Wednesday, January 28, 2009

CON ĐƯỜNG ĐƯA TỚI CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

gordon m. goldstein
Lessons in Disaster:
McGeorge Bundy and the Path to War in Vietnam


*McGeorge Bundy và Con Đường đưa tới Chiến Tranh ở Việt Nam*


Cho đến nay sau hơn 30 năm cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, nhìn vào kho sách vở tài liệu đã xuất bản ở Mỹ về cuộc chiến này, ta thấy đó là một kho tài liệu vừa phong phú, vừa đa tạp. Nhưng phần lớn những sách vở tài liệu này nói chung chỉ xoay quanh những câu hỏi về cuộc chiến tranh đã xảy ra như thế nào, tại sao Mỹ đã thua cuộc chiến đó, chứ ít thấy quyển sách nào chủ yếu bàn đến vai trò của những người trực tiếp làm nên những quyết định về cuộc chiến tranh này. Tất nhiên về phía Bắc Việt, theo truyền thống giữ bí mật muôn đời, thế giới ít có hy vọng có những thông tin về vấn đề này, hoặc dù có được tiết lộ chăng nữa thì mức độ khả tín cũng rất đáng ngờ. Về phía Mỹ, quyển hồi ký “In Retrospect” ra mắt người đọc cuối năm 1995 của cựu Bộ ttrưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara một thời đã gây ra những tranh luận sôi nổi nhưng quyển này cũng mới chỉ là tiếng nói chủ quan của một trong hai nhân vật chính đã đóng góp vào sách lược chiến tranh của chính quyền Mỹ lúc bấy giờ. Nhân vật thứ nhì quan trọng không kém là McGeorge Bundy thời đó giữ chức vụ tương đương với chức “cố vấn Hội Đồng Anh Ninh Quốc Gia” ngày nay dưới hai thời tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson từ 1961 đến 1966, và trong suốt 30 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt hiếm khi nhân vật này muốn đụng tới cuộc chiến ở Việt Nam. Người ta hy vọng McGeorge Bundy có để lại một bản thảo hồi ký, nhưng cho đến nay gia đình ông vẫn hoàn toàn kín tiếng. Rất may, vào cuối năm nay quyển Lessons in Disaster: McGeorge Bundy and the Path to War in Vietnam /Những Bài Học trong Thảm Họa: McGeorge Bundy và Con Đường dẫn tới Cuộc chiến ở Việt Nam của Gordon M. Goldstein ra mắt đã đáp ứng được sự mong đợi của những người muốn tìm hiểu về sự tham dự của McGeorge Bundy vào việc đưa ra những quyết định, nhất là quyết định leo thang chiến tranh Việt Nam trước đây, và sau đó quyển sách hiện nay cũng còn là “những bài học” để “ôn cố tri tân”, rất thích đáng trong hoàn cảnh lực lượng quân sự Mỹ hiện đang tham dự vào cuộc chiến ở Afghanistan.

Theo những người thân cận và theo dõi sát sinh hoạt của cựu chính khách McGeorge Bundy, và cũng theo tác giả quyển sách Gordon M. Goldstein thì lý do của sự xuất hiện của quyển sách như sau: Trước hết về phần McGeorge Bundy, kể từ sau khi không còn tham dự chính quyền từ năm 1966 cho đến khi giữ chức chủ tịch Ford Foundation cho tới năm 1979 và sau cùng là thời gian vào dạy Sử ở đại học New York, ông hiếm khi nhắc tới chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng, khi quyển In Retrospect của McNamara xuất hiện vào năm 1995 và tác giả của nó bị công kích dữ dội McGeorge Bundy đã có ý định viết một cuốn sách để đáp trả những người công kích McNamara. Một biến cố khác nữa đã thúc đẩy ý định này mạnh hơn: số là trong một buổi tham dự vào chương trình “Một Giờ Tin Tức của MacNeil/Lehrer” vào ngày 17 tháng Tư năm 1995 tranh luận về quyển sách của McNamara, McGeorge Bundy đã đưa ra ý kiến bênh vực vị cựu bộ trưởng quốc phòng này cho nên đã bị giới truyền thông nhìn bằng con mắt giận dữ và cũng nhân dịp này muốn qui trách nhiệm sự thất bại lên ông chứ không chỉ lên McNamara. McGeorge Bundy khi bị Jim Lehrer văn hỏi về việc đánh giá sự xét lại của McNamara rằng “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. “ thì ông có chấp nhận như vậy không, McGeorge Bundy nhún vai trả lời “Chắc chắn là như thế rồi. Tôi chắc chắn không có cách chi cho rằng chúng ta đã đúng cả. cứ nhìn vào sự hiển nhiên đang sờ sờ trước mắt chúng ta thì rõ.” Vài ngày sau buổi truyền hình này McGeorge Bundy liên lạc với Gordon M. Goldstein – khi đó chỉ mới tốt nghiệp ngành Bang Giao Quốc Tế ở Columbia cách đó không lâu – bày tỏ ý định mời hợp tác viết một cuốn sách về cuộc chiến Việt Nam. Cũng còn phải kể thêm một lý do khác nữa: McGeorge Bundy từ lâu rất căm hận cay đắng về những phê phán ký giả David Halberstam viết về ông trong quyển “The Best and the Brightest”, một quyển sách được nhiều người đọc và nay đã trở thành một cuốn sách được xếp vào loại có giá trị lâu bền. Lập tức sau đó hai người bắt tay vào việc. Nhưng rồi năm ngày trước khi kết thúc buổi làm việc chung cuối cùng, ngày 11 tháng 9, 1996, thì McGeorge Bundy từ trần trong lúc công trình chung còn chưa hoàn tất. Gordon M. Goldstein đã để nhiều năm kế tiếp để kết thúc công trình này nhưng đến khi hoàn thành thì Mary, bà vợ của McGeorge Bundy từ chối cho phép để tên chồng bà là đồng tác giả quyển sách. Vì vậy Goldstein phải viết lại hoàn toàn quyển sách và đứng tên một mình. Chính Gordon M. Goldstein khi cho ta mắt tác phẩm này đã tuyên bố: ”Không có cách chi đây lại là một quyển sách do McGeorge Bundy viết nhưng đúng ra đây là một quyển sách về ông ta.” Kết quả công trình của tác giả thật đáng kể vì đã đưa ra được một chân dung thực sự con người McGeorge Bundy và những ý tưởng sau cùng của ông ta về cuộc chiến Việt Nam cũng như về sự tham dự của ông vào cuộc chiến này.

Quyển sách có mức độ khả tín khá cao vì tác giả đã bỏ nhiều năm sưu tập tra cứu – phần lớn với sự hợp tác của McGeorge Bundy trước đây - những tài liêu và những thông tin có nguồi gốc chính thức được lưu trữ, và quí nhất là những ghi chú của chính McGeorge Bundy về những tài liệu này. Cuốn sách có một giá trị đặc biệt theo đánh giá của Richard Holdbrooke – một viên chức ngoại giao cao cấp Mỹ từng phục vụ nhiều năm trong chính quyền Mỹ và vào ngay thời điểm cuộc chiến - không phải về việc phân tích cuộc chiến trong quá khứ (vì đó không phải là chủ đích của tác giả) - mà vì đã tìm được những câu trả lời về tính cách của McGeorge Bundy, tính cách đó đã đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong những quyết định về việc tiến hành chiến tranh, cũng như về những mặt ẩn khuất trong mối liên hệ của vị cựu cố vấn an ninh quốc gia này với hai cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson. Như chúng ta đã biết, vào năm 1961 khi bước vào Tòa Nhà Trắng, John F. Kennedy đã đặc biệt mang vào chính quyền những khuôn mặt trí thức trẻ xuất sắc nhât của thế hệ mới thường được gọi là Những Người Đi Đầu Chiến Tuyến (the New Frontiermen) trong đó đáng kể nhất là Robert McNamara và McGeorge Bundy. John F. Kennedy đã trọng dụng McGeorge Bundy bất chấp ông ta là người của đảng Cộng Hòa. Trong giới trí thức thời đó hầu như mọi người đều nhìn nhận tính cách cũng như khả năng của McGeorge Bundy thật xứng đáng với quyền hành và trách nhiệm được giao phó. Về tính cách: McGeorge Bundy cực kỳ thông minh sắc sảo, rất tự tin nhưng nhiều khi tự tin quá đáng, nắm bắt và giải quyết những vấn đề trọng đại một cách tuyệt vời, nhưng lại có khuyết điểm không mấy để ý, đánh giá cao ý kiến thuộc cấp, và trên hết ông ta là một người hầu như không có tình cảm. Về khả năng: mới 34 tuổi và chỉ có bằng thac sĩ nhưng đã được bầu làm Viện trưởng đại học danh tiếng Harvard, và đã trở thành khuôn mặt xuất chúng trong giới trí thức hàn lâm. Về chuyện McGeeorge Bundy coi thường ý kiến thuộc cấp, Richard Holdbrooke đã kể lại: trong cuộc họp có ăn tối ở nhà vị Phó Đại sứ William J. Porter vào đầu tháng Hai năm 1965 ở Sàigòn trước khi sáng hôm sau sẽ lên máy bay đi thăm Pleiku, McGeorge Bundy đã truy các nhân viên ngoại giao thuộc cấp có mặt trong cả mấy tiếng đồng hồ theo cái kiểu của ông ta là vắn tắt, truy xét, không để người được hỏi nói thên, và không hề để lộ một chút tình cảm. Cảm tưởng của Richard Holdbrooke sau bữa ăn tối đó là McGeorge Bundy không thể là một kiểu mẫu của một ngườpi thi hành công vụ, và sự xa cách với hiện thực của ông ta khiến Richrd Holdbrooks rất lo lắng cũng như việc ông ta không chịu nghe ý kiến của những kẻ dự tiệc hôm đó, những người đã từng sống khá lâu ở Việt Nam, biết rất nhiều thứ ở đây mà ông ta không biết chút nào.

Trong quyển Những Bài Học trong Thảm Họa tác giả đã đưa ra được cuộc kiểm điểm lộ trình đưa đến những quyết định về chiến tranh của McGeorge Bundy nhằm giải đáp những khúc mắc lịch sử trong quá khứ. Theo tác giả, khúc mắc lớn nhất là mối quqan hệ của McGeorge Bundy với hai vị cựu tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson: ông đã không hiểu rõ hai vị tổng thống này trong vai trò cố vấn. Về tổng thống Kennedy: mặc dù vị tổng thống này đã nghiêm chỉnh phát biểu quan điểm không muốn nước Mỹ đi sâu vào cuộc chiến Việt Nam trong nhiều buổi họp riêng với ban tham mưu, nhưng chính McGeorge Bundy cũng đã hiểu lầm ý kiến tổng thống. Theo Goldstein, khi còn làm việc viết quyển sách chung với McGeorge Bundy, nhận thấy khi McGeorge Bundy đọc lại những tài liệu cũ, tận mắt thấy chứng cớ hiển nhiên từ những tài liệu này đã dẫn McGeorge Bundy tới kết luận rằng John F. Kennedy sẽ không gửi quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam vì vị cựu tổng thống này tin chắc rằng không thể đánh thắng chiến tranh du kích bằng cách gửi một lực lượng quân sự ngại quốc lớn lao tới. Cho nên chính Kennedy đã cho lệnh rui dần quân đội Mỹ dần dần rút ra khỏi Việt Nam đúng như ý kiến của McNamara, dù cho đại tướng Maxwell Taylor không hoàn toàn đồng ý, còn McGeorge Bundy lại làm thinh trước quyết định này. Về tổng thống Lyndon B. Johnson thì McGeorge Bundy cho rằng cuộc leo thang chiến tranh là quyết định chiến lược của vị tổng thống này vì ông ta không muốn phải trực diện với một sự thất bại về chính trị nếu rút quân, và cũng để phục vụ nhu cầu đắc cử trong cuộc chạy đua vào tòa nhà trắng thời đó nên LBJ duy trì và leo thang chiến tranh. Cho nên, theo McGeorge Bundy, cuộc chiến Việt Nam là “cuộc chiến tranh của Johnson” chứ không phải là một “cuộc chiến tranh của Kennedy.” Tác giả Gordon M. Goldstein đã cố gắng giải đáp câu hỏi vì sao một người như McGeorge Bundy lại có thể cố vấn rất dở cho cả hai vị cựu tổng thống như vậy. Có lẽ đó cũng chính là điều McGeorge Bundy sinh thời muốn có một giải đáp. Khi đó ông hy vọng bằng cách viết quyển sách về chiến tranh Việt Nam sẽ giải tỏa được nỗi cay đắng bấy lâu và cũng để, một lần chót – hiển rõ bản thân hơn. Về con người McGeorge Bundy, tác giả tìm cách phơi lộ tính cách của nhân vật này dần dần qua những chương sách có những tựa đề của mỗi “bài học.” Chẳng hạn, sau biến cố Vịnh Con Heo, câu nói của McGeorge Bundy được dùng làm tựa cho chương “Đừng Bao Giờ Tin Cậy Cơ Chế Thư Lại Nắm Đúng Vấn Đề”, hoặc câu nói “Bọn Bồ Câu Đã Đúng”, và nhất là “Đừng Bao Giờ Triển Khai Phương Tiện Quân Sự trong Việc Theo Đuổi Những Mục Tiêu Không Rõ Ràng”. Tuy đã cố gắng tự tìm hiểu mình vào cuối đời, nhưng theo Richard Holdbrooke, McGeorge Bundy vẫn là McGeorge Bundy: thật là điều kỳ lạ là ông ta đã không hề bao giờ quan tâm về Việt Nam, và nhất là càng không mấy quan tâm về sự chết chóc do chiến tranh gây ra. Và dường như, đối với McGeorge Bundy, chiến tranh là một ý niệm trừu tượng hơn là một hiện thực trước mắt. Một chi tiết khác cũng khá lý thú về cuộc thị sát, tìm hiểu đánh giá tình hình tại chỗ ở Pleiku của MvGeorge Bundy Ngay ngày hôm trước khi McGeorge Bundy lên máy bay đi Pleiku, Việtcộng đã mở một cuộc tấn công dữ dội vào một căn cứ quân sự Mỹ ở Pleiku, giết chết một số và làm hàng trăm binh sĩ khác bị thương, cũng như đã hủy diệt một số ttrực thăng và máy bay quân sự khác. Khi tới nơi, nhìn cảnh căn cứ tan tác, binh sĩ chết và bị thương, McGeorge Bundy đã cho thấy ông ta không hẳn là một con người không biết xúc động, Sau đó trên đường trở về Mỹ, ông đã lập tức đề nghị tổng thống làm một cuộc “trả đũa hạn chế” và được chấp thuận, quyết định này đã mở màn cho việc Mỹ mở rộng cuộc chiến, gia tăng cường độ bộ máy chiến tranh. Còn việc báo đài Miền Bắc và giới truyền thông Mỹ thời đó đồn thổi cho rằng Việt-công biết trước chuyến đi của McGeorge Bundy nên đã có một hành động quân sự “để dằn mặt” thì điều này hoàn toàn là do trí tưởng tượng, phục vụ tuyên truyền bịa đặt! Một chi tiết khác cũng lý thú không kém nói lên con người chính trị của McGeorge Bundy do Goldstein kể lại: Vào ngày 28 tháng Tám băm 1996, Gordon và vợ đến gặp vợ chồng Bundy tại căn nhà nghỉ mát của ông ở Manchester, Massachusetts. Mục đích chính của cuộc thăm viếng này là Gordon muốn mời McGeorge Bundy tham dự phái đoàn những cựu viên chức cao cấp Mỹ đã từng tham dự vào những quyết định điều hành cuộc chiến tranh trước đây – và McNamara cũng như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nick Katzenback đã nhận lời tham dự - sang Hà Nội để cùng với đối tác là những nhân vật cao cấp của phía cọng sản Việt Nam đã tham dự vào những quyết định thi hành cuộc chiến tranh trước đây làm một cuộc kiểm điểm. Nhưng sau hơn 3 giờ đồng hồ duyệt xét và thảo luận cuốn chương trình hội luận (đã được Gordon gửi cho McGeorge Bundy hàng tháng trước), câu trả lời ngắn gọn cương quyết của ông ta là “không”. Dây là một câu trả lời đã được suy nghĩ kỹ lưỡng vì căn cứ vào McGeorge Bundy đặ những câu hỏi gai góc ông đã tự đặt ra cho mình và lặp lại với Gordon. Đó là những câu hỏi: đi Hà Nội thì sẽ thu hoạch được quái quỉ gì; có thật chúng ta hy vọng chính quyền cọng sản Việt Nam ở Hà Nội, với truyền thống dấu giữ kín bưng về những quyết định, sẽ đáp ứng những cố gắng của chúng ta nhằm đưa ra ánh sáng những tài liệu vốn được bảo mật quan trọng; và những nhân vật cao cấp đó liệu có thẳng thắn đưa ra những lời chứng không? Và tại sao chúng ta lại kỳ vọng chính quyền Hà Nội nhìn nhận những sai lầm của họ, nhìn nhận đã bỏ mất những cơ hội để tránh được cuộc chiến tranh hay giảm thiểu những tổn thất, khi mà Hà Nội đã thắng cuộc chiến này, dĩ nhiên bằng một cái giá kinh khủng. Hơn nữa hà cớ gì mà những cựu nhân viên chính quyền Hà Nội lại phải nhìn lại cuộc chiến tranh đó để tìm kiếm những khuyết điểm của họ?

đào trung đạo
http://www.gio-o.com/DaoTrungDaoMcgeorgeBundy.htm


No comments:

Post a Comment