Tôi đi “làm chính trị”
Sóng Việt
15-12-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5806
Vài tuần trước, một người bạn gửi cho tôi msg (lời nhắn) sau khi đọc các bài viết trên blog này (DCVOnline.net):
– Bộ ông muốn làm chính trị hả? Không được đâu! Làm chính trị phải thủ đoạn ghê lắm, ruột để ngoài da như ông sao làm được...
Có lẽ đây cũng là ý kiến của nhiều người khác dành cho tôi, hay cho bất kỳ blogger tự do nào muốn dùng Internet để bày tỏ quan điểm của mình.
Hôm nay, 09/12/2008, tròn một năm tôi tham gia cuộc biểu tình trước LSQ Trung quốc để phản đối nghị quyết Tam sa.
Tạm xem đây là dấu ấn để bắt đầu cái gọi là “làm chính trị” của mình, tôi muốn kỷ niệm sự kiện này bằng một bài phân tích sơ lược xung quanh từ: CHÍNH TRỊ.
Chính trị là gì?
Vào quãng năm 2000-2001, tôi có nhận được một email gởi theo dạng truyền đơn tố cáo những mặt tiêu cực của chính quyền như tham nhũng, hối lộ, bóp nghẹt tự do, chà đạp nhân quyền... Tôi đọc lướt qua (lúc đó font Unicode chưa phổ biến nên cách bỏ dấu tiếng Việt trong các email rất ẹ) rồi tặc lưỡi:
- Thôi, chuyện chính trị mấy ông cứ làm; tôi chỉ quan tâm đến khoa học-công nghệ, văn học-nghệ thuật và computer games... là quá đủ rồi!
Có lẽ, sự chán ngán các môn học liên quan đến chính trị (như CNCSKH, Triết học Mác-Lê, LS Đảng...) trong suốt 17 năm trên ghế nhà trường đã làm tôi có ác cảm và nhìn nhận phiến diện về từ chính trị vào lúc ấy.
Thật ra, chính trị đâu có gì là ghê gớm, đâu có gì là xấu xa!
– Từ hơn 2000 năm trước, Aristotle đã nhận định rằng: Con người, theo bản năng tự nhiên đã mang tính chính trị(1).
– Triết gia nổi tiếng của phương Đông là Khổng Tử (sống vào khoảng 551-471 trước CN) thì tin tưởng rằng:
Chính trị phải gắn với luân thường đạo lý và đạo đức cá nhân. Căn bản trong học thuyết của ông là “Người quân tử (người cầm quyền) nên tự mình theo giới luật, nên cai trị người dân bằng chính tấm gương của mình, đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm”(2).
– Về mặt từ ngữ, chính trị là từ ghép của Chính: Chính trực, ngay thẳng - và Trị: Cai trị, cầm quyền. Như vậy, chính trị được hiểu là cai trị một cách ngay thẳng.
– Còn theo định nghĩa một cách hàn lâm thì: Chính trị là tất cả mọi hoạt động, vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh tâm điểm là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.
Thế thì làm chính trị có gì sai trái, có gì là phải lẩn tránh?
Tuy nhiên, những gì tôi cũng như các blogger khác đã và đang làm chưa thể gọi là làm chính trị. Đó mới chỉ là thể hiện thái độ chính trị mà thôi!
Có phải ai lên tiếng đòi Tự do, Dân chủ, Nhân quyền đều trở thành chính trị gia?
Chính vì có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm làm chính trị và thể hiện thái độ chính trị nên chúng tôi thường bị đặt trước một câu hỏi hơi thiếu tế nhị rằng:
– Các anh có biết gì về quản lý nhà nước không, có làm lãnh đạo được không mà dám chỉ trích phê bình này nọ?
Đây là câu hỏi thuộc dạng lý sự cùn và hơi thiếu i-ốt!
Chỉ cần một cậu bé 14-15 tuổi cũng có thể chứng minh được: “Chúng cháu yêu thích đội MU và tụi cháu không biết đá banh tẹo nào cả. Nhưng hôm nay, tất cả chúng cháu đều có thể la ó:
– C. Ronaldo đá dở quá, phong độ kém quá! Cho thay ra đi! Thay ra đi!”
Hoặc một anh bình luận viên thể thao chẳng hạn, đưa còi bảo anh ta điều khiển một trận bóng đá thì anh ta botay.com! Nhưng anh ta có thể viết hàng trang báo phê bình quyết định sai lầm của một trọng tài nào đó. Và có thể, ngay chính vị trọng tài kia khi xem cũng thừa nhận rằng anh bình luận viên viết đúng, mà không cần phải hỏi một câu xuẩn ngốc rằng:
– Anh có phải là trọng tài không? Có bao giờ cầm còi chưa?
Như vậy, mục tiêu của hành động la ó đòi thay C. Ronaldo là gì?
– Là muốn đội MU giành chiến thắng, chứ không phải họ la ó để được vào đá vị trí của C. Ronaldo!
Mục tiêu của anh bình luận viên viết bài phê bình là chỉ trích sai lầm của trọng tài để nâng cao chất lượng của giải đấu, chứ không phải để được vào bắt thay ông trọng tài kia!
Mong rằng từ nay các nhà chính trị bảo thủ đừng bao giờ đặt cho chúng tôi câu hỏi khiếm nhã như trên nữa!
Chính trị và tự do có liên quan gì với nhau?
Vào thế kỷ XIX, John Stuart Mill là người đầu tiên đề ra khái niệm tự do trong chính trị. Ông ta đã thấy được rằng dân chủ sẽ là sự phát triển chính trị chủ chốt trong thời kỳ này. Ông đã cổ vũ cho việc đề cao các quyền cá nhân và chống lại ảnh hưởng của nhà nước và sự cầm quyền độc đoán. Ông ta cho rằng tự do là quyền quan trọng nhất của loài người.
Hiện nay, chúng ta vẫn thường phê phán và mỉa mai câu nói: “Tự do trong khuôn khổ cho phép” của chính quyền. Thực ra, câu này không có gì sai cả, nếu không muốn nói là rất chính xác.
Tự do không phải muốn làm gì thì làm. Tự do phải ở trong khuôn khổ cho phép. Hoàn toàn chính xác!
Vấn đề nằm ở chỗ “khuôn khổ cho phép”. Với các thể chế dân chủ thật sự, người dân được quyền lựa chọn người đại diện cho mình để bầu vào các vị trí trong bộ máy quyền lực. Nhờ thế, khi một điều luật được ban hành, ít nhất nó cũng đáp ứng quyền lợi của số đông, và như thế “khuôn khổ cho phép” ở đây hầu như được mọi người chấp nhận. Dĩ nhiên, không bao giờ có chuyện được chấp nhận 100%. Tỷ lệ này trên lý thuyết chạy từ 0% (độc tài tuyệt đối) cho đến 100% (dân chủ tuyệt đối). Muốn đo lường tỷ lệ này cũng có nhiều phương pháp; như dựa trên các số liệu thống kê, hay phổ biến nhất là tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.
Rất nhiều người hiện nay còn hiểu sai khái niệm Tự do! Chính tai tôi đã nghe một người nói rằng:
– Ở Mỹ cũng đâu có tự do gì đâu! Có nhiều đoạn đường mình muốn chạy chậm nó cũng không cho, phải trên 60-70 miles/hr gì đó mới được!
Cái này dành cho vị nào sống ở Mỹ giải thích giùm, tôi chỉ biết lơ mơ về các line-road và luật giao thông bên đó, nên xin kiếu!
Vấn đề chính vẫn là “khuôn khổ cho phép”. Chính quyền được đánh giá cao khi cái khuôn khổ này mang lại lợi ích và quyền lợi cho số đông dân chúng. Thực ra, khuôn khổ này không có gì là khó xác định. Một người với kiến thức ở trình độ văn hóa phổ thông là có thể tự xác định được theo một vài ví dụ trắc nghiệm sau đây:
1. Có được tự do diện áo quần màu mè xanh đỏ tím vàng... ở nơi công cộng không? (Có / Không)
2. Có được tự do hút thuốc lá nơi công cộng không? (Có / Không)
Dễ quá phải không quý vị? Tôi tin chắc có đến 99% trả lời đúng bài trắc nghiệm này:
1. Có
2. Không
Ở câu số 2, trước đây thì đáp áp đúng là Có. Nhưng sau khi tổ chức Y tế Thế giới công bố các công trình nghiên cứu cho thấy trong khói thuốc lá có đến hàng trăm chất độc và thực nghiệm chứng tỏ người hít phải khói thuốc sẽ bị thương tổn về đường hô hấp, bị các bệnh về tim mạch... thì câu trả lời lại là Không. Nếu quốc gia nào chưa thông qua cam kết cấm hút thuốc lá nơi công cộng, rõ ràng “khuôn khổ cho phép” ở đó đã đụng chạm đến lợi ích của số đông dân chúng.
Câu trắc nghiệm sau đây khó hơn một chút:
Người dân Việt Nam có được quyền bàn luận về vấn đề chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo nơi công cộng không? (Có / Không)
Năm ngoái, tôi có nói chuyện với một số em sinh viên về vấn đề Tam sa. Họ lắc đầu:
– Thôi cho em xin, lạng quạng là bị cấm thi đuổi học đó anh ơi!
Tôi thật sự thất vọng về lớp trẻ ngày nay (ngoại trừ một số được tiếp cận thông tin tự do, dám nói lên chính kiến). Đành rằng đó quyền tự do của mỗi người, các em có quyền nói hoặc không nói về vấn đề này. Nhưng khi hỏi lý do vì sao thì họ lại nói:
– Chuyện đó để nhà nước lo, hơi đâu mình nói chi cho mệt!
Rõ ràng, ý chí của họ không thể sánh với Trần Quốc Toản hàng trăm năm trước. Và tầm nhìn lại quá hạn hẹp: Năm nay, chúng tuyên bố sáp nhập Tam sa. Rồi năm sau chúng tiến hành khai thác tài nguyên của ta (và thực tế đã diễn ra: CNOOC đầu tư 30 tỷ USD khai thác dầu ở Biển Đông). Rồi năm sau chúng lấn thêm một bước nữa... Cho đến một khi nào đó, ai là người buộc phải cầm súng để bảo vệ chủ quyền quốc gia?
Câu trắc nghiệm này tưởng cũng không cần đưa ra đáp án, vì khi được nêu lên, bản thân nó đã phản ánh một không khí ảm đạm trong đời sống chính trị của đất nước ở giai đoạn hiện tại.
Kết thúc bài viết sơ lược về chính trị này, xin dẫn lời của văn hào Voltaire(3) - để thấy rằng tư tưởng của chúng ta vẫn còn đi sau thế giới chừng 300 năm:
“Tôi có thể không tán thành những điều anh nói, nhưng tôi sẽ tranh đấu tới chết để bảo vệ quyền cho anh được nói ra những điều ấy”
------------------------------------------
Nguồn:
Tôi đi làm chính trị. DCVOnline biên tập và minh họa. Chú thích của tác giả.
(1) Aristotle (384-322 BCE.): Politics
(2) Confucius' Political Philosophy
(3) Voltaire tên thật là François-Marie Arouet, sinh ngày 21/11/1694 tại Paris.
Nguyên văn tiếng Pháp của câu nói này là: “Je désapprouve ce que vous dites, mais je défendrai à la mort votre droite de la dire”.
Một câu dịch tiếng Anh: “I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it”.
No comments:
Post a Comment