Friday, December 5, 2008

TỐNG HỢP TIN VỀ VỤ PCI - HUỲNH NGỌC SỸ

Nhật Bản tạm dừng viện trợ ODA cho Việt Nam
điểm báo
Cập nhật : 05/12/2008 12:01
http://www.diendan.org/thay-tren-mang/nhat-ban-tam-dung-vien-tro-oda-cho-viet-nam/

Tổng hợp tin về quyết định ngày 4.12.2008 của chính phủ Nhật Bản sau vụ scandal PCI - Huỳnh Ngọc Sĩ.

Tổng hợp tin về vụ
PCI - Huỳnh Ngọc Sĩ


Sự kiện gây chấn động trong ngày 4.12.2008 là quyết định của chính phủ Nhật Bản " Nhật Bản sẽ tạm ngưng cấp các khoản vốn vay ưu đãi cho các dự án có sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản tại Việt Nam cho đến khi có kết luận cuối cùng của Ủy ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng về “sự cố” PCI.". Quyết định này đã được đại sứ Nhật tại Hà Nội, ông Mitsuo Sakaba thông báo cho báo chí bên lề cuộc họp CG 2008 (Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ tổ chức tại Hà Nội với chủ đề Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng).

Đại sứ Nhật Bản nói : " Đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản có ý định mở rộng khoản vay ODA cho Việt Nam lên 65,3 tỉ yên (trên 700 triệu USD) cho nửa đầu năm tài khóa 2008 cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện giao thông và hệ thống thoát nước. Song, tất cả các thủ tục giải ngân vốn liên quan tới các dự án này (có sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản) đã bị tạm dừng lại kể từ sau khi vụ tham nhũng PCI được đưa ra ánh sáng. Chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của Ủy ban chung về vụ tham nhũng này cũng như cơ chế để tránh tham nhũng. Cho đến khi đó, tôi chưa thể nói gì được thêm.Tôi nhấn mạnh, không phải chúng tôi cắt giảm hay thôi không cấp vốn nữa, mà chỉ là tạm dừng lại cho đến khi mọi việc rõ ràng. Trong ODA có 3 hợp phần. Ngoài hợp phần vốn vay ưu đãi, các dự án viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật thì không có thay đổi gì."

Có thể đọc chi tiết những lời tuyên bố của đại sứ Nhật Bản trong các bản tin :
- của Đài truyền hình Việt Nam
VTC.
- của Báo
Tuổi Trẻ.
- của hãng thông tấn
AP (tiếng Anh).

Dường như để giảm nhẹ chấn động do quyết định này gây ra, ông Nguyễn Phú Bình, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, tuyên bố với báo chí : " Những vụ việc như PCI chỉ là vụ việc cụ thể, riêng rẽ, tôi tin và hy vọng không ảnh hưởng tới ODA mà Nhật Bản dành cho chúng ta. Tôi hy vọng việc này không cản trở hoặc nếu có, chỉ là cản trở nhất thời, vì ODA là lợi ích của cả hai nước " : xem bản tin
PCI nếu cản trở ODA cho Việt Nam cũng chỉ là nhất thời của VietNamNet.

Về phần mình, đại sứ Sabaka cho biết tiếp :
Vụ PCI đang có những bằng chứng mới.

Trong bài Dư chấn ngưng ODA của Nhật tuỳ thuộc vào chính VN của
Tuần Việt Nam ngày 5.12.2008, có thể đọc phản ứng của các đại sứ Nguyễn Phú Bình (tại Nhật), Lê Công Phụng (tại Mỹ), đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Kiên, quyền viện trưởng Viện kinh tế Trần Đình Thiên.

Một đại biểu quốc hôi khác, ông Nguyễn Minh Thuyết, và giáo sư Trần Văn Thọ (Trường đại học Waseda, Nhật Bản), trả lời phỏng vấn của
Đài BBC, đều nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền Việt Nam : « Trong vụ PCI, quan chức Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ đã được nêu tên mà trong suốt năm tháng trời vẫn tiếp tục ngồi trên cương vị đó (...).Cái đáng lo nhất là hình ảnh của Việt Nam xấu hơn hẳn trên trường quốc tế (...). Tôi nghĩ quyết định của Nhật cũng là một áp lực để chính phủ VN phải làm ngay việc chống tham nhũng và quyết liệt hơn nữa » (lời ông Trần Văn Thọ), « Đây đúng là một liều thuốc đắng, nhưng nó làm cho các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp kiên quyết hơn trong việc quản lý vốn ODA » (lời ông Nguyễn Minh Thuyết).

Vụ PCI - Huỳnh Ngọc Sĩ cố nhiên lnằm trong danh sách những vấn đề nhạy cảm, báo chí bị Bộ 4T và Ban tuyên giáo trung ương kiềm chế chặt chẽ (tấm gương Nguyễn Việt Chiến nằm tù còn đó để nhắc nhở những nhà báo đãng trí) nên hầu như không có báo nào đăng bài bình luận. Phải vào trang mạng của
Hội nhà văn mới thấy bài Tìm giúp cơ quan điều tra bằng chứng buộc tội ông Huỳnh Ngọc Sĩ... của Nguyễn Trung Nghĩa. Tác giả này có vẻ ưa lối nói nửa nạc nửa mỡ. Chỉ cần đọc giả thiết 1 trong 4 giả thiết :

« Do các quan chức PCI của Nhật Bản là các nhà tư bản, họ thường thiếu trung thực, không khách quan, lập trường tư tưởng của họ không vững vàng, bản chất của họ là quen bóc lột : cứ thấy lợi nhuận là xô vào, bất chấp; họ khác với phần lớn cán bộ, đảng viên của ta thường có các phẩm chất kiên trung: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Do vậy nên họ đã lợi dụng sự nhập nhèm trong cơ chế quản lý con người và các dự án đầu tư xây dựng, tình cảnh: ông đồng ăn một, bà cốt ăn hai nên đã tìm cách đổ vấy cho các quan chức Việt Nam số tiền trên để nhẹ tội mình. Đối với các nhà tư bản thì như Marx nói: lợi nhuận đến 300%, họ sẵn sàng giết cả bố mình. Đây là một trong các giả thuyết, một trong các hướng mà các cơ quan điều tra của chúng ta phải đặt ra để điều tra, kiểm chứng. Gì thì gì ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng là đảng viên của ta, sinh năm 1953, là lứa tuổi đã kinh qua chiến tranh, lại được rèn luyện qua môi trường thanh niên xung phong; những người như ông Huỳnh Ngọc Sĩ vừa được đào luyện trong trường đời, lại được đào tạo, giáo dục bài bản qua nhiều trường lớp giáo dục đạo đức, tư tưởng, lập trường cho nên trước hết chúng ta phải tin cán bộ của ta trước đã, họ là đảng viên, công bộc của dân, bản chất dứt khoát phải khác các nhà tư bản. Trường hợp như ông Nguyễn Việt Tiến là một ví dụ, cuối cũng các cơ quan chức năng vẫn chứng tỏ sự khách quan: chứng minh ông này chỉ vi phạm hành chính chứ không phạm tội hình sự nên đã thả ông ta ra khỏi tù và chỉ cách chức ông Tiến mà thôi ».

Viết đúng lập trường như vậy, liền một mạch, mà không lăn bò ra cười, quả là siêu.


No comments:

Post a Comment