Saturday, January 3, 2009

BLOGGER VIỆT NAM ĐỐI DIỆN VỚI SỰ TRẤN ÁP CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN

Bloggers Việt Nam đang đối diện với sự trấn áp của nhà nước
Ann Binlot – Nguyên Hân chuyển ngữ
02-01-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5868
Thời đại tự do ngôn luận cho thế giới blog mang tính chính trị ở Việt Nam ngày càng phát triển giờ mới bị siết lại. Hôm 18 tháng Mười Hai 2008, Hà Nội đã thông qua một luật mới ngăn cấm những bloggers đưa lên blogs những gì mà nhà nước cho rằng có tính kích động hay tội ác, ảnh hưởng xấu đến nền an ninh quốc gia, bao gồm tin tức không chính xác có thể làm thương tổn uy tín của cá nhân hay đoàn thể, hay tiết lộ những bí mật quốc gia. Luật này cũng yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ internet trên toàn cầu hiện đang cung cấp dịch vụ ở Việt Nam phải báo cáo cho nhà nước Việt Nam mỗi một sáu tháng – và cung cấp tin tức cá nhân của những bloggers nếu được yêu cầu.

Ở Việt Nam, là một đất nước mà nhà nước cộng sản đã hoàn toàn kiểm soát truyền thông kể từ ngày hai miền Nam Bắc Việt Nam thống nhất trong năm 1975, hiện tượng blog đã và đang phát triển – và đầy rủi ro, nguy hiểm – như là một diễn đàn mới cho những nhà bất đồng chính kiến để gởi đi những thông tin về bất công xã hội và tham nhũng của nhà nước. Cái thế hệ mới của những bloggers này đề cập đến đủ mọi thứ trên đời từ chuyện chỉ trích những viên chức nhà nước cấp cao về chuyện thuê máy bay đi công tác cho đến chuyện theo dõi những vi phạm lao động. Trước tháng này, khi chưa có những cấm đoán về mạng và blog ra đời, thế nhưng nhiều người bất đồng chính kiến bày tỏ ý kiến của mình trên mạng -- chẳng hạn như Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyền và Lê Nguyên Sang – đã bị bắt vì bị kết tội đã đăng những bài tuyên truyền chống phá nhà nước trên mạng. Nhà nước thường đóng cửa những blogs đăng những tin nhạy cảm về phương diện chính trị, và để tránh chuyện bị bắt giữ, một vài blogger đã dùng tên gỉa. “Họ phải dùng bút hiệu, tên riêng, và dùng máy điện toán khác nhau để có thể đăng được bài,” ông Nguyễn Thanh Trang nói, chủ tịch Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở nằm ở California. Và ngay cả thế, ông Trang nói thêm, “Họ biến mất.”

Tháng Mười Hai năm 2007 và tháng Một năm 2008, người hoạt động đòi hỏi nhân quyền 56 tuổi, ông Nguyễn Hoàng Hải -- với bí danh “Điếu Cày” – đã tổ chức những buổi biểu tình chống nhà nước đã cho phép đuốc Thế Vận Hội đi ngang Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Những cuộc biểu tình này nhằm phản đối sự xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa ở biển Nam Hải của Trung Quốc – mà Việt Nam cũng cho rằng mình là chủ quyền của quần đảo này. Chỉ trong vòng mấy tháng sau, công an bắt ông Nguyễn Hoàng Hải vì tội trốn thuế -- một điều mà ai ai cũng thấy rõ là chuyện bắt bớ này chỉ là một sự trả thù. “Rõ ràng cái làm ông ta bị thảy vô tù chính là lời chỉ trích sự tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên quần đảo Hoàng Sa,” ông Bob Dietz nói, điều hợp viên vùng châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở nằm ở Nữu Ước (New York), Hoa Kỳ. Mới trong tháng Mười Hai này, tòa án phúc thẩm vẫn giữ nguyên y án 30 tháng tù ở dành cho ông Hải.

Hôm tháng Mười, Hà Nội mở thêm một bộ phận mới mang tên Cục phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, thực chất là nhằm quản lý sự sử dụng internet và theo dõi người sử dụng mạng ở Việt Nam, được tiên đoán là sẽ gia tăng đến 30 triệu người trong năm 2010 so với 20 triệu người sử dụng internet hiện nay. “Việt Nam, giống như Trung Quốc đều nhận thức sự quan trọng của Internet nếu nền kinh tế của họ sẽ phát triển và họ chấp nhận rằng càng có nhiều người được tiếp cận vào internet, thì lại càng tốt cho đất nước,” ông Dietz nói.

Mặc dù luật mới ngăn cấm bloggers không được thảo luận về những đề tài vốn nhạy cảm về mặt chính trị, luật cũng nói rằng nhà nước chính thức khuyến khích việc sử dụng Internet “để chia sẻ và trao đổi thông tin theo phong tục, tập quán và luật lệ Việt Nam, như thế làm giàu đời sống tinh thần và gia tăng sự đoàn kết cộng đồng.” Ông Lưu Vũ Hải, người cầm đầu Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông bảo vệ cho những luật lệ mới. “Nước nào cũng có luật lệ riêng của từng nước và tất cả mọi hoạt động phải tuân thủ theo luật định để bảo đảm những ích lợi xã hội,” ông Lưu nói. Luật “không nhằm kiểm duyệt blogs, nhưng để giúp và giáo dục bloggers duy trì một phương thức sử dụng Internet một cách lành mạnh cho ích lợi của chính họ.”

Liệu nhà nước có yêu cầu được các công ty cung cấp dịch vụ mạng tiếng tăm trên thế giới đang hoạt động ở Việt Nam cộng tác với họ để giúp duy trì “một phương cách lành mạnh” thì cần thời gian để biết. Mặc dù báo Thanh Niên tường thuật rằng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Đỗ Quý Doãn sẽ tiếp xúc hai công ty Google và Yahoo! để yêu cầu hai công ty này hợp tác, nhưng đại diện hai công ty này cho hay là cho đến giờ phút này họ vẫn chưa được phía Việt Nam liên lạc. Hãng Google, Microsoft, Skype và Yahoo đều bị chỉ trích trong thời gian gần đây vì tuân theo yêu cầu của nhà nước Trung Quốc lọc ra những nội dung chứa những đề tài gây nên nhiều tranh luận trong nước như phong trào Pháp Luân Công (Falun Gong) và sự chiếm đóng Tây Tạng (Tibet).

Cho những người cầm bút, Lê Phương Thi, một trong những nguồn cung cấp tin cho blogger Nguyễn Hoàng Hải giờ đang bị tù, cô Thi đã trốn qua California hôm tháng Bảy sau khi cô sợ cho chính sự an toàn của bản thân mình, cô tin rằng các bloggers Việt Nam sẽ tiếp tục viết và đăng bài trên blogs của họ cho dẫu luật kiểm soát blogs ra đời. “Đây là một dụng cụ tuyệt vời để cho thế giới biết và loan tải tin tức về những gì đang xảy ra bên trong Việt Nam, bởi vì không có những tổ chức thông tin hay báo chí độc lập trong nước,” cô ta nói. Và trong lúc cô ta không thể về lại nhà và người đồng sự của cô trước đây hiện đang ở trong tù, chuyện về khủng bố, hành hạ những bloggers như những câu chuyện của họ chỉ tổ làm tăng thêm sự bất mãn trong lòng người -- chứ không phải làm tắt đi. “Hiện giờ nhà nước rất sợ Internet,” ông Nguyễn Thanh Trang nói. “Internet rất mạnh.”

© DCVOnline

----------------------
Nguồn:
(1)
Vietnam's Bloggers Face Government Crackdown. Times, by Ann Benlott, 30 December 2008

No comments:

Post a Comment