Monday, December 8, 2008

XÃ UNG THƯ DĂK MAR (KONTUM)

Xã ung thư Đăk Mar: Thuốc trừ sâu vượt mức cho phép
Thứ Hai, 08/12/2008, 19:36 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=291675&ChannelID=3
TTO - Chiều 8-12, Sở Y tế Kontum cho biết, vừa tiến hành kiểm tra tình trạng số đông người chết vì mắc bệnh ung thư trên địa bàn xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kontum.
Trong số 28 bệnh nhân ung thư mắc các chứng như: phổi, gan, trực tràng, da, vòm họng, tử cung, máu... khi kiểm tra 29 mẫu nước sinh hoạt, kết quả một số mẫu có tình trạng nhiễm vi sinh (lượng E.coli), 21/29 mẫu có nồng độ thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn cho phép (Diclovos, loại chất có gốc Clo).
Đến nay vẫn chưa xác định được các yếu tố liên quan đến tình hình bệnh ung thư, Sở Y tế Kontum đã có văn bản đề nghị Viện vệ sinh dịch tễ Tây nguyên tiếp tục nghiên cứu tìm và xác định yếu tố liên quan gây bệnh.
TRẦN THẢO NHI

Kontum: kiểm tra tình hình tử vong do ung thư tại xã Đăk Mar
Thứ Tư, 26/11/2008, 14:57 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289775&ChannelID=12
TTO - UBND tỉnh Kontum vừa có công văn chỉ đạo chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng số đông người chết vì mắc bệnh ung thư trên địa bàn xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (tỉnh Kontum), báo cáo UBND tỉnh để có các giải pháp khắc phục, hoặc đề xuất các viện nghiên cứu Trung ương giúp đỡ (nếu vượt khả năng).
Trên địa bàn xã Đăk Mar đã phát hiện 32 người mắc bệnh ung thư dạ dày, vòm họng, gan... tập trung chủ yếu ở một số thôn như thôn 1, 3, 4, 5 khiến người dân rất lo lắng.
TRẦN THẢO NHI

Xã ung thư

Thứ Hai, 10/11/2008, 20:16 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=286705&ChannelID=89
TTO - Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có trên 30 người bị ung thư, trong đó có 21 người đã chết. Bệnh ung thư nan y tưởng khó gặp lại hoành hành như một đại dịch, trở thành nỗi ám ảnh và gây hoang mang cho người dân nơi đây.

Cờ tang dọc lối
Cờ tang cắm dọc theo lối đi vào thôn 1, xã Đăk Mar. Tiếng nhạc tỉ tê cầu siêu cho vong linh người quá cố nghe đến não lòng. Lại thêm một người bị ung thư nữa ra đi! Đó là ông Nguyễn Thiện Tuy.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trí Ánh hoang mang: “Mới cách đây mấy ngày, cô giáo Nguyễn Thị Tang (dạy Trường Mầm non Đăk Mar) chết vì bệnh ung thư, nay ông Tuy cũng lại ra đi vì bị ung thư vòm họng!”. Trên khuôn mặt những người dân đến thăm và tiễn đưa ông Tuy về cõi vĩnh hằng không giấu được nỗi lo âu, thất thần trước căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ và cướp đi bao người...
Không phải chỉ thôn 1 có nhiều người bị ung thư mà các thôn khác trong xã Đăk Mar cũng có nhiều người bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này, xã Đăk Mar có trên 30 người bị ung thư (chưa kể một số người bị bệnh có dấu hiệu khả nghi ung thư nhưng không dám đi xét nghiệm, hoặc đã đi xét nghiệm biết bị ung thư nhưng gia đình giữ bí mật để tránh ảnh hưởng đến tâm lý). Trong số đó, 21 người đã chết.
Thôn có nhiều người bệnh ung thư nhất là ở thôn 1: 12 người (8 người đã chết); thôn 5: 11 người (7 người chết); thôn 3: 8 người (6 người chết)... nằm dọc theo con suối Đăk Mar và trục đường quốc lộ 14. Đối diện thôn 1, bên kia con suối Đăk Mar là tổ dân phố 8, thị trấn Đăk Hà cũng có 8 người chết vì bị ung thư và còn lại hai người đang trị bệnh.
Bệnh ung thư giờ đây không còn là nỗi lo riêng của những gia đình có người bệnh mà thật sự là nỗi ám ảnh đối với mọi người dân, là mối quan tâm của chính quyền địa phương.
Tôi đến thăm gia đình bác Nguyễn Xuân Hiên có người cháu nội Nguyễn Võ Thúy Trang (5 tuổi) - con của thầy Nguyễn Văn Thơ (giáo viên Trường Kim Đồng) bị ung thư máu.
Nói về bệnh tình của cháu, ông Hiên tâm sự: “Ban đầu cháu kêu đau bụng. Gia đình lấy thuốc về cho cháu uống, cháu lại kêu đau chân, bả vai... Hoảng quá gia đình đưa cháu đi bệnh viện Kon Tum. Qua xét nghiệm và chẩn bệnh, bác sỹ cho biết cháu bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, nhưng cả bên nội và ngoại đều không có ai bị ảnh hưởng chất độc này. Nghi vấn, chúng tôi đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng ở TP.HCM. Nằm hơn 1 tuần, chỉ biết không phải nhiễm CĐDC, gia đình đưa cháu về nhà, nhưng thỉnh thoảng cháu lại kêu đau ở chân, đau đùi, đau bụng.
Đầu năm 2008, chúng tôi đưa cháu ra Bệnh viện Đa khoa Huế và gặp các bác sỹ Nhật Bản đang công tác tại đây. Sau khi xét nghiệm máu, các bác sĩ cho biết cháu bị ung thư máu...
Thương con vất vả, thương cháu, thương bao bạn đồng hương đang bị bệnh ung thư và đã xa lìa cõi thế, ông Hiên thở dài.
Cũng tại thôn 1, tôi gặp gia đình ông Nguyễn Văn Mục. Ông Mục bị u thủy phổi vừa mới được Bệnh viện chợ Rẫy cắt nửa lá phối trái, hiện đang về nhà dưỡng bệnh. Sức khỏe ông yếu lắm. Thấy khách lạ đến nhà, bà Đào Thị Mai, vợ ông Mục tỏ ra bối rối. Biết ý, sau dăm câu hỏi thăm, tôi theo bà Mai xuống nhà dưới. Bà Mai rỉ tai tôi nói nhỏ: “Đã có kết quả rồi! Ông được các bác sỹ cho uống thuốc thực phẩm chức năng để ngăn bệnh phát triển”...
Còn rất nhiều người bị bệnh ung thư mà chúng tôi không thể kể hết được. Số người bị bệnh ung thư phần nhiều là gan, phổi, dạ dày, cổ tử cung, buồng trứng..., nhưng nhiều nhất là ung thư gan.

Cần sớm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh

Bệnh ung thư đang hoành hành người dân xã Đăk Mar như một dịch bệnh. Người dân càng hoang mang khi không thể biết rõ nguyên nhân. Ở xã Đăk Mar, không gặp nhau thì thôi, cứ có một nhóm nhỏ vài ba người tụ tập thì chủ đề chắc chắn sẽ là bệnh ung thư. Người cho rằng nguyên nhân ung thư là do thuốc trừ sâu, người bảo do ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh, người đổ cho mạch nước ngầm từ dòng suối Đăk Mar có “vấn đề”, người bảo khu vực này trước đây là rừng gỗ trắc - nước độc... !?
Lần theo ý kiến của người dân, tôi nhờ thôn trưởng Trần Thanh Tuấn dẫn ra xem dòng suối Đăk Mar. Con suối nằm uốn lượn giữa các khu dân cư, xung quanh là những vườn cà phê nối dài, bạt ngàn tít tắp. Theo thôn trưởng, suối Đăk Mar bắt nguồn từ núi xẻ đầu, vùng giáp ranh giữa xã Đăk Hring và Đăk Mar. Nước suối không trong và cũng không đục lắm. Những người dân ở khu vực này, phần lớn là ở ngoài Bắc (tỉnh Thái Bình, Hải Dương... ) vào đây lập nghiệp, xây dựng Nông trường Cà phê 703 (nay là Công ty Cà phê Đăk Uy III).
Nguyên khu vực này, trước đây cỏ đuôi chồn mọc rất nhiều, chỉ có một ít cây rừng tái sinh và cây bụi. Khi khai hoang vỡ đất trồng cà phê, bà con gặp rất nhiều những cây gỗ trắc khô to lớn, chết đứng, thân cây cháy đen nham nhở. Dọc theo suối Đăk Mar có rất nhiều bom, mìn, đầu đạn M79, thùng đạn... Chiến tranh với bom đạn, chất độc hoá học đã biến những khu rừng nguyên sinh có nhiều gỗ trắc quý hiếm thành vành đai trắng. Khi mới lên đây lập nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hiên vẫn còn nhớ: “Vườn nhà tôi có đến 50 cây gỗ trắc khô, chết đứng; khoảng 50 thùng đạn, còn bom bi nhặt hàng thúng!”.
Do gần suối nên mạch nước ngầm ở đây cạn, bà con chỉ đào giếng sâu chừng 5-10 mét là có nước. Tuy nhiên, theo bà Đào Thị Mai, nguồn nước giếng ở đây không ổn định. Nước giếng có bữa đục, bữa trong, bữa có vị tanh, bữa có vị ngọt... Mới đây, chị Hương bơm nước giếng lên thấy có màu xanh nhạt. Gia đình đặt máy thủy phân để thử nước thì thấy nước sủi bọt, sau đó phía dưới có màu vàng nhạt. Khả nghi nước nhiễm độc tố, một số hộ gia đình trong thôn vội vã đi mua bộ lọc nước về dùng, nhưng nhiều người khác vẫn đành dùng nước không lọc chỉ vì nghèo.
Trước tình trạng người dân hoang mang, nghe nói Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã đến thôn 1 lấy mẫu nước để xét nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa thấy viện này hồi âm. Người dân xã Đăk Mar mong chờ cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, nghiên cứu đất đai, nguồn nước và làm rõ nguyên nhân khiến nhiều người dân bị bệnh ung thư để giúp dân phòng chống bệnh tật.

QUANG VĂN

No comments:

Post a Comment