Wednesday, December 31, 2008

VIỆT NAM ĐẶT VẤN ĐỀ BLOG VỚI YAHOO và GOOGLE

Sẽ “đặt vấn đề” quản lý blog với Yahoo! và Google
Thứ tư, 31/12/2008, 03:55 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/xahoi/2008/12/177023/
Chiều qua, 30-12, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Thông tư số 07 “Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97 ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet” (thường được gọi là Thông tư quản lý blog, Báo SGGP đã thông tin ngày 24-12). Tại đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc triển khai thực hiện thông tư này.

° Phóng viên: Hiện nay hầu hết các blog tiếng Việt đều đang sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp nước ngoài. Bộ TT-TT đã tính đến việc phối hợp với những nhà cung cấp dịch vụ blog lớn như Yahoo!, Google để thực hiện thông tư này hay chưa?
* Thứ trưởng ĐỖ QUÝ DOÃN: Theo số liệu thống kê bước đầu, hiện nay ở Việt Nam đã có hơn 1,5 triệu người viết blog (blogger) với khoảng 2,2 triệu trang blog tiếng Việt. Trong đó, hơn 80% người viết blog Việt Nam đang dùng dịch vụ blog của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, nhiều nhất là dịch vụ blog của Yahoo! và Google.
Thông tư 07 mới ra đời và sau khi thông tư này có hiệu lực, bộ sẽ “đặt vấn đề” với những nhà cung cấp dịch vụ blog như Yahoo! và Google. Hiện nay chúng ta chưa làm việc này, nhưng tôi tin là nếu chúng ta đặt vấn đề một cách hợp lý, Yahoo! và Google cũng sẽ sẵn sàng hợp tác trong vấn đề này.

° Vì sao thông tư lại cấm blog truyền bá các tác phẩm báo chí, trong khi đó báo chí lại được khai thác thông tin từ blog?
* Báo chí hoạt động theo Luật Báo chí và thông tin dù khai thác ở blog hay bất cứ ở đâu thì bản thân tờ báo đó và phóng viên thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình cung cấp. Trong khi đó, blog không phải là báo chí, nếu tác phẩm đó là một sản phẩm báo chí thì hãy đăng tải ở các tờ báo, kể cả báo in và báo điện tử. Còn nếu khi đăng tải ở blog thì không có giá trị về mặt pháp lý của một tác phẩm báo chí.

° Khi thông tư chính thức có hiệu lực, Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng có tiến hành rà soát lại để phát hiện những sai phạm của hoạt động blog hiện nay?
* Với hơn 2,2 triệu blog tiếng Việt và đang tiếp tục gia tăng hàng ngày, bộ không thể làm được việc rà soát đó. Mục đích của thông tư này không phải là “quy kết để xử phạt” mà chỉ là tạo ra khung pháp lý và định hướng về việc phát triển của dịch vụ blog ở Việt Nam. Bộ cũng không có tham vọng là với thông tư này sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với dịch vụ blog. Qua báo chí và việc tuyên truyền rộng rãi, mọi người hãy tự rà soát điều chỉnh lại mình trong quá trình khởi tạo và tham gia dịch vụ blog, làm sao để không trái với những quy định mà Nghị định 97 và thông tư này đã nêu ra.
Thông tư này cũng không xây dựng chế tài xử phạt riêng, mà sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định 97. Hiện nay, Bộ TT-TT đã hoàn thiện dự thảo chế tài này và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Khi Thủ tướng phê duyệt và ban hành, đó chính là chế tài để xử phạt đối những blog vi phạm.

° Cảm ơn Thứ trưởng!.

------------------------------------------------
Thông tin khi đăng tải trên báo chí phải thể hiện rõ nguồn tin
Cũng trong buổi họp báo hôm qua, Bộ TT-TT đã giới thiệu Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí (gồm 8 điều) vừa được bộ ban hành theo Quyết định số 52. Quy chế nói rõ, khi viện dẫn nguồn tin, phải thể hiện rõ tin do cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào cung cấp hay thể hiện rõ theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin.
Đối với việc thông tin về những vụ án, vụ việc tiêu cực còn đang được điều tra hoặc chưa xét xử, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Cơ quan báo chí phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin được cung cấp; không được đăng, phát những thông tin về thân nhân và các mối quan hệ cá nhân trong các vụ án, vụ tiêu cực khi không có căn cứ cho những thân nhân và mối liên hệ đó liên quan đến vụ án, vụ tiêu cực, hoặc chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

TRẦN LƯU (ghi)


Quản lý blog: Phải tự “duyệt” cả blog đến comment
HẢI HÀ
31-12-2008 00:25:38 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=238657
Dự kiến năm 2009, Nghị định xử phạt blogger vi phạm sẽ được ban hành. Hiện nay chủ yếu nhắc nhở, khuyến khích ý thức tự giác của các blogger là chính.

Hôm qua (30-12), Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo về Thông tư 07 liên quan đến quản lý blog do bộ này vừa ban hành ngày 18-12.

Để “hiện” lên blog mình: Phải gánh trách nhiệm


Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng Thông tư 07 không mong sẽ giải quyết được tất cả vấn đề liên quan đến blog, nhưng là khung pháp lý hướng dẫn quản lý nhà nước đối với quá trình vận hành một loại hình thông tin mới. “Vì đây là thông tin mang tính cá nhân, do cá nhân nhận định nên có thể đúng hoặc sai về một sự việc. Tuy nhiên, nhận định này được đưa ra công khai trên một loại phương tiện có khả năng truyền đạt đến nhiều người với phạm vi rộng. Do đó, cá nhân sẽ bị quy trách nhiệm khi tạo blog có nội dung gây hại, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ
chức khác” - ông Doãn nói.

“Thông tin đưa ra dù là nội dung gì, nguồn nào cũng là phục vụ cá nhân. Thông tin đưa ra dưới góc nhìn của cá nhân nên có thể có những nội dung không chính xác. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ ràng buộc trách nhiệm khi thông tin đó xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Những hành vi của blogger vi phạm điều cấm liên quan đến các quyền bí mật đời tư, quyền hình ảnh của cá nhân hay quyền sở hữu trí tuệ... sẽ do các luật chuyên ngành điều chỉnh” - ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), nói.
Ông Hải cũng nhấn mạnh blogger phải kiểm soát được mọi thông tin thuộc sở hữu của mình, phải chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung do mình cung cấp và các nội dung do người khác đưa lên blog của mình, do mình cho phép đưa lên. Blogger phải chịu trách nhiệm bảo vệ mật khẩu (password) và tự chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Nằm ngoài Việt Nam: Không điều chỉnh được

Vấn đề về tính khả thi của Thông tư 07 trong việc quy trách nhiệm đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng được các phóng viên đặt ra: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nằm ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam có chịu sự ràng buộc của thông tư này không?”. Ông Hải thông tin ngoài lề rằng Yahoo! hoạt động tại Việt Nam là hoạt động cung cấp dịch vụ vượt qua biên giới, không bị giới hạn vì lý do hội nhập. Những nhà cung cấp dịch vụ nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam không nằm trong phạm vi quản lý của thông tư này. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng có trách nhiệm tham gia thiết lập môi trường blog lành mạnh.
Như vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội có máy chủ (server) đặt tại nước ngoài nhưng cung cấp các dịch vụ xã hội trực tuyến, có sử dụng tiếng Việt vẫn “ngoài vùng phủ sóng” của thông tư này.

Chưa có nghị định phạt blogger

Vấn đề được các phóng viên và blogger quan tâm nhất là cơ quan quản lý sẽ chế tài thế nào nếu blogger vi phạm năm điều cấm trong Thông tư 07? Ông Hải trả lời rằng mọi hoạt động trên môi trường mạng đều để lại dấu vết. Do đó, mọi hoạt động của blogger hoàn toàn có thể kiểm soát ngay cả khi blogger giấu mặt. Bằng biệp pháp kỹ thuật và sự phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp, nếu hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có điều tra tương xứng để xử lý.

Trả lời câu hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông có định rà soát lại các blog cá nhân có dấu hiệu vi phạm khá nghiêm trọng theo tiêu chí Thông tư 07 đặt ra không, ông Doãn cho biết thông tư chủ yếu hướng dẫn, khuyến khích blogger tự kiểm tra, dọn sạch “ngôi nhà” của mình, xem có phạm vào trường hợp cấm không. Việc để phạm vào các điều cấm thì chắc chắn sẽ bị chế tài tùy theo mức độ vi phạm. “Tuy nhiên, đây là bước ban đầu đưa blog cá nhân vào quản lý. Trong vận hành nếu có vướng mắc từ thực tiễn sẽ có những sửa đổi kịp thời. Hiện Bộ đang dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và sớm trình Thủ tướng ban hành trong năm 2009. Khi đó đã có thực tiễn áp dụng thông tư và có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm. Còn hiện nay chủ yếu là nhắc nhở, khuyến khích ý thức tự giác của mỗi người” - ông Doãn nói.

Dù vậy, nếu blogger sơ ý hoặc bị hacker đánh cắp mật khẩu dẫn đến việc xuất hiện những thông tin vi phạm điều cấm trên blog cá nhân, về nguyên tắc, cơ quan quản lý có trách nhiệm chứng minh blog đó có bị đánh cắp mật khẩu hay không, những thông tin phạm điều cấm là do chính blogger đưa lên blog hay do hacker xâm nhập vào. “Blogger không phải chứng minh mình “vô tội” do bị đánh cắp mật khẩu. Trách nhiệm chứng minh việc vi phạm pháp luật thuộc về nhà quản lý” - một phóng viên phát biểu tại buổi họp báo.

Vì thời gian họp báo rất ngắn, thông tư cũng chưa có hiệu lực nên nhiều vấn đề giới blogger quan tâm chưa được giải đáp đầy đủ trong buổi họp báo. Tính khả thi của thông tư đến đâu thì phải chờ sau một thời gian áp dụng mới biết được.


No comments:

Post a Comment