Monday, December 22, 2008

TÌNH CẢNH THẤT NGHIỆP VÌ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Không ngờ “khủng hoảng” rơi trúng gia đình mình
Thứ Hai, 22/12/2008, 07:51 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=293894&ChannelID=3
TT - Số lượng công nhân mất việc làm hoặc làm việc cầm chừng do công ty giải thể hoặc cắt giảm lao động đang gia tăng đáng kể. Tình cảnh này lại rơi đúng vào những ngày giáp tết, với biết bao nỗi lo toan. Phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi lại câu chuyện của những người trong cuộc.

* Chị Đoàn Thị Chanh (Công ty TNHH Young Sheng - Hóc Môn, TP.HCM): Không ai nhận tôi!
Tôi vừa sinh con vài tháng, mới đi làm trở lại thì công ty bị phá sản. Công ty có giải quyết trợ cấp mất việc một tháng rưỡi lương (chưa tới 2 triệu đồng) nên chẳng đáng là bao, loay hoay chưa đầy tháng đã hết. Bây giờ mọi chi phí trong gia đình, tiền thuê nhà, ăn uống, sữa cho con... đều chỉ còn trông vào tiền lương công nhân của ông xã, cũng chỉ hơn 1 triệu đồng. Lúc đầu biết công ty gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, tiếp đó là cắt giảm lao động nhưng tôi không ngờ tới mức phải phá sản.
Hai vợ chồng từ quê vào đây, dù chưa biết gửi con cho ai trông nhưng tôi đã thử đi tìm việc mới và có gặp một vài công ty thông báo tuyển công nhân để chạy đơn hàng cuối năm. Nhưng tình trạng của tôi bây giờ con bồng trên tay, sức làm việc không thể nhanh nhẹn khỏe mạnh như những công nhân khác nên không nơi nào nhận. Một mình ông xã đi làm thì lây lất qua ngày thôi chứ làm sao kéo dài được, mà tìm việc mới thì tới giờ tôi vẫn chưa biết tìm ở đâu.

* Chị Đỗ Thị Hòa (công nhân Công ty giày Thông Dụng - An Phú, Thuận An, Bình Dương): Cứ tưởng cuối năm sẽ tăng ca

Không chỉ công ty tôi mà cả công ty ông xã cũng rơi vào tình trạng không việc làm từ nhiều tháng qua. Tôi buồn lắm khi đứa con nhỏ mới hơn 2 tuổi phải gửi về quê cho ông bà nội ở Lý Nhân (Hà Nam) chăm sóc... vì cứ tưởng cuối năm sẽ tăng ca nhiều như những năm trước. Đã lâu hai vợ chồng chưa về thăm con. Hôm trước ông xã cứ mong tết được về quê nhưng đồng lương ít ỏi không đủ chi phí cho sinh hoạt của hai vợ chồng chứ đừng nói gì đến chuyện về quê thăm con.
Cha mẹ ở quê đều làm nông nghiệp và đã già yếu. Cả hai vợ chồng cố gắng chắt chiu, tiết kiệm lắm nhưng lâu lâu mới gửi về cho con được vài trăm ngàn. Tất cả trông cậy vào ông bà nội vậy! Trong những ngày thất nghiệp, cả hai vợ chồng cứ đứng ngồi không yên vì chưa biết kiếm việc gì để làm thêm. Nhiều khi nhớ con đến phát khóc nhưng đành bấm bụng chịu đựng.

* Chị Hà Kim Hằng (công nhân Công ty TNHH Sambu Vina , nhà ở Hóc Môn): Chưa biết có được ở lại làm việc hay không
Tôi nằm trong danh sách 224 công nhân bị cắt giảm lao động từ ngày 10-1-2009, trong khi chỉ hơn một tuần nữa là sinh con.
Nhiều anh chị khác cũng bị cắt giảm lao động như tôi nên đành chịu thôi. Tôi sống chung với gia đình bên chồng nên chuyện công ăn việc làm chờ sinh con xong khỏe mạnh rồi tính tiếp. Lo là cuối tháng này thẻ bảo hiểm xã hội hết hạn, không biết có được hưởng đầy đủ chế độ thai sản hay không. Mấy anh chị ở liên đoàn lao động nói sẽ can thiệp với công ty để giữ mấy chị em đang trong giai đoạn thai sản lại làm việc, chưa biết có được hay không nữa.

* Anh Lê Khắc Khánh (công nhân Công ty Fujitsu, khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai) : Chỉ làm 2-3 ngày/tuần
Từ tháng 10-2008 đến nay, công ty tôi không còn tăng ca nữa nên thu nhập của hầu hết công nhân rất thấp. Trước đây công nhân làm cả tuần, nay chỉ còn 2-3 ngày nên vừa làm vừa chơi. Công nhân đa số là dân các tỉnh, ở nhà trọ nên khi thu nhập thấp đi họ rất khó khăn. Lương bình quân gần 1,5 triệu đồng/tháng nhưng phải trả tiền nhà trọ gần một phần ba số tiền này, rồi chi tiêu hằng ngày nên cũng đâu vào đấy.
Tôi độc thân có thể bấm bụng mà sống nhưng những người đã có vợ con đang rất khổ. Công ty của tôi chưa sa thải công nhân, tôi chưa bình luận nhưng chắc chắn thời gian tới công nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi hiện nay bạn tôi làm công nhân ở một số công ty đã bị sa thải, mất việc... phải tìm việc khác. Tôi nghĩ nếu mỗi công ty vận dụng chính sách hỗ trợ tiền xăng, tiền nhà trọ... đời sống của công nhân sẽ đỡ vất vả hơn.

* Anh Trần Ngọc Hiện (nhân viên bảo vệ của Công ty sữa Việt Xuân, TP.HCM): Về quê cũng không xong
- Hai vợ chồng tôi nghe tin mà lo sốt vó. Đọc báo thấy chuyện khủng hoảng là tình hình chung của toàn cầu, VN cũng bị ảnh hưởng nhưng không ngờ rơi trúng gia đình mình. Hiện cũng chưa biết quyền lợi của vợ tôi sẽ được công ty giải quyết ra sao, chứ trước mắt thấy nguy quá. Hai vợ chồng thu nhập chưa đầy 3 triệu đồng, sắp tới bị cắt mất một nửa. Vì vợ sinh con nên không thể ở chung đụng nhà trọ với anh em công nhân khác, phải thuê nhà ở riêng với giá 1 triệu đồng/tháng, tiền học bán trú cho cháu lớn mỗi tháng cũng mất 400.000 đồng.
* Những ngày sắp tới anh chị sẽ định liệu ra sao?
- Chưa biết nữa. Đành chờ xem công ty giải quyết chế độ cho vợ tôi tới đâu rồi mới tính tiếp. Qua tết, con cứng cáp rồi sẽ phải tìm việc làm cho vợ. Cùng lắm nếu không tìm được việc sẽ chạy tiền mua cái máy may, hi vọng sẽ tìm được mối hàng nào đó để vợ ở nhà may gia công và chăm con.
* Điều kiện công ăn việc làm khó khăn và chi phí sinh hoạt đắt đỏ có khiến anh chị nghĩ đến chuyện về quê sinh sống?
- Hai vợ chồng từ Thái Bình vào đây tám năm rồi, làm công nhân lương chỉ đủ ăn, chẳng tích cóp được gì. Nhưng bây giờ muốn về quê cũng không xong vì tôi còn công việc, con cái cũng đang đi học và chắc gì về quê đã khá hơn. Thôi thì cứ lây lất ở đây, mong là sớm qua được khó khăn này.

N.TRIỀU - H.MI - Đ.QUÂN thực hiện
----------------------------------------------

Tìm việc vặt mà sống
Mất việc, không có tiền trang trải cuộc sống, một số công nhân đã chạy khắp nơi tìm việc làm tạm bợ.

* Anh Trần Văn Hoan (quê ở Nghệ An, công nhân Công ty sản xuất nhựa laphông Nam Á - KCN Đại Đăng, Bình Dương): Đi phụ hồ
Công ty đã không có việc làm hơn hai tháng nay nhưng chẳng biết tìm việc gì để làm. Ở nhà mãi lo quá, không có tiền trang trải cuộc sống nên đành chạy khắp nơi mới tìm được một công trình để xin phụ hồ. Giờ tôi đang làm ở một công trường xây dựng thuộc phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hằng ngày làm việc quần quật được chủ trả 70.000 đồng.
Tuy nhiên phải chi phí tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền điện, nước... nên tiền công hằng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống hiện tại. Tôi chỉ mong sao tết này có điều kiện về quê như đã hứa với mẹ. Bây giờ công nhân thất nghiệp nhiều, đồng lương còm cõi chắc chẳng ai mong tết. Không về thì sợ mẹ buồn, mà về với bộ dạng thế này cũng buồn lắm.

* Chị Nguyễn Thị Lan (Công ty TNHH Hison Vina - KCN Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương): Sửa quần áo cũng còn may
Công ty không có hàng và đã thất nghiệp nhiều ngày trong hơn bốn tháng qua. Lo lắng, tôi và đồng nghiệp đã nhiều lần chạy khắp nơi tìm việc làm thêm nhưng tới đâu họ cũng lắc đầu.
Quê tôi ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ở quê còn ba em nhỏ đang đi học. Cha mẹ đã già, gia đình chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, hết việc thì phải đi làm thuê làm mướn. Lo nhất là đứa em út đau ốm triền miên, muốn dành ít tiền để phụ với cha mẹ lo thuốc thang cho em nhưng ngặt nỗi công ty không có hàng nên buộc phải cho công nhân nghỉ.
Hôm trước may lắm tôi tìm được mối nhận quần áo về gia công, mỗi cái chủ trả 2.000-3.000 đồng. Là công nhân may nên khi nhận sửa chữa quần áo thì cũng... còn hơn những công nhân khác không tìm được việc làm.
ĐẠI QUÂN - ANH THOA ghi


No comments:

Post a Comment