ lạnh. Ông ta mang tội dấu $90,000 đô la tiền mặt trong ngăn đá của tủ lạnh nhà ông. Số tiền hối lộ bằng giấy “xăng” đã bị đánh dấu từ trước, chưa kể rất nhiều thành tích tham nhũng khác. Ông Cao không lấy làm ngạc nhiên trước chiến thắng của mình.
Ông đã ra tranh cử từ hơn 10 năm nay. Song dân chúng chỉ mới nhận ra điều này cách đây vài tuần.
Ông Eddie White, một người thợ điện hồi hưu, có một cửa hàng bán cá ở dưới mé sông gần nhà ông Cao, kể lại rằng: “Lúc đầu chẳng ai thèm cho ông ta cơ hội đắc cử. Thế rồi bỗng nhiên, cơ may lại đến với ông. Nó giống như một giấc mơ, chúng ta thường gọi là American dream, hay giấc mơ khi lập nghiệp ở Mỹ.”.

Sự tôi luyện để thành Người

Nếu nước Mỹ là mảnh đất để thực hiện những điều mơ ước hồi thời năm 1975, thì phải nói ước mơ đó là chỉ là chuyện hoang tưởng cho một cậu bé người Việt hiếu học, khi cậu bước chân ra khỏi máy bay
Quê hương của cậu đã sụp đổ, gia đình của cậu bị phân tán. Khi quân cộng sản tràn vào Saigon, mẹ cậu dắt tay cậu, cùng với một đưá em trai, và một bà chị gái ra phi trường gởi gấm bà dì đem các cháu lên máy bay chạy giặc. Bà dì này chăm sóc lũ cháu đưa đến đảo Guam là hết. Đưá em trai được gởi theo cho gia đình bà dì, người chị được gởi cho một gia đình Mỹ ở Florida nhận làm con nuôi. Còn Cao Quang Ánh đi theo người cậu độc thân về sống ở thành phố Goshen, tiểu bang Indiana.
Cha của ông Cao Quang Ánh là một sĩ quan của miền Nam. Ông bị chế độ mới bắt, và đem đi trại cải tạo ở tù hết bảy năm. Mẹ của ông và năm người anh em còn kẹt lại ở Việt Nam. (Một cô em gái, sau đó bị chết vì đụng xe. Phải mất nhiều năm sau gia đình mới được đoàn tụ sang Hoa Kỳ.)
Bà Trần Thanh, người chị của ông Cao, chính là cô gái ngày trước được gia đình Mỹ ở Florida nhận làm con nuôi, bây giờ sống ở Falls Church, kể lại rằng: “Nói một cách vắn tắt là anh chị em chúng tôi không có tuổi thơ.”
Ở thành phố Goshen, cậu của ông Cao đi làm cho tiệm McDonald vào ban đêm. Hai cậu cháu sống trong một apartment ở tầng trệt basement. Cửa sổ căn phòng sát mí lề đường. Về mùa đông, khí hậu mới thê lương làm sao. Đuờng xá phủ tuyết ngập trời, cành cây bị gió thổi gẫy kêu xào xạc, bão táp, bóng tối. Tất cả làm cho cậu bé nhớ đến những con ma rùng rợn kể trong truyện cổ tích của Việt Nam.
Ông Cao nhớ lại: “Hồi đó tôi sợ lắm.”
Đến trường đi học, nhà trường không có lớp ESL, nên họ bèn để cậu bé tám tuổi học chung với bọn học sinh lớp một để học tiếng Anh. Hàng ngày cậu Cao chỉ biết cầu nguyện, và ước mong sau này sẽ trở thành một linh mục Công Giáo. Cậu bé cũng nhận việc đi bỏ báo hàng ngày để có chút tiền xài. Nhờ đó, cậu bé có thêm bạn bè, và cậu lại đâm ra thích chơi với tuyết.
Sau khi người cậu lấy vợ, ông Cao dọn sang Houston sống với thân nhân, những người mới được sang Hoa Kỳ định cư theo diện đoàn tụ. Ông Cao tốt nghiệp văn bằng cử nhân về vật lý từ trường đại học Baylor, trước khi ông xin vào chủng viện Society of Jesus vào năm 1990. Chủng viện này là phân nhánh của dòng tu Jesuit (dòng Đa Minh). Nhà dòng này có một lịch sử dài hơn 468 năm, đòi hỏi những người phục vụ nhà Chúa phải sống trong nghèo hèn, thanh bần, và tuân phục. Điều kiện tối thượng là phải phát huy công bằng, công lý. Lúc bấy giờ ông Cao mới được 24 tuổi, và nhà dòng gởi ông sang phục vụ tại khu vực nghèo khổ bên Mễ Tây Cơ. Chính tại đây, trong bầu nhiệt huyết hăng say của tuổi trẻ, và đức tin, ông Cao băn khoăn tự hỏi không hiểu cuộc sống trầm mặc như vậy có đủ để giúp người đời hay không, và cậu cũng thắc mắc không hiểu Thiên Chúa có làm đủ để cứu rỗi những đau khổ của con người đang diễn ra trên thế giới hay không? Tiếp tục con đuờng mục vụ, ông Cao được gởi đi học thêm, hay làm việc ở New Orleans, rồi Montgomey ở Alabama và cả Washington. Ông cũng được gởi sang Hồng Kông và Trung Hoa để làm công tác truyền đạo. Ông học thêm để lấy văn bằng Cao Học tại trường Fordham University ở New York. Ông quanh trở về New Orleans dạy học tại trường đại học Loyola University, một trường của dòng Jesuits. Đi đến đâu ông cũng phải tranh đấu với nỗi băn khoăn trong lòng, “cả một biển trời hoài nghi”.
Năm 1996, ông Cao phác hoạ kế hoạch thay đổi chiếu hướng hoạt động của đời mình: Ông sẽ xin ra khỏi chủng viện, song vẫn giữ đức tin của mình. Ông sẽ lập gia đình. Ông sẽ đi xây dựng sự công bằng xã hội đúng như lời kêu gọi của dòng Jesuit, song ông sẽ thực hiện cầu điều ấy qua hình thức thế quyền, tức là những hoạt động chính trị.
Bước ra khỏi nhà dòng, ông gặp ngay tình trạng xuống tinh thần tột độ, đúng như sự phân tích của triết gia Kieregaard, và lần này thì thực tế hơn: Ông tâm sự: “Việc đầu tiên tôi phải làm là đi tìm một việc làm để mưu sinh. Tôi không có một đồng xu dính túi.”
Về sống với bà chị ở Falls Church, ông xin dạy lớp giáo lý cho học sinh cấp hai của trường công giáo St. Agnes School trong vùng Arlington trong một năm. Trong lúc đó, ông chuẩn bị bài vở để thi vào trường Luật. Ông cũng làm công tác thiện nguyện cho tổ chức Boat People SOS, một tổ chức bênh vực cho người tị nạn Việt Nam.
Chị của ông nói: “Cậu ấy chỉ biết làm việc để giúp những người nghèo khổ.”.
Một năm sau, ông Cao quanh trở vào trường Loyola để học Luật. Tại đây ông phục vụ cho nhà thờ Đức Mẹ Maria của Viêt Nam, một họ đạo hướng dẫn tinh thần cho cộng đồng người Việt trong vùng đông New Orleans. Ông gặp cô Hoàng Hiếu, tên Mỹ của cô là “Kate”, một sinh viên ngành Dược Khoa, trước đây là học trò của ông trong lớp vấn đáp về giáo lý. Lúc đó cô đang theo học trong trường Louisiana State University, ở tỉnh Baton Rouge cách khoảng 90 phút lái xe.Cô Hiếu kể lại là cứ cuối tuần ông Cao lái xe lên trường tìm cô, hai người đi lễ nhà thờ, rồi đi ăn trưa chung với nhau.
Đôi uyên ương thành hôn vào năm 2001, nhưng cô từ chối không chịu mang tên họ của ông Cao. Cô mỉm cười giaỉ thích : chữ Cao trong tiếng Việt có nghĩa là người có dáng cao lớn, nhưng cả hai chúng tôi chẳng có ai cao lớn cả. Vì thế cô Hiếu vẫn giữ họ Hoàng của cô.
Hai vợ chồng tậu một căn nhà ở khu Venetian Isles, một khu gia cư trông ra bờ nước, cách khu phố chính của New Orleans chừng 20 dặm. Ông Cao bắt đầu hành nghề luật sư. Sau đó, làm chủ một văn phòng luật riêng của mình. Cô Hoàng Hiếu làm dược sĩ cho cửa hàng Walgreens. Cháu gái đầu lòng Sophia sinh ra năm 2003, và cháu Betsy sanh vào năm kế tiếp.
Ông Cao không theo đuổi sự nghiệp chính trị. Nếu ông cứ tiếp tục xây dựng sự nghiệp xã hội qua con đường chuyên môn thì chắc chẳng có ai ở New Orleans hay các tổ chức cộng đồng của người Mỹ gốc Việt trên khắp nước biết đến ông Cao.Nhưng rồi con gió đổi chiều

Trận Bão Làm Thay Đổi Tất Cả

Cuộc sống ở New Orleans được chia rõ rệt ra làm hai thời kỳ: trước và sau khi trận bão Katrina xảy ra.
Hồi thời trước khi trận bão Katrina tàn phá thành phố, New Orleans có đời sống hết sức thoải mái, dễ dàng, nên còn có tên là Big Easy. Thành phố nổi tiếng với điệu nhạc Jazz du dương dìu dặt, những hộp đêm , quán rượu trong khu French Quarter. Về mặt chính trị, thì thôi khỏi chê. Chuyện tham nhũng, hối lộ thì ê hề, bất tận, người ta nhận hối lộ một cách vui vẻ,lộ liễu, công khai.
Sau khi trận bão Katrina xảy ra, dân số thành phố mất đi hơn một nửa, đang từ 460,000 dân, chỉ còn có khoảng 190,000 dân. (Hiện nay, dân số tăng lên được khoảng 320,000 người). Viện trưởng trường đại học University of New Orleans cho biết sĩ số sinh viên theo học hồi trước Katrina là 18,000 sinh viên, đến nay chỉ còn có 11,500 sinh viên. Nhà trường mất đi khoảng $20 triệu đô la lợi tức mỗi năm. Phi trường của thành phố trước đây có 9,250 nhân viên mang phù hiệu, nay chỉ còn có 4,968 người.
Nhưng khối dân người Việt trong thành phố trước đây có khỏang 15,000 người, phần lớn sống trong khu phía đông của thành phố New Orleans đã rủ nhau trở về hàng loạt để xây dựng lại cuộc sống mới từ đầu. Khoảng 95% dân số người Việt đều đã quanh trở lại thành phố. Họ bắt tay xây dựng lại từ đầu: họ sửa lại những căn nhà kiểu ranch-style bị phá huỷ, họ dựng lại tượng Đức Mẹ Maria trong sân trước cửa nhà. Họ mở lại cửa hàng buôn bán giữa khu vực sặc mùi sulfur do nhà máy gần đó thải ra, hay những đám sương mù dầy đặc thổi từ mặt nước ngoài biển vào.
Vì thế, khi thành phố lập ra bãi đổ rác ngay trong khu xóm của người Việt vào tháng Hai năm 2006, làm cho cư dân ở đây hết sức phẫn nộ. Họ thành lập một nhóm tranh đấu, hủy bỏ kế hoạch lập bãi rác. Ông Cao nhảy vào cuộc tranh đấu, góp ý kiến hướng dẫn và chiến thuật đấu tranh hợp pháp cho nhóm người tranh đấu. Chính vào lúc đó, Dân Biểu Mike Honda, ( Dân Chủ, California), chủ tịch Đại Biểu Á Châu Thái Bình Dương tại Quốc Hội đến gặp gỡ dân chúng tại nhà thờ. Ông khuyên cộng đồng người Việt nên dấn thân tham dự vào sinh hoạt chính trị để bảo vệ quyền lợi của mình.
Linh mục Nguyễn Thế Viên, cha xứ của nhà thờ, nhớ lại ngày hôm đó chính ông Cao đã giơ tay xin tình nguyện làm việc này: “Joseph đưa tay anh ta lên và nói rằng anh sẽ tranh cử chức dân biểu của tiểu bang. Trước khi trận bão Katrina xảy ra, chuyện ra ứng cử đối với chúng tôi nghe ra có vẻ đáng ngại lắm. Nhưng sau vụ Katrina, chúng tôi thấy mình có khả năng làm nên chuyện. Không phải chỉ nhóm dân gốc Việt mà thôi, mà cho cả mọi người ở Louisiana. Ông Bobby Jindal một người Ấn Độ được bầu lên làm Thống Đốc. Hơn thế nữa, chúng tôi đã bị người ta hiếp đáp qúa thể, chịu không nổi được nữa. Anh Joseph đứng lên xung phong để tìm cách sửa chữa những sai quấy này.”
Cuôc đấu tranh phản đối thành công – bãi rác bị dẹp bỏ - nhưng cuộc vận động tranh cử bị thất bại. Ông Cao tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, có sáu ứng cử viên, ông Cao về hạng năm. Bà Hoàng nhớ lại là ông Cao phải đi gõ cửa từng nhà cử tri để xin họ bỏ phiếu cho mình. Ông Cao cũng được người em giúp lập ra một website riêng cho ông lúc ra tranh cử.
Cô nhận xét: “Ông ấy thất cử vì chẳng có ai ủng hộ, tiếp tay cả.”
Nhưng cuộc vận động tranh cử của ông Cao được ông Bryan Wagner để ý. Ông này là đại diện cho đảng Cộng Hoà, và là một cựu Nghị Viên trong thành phố. Ông Wagner là một mẫu người miền Nam điển hình – dáng mập mạp, với mái tóc trắng mầu bạch kim-. Ông nhận thấy ở ông Cao một con người thủy chung, lúc nào cũng nhiệt tình giúp cho cộng đồng kể từ sau trận bão Katrina. Ông tìm cách thuyết phục ông Cao gia nhập đảng Cộng Hòa., và giúp ông Cao tham dự hội đồng đại biểu cấp lãnh đạo Đảng trong phạm vi tiểu bang. Qua đến mùa hè, ông Wagner tin chắc ông Cao sẽ được đảng Cộng Hòa chọn làm đại biểu để ra tranh cử với ông Jefferson, một dân biểu có rất nhiều tiếng xấu. Ông Wagner giới thiệu ông Cao với đại hội toàn quốc của đảng Cộng Hòa vào hồi tháng Chín, và giúp ông Cao gây qũi, xin được $200,000 để ra tranh cử.
Nhưng như một tờ báo điạ phương nói thẳng ra, ông Jefferson tuy bị nhiều tai tiếng song vẫn là “cục cưng trong hạn chế” của cử tri Da Đen. Ông ta từng giữ chức dân biểu trong 18 năm. Ông là ứng cử viên Da Đen đầu tiên ở điạ phương sau thời kỳ Tái Thiết miền Nam, và hơn 60% dân số trong thành phố lại là người Da Đen. Ngoài ra, ông còn thuộc đảng Dân Chủ, một đảng đã nắm ghế dân biểu này trong hơn một thế kỷ nay.
Ông Jefferson là ứng cử viên Dân Chủ có số phiếu cao nhất trong kỳ tranh cử vòng loại. Ông thắng khá dễ dàng để trở thành ứng cử viên trong vòng nhì tổ chức vào tháng 11.
Nhưng rồi trận bão Gustav làm cho lịch trình bầu cử phải hoãn lại một tháng. Uy tín của ông Jefferson bị xuống nhanh vì những chuyện xấu xa ông từng làm, và ông cũng cạn tiền vận động tranh cử.
Trong thời gian đảng Dân Chủ còn tranh nhau trong vòng loại, ông Cao và ông Wagner giữ thái độ án binh bất động, hầu như không vận động gì cả, chờ xem ứng cử viên Dân Chủ nào sẽ ra tranh với ông Cao. Bây giờ biết ai là ứng cử viên của đảng Dân Chủ, họ mới ra tay đánh. Họ dùng nhiều tiền đổ vào ngành truyền thông , quảng cáo, với rất nhiều biểu ngữ được trưng lên trong khắp thành phố. Ông Cao nói chuyện về đề tài đạo đức trong guồng máy chính quyền, và làm cách nào để bảo vệ đê, chống lũ lụt. Ông đề cập đến phẩm chất lương thiện của người làm chính trị. Ông được nhật báo điạ phương bảo trợ. Ông cũng nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật trong đảng Dân Chủ như bà Helena Moreno, người thua ông Jefferson sát nút, và bà Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Jacquelyn Brechtel Clarkson, một người chủ trương phải có một chính quyền thành phố lương hảo.
Ông Wagner vắn tắt nhận định về cuộc tranh cử như sau: Đơn vị 2nd District chẳng bị mất mát gì nếu như họ có một dân biểu theo đảng Cộng Hoà và thuộc khuynh hướng bảo thủ, trong lúc đó ông cựu dân biểu Jefferson thì quá bê bối, ông ta bị tai tiếng không thua gì tên sát nhân hàng loạt Jeffrey Dahmer.Kết quả sau cùng là: Ông Cao được 33,122 phiếu, ông Jefferson được 31,296 phiếu.
Anh chàng chủng sinh của nhà dòng ngày xưa, cởi áo tu, ra khỏi chủng viện, đắc cử Dân Biểu, để theo đuổi cuộc cách mạng xã hội như Chúa đề ra, sau những giai đoạn xuống tinh thần tột độ.

Cả thành phố ăn mừng

Vào một buổi sáng gần đây, trong phòng hội sang trọng của văn phòng luật sư Marray Nelson trên tầng lầu thứ 30 của bin đinh, chúng tôi gặp ông Cao, ông Murray Nelson, cố vấn tranh cửa cho ông Cao, và bà Faowler Rodriguez Valdes-Fauli. Bên ngoài phòng họp, chúng tôi thấy sương mù dầy đặc đang bay lởn vởn xung quanh, khiến cho người ta khó mà thấy được toàn cảnh của thành phố. Ông Cao đang giải thích cho ông Timothy P. Ryan, Viện Trưởng trường đại học University of New Orleans. Ông Viện Trưởng ghé văn phòng để xin Quốc Hội giúp đỡ cho nhà trường đang gặp khó khăn vì thiếu sinh viên.
Ông Cao nói về kết quả thắng lợi của ông: “Cấp lãnh đạo của đảng Cộng Hoà sẽ gặp khó khăn không ít. Tôi là người của đảng Cộng Hoà trong một đơn vị đa số là đảng Dân Chủ. Chính quyền của ông Bush sắp sửa ra đi. Tôi không biết mình có thể làm được gì nhiều trong thời gian ngắn còn lại. Thôi thì hãy cứ ráng thử xem, khi mà không khí thắng lợi còn đang nóng hổi, thuận chiều.”
Ông móc tay vào túi áo để rút ra tấm danh thiếp để đưa cho ông Ryan, nhưng không còn tấm nào cả .
Ông Nelson nói đuà: “Chúng ta thật sự phải cho in thêm danh thiếp mới được.”
Ông Cao cũng nói đùa trả lại: “Vâng chúng ta thực sự cũng cần phải có một văn phòng chính thức mới được.”
Người ta đang dần dần quen với việc ông Cao bây giờ đã chính thức thắng cử, và trở thành dân biểu thật sự.
Ông Thị Trưởng C. Ray Nagin, một người Da Đen, đã từng nói rằng ông muốn giữ thành phố Big Easy của ông toàn mầu”xô cô la” sau vụ bão Katrina, ám chỉ chính quyền của New Orleans toàn là người Da Đen mà thôi. Trong cuộc phỏng vấn mới đây tại Toà Thị Chính, ông Nagin mô tả về ông Cao như sau: “Cuộc tranh cử của ông ta vừa mang tính chất may mắn, và cũng rất xuất sắc.”. Ông chia sẻ nỗi ngậm ngùi khi họ bị mất đi vị dân biểu Da Đen Jefferson. Tuy nhiên, nếu ông Cao “Thật sự làm việc hết lòng, đem lại kết quả tốt sau vụ Katrina, thì khó mà có thể đánh bại được ông ta.”. Ông thị trưởng tỏ ra là một con người tử tế.
Nhiều người cho rằng ông Cao chỉ là một ứng cử viên may mắn, và cái may ấy chỉ đến với ông ta một lần rồi thôi. Một khi đảng Dân Chủ họ đoàn kết, ngồi lại với nhau, hỗ trợ một ứng cử viên của họ, e rằng họ sẽ đánh bại ông Cao trong kỳ sau.
Xướng ngôn viên John “Spud” McConnell, một nhà bình luận nổi tiếng trên đài WWL , chương trình “Talk Gumbo” đã cho biết như sau: “Người ta đang qui tụ những thành viên của họ để chuẩn bị đốn ngã ông Cao. Trong hai năm sắp tới, nếu ông Cao muốn được tái đắc cử, ông phải đem về cho đơn vị 2nd District rất nhiều lợi lạc từ quốc hội, từ chính phủ liên bang.”
Lấy ví dụ trường hợp một cử tri như bà Barbara Lacen Keller, ông Cao phải tìm cách lấy được phiếu của bà ta. Bà là một nhà hoạt động chính trị năng nổ từ hơn 40 năm qua. Bà đã bầu cho ông Jefferson vì ông này thuộc cùng Hội Thánh với bà. Hơn nữa, ông ta hiểu rất rõ cộng đồng người Da Đen muốn cái gì.
Nhưng hiện nay bà đang sống trong vùng đông New Orleans, không xa nhà ông Cao lắm. Vùng này là khu vực nghèo nhất ở đây, cách xa đuờng cái liên tiểu bang, và nhà máy phát điện. Chỉ có những khu buôn bán nhỏ, đa số là cửa hàng mang tên Việt Nam. Quanh đó, chỉ thấy bãi chứa đồ phế thải của xe hơi, tiệm sửa hộp số máy xe hơi, và công ty cho mướn xe ủi đất, xe cào đất.
Bà nói: “Đây là thành phố của tôi. Tôi yêu qúi nó lắm. Tôi muốn điều tốt nhất cho thành phố. Tôi quan sát thấy những điều ông Joe đã làm, đang làm, khiến tôi rất cảm phục. Ông đến từ một nước mà ông đã mất tất cả. Qua đây, ông phải học ngôn ngữ, văn hoá mới, không những văn hoá Mỹ, mà cả văn hoá ở New Orleans, một điạ phương hết sức đặc biệt. Thành công được như ông ta là điều hiếm có, đáng để chúng ta phải suy ngẫm.”
Tuốt ở ngoài xa, qua khỏi khu đầm lầy, và kinh rạch, chợ cá, người ta trông thấy ông đang “run”, “chạy bộ”, quãng đường dài năm dậm ông chạy hàng ngày. Ông tin rằng ông là người có thể đại diện cho thành phố, cho dân điạ phương của ông, những người cho đến giờ phút này vẩn chưa nói được tên của ông. Ông sẽ còn làm được cái việc đó hay không nếu ông cứ tiếp tục “run”, “chạy” thật là hăng, thật là bền bỉ. Chữ “run” ở đây được hiểu theo cả hai nghĩa chạy bộ, và vận động tranh cử.
Nguyễn Minh Tâm dịch ngày 2/1/09

The Possible Dream
Louisiana's Historic New Congressman Seems to Surprise Everyone but Himself
By Neely Tucker
Washington Post Staff Writer

Tuesday, December 30, 2008; C01
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2008/12/29/AR2008122902590.html?sub=new


No comments:

Post a Comment