Wednesday, December 24, 2008

VIỆT NAM NGĂN CHẬN HAI NHÀ LẬP PÁHP CHÂU ÂU

Hai dân biểu nghị vịên châu Âu bị ngăn cấm vào VN
Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2008-12-24
Hai dân biểu nghị vịên châu Âu được Việt Nam mời sang quan sát tình hình tôn giáo, nhưng đến Bangkok thì lại bị chính Việt Nam yêu cầu đừng qua, vì lý do an ninh.

Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marco Pannella . Screen shoot from YouTube
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Two-european-parliament-members-invited-to-vn-but-hindered-by-hanoi-itself-12242008094113.html/Marco-Pannella-305.jpg

Phải chăng Hà Nội đang có vấn đề

Ỷ Lan : Xin chào Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marco Pannella. Theo lẽ ông đã đến viếng thăm Việt Nam ngày hôm nay. Xin ông cho biết chuyện gì đã làm cho ông không đi được ?
Marco Pannella : Tôi tin rằng việc này ngay Hà Nội cũng không biết vì sao. Bởi vì, một mặt Đại sứ quán Ý tại Hà Nội thông báo cho Ngoại trưởng Ý biết rằng, nhà cầm quyền Việt Nam quan tâm tới chuyến đi của chúng tôi và họ chờ gặp chúng tôi tại Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội.
Cùng lúc ấy, thì một hãng du lịch gọi là của Nhà nước lại ngăn cấm chúng tôi vào Việt Nam. Thế thì, câu hỏi đặt ra cho tôi, mà cũng có thể là một tin vui, nghĩa là Hà Nội đang có vấn đề. Ngay giữa họ với nhau họ cũng không hiểu nhau. Vậy nên chúng tôi đang cố nài.

Ỷ Lan : Theo ông cho biết thì chuyến đi sẽ đến Saigon trước tiên. Ông tính làm gì ở Saigon, nếu câu hỏi không quá bất tiện ?
Marco Pannella : Hiển nhiên là để gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đã biết bao năm tôi muốn gặp ngài. Tổng thư ký của Đảng chúng tôi là ông Olivier Dupuis đã từng đến biểu tình bất bạo động tại Việt Nam hậu thuẫn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Chúng tôi vẫn tiếp tục hậu thuẫn. Nên chúng tôi quyết định đến Saigon để cám ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ về cuộc đấu tranh, về chứng nhân và hùng lực của ngài. Chúng tôi đã từng đề nghị Giải Sakharov của Quốc hội Châu Âu cho Hòa thượng Thích Quảng Độ vì chúng tôi đánh giá ngài rất xứng đáng.
Nhưng Hà Nội đã sợ. Hòa thượng Thích Quảng Độ đầy dũng lực dù tuổi ngài đã cao. Hà Nội không muốn cho ai gặp ngài để cảm nhận ra hùng lực này. Đúng thế, những kẻ quan liêu ở Hà Nội sợ chúng tôi đến gặp Hòa thượng. Rồi cũng có lúc chúng tôi đến gặp ngài thôi.
Đây là điều chắc chắn. Bởi vì cuộc gặp gỡ liên quan đến di sản của nền văn minh Châu Á, và cũng không riêng gì Châu Á. Đây chính là lý do vì sao chúng tôi đã nêu lên tại Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Ý vấn đề tự do tại Việt Nam.
Tự do cho tất cả mọi người, và tự do tôn giáo, là điều rất quan trọng tại Việt Nam : tự do tôn giáo. Chúng tôi biết rằng hồi tháng 10 có cuộc nổi dậy của tín đồ Công giáo tại Việt Nam, mà người ta rất ít nghe tòa thánh Vatican nhắc nhở. Còn vấn đề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì tôi hiểu rõ từ nhiều thập niên, qua cuộc đấu tranh của họ và thông qua ông Võ Văn Ái. Phật giáo trong thế giới ngày nay đang đối đầu với các bạo quyền. Ví dụ như ở Trung quốc, với một tỉ ba trăm triệu dân, thế mà Bắc Kinh vẫn úy sợ Đức Dalai Lama và Phật tử Tây Tạng. Chứ không phải là mười triệu Phật tử Tây Tạng úy sợ Bắc Kinh.
Tại Việt Nam, chiến thuật của người Cộng sản cũng như mọi nơi, là bịa ra một Giáo hội cho họ. Ở Bắc Kinh người ta bịa ra một Giáo hội Công giáo cho nhà nước, thì ở Việt Nam cũng vậy, người ta bịa ra một Giáo hội Phật giáo cho Nhà nước, Phật giáo trong ngoặc kép.
Bằng cách đó họ tạo ra hai sự thật, một mặt nhằm chống đối tất cả mọi tự do, mặt khác thăng tiến sự “tái sinh” các giáo hội, nhưng là những giáo hội ngoan ngoản tuân lệnh Đảng cộng sản.

Ỷ Lan : Như vậy thì ông vẫn giữ ý định sang Việt Nam, phải không thưa ông ?
Marco Pannella : Chị biết không, vào giờ này Đại sứ quán Ý tại Việt Nam chẳng biết nói làm sao. Như tôi đã nói với chị, hôm qua Đại sứ quán nhận được một thông báo của chính phủ Việt Nam nói rằng, nếu Marco Perduca và tôi sang bên đó sẽ làm dấy lên một cuộc phản đối của quần chúng Việt Nam, của các hội đoàn, của các nhà dân chủ, v.v… bởi vì “những kẻ thù của Việt Nam” sắp tới. Thế cho nên Việt Nam nói rằng “vì an ninh của quý ông xin quý ông đừng tới Việt Nam”.
Chị thử nghĩ xem, chính phủ Cộng sản với tất cả sự hùng mạnh của họ, thế mà họ lại sợ hai kẻ bất bạo động, hai kẻ đại biểu quốc hội đến Việt Nam thăm viếng biểu tượng nổi danh khắp thế giới của phong trào đối kháng chống bạo quyền, là Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Mặt khác, họ cũng sợ chúng tôi tiếp xúc với giới Công giáo. Họ nói rằng không thể bảo đảm an ninh cho chúng tôi, đời sống của chúng tôi sẽ bị lâm nguy. Thật là lời tự thú bất lực của một chế độ !

Được mời đến VN rồi lại bị ngăn cấm

Ỷ Lan : Thật lạ lùng cho sự kiện Việt Nam ngăn cấm cuộc viếng thăm, sau khi Phái đoàn Quốc hội Việt Nam ngỏ lời mời các Dân biểu Quốc hội Châu Âu đến Việt Nam. Tại sao lại như thế, thưa ông ?
Marco Pannella : Tôi có cảm tưởng dù sao đây cũng là một thứ điên cuồng quyền lực. Có cái gì gần như một trò cười. Trong khi các chính quyền ở Tây phương, vốn chỉ nghĩ đến chuyện làm ăn, mà có khi lại làm ăn tồi tệ, nói rằng Việt Nam đang có tiến bộ. Còn Hà Nội thì lại biểu tỏ thứ tâm thần phân liệt.
Tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg, Phái đoàn Quốc hội Việt Nam kêu gọi chúng tôi : Hãy đến Việt Nam đi các bạn, đến xem một nước Việt Nam hanh thông. Rồi tiếp đó, chính phủ và Quốc hội Việt Nam công khai mời chúng tôi, đáp ứng yêu cầu của chúng tôi sang Việt Nam gặp họ.
Đồng thời, ông Đại sứ Việt Nam tại Rome thông báo cho Bộ Ngoại giao Ý, rằng chuyền đi của chúng tôi đã được tổ chức như dự tính. Rồi chỉ vài giờ sau, một viên chức có vẻ ngượng nghịu nói với chúng tôi là mọi sự đã thay đổi. Đấy, chuyện như thế đó.
Xin chớ tin rằng cái chính phủ đang ngự trị qua nhiều thập niên sẽ còn tồn tại vĩnh viễn. Người ta có thể tưởng là như thế, hoặc do những mâu thuẫn trong các quốc gia dân chủ mà họ được công nhận nhất thời.
Thực tế việc này chỉ nẩy sinh trong sự hỗn độn. Và sự kiện đối với chúng tôi hôm nay là một minh chứng. Cho nên vẫn còn hy vọng. Sự kiện chúng tôi đang trải qua là một bước tiến để cho mọi người hiểu ra sự thật.



Hai nhà lập pháp Châu Âu bị ngăn không cho đến TP.HCM
24/12/2008
http://www.voanews.com/vietnamese/2008-12-24-voa8.cfm
Trong chuyến đi cổ võ cho chuyện dành thêm quyền tự do về văn hóa và tôn giáo cho người sắc dân Khmer tại Việt Nam, hai viên chức thuộc ngành lập pháp ở Âu Châu đã bị ngăn không cho đáp chuyến bay từ sân bay quốc tế Phnom Penh tới Thành Phố Hồ Chí Minh hôm thứ Ba.

Theo Thông Tín viên Brendan Brady của nhật báo The Phnom Penh Post, ông Marco Perduca thuộc Thượng Viện Ý và ông Marco Panella thuộc nghị viện Âu Châu đang thực hiện một chuyến viếng thăm không chính thức với tư cách thành viên của một tổ chức tán trợ dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu, mang danh hiệu Đảng Tiến Bộ Bất Bạo Động, có một vai trò tư vấn cho Liên Hiệp Quốc.

Theo hai ông, việc bị ngăn cản vào phút chót này quả là một sự cố bất ngờ vì Bộ Trưởng Ngoại Giao và các thành viên trong quốc hội Việt Nam đã thỏa thuận gặp hai ông tại Hà Nội trong ngày thứ Tư.

Ông Panella, Chủ tịch của tổ chức vừa kể, nghĩ rằng có sự bất đồng bên trong chính phủ Việt Nam. Theo ông, có thể phía chính phủ Việt Nam sợ là chuyến viếng thăm của hai ông sẽ tạo ra những cuộc biểu tình của những người sắc dân Khmer tại Việt Nam.
Ông Panella cho biết thêm là chính phủ Ý đang tìm cách tiếp xúc với các viên chức Việt Nam để giải quyết vụ này.

Tin cho hay vào lúc hai ông đang chuẩn bị lên phi cơ đi Thành Phố Hồ Chí Minh, giới hữu trách tại sân bay Phnom Penh đưa hai ông đọc một bản điện thư với nội dung rất mơ hồ của một công ty lữ hành thuộc nhà nước Việt Nam, trong nói rằng hai ông đã không tuân thủ một điều khoản đòi hỏi là khi được cấp thị thực nhập nội, hai ông phải cung cấp một chương trình thăm viếng với các chi tiết rõ ràng.

Hai ông ghi nhận sự kiện rằng Vũng Tàu Intourco Hanoi, công ty lữ hành gửi bức điện thư, không hề dính dáng gì tới chương trình chuyến đi của hai ông, và rằng thị thực của hai ông có giá trị tới giữa tháng Giêng 2009.

Theo dự trù, hai ông gặp các nhà lãnh đạo của nhóm sắc dân Khmer tại Việt Nam ở Thành Phố Hồ Chí Minh hôm thứ Ba để thảo luận về những vụ vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng sắc dân này, trong có vụ bắt giữ những người tích cực tranh đấu cho cộng đồng.

Báo Phnom Penh Post chưa tiếp xúc được với các viên chức của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh. Trong khi đó, cộng đồng sắc dân Khmer ra một tuyên bố lên án chính phủ Việt Nam về chuyện ngăn không cho hai ông Pannella và Perduca tới Việt Nam, dù hai ông đã được Đại Sứ Quán Việt Nam tại Rome cấp thị thực.

Theo bản tuyên bố, hành động của chính phủ Việt Nam rõ ràng cho cộng đồng quốc tế thấy là Việt Nam mạnh mẽ đàn áp dân chúng trong nước, nhất là người sắc dân Khmer.


Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viết thư cảm tạ 2 vị Đại biểu Quốc hội Châu Âu và Ý
2008-12-24 PTTPGQT
http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1153
PARIS, ngày 24.12.2008 (PTTPGQT) - Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự do vừa phỏng vấn Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, về chuyến đi Việt Nam không thành, mặc dù trước đó ông củng Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý, Marco Perduca, được mời đến Hà Nội gặp gỡ Quốc hội Việt Nam hôm 23.12. Phải chăng vì dự tính của hai nhà ngoại giao Châu Âu ghé Saigon viếng thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nên bị nhà cầm quyền Hà Nội cấm hai ông nhập cảnh vào phút chót ?

Câu hỏi không lời đáp, ngoại trừ sẽ có sự lên tiếng của nhà cầm quyền Hà Nội.

Nhận thấy cuộc phỏng vấn ông Marco Pannella mang lại nhiều lời giải thích, đặc biệt là sự quan tâm của chính giới Châu Âu đối với Việt Nam vào thời điểm Liên Âu – Việt Nam đang thương thảo để ký lại Hiệp ước Hợp tác song phương, nên chúng tôi chép lại cuộc phỏng vấn ấy công hiến bạn đọc dưới đây. Đài Á châu Tự do đã phát cuộc phỏng vấn này về Việt Nam trong chương trình sáng hôm nay, 24.12.

Sau khi nghe được cuộc phỏng vấn nói trên, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã có thư cảm tạ gửi hai vị Đại biểu Quốc hội gửi sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển đi. Dưới đây là nguyên văn Thư Cảm Tạ :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Sàigòn
Phật lịch 2552
Số ; : VHĐ/VT

Thư Cảm Tạ

Đồng kính gửi Ông Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và
Ông Marco Perduca, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý

Thưa Nhị vị Đại biểu Quốc hội,

Xin chân thành cảm ơn Nhị Vị đã dành tình cảm đặc biệt đối với Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi trong ý định đến thăm tôi tại Thanh Minh Thiền Viện vào lúc 14 giờ ngày 23.12.2008. Nhưng rất tiếc quý vị đã bị ngăn cản vào phút chót và tôi đã không được may mắn tiếp xúc Nhị Vị.

Nhưng sáng nay nghe trả lời phỏng vấn của Dân biểu Marco Pannella trên đài Á châu Tự do, tôi rất cảm kích. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như tín đồ các tôn giáo bạn đang tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, tôi xin ngỏ lời tri ân quý vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Quốc hội Ý và Đảng Cấp tiến Bất bạo động, Liên quốc và Liên Đảng, đã không ngừng quan tâm đến tự do, dân chủ trên đất nước chúng tôi, đặc biệt tự do tôn giáo, cơ bản cho mọi thứ tự do được LHQ tuyên dương và bảo đảm.

Năm nay Liên Âu và Việt Nam đang thương thảo để ký lại Hiệp ước Hợp tác song phương. Đây là cơ hội tốt để quý vị đòi hỏi cụ thể cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam thông qua các cơ chế và điều kiện mà Quốc hội Châu Âu đặt ra nhằm kiểm soát và chế tài khi Nhà nước Việt Nam không tuân thủ điều khoản nhân quyền và dân chủ nêu ra qua Hiệp ước mới.

Nhà nước Cộng sản Việt Nam có thói quen hứa hẹn đủ điều, kể cả nhân quyền và dân chủ, nhưng lại bội ước sau đó. Hiệp định chấm dứt chiến tranh và thiết lập hòa bình ký kết tại Paris năm 1973 là một bằng chứng của sự bội ước. Vì vậy, mà dân chúng Việt Nam ngày nay có câu nói xem như chân lý. Đó là : “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”.

Tuy nhiên, chính trị là thương thảo. Xu thế chính trị thế giới ngày nay là trao đổi, đối thoại và cộng tác. Trong tư thế viện trợ và giúp đỡ của Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Ý ngày nay đối với Việt Nam, tôi nghĩ rằng thông qua những đối thoại và thương thảo sắp tới với Việt Nam, quý vị có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam đạt được ước vọng tự do, dân chủ và nhân quyền. Xin hãy yêu sách cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Cộng đồng tôn giáo được phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tự do ngôn luận, mà cụ thể là yêu sách cho một tờ báo tư nhân và độc lập được phát hành tại Việt Nam. Đây là những điều tiên quyết cần thực hiện cho bằng được.

Kính chúc Nhị vị luôn an mạnh và xin gởi lời kính thăm đến toàn thể quí vị Đại biểu Quốc hội Châu Âu, Quốc hội Ý và quý vị điều hành Đảng Cấp tiến Bất Bạo động, Liên quốc và Liên Đảng.
Thanh Minh Thiền Viện ngày 24.12.2008
Xử lý Thường Vụ Viện Tăng thống
kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa Môn Thích Quảng Độ

No comments:

Post a Comment