Saturday, December 27, 2008

TRUNG QUỐC CẦN THAY ĐỔI CHÍNH TRỊ

Trung Quốc cần thay đổi chính trị
Ngô Nhân Dụng
Friday, December 26, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88689&z=7
Năm 1978, Ðặng Tiểu Bình được phục hồi với quyền lực cao nhất Trung Quốc và đến cuối năm ông bắt đầu cải tổ kinh tế. Tuần trước, ông Hồ Cẩm Ðào đã long trọng kỷ niệm 30 năm chương trình thay đổi này, kể công đảng Cộng Sản đã mở cửa nên dân chúng mới được ấm no. Không ai dám hỏi: “Còn cái tội đóng kín cả nước, thí nghiệm các chính sách tập thể hóa khiến cả xã hội chìm trong cảnh nghèo nàn chậm tiến, làm 30 triệu người chết đói, thì tội đó ai chịu?”

Người ta có thể bỏ qua chuyện quá khứ trước năm 1978. Nhưng khi nhìn đến hiện tại và tương lai, người ta vẫn phải đặt câu hỏi: Tại sao trong 30 năm nay đảng Cộng Sản vẫn kìm hãm tốc độ của việc cải tổ, không cho toàn dân được tự do kinh doanh và sống trong một xã hội có luật pháp bảo đảm, như các nước tiền tiến trên thế giới? Cụ thể hơn, tại sao bây giờ đảng Cộng Sản vẫn không chịu cải tổ về chính trị để những người dân thấp cổ bé miệng được tham dự vào quá trình quyết định số phận của chính mình, như trong việc chọn người lãnh đạo địa phương và trung ương? Ðó là những câu hỏi mà nhiều người dân Trung Hoa đang nêu lên, bằng lời nói và bằng hành động. Lời nói, có bản Hiến Chương 08, còn các công nhân đình công khắp nơi đã dùng hành động đình công để nêu ý kiến đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn.
Trước kia, các đảng Cộng Sản Liên Xô, Trung Quốc cũng như Việt Nam thường hay vẽ ra những “kế hoạch” dài hạn và ngắn hạn. Các kế hoạch đó không biết thực hiện được hay không nhưng đọc thấy báo cáo lúc nào cũng rất hay.

Tuy nhiên, công việc gọi là “cải tổ” ở Trung Quốc hay là “đổi mới kinh tế” ở Việt Nam thì không có một “kế hoạch” nào cả. Tất cả chỉ gồm những ý kiến nhỏ được thử nghiệm dần dần, nói theo lối ông Ðặng Tiểu Bình ví von, giống như dùng bàn chân “dò đá qua sông.” Công cuộc cải tổ bắt đầu từ chính sách thả lỏng cho nông dân được làm khoán, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, ý kiến đó đã tự phát sinh vì chính các nông dân đói quá phải làm liều và thành công, sau đó được nêu lên làm gương cho các nơi khác theo.

Tháng 12 năm 1978, một nhóm nông dân thuộc “công xã nhân dân” làng Tiểu Cương, tỉnh An Huy vì đói quá nên đã họp bí mật và ký kết với nhau: Họ sẽ chia ngũ cốc thu hoạch được theo sức đóng góp của các xã viên, ai làm nhiều được hưởng nhiều, thay vì chia đồng đều theo tiêu chuẩn của nhà nước. Hành động này vào thời đó có thể bị kết tội “phản cách mạng,” đáng chém đầu! Ðằng nào cũng chết, những viễn ảnh chết đói chắc chắn sẽ xẩy ra nếu không dám liều, còn viễn ảnh bị giết vì tội “phản động” thì may ra còn có thể thoát. Khi các cán bộ cấp trên biết bản thỏa hiệp bí mật này, họ phải làm ngơ vì biết nông dân đang chết đói dần mòn. Tới vụ mùa năm đó, số sản xuất của công xã tăng vọt lên, và cả xã thoát khỏi nạn đói.
Khi chính quyền cộng sản ở trung ương biết chuyện xẩy ra ở Tiểu Cương, không những họ làm ngơ không truy tội, họ còn đến tận nơi nghiên cứu rồi từ đó cho phép áp dụng trên toàn quốc. Ðó chính là bước đầu công cuộc “cải tổ kinh tế” của Ðặng Tiểu Bình, cho phép người Trung Hoa trở về “làm ăn theo lối cũ.

Không phải các “lãnh tụ” anh minh nẩy ra ý kiến và lập kế hoạch đổi mới kinh tế ở Trung Quốc. Chính các nông dân đã khơi mào cuộc cách mạng này! Dân làng Tiểu Cương may mắn hơn ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú nước ta, chỉ vì muốn giúp dân đỡ đói mà bị hạ tầng công tác!

Sở dĩ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc đó đã đồng ý với Ðặng Tiểu Bình, bởi vì họ không có đường nào khác. Sáu, bẩy trăm triệu dân Trung Hoa đã kiệt quệ sau những chiến dịch lớn huy động toàn dân như “chống hữu phái,” “trăm hoa đua nở,” “bước nhẩy vọt” hoặc cuộc “cách mạng văn hóa vô sản” điên rồ của Mao Trạch Ðông. Nếu không thay đổi, có thể sinh đại loạn.

Nhưng trong 30 năm qua, công việc đổi mới kinh tế ở Trung Quốc vẫn theo lối “dò đá qua sông” của Ðặng Tiểu Bình. Cộng Sản Trung Quốc đã “dò đá” dưới lòng sông bằng cả hai bàn chân, và hai bàn chân của họ thường không đồng ý với nhau, có khi chân nọ còn đá chân kia nữa. Sau khi cởi trói cho nông thôn, kết quả trông thấy là nông dân được tự do dùng ruộng đất đã gia tăng năng suất lao động; bước thứ nhì Ðặng Tiểu Bình muốn cải tổ các lãnh vực công nghiệp và thương mại, đã bị cản trở ngay từ trong Bộ Chính Trị. Nhiều lãnh tụ “cộng sản chân chính” không chịu tiến thêm bước nữa. Bàn chân trái chống lại bàn chân phải, vì họ không thể chấp nhận được việc mở cửa giao thương với các nước tư bản. Họ cũng không thể chấp nhận cho tư nhân tổ chức việc sản xuất và trao đổi hàng hóa, những hành động vẫn bị chủ nghĩa Mác Lênin kết án là bóc lột. Chính ông Ðặng Tiểu Bình đã dùng uy tín của riêng ông đưa bàn chân phải tiến thêm bước nữa, khi ông mở một cuộc du hành đến các khu chế xuất ở Thẩm Quyến, Hạ Môn. Các ngôi làng nhỏ đã biến thành những thành phố, không khác gì dân làng Tiểu Cương đã thoát nạn đói. Ðặng Tiểu Bình dùng cơ hội đó ca ngợi những tiến bộ kinh tế đạt được sau khi bắt chước cách tổ chức sản xuất và tiếp thị theo lối tư bản. Bàn chân phải báo tin cho chân trái biết rằng kết quả thấy tốt, cần phải tiến tới! Những bước thay đổi sau cũng vậy, đều là những bước dò đá qua sông chen lẫn với những cuộc xung đột giữa chân phải và chân trái, có khi tiến khi lui. Hiện nay khuynh hướng của cộng sản Trung Quốc là ngừng lại, phe thoái bộ có vẻ đang thắng thế.

Con đường cải tổ kinh tế mò mẫm và ngập ngừng của đảng Cộng Sản Trung Quốc tạo ra hai hậu quả xấu đáng lẽ có thể tránh được.

Về mặt kinh tế, chính sách rụt rè cản trở việc xây dựng những định chế tài chánh cần thiết cho nền kinh tế thị trường, những định chế đó cũng giống như hạ tầng cơ sở vật chất của kinh tế. Vì phải thỏa hiệp với tư tưởng bảo thủ trì hoãn việc cải tổ, tới nay hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc vẫn chưa thay đổi cho đủ, để đóng đúng vai trò của nó là thu hút tiền vốn của toàn dân để chuyển tới những xí nghiệp có khả năng sử dụng vốn với hiệu năng cao nhất. Ở Trung Quốc hiện nay, nhà nước, tức là đảng Cộng Sản, làm công việc huy động và phân phối vốn, chứ không phải một hệ thống ngân hàng thực. Một bộ máy thư lại không thể nào làm thay công việc của một hệ thống ngân hàng tự do được. Bên cạnh hệ thống ngân hàng, các định chế khác như thị trường chứng khoán vẫn tỏ ra còn ấu trĩ và lỏng lẻo, cũng không đóng được vai trò “trung gian tài chánh” (financial intermediation) qua đó xã hội chia sẻ và phân tản rủi ro cùng lợi nhuận.
Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc hiện nay có vẻ như những sòng bài nhiều hơn là thị trường thật sự.

Hậu quả xấu thứ hai là về mặt xã hội. Ðảng Cộng Sản vẫn thu hẹp các cuộc tranh luận về đường lối quốc gia bên trong nội bộ đảng, hạn chế sự tham gia của người ngoài vào một thiểu số các nhà trí thức được đảng trợ cấp để nghiên cứu, nhưng không được tự quyết định ngay cả việc phổ biến các công trình nghiên cứu của mình.

Vì giới hạn sự tham dự của nhân dân như vậy, cho nên lớp người hiện nay đang tranh luận quyết định đường lối sống cho hơn một tỷ người Trung Hoa là các đảng viên cao cấp, họ nằm trong những mạng lưới khai thác quyền lực để chia nhau tài lợi. Ðó là một mạng lưới tham nhũng. Các chính sách họ bàn nhau không phản ảnh quyền lợi chung của quốc gia mà trước hết là để phục vụ quyền lợi của mỗi nhóm.

Khi những nhóm đang nắm quyền tranh luận để quyết định đường lối, họ sẽ thiên về việc giữ người tình trạng hiện có, là tình trạng mà họ đã quen, đã biết cách khai thác và đang hưởng lợi. Vì vậy, họ sẽ tập trung thêm quyền quyết định vào guồng máy nhà nước, ở trung ương cũng như ở các tỉnh. Và họ sẽ ngăn cản những bước cải tổ cần thiết khác. Ngược lại, những người bị gạt ra bên lề sẽ tìm cách ngóc đầu dậy và phản đối. Sự chênh lệch giầu nghèo, do chính sách kinh tế tạo ra, càng làm cho mâu thuẫn giữa bên thống trị và bên bị trị gay gắt hơn. Hai lớp người bị gạt ra bên ngoài những cuộc tranh luận về đường lối quốc gia là các nhà trí thức độc lập và giới nông dân lao động.

Tuần trước trong mục này đã tường thuật về Hiến Chương 08, khởi đầu với 300 nhà trí thức, ký bản hiến chương đòi tự do và thay đổi hệ thống chính trị, nhân ngày Quốc tế Nhân quyền. Nhóm này đã được mấy ngàn người khác ký tên thêm ủng hộ.

Những yêu cầu của Hiến Chương 08 như bãi bỏ chế độ hộ khẩu, cho nông dân được mua bán ruộng đất tự do có thể coi là những đòi hỏi cơ bản để cởi trói cho nông dân Trung Quốc hiện giờ. Hiện Trung Quốc có hơn một trăm triệu nông dân đi tìm việc ở thành phố, không hộ khẩu, tức là mất hầu hết những quyền lợi xã hội của các công dân. Cơn suy yếu kinh tế đang diễn ra đang đẩy các nông dân đó trở về làng. Báo chí của đảng Cộng Sản cho biết năm nay đã có gần 5 triệu người trở về làng trước khi có đợt hồi hương ăn Tết. Báo chí nhà nước cũng tiên đoán sang năm sẽ có gần 7 triệu công nhân lưu động này thất nghiệp, nhưng con số chắc sẽ cao hơn. Những đòi hỏi tự do của giới trí thức đang trùng hợp với quyền lợi thiết thực của giới lao động, đó là một hiện tượng mà chính quyền cộng sản đang lo theo dõi.

Một lực lượng khác cũng đang đòi hỏi cải tổ nhanh hơn, là các công nhân. Theo báo chí của đảng cộng sản, trong năm nay số những cuộc đình công đã lên tới 60,000 vụ, tăng gấp đôi so với năm 2007. Một đặc điểm trong những cuộc đình công này là tình trạng lan tràn, nơi nọ hưởng ứng nơi kia, nhờ mạng lưới Internet. Ðiểm đặc biệt thứ hai là, ngoài việc đòi hỏi những quyền lợi về lương bổng như trước đây, các đại biểu công nhân đã công khai đòi quyền tự thành lập công đoàn độc lập của chính họ. Hiện nay ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, chỉ có một tổng công đoàn do đảng Cộng Sản kiểm soát.

Một điều đáng chú ý là các công nhân đình công đưa ra các đòi hỏi trên vẫn không bị bắt, cho thấy lực lượng của họ đủ mạnh khiến chính quyền phải nể nang. Ngược lại, chính quyền tìm cách cho công nhân được thỏa mãn những yêu cầu khác.
Ở thành phố Thẩm Quyến, nơi bắt đầu cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng của Ðặng Tiểu Bình gần 30 năm trước, bây giờ lại đi bước đầu trong việc sửa đổi luật lao động, cho phép các công nhân được đình công hợp pháp dễ dàng hơn. Thành phố này đã công nhận quyền thương thuyết tập thể các quyền lợi của người lao động, một bước để tiến tới các công đoàn độc lập.
Thẩm Quyến cũng là nơi tỏ ý muốn thí nghiệm cho dân trực tiếp bàu cử những người lãnh đạo thành phố. Ý kiến này đã được đưa ra như một dự thảo kế hoạch để thăm dò, đảng Cộng Sản không thích nhưng đa số dân chúng tất nhiên hưởng ứng.
Trong tuần trước, ông Du Khả Bình, thuộc viện nghiên cứu xã hội của đảng Cộng Sản đã đăng một bài trên báo chính thức bầy tỏ ý kiến Trung Quốc cần tiến thêm một bước căn bản, là cải tổ chính trị. Du Khả Bình (Yu Keping) là tác giả cuốn “Dân chủ là điều tốt ở Ðông cũng như Tây,” (Dân Chủ Cá Hảo Ðông Tây). Ông đề cao tính chất quang minh trong chế độ tự do dân chủ (transparency, người Trung Hoa lục địa dịch là Thấu Minh Ðộ). Ông Du Khả Bình là phó chủ tịch ủy ban dịch thuật nhà nước, nên ý kiến của ông còn rất bảo thủ; ông chỉ đề nghị chuyển hóa chế độ một cách tiệm tiến chứ chưa dám đòi thay đổi chính thể. Trong bài báo mới, ông đã nói đến công cuộc “Dân Chủ hóa,” mặc dù còn dè dặt không cụ thể như nhóm Hiến Chương 08. Nhưng càng nhiều người nói đến nhu cầu dân chủ hóa càng tốt!

Sau 30 năm cải cách kinh tế, Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, vì người dân đang chứng tỏ ý thức về quyền lợi công dân của họ. Họ không chấp nhận cảnh một đảng độc quyền quyết định mọi việc cho cả quốc gia. Từ giới trí thức đến các công nhân và nông dân, họ đòi được tham dự. Không thể để yên cho một nhóm người trong đảng Cộng Sản quyết định mọi việc theo lối mò mẫm của họ. Ðể lập thế cân bằng với nhà nước, một xã hội công dân đang thành hình, các nhà trí thức đã tự lên tiếng, các công nhân đã tự hành động. Những người đóng vai công dân đang đòi được hưởng đủ các quyền công dân.

No comments:

Post a Comment