ASIA TIMES
Cái Tết buồn nản ở Việt Nam
Stephen Kurczy
Ngày 27-1-2009
http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KA27Ae01.html
HUẾ - Khung cảnh ảm đạm về kinh tế khắp toàn cầu đã lấy đi hết khí thế mua sắm trong dịp Tết hàng năm ở Việt Nam, báo hiệu một năm khó khăn trước mắt cho nền kinh tế đang ở giai đoạn chuyển tiếp này. Việc mua sắm theo thường lệ thì tăng vọt đối với các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ lớn ở VN trong những tuần lễ hướng tới năm mới âm lịch, na ná với mùa mua sắm dịp lễ Noel ở phương Tây.
Theo một người đại diện cho Metro Cash & Carry, một trong những nhà bán lẻ hiện đại hàng đầu ở nước này, thì nhu cầu trong nước vào ngày Tết thường nhiều hơn gấp bốn lần so với thời gian còn lại của năm khi người Việt Nam theo truyền thống vẫn lũ lượt kéo đến các chợ để mua thêm thức ăn, những thứ để bày biện như hoa quả, cành đào và quần áo giày mũ trưng diện vào dịp Tết.
Nhưng năm nay thói quen đó không còn nữa, theo như các doanh nhân và kinh tế gia cho biết, khi mà người Việt Nam chào đón Năm con Trâu với ít sự cầu kỳ và phô trương hơn so với Tết các năm trước. Trong khi đèn hoa và đồ trang trí dựng lên khắp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thì nền kinh tế của đất nước nầy đang rơi rụng: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng với một tỉ lệ đáng thất vọng là 6,2% vào năm ngoái, đánh dấu ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán mức tăng trưởng sẽ chậm lại hơn nữa vào năm nay là 5%.
“Năm ngoái, nhiều người ra đường bán đủ thứ - hoa quả, bàn ghế cho Năm mới. Năm nay thì vắng hoe,” đó là nhận xét của Nguyễn Trung, một người buôn bán bên hè phố tại trung tâm thành phố Huế. “Người nghèo thì nghèo thêm còn người giàu có ít tiền hơn.”
Tình trạng suy giảm mức mua sắm đang biểu lộ qua các số liệu về sức tiêu thụ của cả nước. Cư dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chi tiêu ít hơn 20% cho thực phẩm trong những ngày giáp Tết so với cùng kỳ này năm ngoái, theo Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn cho hay.
“Chắc chắn nhiều gia đình đang lo lắng về các viễn cảnh của nền kinh tế năm 2009,” theo kinh tế gia Jonathan Pincus, khoa trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.”… dân chúng đang xem xét lại việc mua sắm của họ một cách chặt chẻ hơn.”
Đó là trường hợp của người quản lý khách sạn 32 tuổi Phạm Thị Hằng. Năm ngoái, bà đã có đủ tiền dư dôi để sơn phết lại nhà cửa và mua sắm quần áo mới cho cả gia đình. Còn năm nay, bà cho biết là khó khăn hơn để kiếm sống kể từ khi ông chồng của bà mới đây đã mất việc làm tại một xí nghiệp may mặc. Chỉ có cô con gái của bà là sẽ được mua cho quần áo mới.
Trong khi đó, chủ của bà cho biết khách sạn sẽ không có tiền thưởng Tết hoặc tăng lương trong năm nay, mặc dù mức lạm phát năm ngoái là 20% năm. “Năm nay các ngày lễ sẽ được tổ chức nhỏ hơn do tình hình kinh tế,” bà nói.
Niềm tin của doanh nghiệp phản ánh tâm trạng đang bi quan đó. Bản Báo cáo về Kinh doanh Quốc tế của hãng Grant Thornton năm 2009, đã khảo sát các giới chức điều hành cao cấp của hơn 7.000 doanh nghiệp tư nhân có căn cứ đóng tại Việt Nam, đã nhìn thấy tinh thần lạc quan về kinh tế đã rớt xuống còn 31% trong năm 2008, giảm từ mức 87% đươc ghi nhận vào năm 2007. “Điều này cho thấy rằng dân chúng chắc có lẻ sẽ ít chi tiêu hơn,” Khuyen Bu, phát ngôn viên Việt Nam của hãng Grant Thornton đã cho biết trong một thư điện tử trao đổi về vấn đề này.
Những tin tức xấu về kinh tế chiếm vị trí trên trang nhất của hầu hết tất cả các nhật báo trong nước, bất chấp sự kiểm soát và kiểm duyệt của chính quyền đối với ngành truyền thông. Một nửa trong số 350.000 các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải thay đổi lại cách tổ chức và điều hành để tồn tại, tờ Tạp chí Đầu tư VN (Vietnam Investment Review) đã tường thuật trong một số báo ra vào tháng này mà trong đó gần như mọi trang đều có những tin tức ảm đạm, tóm tắt mọi chuyện bằng một tựa đề ở trang 10: “Một triển vọng đen tối cho năm 2009.”
Để làm nhẹ bớt tai hoạ này, Đảng Cộng sản đã loan báo một chương trình kích thích kinh tế 1 tỉ đô la có mục đích nhằm giảm bớt những khó khăn mà mọi người đang quan tâm, hạ mức thuế suất hàng hóa nhập khẩu, và cấp 200.000 đồng (12 đô la Mỹ) cho mỗi người thuộc các hộ gia đình kiếm được chưa tới 60 đô la một tháng.
“Tiền trợ cấp nầy được dành để giúp đỡ những gia đình nghèo chào đón cái Tết âm lịch theo truyền thống đang đến gần,” đảng cộng sản VN đã loan báo trên trang web của họ. Tuy nhiên, món tiền Tết nầy chỉ vào khoảng 200 triệu đô la, theo thông cáo báo chí của đảng cho hay, có nghĩa là chưa tới 4 triệu trong số 86 triệu dân của cả nước sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp một lần này.
“Đề xuất trợ cấp tiền cho các gia đình nghèo là đáng ưa thích, nhưng không chắc là có được một hiệu quả quan trọng cho nền kinh tế vĩ mô,” theo nhận xét của kinh tế gia Pincus. “Việt Nam dựa quá nhiều vào nhu cầu xuất khẩu, việc xuất khẩu đã sút giảm kể từ cuối năm 2008. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2008 là gần 60 tỉ đô la. Không chắc rằng việc bơm một khoản tài chính 200 triệu đô la sẽ làm được gì nhiều để thay đổi nhu cầu ở bên ngoài (nước) nếu sự xuất khẩu đang chựng lại.”
Khi được hỏi cô nghĩ gì về khoản tiền thưởng 200.000 đồng, người quản lý cửa hàng quà tặng tại một khách sạn năm sao ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chun mũi lại và lắc đầu. Món tiền đó có thể mua được 10 cân gạo, cô nói, số gạo ấy có thể kéo dài được 10 ngày khi cô chia ra cho bản thân, cho chồng và đứa con gái hai tuổi. “Đó là một số tiền nhỏ, chỉ có ý nghĩa về tinh thần mà thôi,” cô bảo.
Chính phủ cũng đang xoay qua việc dùng chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế. Theo Thông tấn xã Việt Nam (VNA) được điều hành của nhà nước, Đảng Cộng sản kể từ tháng này đã cố tìm cách thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm hàng hóa “Made in Vietnam”. Hoặc là lựa chọn, hay bị bắt buộc, các siêu thị đã tăng thêm 5% tới 10% sản phẩm nội hóa trên các quầy của họ trong thời gian sắp tới ngày lễ Tết năm nay.
Cửa hàng bán lẻ nước ngoài Big C đã khẳng định là trữ 90% trong kho của họ bằng các hàng hóa chế tạo ở Việt Nam, trong khi siêu thị bán buôn hàng tạp phẩm Metro Cash & Carry “ưu tiên dành cho những sản phẩm quốc nội được đặt ở những vị trí thu hút sự chú ý của người mua ở những nơi trưng bày trong cửa hàng,” theo VNA cho hay.
Tuy nhiên, điều không rõ ràng là những giải pháp kiểu dân tộc chủ nghĩa này sẽ nhắm trúng vào mục tiêu hay không. Một số lượng đông đảo người tiêu dùng Việt Nam đã cho Asia Times Online biết là họ đang mua sắm mọi thứ ít hơn, mà không phải chỉ mua ít hơn các sản phẩm nước ngoài, và rằng các thị trường từ Hà Nội cho tới Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng là trống vắng hơn so với thời gian này năm ngoái.
Ngành du lịch, một nganh lèo lái nền kinh tế rất mạnh gần đây và là cổ máy sinh ra nguồn thu nhập ngoại tệ, giờ cũng đang phô bày ra cho thấy những dấu hiệu suy yếu dần. Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng 0,6% năm 2008, giảm sút từ mức tăng 14% năm 2007, theo Tổng cục Thống kê cho hay.
Theo Nguyễn Thúy Ngọc Quỳnh giám đốc khách sạn La Residence Hotel&Spa ở Huế, “Thông thường thời gian này là rất thuận lợi cho chúng tôi, bởi vì chúng tôi sẽ được gặp gỡ tất cả mọi thành viên trong gia đình và các bạn bè.” Tổng số lượng đặt chỗ ở khách sạn của cô đã giảm đi 20% năm nay, thậm chí ngay khi có cả những khách mới đây là cô Chelsea Clinton, con gái của cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, và Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias.
Ban giám đốc đang giữ lại những khoản tiền thưởng, gây chán nản cho tâm trạng chung trong những mùa lễ hội thường niên này. “Năm ngoái, chúng tôi có một bữa tiệc lớn. Còn năm nay, chúng tôi sẽ có một bữa tiệc nhỏ,” cô nói.
Nguyễn Phúc Lưu, một cán bộ của Công ty Du lịch Việt Nam do nhà nước sở hữu, đã cho biết tại Diễn đàn Thương mại thường niên của Hiệp hội Các quốc gia Đông nam Á (ASEAN) được đăng cai đầu tháng này tại Hà Nội: “Mọi người đều bị ảnh hưởng.”
Giá cả tăng lên cũng làm cho người Việt Nam thận trọng hơn với tiền bạc của mình, theo Martin Rama, giám đốc của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thậm chí khi bình quân thu nhập đầu người đã tăng từ 833 đô la các năm trước lên tới mức 1.024 đô la năm 2008.
“Rất ít nước Á châu bị lạm phát tới 20% [năm 2008], còn Việt Nam thì đã đạt tới mức 28%,” ông Rama cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại mới đây. “Việc lạm phát đã ảnh hưởng tới sức mua của người dân qua những khoản tiền họ kiếm được, đặc biệt là tại các thành phố. Nạn lạm phát đã ảnh hưởng tới những người di trú đang làm việc trong các khu công nghiệp và buộc nhiều người phải trở về quê nhà.”
Với nhiều dân di trú thất nghiệp phải quay về vùng nông thôn đón Tết, các nhà phân tích tự hỏi không biết có bao nhiêu người sẽ phải chọn lựa việc ở lại nhà hơn là quay trở lại các thành phố và vật lộn để tìm cho được việc làm. Một số người cho rằng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang làm giảm nhu cầu các sản phẩm được sản xuất ở nông thôn, trong đó có gạo, và giảm bớt các khoản thu nhập của nông dân, nên những vùng nông thôn có thể sẽ không có khả năng thu hút sức sản xuất tương tự từng được nhận thấy ngay sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á vào năm 1997-1998.
“Điều thử thách thực sự là những gì sẽ xảy ra sau dịp Tết này,” ông Rama nhận định.
Stephen Kurczy là một nhà báo trú đóng tại Cambodia.
Hiệu đính: Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/01/29/cai-t%e1%ba%bft-bu%e1%bb%93n-nan-%e1%bb%9f-vi%e1%bb%87t-nam/#comments
----------------------------------------------------
ASIA TIMES
Downcast Tet in Vietnam
By Stephen Kurczy
Jan 27, 2009
http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KA27Ae01.html
No comments:
Post a Comment