Friday, January 9, 2009

CÔNG LÝ VÀ CÁC QUAN TOÀ

Công lý và các quan toà
Huy Đức
Ngày 09.01.2009 Giờ 14:27
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=45891&fld=HTMG/2009/0108/45891
Ông Nguyễn Thanh Triều, thẩm phán toà án huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, vừa lãnh “án” khiển trách về mặt Đảng hôm 5.1 vì có “quan hệ không trong sáng” với vợ của đương sự trong một vụ án do mình thụ lý. Sai phạm của ông Triều không phải là hy hữu. Đã có nhiều thẩm phán, thậm chí chánh án, bị tố hoặc bị bắt quả tang “đi lại” với đương sự hoặc đang nhận tiền chạy án. Chuyện có những thẩm phán thiếu liêm chính trong khi thi hành phận sự không phải là mới lạ. Nhưng, đáng ngạc nhiên khi chứng kiến cách ứng xử rất “ngoài xã hội” của nhiều vị quan toà.

Chánh án Toà án nhân dân huyện Phú Ninh, Quảng Nam, đã từng dùng câu liêm để giật đổ một bức tường nhà đang xây của ông Phạm Nhi hàng xóm. Khi ông Nhi chạy ra ngăn cản, theo báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bằng đã kẹp cổ ông Nhi còn vợ ông Bằng thì nắm tóc và dùng dép đánh ông Nhi vào mặt. Còn ở Bình Phước, bà Nguyễn Lê Lan đã làm ngạc nhiên dư luận khi bà, đường đường đang là chánh án Toà án nhân dân tỉnh, xông vào một quán karaoke, nơi chồng bà đang uống bia, “đánh ghen”. Theo lời các nhân chứng được báo chí tường thuật thì, một nữ tiếp viên đã bị bà Lan dùng vỏ chai bia Heineken đập vào đầu gây hai vết rách.

Chưa nói về mặt pháp luật, một thường dân biết xấu hổ cũng sẽ không dùng “luật rừng” như cách mà bà Lan và ông Bằng đã dùng. Quan toà là những con người đòi hỏi phải có cả năng lực và phẩm giá. Làm sao thuyết phục là công lý đã được phán quyết, khi những người đưa ra những phán quyết ấy không đáng tin cậy cả về năng lực lẫn đạo đức cá nhân.

Những thẩm phán tham gia chạy án, những vị chánh án như bà Lan, ông Bằng có lẽ là sản phẩm trực tiếp của tình trạng “vơ vét” người không đủ chất lượng để bổ nhiệm mà ông chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện nói và khiến cho Quốc hội nổi giận hồi tháng 11.2006. Xét về phương diện chính trị, câu nói của ông chánh án quả là rất hớ hênh. Nhưng, sự thật do ông chánh án buột miệng nói ra cũng là một báo động vô cùng cần thiết. Sau phát biểu ấy, ông Hiện không còn làm chánh án nữa. Nhưng, điều còn quan trọng hơn cả việc thay thế ông Hiện là cơ chế tuyển chọn thẩm phán đã để lọt vào ngành những người như bà Lan, ông Bằng thì lại chưa thấy có gì thay đổi.

Trong khi đang thiếu hàng ngàn thẩm phán, ngành toà án hiện lại chỉ bổ nhiệm những người trong biên chế của ngành, dẫn đến tình trạng như ông Hiện nói. Tìm kiếm thẩm phán đã khó, việc áp dụng máy móc tuổi cho về hưu lại còn khiến cho lực lượng thẩm phán bị thiếu hụt nhiều hơn. Sáu mươi tuổi đối với một công chức trong ngạch hành chính có thể là nên cho về hưu thì 60 tuổi với một vị quan toà, có khi, mới đủ thời gian để tạo lập cả về năng lực và danh tiếng. Không có ở đâu như Việt Nam, rất nhiều vị thẩm phán đã trở thành luật sư sau khi nghỉ hưu trong khi lẽ ra quy trình này phải được làm ngược lại.

Lòng tin vào công lý phải bắt đầu được kiến tạo kể từ trong quy trình bổ nhiệm một quan tòa. Quy trình ấy không phải dựa trên lý lịch mà phải dựa trên sự thể hiện trong quá trình tham gia tố tụng. Công tác cán bộ tuy rất chặt chẽ, nếu đưa một người cho dù có công lao mà dân chúng chưa biết họ là ai thì niềm tin vào công lý cũng chưa thể nào thiết lập. Các ứng cử viên cho chức thẩm phán, vì vậy, chỉ nên là các luật sư hoặc các thẩm phán tòa dưới. Những luật sư này thường phải có một thời gian hoạt động lâu năm, năng lực tranh tụng và sự liêm chính của họ đã được thử thách và được công chúng nghe danh từ trước. Trẻ có thể không phải là một tiêu chuẩn ưu tiên, cho nên tuổi về hưu cũng không nhất thiết phải là 60 mà có thể kéo dài tới tuổi 70 cho những quan toà uy tín.

Để các vị thẩm phán có thể đưa ra một phán quyết “độc lập chỉ tuân theo pháp luật”, nhiệm kỳ của một vị thẩm phán nếu không phải là trọn đời thì cũng không nên trùng với nhiệm kỳ của các cơ quan lập pháp và hành pháp. Trước khi được phê chuẩn, người được bổ nhiệm thẩm phán phải bị chất vấn cả về chuyên môn lẫn các nghi vấn về đạo đức tại uỷ ban Tư pháp của Quốc hội hoặc các ban pháp chế hội đồng nhân dân. Các phiên chất vấn này không những giúp sàng lọc các vị thẩm phán mà còn giúp chính họ thiết lập uy tín trước nhân dân thông qua bản lĩnh trả lời của họ.

Mỗi mắt xích trong bộ máy nhà nước đều hết sức quan trọng. Nhưng, kinh tế không thể phát triển, chính trị không thể ổn định và nền tảng đạo đức xã hội không thể giữ được nếu công lý không được thiết lập. Công lý cũng không phải được mang tới từ những lý thuyết mơ hồ mà từ niềm tin của dân chúng vào những con người cụ thể. Một khi những người như ông Bằng, bà Lan đã từng trở thành quan chánh án thì việc kiện tụng trong dân chúng cứ kéo dài là điều không đáng ngạc nhiên. Công lý không thể xuất hiện ở những xã hội và từ những con người không thể đem lại niềm tin cho công chúng.

Huy Đức

No comments:

Post a Comment