Barack Obama Trong Vòng Liên Hoàn
Nguyễn Xuân Nghĩa
[22/01/2009 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=8412
Hình (Reuters courtesy): Tổng Thống Barack Obama và phu nhân tại bữa tiệc liên hoan dành cho tân Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ.
http://www.vietnamreview.com/modules/News/pic/1232604072_BarackObamaTakingOath-08.jpg
Vừa nhậm chức, Tổng thống Obama đã gặp vụ khủng hoảng...
Vụ khủng hoảng bùng nổ mà không tiếng động, nó xuất phát từ một... hòa ước.
Chúng ta không nói về quyết định ngưng chiến tại Dải Gaza của Chính quyền Israel. Tổng thống Barack Obama sẽ có thời giờ rờ mó vào hồ sơ gai góc ấy của Trung Đông mà không tìm ra giải pháp - như năm vị tiền nhiệm của ông, từ Carter tới Bush 43. Chuyện này, xin cứ để đó mà vẫn không thiu.
Khủng hoảng bùng nổ khi Thủ tướng Yulia Timoshenko của Cộng hoà Ukraine đồng ý với Thủ tướng Vladimir Putin của Liên bang Nga về chương trình hợp tác về khí đốt giữa hai nước. Cụ thể là Ukraine sẽ lại được mua khí đốt của Nga với giá biểu ngày xưa mà Nga chỉ bán cho các đồng chí, đồng minh hay chư hầu như Armenia hay Belarus. Thỏa thuận ấy được hai nước ký kết khi ông Obama bắt đầu lên làm Tổng thống.
Thỏa thuận ấy có nghĩa là sau cuộc cách mạng dân chủ năm 2004 để ngả theo Tây phương, Cộng hoà Ukraine đang trở về vị trí cũ, nằm trong quỹ đạo của Liên bang Nga. Sau khi Georgia bị tấn công hồi tháng Tám năm ngoái và Ukraine bị bắt bí về khí đốt trong ba tuần liền khiến Âu Châu rát run vì thiếu khí trong mùa lạnh, việc một lãnh tụ Ukraine, đồng tác giả của cuộc Cách mạng màu Cam năm 2004, lại ký kết thỏa ước với Nga, cho thấy Liên bang Nga đang chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên bang Xô viết.
Đáng chú ý hơn nữa, Putin đã thảo luận với bà Timoshenko sau khi qua Đức hai ngày nói chuyện với Thủ tướng Angela Merkel của Đức. Chính là bà Merkel dã dàn xếp giải pháp "hợp tác" này cho Ukraine và... Âu Châu. Nôm na dễ hiểu là Âu Châu sẽ hết bênh vực Ukraine hay Georgia và Liên bang Nga có thể tìm lại thế lực cũ...
Mà chuyện ấy ăn nhằm gì tới tân Tổng thống Barack Obama? - Có, vì chuyện ấy ăn nhằm tới Pakistan và chiến trường Afghanistan, hồ sơ chiến lược của ông Obama. Đấy là một vòng liên hoàn rất lạ, như hình tròn của trái đất.
Không phải ngẫu nhiên mà khi Obama tuyên thệ nhậm chức thì Đại tướng David H. Petraeus - Tư lệnh Chiến trường Iraq năm qua, nay là Tư lệnh bộ Chỉ huy Quân khu Trung ương CENTCOM của Hoa Kỳ - tuyên bố đã là đạt thỏa thuận về tiếp vận với Liên bang Nga... cho chiến trường Afghanistan. Petreaus chỉ huy cả hai chiến trường nóng của Hoa Kỳ là Iraq và Afghanistan, với nhiệm vụ bao trùm lên 27 quốc gia từ Trung Âu xuống Trung Đông qua Trung Á.
Muốn hiểu ra câu chuyện và cái thế liên hoàn đang từ từ bó tay vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, người ta cần mở bản đồ... Hay xoay quả địa cầu.
Hoa Kỳ đang gỡ dần thế kẹt tại Iraq và từ khi tranh cử, Barack Obama đã chú ý đến chiến trường Afghanistan trong tinh thần dồn quân từ Iraq về đó, ít ra là ba lữ đoàn như ông hứa hẹn khi tranh cử. Thực tế có thể là 20 ngàn quân là ít. Chiến lược áp dụng vẫn là chiến lược dồn quân của Bush tại Iraq - để đạt thắng lợi quân sự nhất định hầu thỏa hiệp với lực lượng Taliban, như Mỹ đã thoả hiệp với lực lượng Sunni của Iraq - và tìm cách rút quân sau khi diệt trừ được al-Qaeda.
Tại Afghanistan, Hoa Kỳ và các lực lượng của Minh ước NATO chỉ có một ngả tiếp vận chính là qua Pakistan. Lập cầu không vận cho võ khí nặng là chuyện khó khăn và tốn kém. Khoảng ba phần tư võ khí và đạn được của Liên quân Mỹ-NATO được cập bến Karachi và đưa qua A Phú Hãn Afghanistan bằng đường bộ khá hiểm trở. Xăng dầu cũng vậy, được đưa vào chế biến tại Pakistan để phục vụ chiến trường Afghanistan.
Hai ngả đường bộ đầy hiểm trở ấy là Chatman trong tỉnh Kandahar và ải Khyber tại miền Tây Bắc. Liên quân vừa bị Taliban tấn công tại đó, và Chính quyền Pakistan cũng vừa khóa hai ngả thông thương ấy với lý cớ là để tu bổ hạ tầng! Pakistan còn chuẩn bị nghênh chiến với các đơn vị Ấn Độ sau vụ khủng bố tại Mumbai của Ấn ngày 26 tháng 11 năm ngoái nên đã dời quân từ biên giới với Afghanistan qua biên giới Ấn Độ.
Thông điệp của Karachi: hãy cầm chân Ấn Độ, và Pakistan không có lý do gì gây khủng hoảng nội bộ bằng cách diệt trừ các nhóm khủng bố quá khích bên trong hay giúp Mỹ diệt trừ khủng bố tại Afghanistan.
Vì vậy, việc Tướng Petraeus đạt thỏa thuận với Nga về việc tiếp vận chiến trường Afghanistan vào đúng ngày 20 tháng Giêng, khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức, mới là tin đáng chú ý. Hoa Kỳ cần đường vào A Phú Hãn và đang phải trả giá với Nga cho nhu cầu ấy.
Khi nhìn vào bản đồ hay quả địa cầu, mình thấy là ngoài Pakistan, giải pháp tiếp vận cho Liên quân Mỹ-NATO thật ra không nhiều. Một là qua biển Caspian - như lọc dầu tại Armenia đưa qua biển tới Turkmenistan và vào A Phú Hãn qua deo đất giữa Turkmenistan với Uzbekistan. Hai là mở rộng giao lưu với Georgia và Turkey qua Hắc hải và Địa trung hải để vào A Phú Hãn. Ba là... mượn lãnh thổ Nga trong khu vực Caspian - chuyện không dễ và không rẻ. Dù sao còn dễ hơn ngả thứ tư là qua lãnh thổ... Iran. Ngần ấy quốc gia đều nằm dưới ảnh hưởng của Putin - Liên bang Nga - hay chống Mỹ - Tehran.
Trong hoàn cảnh đó, làm sao Tổng thống Obama có thể yểm trợ để dứt điểm chiến trường Afghanistan? Ông phải trả giá những gì cho Putin sau khi để mất Georgia và Ukraine? Và nếu phải hy sinh hai đồng minh mới này thì ăn nói ra sao với các đồng minh khác trên thế giới?
Khi tranh cử, Obama chưa hiểu ra nỗi khổ tâm của George W. Bush với "của nợ Âu Châu". Ông được dư luận Âu Châu ca tụng và hứa hẹn hợp tác đa phương với Âu Châu để cùng giải quyết thiên hạ sự thay vì đơn phương can thiệp kiểu Bush. Vụ khủng hoảng Ukraine là tiếng chuông cảnh báo.
Thủ tướng Putin đã dùng khí đốt trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine làm võ khí bắt bí các nước Âu Châu ngay trong mùa lạnh và giữa cơn khủng hoảng kinh tế. Cuối cùng thì Đức đã dàn xếp theo tinh thần thỏa hiệp. Chẳng những Thủ tướng Angela đã từng bác bỏ đề nghị của Tổng thống Bush là đón nhận Georgia và Ukraine vào Minh ước NATO, lần này bà còn nhúng tay vào việc gả bán Yulia Timoshenko cho Valdimir Putin để mua lấy hoà bình và sự ấm áp cho Âu Châu.
Trong vụ đấu trí, Putin đã bẻ đũa từng chiếc. Ông không nói chuyện với toàn khối Âu Châu, hay Chủ tịch Liên hiệp Âu Châu từ đầu năm nay là Cộng hoà Tiệp, mà tranh thủ từng nước để cơ chế của tập thể Âu Châu quay trong chân không. Và các nước Đông Âu cũ hay "Âu Châu mới" bị thất thế, hết còn cơ chế bảo vệ. Tổ chức có khả năng bảo vệ về an ninh là NATO thì đang cạn kiệt phương tiện. Có đòi tăng quân cho chiến trường Afghanistan thì chẳng xứ Âu Châu nào chịu.
Vì vậy, ước mơ hợp tác Mỹ-Âu để giải quyết thiên hạ sự là một sự hão huyền mà Obama chỉ thấy khi tiến dần vào tòa Bạch Ốc. Và nay sẽ phải giải quyết! Nói cho ngắn gọn, ông sẽ phải ngã giá với Liên bang Nga của Vladimir Putin.
Cái giá ấy gồm có những gì?
Là phải chính thức tuyên bố rằng NATO sẽ cuốn cờ và bãi bỏ kế hoạch Đông tiến, cụ thể là không nhận Georgia và Ukraine làm hội viên nữa? Chuyện ấy, nói ra thì nhục mà thực tế thì cũng bất khả vì các hội viên Tây Âu của NATO như Đức và Pháp cũng sẽ chống. Đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ!
Hay là chính thức tuyên bố rằng NATO sẽ từ bỏ kế hoạch thiết lập lá chắn chiến lược tại Cộng hoà Tiệp hay Ba Lan và hết đồn trú các đơn vị trong vùng biên trấn là các hội viên mới tại biển Baltic? Nôm na là bỏ rơi Estonia, Latvia và Lithuania và hết bảo vệ Đông Âu? Sức mạnh và sự khả tín của Hoa Kỳ có còn gì không sau khi phải tuột thang tháo chạy như vậy?
Mà nào chỉ có Âu Châu?
Cái giá của sự hợp tác của Nga có thể là lời cam kết của Obama là sau khi giải quyết xong chiến trường Afghanistan, Hoa Kỳ sẽ triệt thoái khỏi toàn cõi Trung Á, ra khỏi Afghanistan và Kyrgystan chẳng hạn. Và... hết bảo vệ một đồng minh chiến lược nằm ngang hai lục địa Âu-Á và hai cõi Bắc Nam, phía Bắc của nền văn minh Thiên chúa giáo Tây phương, phía Nam là Hồi giáo tại Trung Đông, tức là xứ Turkey.
Ngẫu nhiên sao, quốc gia này cũng như Ukraine, nằm bên Hắc hải và là đốt xương sống quan trọng cho việc phòng thủ Đông-Tây.
Nói xa chẳng qua nói gần: Liên bang Nga đang trở về trong thế mạnh và đặt ra những thách đố sinh tử cho Hoa Kỳ. Mấu chốt là chiến trường Afghanistan, là lập trường của Pakistan hay vai trò kềm hãm của Ấn Độ, nhưng chủ động là quyết định của Putin, hay các đòn khiêu khích của Taliban, của al-Qaeda và các nhóm khủng bố tại Nam Á. Trước bài toán ấy, Hoa Kỳ thực sự đứng một mình, chứ không trông đợi được gì nhiều của các đồng minh cố hữu tại Âu Châu.
Còn những đồng minh mới, các quốc gia vừa thoát khỏi chế độ Xô viết gần hai chục năm trước, họ nghĩ sao về Hoa Kỳ? Sẽ lại bị hy sinh lần nữa? Khủng hoảng không gây tiếng nổ mà vẫn làm ta rùng mình trong ngày trọng đại nhất của nước Mỹ. Lời hùng biện rất tẻ của Obama về những cam kết của Hoa Kỳ với thế giới trong bài diễn văn nhậm chức đã bị thực tế thách đố ngay từ khi chưa phát biểu!
Nguyễn Xuân Nghĩa
21-01-2009
No comments:
Post a Comment