Thursday, January 22, 2009

CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐÒNG TRONG CHẾ ĐỘ CSVN

Cộng sản VN: cá nhân và cộng đồng
Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 22/01/2009 lúc 02:29:55 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3479
Tin tức từ Đài Á Châu Tự Do cho biết: Hai ngày 17 và 18 tháng 12 năm 2008, phái đoàn quốc hội CSVN đã đến tiếp xúc với quốc hội Âu Châu ở Brussels và Strasbourg. Đây là cuộc thương thảo lần thứ 7 nhằm tái tục ký kết hiệp ước Song Phương Liên Âu và Việt Nam. Những phát biểu của đại biểu quốc hội CSVN trong trường hợp này là những phát biểu chính thức và có chuẩn bị trước.

Ngày 20/12/2008, cô Ý Lan phóng viên đài Á Châu Tự Do thực hiện một cuộc phỏng vấn dành cho ông Marco Cappato, dân biểu quốc hội Âu Châu. Ông dân biểu Marco Cappato xác nhận : Trưởng phái đoàn quốc hội CSVN là ông Nguyễn Văn Sơn. Người phát biểu quan điểm về nhân quyền của CSVN là ông Nguyễn Viết Thịnh, dân biểu thành phố Hà Nội. Qua cuộc phỏng vấn vừa kể ông Nguyễn Viết Thịnh đã trình bày với quốc hội Âu Châu các quan điểm của CSVN về nhân quyền. Trong những trình bày kia, khi đề cập đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng phái đoàn CSVN cho rằng:

“Quan điểm về dân chủ tai Việt Nam được quan niệm theo tinh thần cộng đồng, nên cá nhân phải tự mình khế hợp với cộng đồng”. Điều này có nghĩa là cá nhân phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của cộng đồng cũng như mệnh lệnh của những người lợi dụng danh nghĩa cộng đồng. Quan điểm vừa trích dẫn của CSVN đã dẫn tới các suy nghĩ sau đây:

Một: “Quan điểm về dân chủ tại Việt Nam” nghĩa là gì? Phải chăng đó là quan điểm của nhân dân Việt Nam? Hay phải chăng đó chỉ là quan điểm riêng của quốc hội CSVN? Như mọi người đã biết quốc hội của CSVN là quốc hội giả danh, quốc hội bù nhìn. Nó hiển nhiên là tay sai, là tiếng nói của đảng CSVN. Nói ngắn và gọn: CSVN đã mạo nhận danh nghĩa người dân để dư luận hiểu lầm rằng ý kiến của đảng CSVN trong việc xây dựng dân chủ ngụy trá chính là ý kiến của người dân. Sự thể này vi phạm điều 21, khoản 3, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Điều này đòi hỏi dân ý phải được phát biểu qua những cuộc bầu cử trung thực, theo đúng thủ tục bầu cử tự do.

Hai: cá nhân là tế bào của xã hội và xã hội là môi trường sống của cá nhân. Không có cá nhân, không thể có xã hội. Ngược lại, không có xã hội, cá nhân không thể tồn tại. Quan điểm cho rằng “cá nhân phải tự mình khế hợp với cộng đồng” hàm ý cộng đồng là chính, cá nhân là phụ. Đây hiển nhiên là quan điểm hoàn toàn không phản ánh đời sống thực tiễn của loài người. Quan điểm này là công cụ lý luận giúp chế độ độc tài CSVN mạnh mẽ cưởng bách người dân phải tuân thủ vô điều kiện mọi mệnh lệnh của giới thống trị ẩn nấp đàng sau nhản hiệu “cộng đồng”. Điều 29 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền xác định quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là quan hệ hài hòa trên nền tảng dân chủ. Cá nhân có nghĩa vụ xây dựng và phát triển cộng đồng. Ngược lại cộng đồng cũng có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ cho cá nhân một dời sống hạnh phúc. Điều 29 TNQTNQ dứt khoát loại bỏ nguyên tắc đòi hỏi cá nhân phải là tôi tớ cho cộng đồng theo kiểu: “ Cá nhân phải tự mình khế hợp với cộng đồng”.

Chế độ CS độc tài bao giờ cũng mạo danh cộng đồng để chà đạp đời sống của cá nhân công dân. Hành động mạo nhận kia có mục đích hù dọa và chèn ép quyền lợi của cá nhân. Đứng trước tệ nạn vừa nêu, người Việt Nam qua ca dao đã mạnh mẽ khẳng đinh:
“ Dù ai nói Đông, nói Tây,
Thì ta cũng vững như cây giữa rừng
Dù ai nói ngả, nói nghiêng
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.”


Như “cây giữa rừng”, như “kiềng ba chân” là hai thuật ngữ diễn tả thái độ của người Việt Nam trong quyết tâm phản kháng những tình huống tự do cá nhân bị áp đảo bởi những người lợi dụng danh nghìa cộng đồng. Sự thể này cho thấy phong tục tập quán Việt Nam nêu bật nguyên tắc bình đẳng hai chiều trên quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Nó mạnh mẽ phủ nhận quan điểm một chiều do CSVN đề cao: “Cá nhân phải tự mình khế hợp với cộng đồng”.

Có thể nói được rằng lịch sử của đảng CSVN là lịch sử của một chuổi tội ác nhân danh cộng đồng dân tộc để khủng bố và đàn áp dân tộc nhằm miên viễn thống trị đất nước. Sau đây là những trường hợp điển hình cho thấy CSVN đã mạo nhận danh nghĩa cộng đồng để cưởng bách cộng đồng phải tuân phục ách cai trị của chế độ độc tài:

Trường hợp một: Khi cần đưa đảng CSVN lên ngôi vi lãnh đạo tối cao và vô thời hạn CSVN tự ý dẹp bỏ quyền tự do ứng cử và bầu cử của người dân qua một bên. Họ ngang nhiên đề cao nguyên tắc ba chủ điểm:
- Đảng lãnh đạo.
- Nhà nước quản lý.
- Nhân dân làm chủ tập thể.

Dưới ách cai trị của CS độc tài, nguyên tắc vừa nêu hiển nhiên có nghĩa là: đảng lãnh đạo tự phong, nhà nước là tay chân của đảng, nhân dân tức là cộng đồng phải chấp nhận thân phận của giới bị trị. Làm chủ tập thể chỉ là một tước hiệu có tính hư danh. Trường hợp một cho thấy CSVN vi phạm điều 21 TNQTNQ. Điều này qui định quyền tự do ứng cử và bầu cử của người dân.

Trường hợp hai: Đất đai là tài sản quan trọng hàng đầu của người dân. Với gian ý biến CSVN thành chủ nhân ông duy nhất của toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam, CSVN lợi dụng danh nghĩa cộng đồng khi nêu nguyên tắc: “Đất đai là sở hữu của toàn dân, của cộng đồng” Toàn dân hay cộng đồng đều là hư chủ. Đảng viên CSVN là những ông chủ lớn, những ông chủ đầy quyền hành trên đất đai. Sự tranh chấp giữa CSVN và quần chúng nghèo khổ về đất đai là nguyên nhân tạo ra phong trào dân oan chống việc CS cưởng chiếm nhà đất của nhân dân. Trường hợp hai cho thấy CSVN vi phạm điều 17 TNQTNQ. Điều này bảo vệ quyền tư hữu của cá nhân.

Trường hợp ba: Đối với những hồ sơ tranh chấp đất đai với quần chúng, trong đó CSVN ở vào thế thua, chế độ Hà Nội lập tức áp dụng chiến thuật kiểu “công viên cây xanh”. Chiến thuật này cho phép CSVN biến đất tranh chấp thành công viên, thay vì trả đất đai lại cho người dân. CS giải thích rằng: Công viên là tiện ích của cộng đồng. Lấy đất tranh chấp làm công viên tức là trả đất lại cho cộng đồng. Sau đó, với thời gian vụ tranh chấp chìm vào lãng quên, đảng viên CS lai nghiểm nhiên biến đất công viên thành đất riêng của đảng viên. Cách đây vài năm, đảng viên đã từng làm nhà trên những con đê chống lụt. Ngày nay khi có cơ hội tốt đảng viên chuyển đổi đất công viên thành đất xây cất nhà ở không phải là điều khó hiểu.Trường hợp ba cho thấy CSVN vi phạm điều 1 TNQTNQ. Điều này qui định quyền được sống trong tự do và bình đẳng.

Trường hợp bốn: Tội ác phản dân hại nước của CSVN có thể chảy thành sông, chất thành núi. Vì vậy CS thường xuyên lo sợ bị quần chúng lật đỗ. Nhằm giảm thiểu nguy cơ bị nhân dân tước bỏ quyền lực, CS bưng bít tin tức bằng cách nghiêm cấm tư nhân làm báo. CS biện minh cho hành động phản nhân quyền kia bằng lý lẽ rằng “ Đối với dân chúng nghèo (Tức cộng đồng nghèo) họ không quan tâm đến tự do ngôn luận, mà quan tâm về ăn uống đói no.” (Quốc hội CSVN nói với Quốc Hội Âu Châu ngày 17, 18/12/08 tai Bressels – Strabourg) Trường hợp bốn cho thấy CSVN đã vi phạm điều 19 TNQTNQ. Điều này qui định quyền tự do báo chí.

Trường hợp năm: Vẫn với chủ đích bảo vệ chế độ, song song với việc cấm tư nhân làm báo, CSVN thừơng xuyên nhân danh an ninh trật tự của cộng đồng để thẳng tay bắt giam và hành hạ những người đòi hỏi tự do dân chủ. Những người này bị CS gọi là những kẻ phạm pháp. Riêng đối với thành phần phạm tội ác hình sự lại được CSVN dung dưỡng. Hệ quả nổi bật của chính sách dung dưỡng kia là biến cố Lễ Hội Hoa Xuân Hà Nội 2009. Hội hoa này bất ngờ biến thành phạm trường của đám đông công khai trộm hoa, giật hoa. Nói một cách văn vẻ hơn, Hội Hoa chính là Đại Hội Văn Hóa của bầy ruồi. Trường hợp năm cho thấy CSVN vi phạm điều 28 TNQTNQ. Điều này qui định quyền được sống trong một xã hội có trật tự.

Bài viết này chỉ nêu ra năm trường hợp CSVN chà đạp nhân quyền như những chứng tích điển hình. Thực tiễn đã cho thấy: Lịch sử của đảng CSVN là lịch sử của vô số tội ác mạo nhận danh nghĩa của cộng đồng để chà đạp nhân quyền của cá nhân trong cộng đồng hoặc nhân quyền của toàn thể cộng đồng. Vì vậy nhân quyền và CSVN như Thần Công Lý với phạm nhân. Mỗi lần phải chạm mặt với Thần Công Lý là mỗi lần phạm nhân CSVN lại phải nhanh chóng đưa ra những lý lẽ điêu ngoa nhưng vụng về và ấu trỉ nhằm biện hộ cho tội ác vi phạm nhân quyền của chế độ Hà Nội. Rằng mỗi dân tộc có văn hóa riêng, có quyền hiểu nhân quyền theo nghĩa riêng. Rằng dân chủ Á Châu khác với dân chủ Âu Mỹ. Rằng dân đói không quan tâm đến nhân quyền. Rằng cá nhân phải tuân phục cộng đồng. Những luận cứ kia CSVN chỉ nhắc đến một cách lơ mơ, không bao giờ dám luận bàn chi tiết và khoa học. Đó là lý do giải thích tại sao sự việc CSVN ngồi vào chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ bao giờ cũng làm cho công luận liên tưởng đến con chó sói tinh ma trong câu chuyện Cô Gái Quàng Khăn Đỏ của tác giả La Fontaine.

Đỗ Thái Nhiên
© Thông Luận 2009

No comments:

Post a Comment