Tuesday, December 16, 2008

Thời Sự Hoa Kỳ
Nhân Sự Mới Cho Một Chính Sách Mới
Minh Thu

(LÊN MẠNG Thứ hai 15, Tháng Mười Hai 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article5072
Trong số những nhân vật trong tân nội các tương lai mà Tổng thống tân-cử Barack Obama vừa trình làng vào thứ Hai 1 tháng 12 vừa qua, đặc biệt là trong ê-kíp đặc trách về an ninh quốc gia, đã có hai thành viên đã từng là những viên chức kỳ cựu trong chính quyền từ thời Chiến Tranh Lạnh, và một người từng là đối thủ chính trị của ông, tất cả đều có những thành tích mang nhiều sắc thái "diều hâu" hơn là vị tổng tư lệnh quân đội mỗi khi ông cần làm việc và bàn thảo với họ trong những tình huống nghiêm trọng.

Thế nhưng, cả ba nhân vật này đều đã chấp nhận một sự chuyển hướng trong những thứ tự ưu tiên cũng như tài nguyên cần phải chi trả cho chính sách an ninh quốc gia trong những ngày tháng tới. Nhân vật quan trọng đầu tiên, và cũng được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua, là nữ nghị sĩ Hillary Clinton của tiểu bang New York — cựu đệ nhất phu nhân và cũng từng là đối thủ chính trị lợi hại nhất đối với tham vọng bước vào Bạch Cung của ông Obama — giờ đây được bổ nhiệm làm tân Tổng trưởng Ngoại giao. Người kế đến là đại tướng hồi hưu James L. Jones, cựu Tư lệnh Lực lượng NATO và cũng là cựu Tư lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, được bổ nhiệm vào chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia. Và người thứ ba là đương kim Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates dưới chính quyền phe Cộng Hoà của TT Bush, nhưng nay được lưu giữ bởi chính phủ phe Dân Chủ của TT Obama trong cùng chức vụ.

Sự chuyển hướng trong chính sách an ninh quốc gia lần này sẽ dẫn đến việc nới rộng to lớn một đội ngũ các nhà ngoại giao và những nhân viên đặc trách viện trợ để dấn thân vào những công tác trải rộng trên khắp thế giới nhằm mục tiêu phòng ngừa những vụ xung đột cũng như tái thiết lại những quốc gia bất ổn và loạn lạc. Ông Obama cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông vẫn cương quyết giữ vững lập trường cần phải tăng thêm quân số. Tuy nhiên, điều người ta vẫn chưa rõ là liệu ngân sách để tài trợ cho những kế hoạch chuyển hướng này sẽ được trích từ nơi đâu, liệu có phải là từ ngân sách khổng lồ của Ngũ Giác Đài hay không.

Thật ra thì ông Obama đã nói nhiều đến một sự thay đổi to lớn này từ mùa hè năm 2007, vào lúc mà triển vọng thành công của ông cho việc tranh cử tổng thống Mỹ vẫn còn là một điều xa vời. Nay nếu điều này được hiện thực, thì nó có thể trở thành một trong những thử nghiệm lớn lao về chính sách đối ngoại của triều đại Obama, dựa theo lời tiết lộ của một phụ tá cao cấp trong bộ tham mưu của ông Obama. Vị phụ tá này xin được không tiết lộ danh tánh, và nói rằng cả ba nhân vật Hillary Clinton, James Jones và Robert Gates đều đã chấp nhận việc cần phải cân bằng lại những giá trị về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong kho tài nguyên sau những năm dài đầu tư hao hụt và hoang phí dưới thời chính quyền Bush.

Tuy nhiên, ông Denis McDonough, viên phụ tá cao cấp đặc trách ngoại giao trong bộ tham mưu của ông Obama, thì đưa ra những nhận xét có vẻ hơi khác biệt trong một cuộc phỏng vấn vào ngày Chủ Nhật 30/11 vừa qua. Ông nói rằng đây không phải là một cuộc thử nghiệm, mà là một giải pháp thực dụng để đối phó với một nan đề đã được nhìn nhận từ lâu. Ông kể lại rằng trong suốt thời kỳ vận động tranh cử, nghị sĩ Obama đã đầu tư rất nhiều thời gian để gặp gỡ hoặc tiếp xúc với các sĩ quan, hồi hưu cũng như tại chức, đã từng chiến đấu tại Iraq hoặc A Phú Hãn để mong rút tỉa được những bài học quý giá. Trong tất cả những cuộc gặp gỡ đó, bao giờ cũng có những màn thảo luận về nhu cầu củng cố cũng như tìm ra những phương tiện từ sức mạnh quốc gia để đối phó hữu hiệu trước những mối hiểm hoạ bất quy ước. Bởi vì điều này rất quan trọng và cần thiết cho sự thành công của một chiến lược thành công và lâu bền trong thế kỷ 21.

Các phụ tá của ông Obama cũng cho biết là họ đã sẵn sàng để đối phó với những lời chỉ trích hay tấn công từ cánh hữu trên chính trường Hoa Kỳ, khi mà những phần tử bảo thủ sẽ không ngần ngại chê bai là tân chính quyền Obama chỉ biết có chú trọng vào việc đầu tư trong những công tác xã hội, trợ cấp dân sinh v.v., mặc dù rằng chính cá nhân TT Bush cũng đã nhiều lần hứa hẹn một sự thay đổi chính sách theo đường hướng tương tự, bắt đầu được nhắc đến từ một loạt những bài diễn văn đọc vào cuối năm 2005.
Và đồng thời họ cũng sẵn sàng chờ đợi những màn chỉ trích và tranh giành trong nội bộ của đảng Dân Chủ, đặc biệt là từ phía những thành phần cực tả, trong việc tranh luận rằng liệu những món tiền cả chục tỷ Mỹ-kim để tái thiết cho A Phú Hãn có nên dùng vào những mục tiêu khác, như trợ cấp dân sinh và tạo công ăn việc làm mới trong nước, có ích lợi hơn cho người dân tại Hoa Kỳ hay không.

Một trong những người có thể bảo vệ chắc chắn cho vị tân tổng thống trước những đòn tấn công từ cánh hữu chính là ông Robert Gates, đương kim tổng trưởng quốc phòng và cũng từng giữ chức vụ tổng giám đốc cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA từ thời Chiến Tranh Lạnh. Chỉ mới vài tháng trước, ông Gates đã từng tâm sự rằng ông khó tưởng tượng ra được những tình huống mà ông có thể tiếp tục lưu ngụ trong chức vụ hiện nay tại Ngũ Giác Đài. Ấy vậy mà cuối cùng ông đã chấp nhận lời yêu cầu của ông Obama để làm đúng cái công việc đó.

Cách đây hơn năm, trước sự im lặng gần như đồng tình và quan sát từ phía Toà Bạch Ốc, ông Gates đã đọc một loạt những bài diễn văn để nhấn mạnh đến những giới hạn của sức mạnh quân sự trong những cuộc chiến mà chiến thắng quân sự (theo định nghĩa thông thường là có người chiến thắng và kẻ đầu hàng) có thể coi như không thể đạt được. Ông đưa ra một con số thống kê tiêu biểu, và sau đó đã được Obama trích lại nhiều lần, là Hoa Kỳ có nhiều quân nhân tham dự vào các đội quân nhạc hơn là số nhân viên làm việc tại các toà đại sứ, để nói lên sự khác biệt to lớn trong thứ tự ưu tiên về việc đầu tư nhân sự cho hai mục tiêu khác nhau. Ông Gates cũng mạnh mẽ kết án chính sách vứt bỏ khả năng của Hoa Kỳ trong việc giao tiếp, giúp đỡ và liên lạc với nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, một khả năng thường được gọi là "sức mạnh ngầm" (soft power) đã giúp ích rất nhiều cho Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Ông chỉ trích cả hai chính quyền Clinton và Bush là đã bỏ lơ và coi thường sức mạnh này, và sau đó trong một lần phỏng vấn đã phát biểu rằng "dường như chúng ta đã quên hết những gì chúng ta đã học được từ cuộc chiến tại Việt Nam."

Người được ông Obama bổ nhiệm làm tân Cố vấn An ninh Quốc gia, cựu đại tướng James Jones, còn đi xa hơn nữa trong phần chỉ trích khi ông soạn một bản tường trình đặc biệt để nói về cái mà ông gọi là chiến lược thất bại của chính quyền Bush tại chiến trường A Phú Hãn. Khi bản tường trình này được hoàn thành, tướng Jones đã từng phát biểu: "Không có gì lầm lẫn cả, rõ ràng là NATO không giành được chiến thắng tại A Phú Hãn." Những lời phát ngôn như vậy coi như là ly nước tạt nước vào mặt những lời tuyên bố lúc nào cũng lạc quan của Toà Bạch Ốc. Sau đó, ông Jones đã dẫn giải những điều mà ông cho rằng vì sao mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh không thể thắng nổi: đó là sau gần 7 năm chiến đấu dai dẳng, họ (Hoa Kỳ và phương Tây) đã thất bại trong việc hoạch định một chiến lược để có thể tạo dựng một cách đáng tin cậy những dự án tái thiết và viện trợ tại những vùng đất mà phe Taliban vừa mới bị quét sạch. Vì thế mà những chiến thắng quân sự đều có tính cách tạm thời, và tình hình có thể bị đảo ngược trở lại một khi quân đội Mỹ và đồng minh rút lui khỏi những nơi này.

Trong những năm sau này, TT Bush đã nhiều lần hứa hẹn là ông sẽ tìm cách thay đổi chiến lược bằng cách thiết lập một "đội ngũ nhân viên dân sự trừ bị" (civilian reserve corps) đặt dưới quyền của Bộ Ngoại Giao để đảm đương những công tác bình định và tái thiết. Nhưng trong thực tế, chính phủ Bush chưa bao giờ thực sự chú tâm vào, cũng như không chịu đề ra những con số cụ thể về ngân sách và nhân viên cho những công tác này. Nếu như ông Obama và ê-kíp làm việc mới của ông có thể đem lại một sự chuyển hướng đích thực, điều này sẽ dẫn đến một sự chuyển hướng trong chính sách an ninh quốc gia sâu rộng trong nhiều thập niên tới, cũng như sẽ củng cố thêm uy tín và quyền hành của bà Clinton trong vai trò một ngoại trưởng. Dĩ nhiên, bà Clinton có thể sẽ khám phá ra rằng việc tạo dựng một sức mạnh dân sự sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc thực hiện so với khi hô hào ủng hộ, giống như người tiền nhiệm là bà Condoleezza Rice đã phải cay đắng học hỏi.

Có lẽ ông Obama cũng sẽ khám phá ra những khó khăn to lớn khi các công tác bình định tại A Phú Hãn — giống như trường hợp của TT Bush đã hứa hẹn vào năm 2002 sau khi cuộc tấn công chấm dứt, cũng như sau đó vào năm 2005 — đã phải bị đình hoãn tại nhiều vùng đất trong nội địa vì lý do an ninh và bất an đã khiến cho những "toán chuyên viên tái thiết địa phương" mà Bộ Ngoại Giao Mỹ muốn đưa xuống nhiều vùng khác nhau đã không thể hoạt động.

Ông Obama cũng đã đưa ra nhiều lời hứa hẹn đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn, chứ không phải chỉ giới hạn ở vùng A Phú Hãn. Vào tháng 10 năm 2007, ông đã từng hứa rằng chính sách ngoại giao sẽ được ông đặt nặng ưu tiên: "Thay vì đóng cửa các toà lãnh sự, chúng ta cần nên mở rộng thêm nhiều văn phòng khác trên những vùng đất khó khăn và tuyệt vọng khác trên thế giới." Trong mùa tranh cử, ông cũng đã từng hứa hẹn rằng nếu đắc cử, ông sẽ tìm cách nâng gấp đôi tổng số tiền viện trợ, dự trù lên đến 50 tỷ Mỹ-kim vào năm 2012. Trong những tháng sau này, ông Obama đã bắt đầu tìm cách kéo dài khung thời gian này, với lý do nêu ra là từ những khó khăn của cơn khủng hoảng tài chánh hiện nay.

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là liệu ngân sách để tài trợ cho những chương trình khuếch trương nhân viên dân chính trong tương lai sẽ được rút ra từ đâu, phải chăng là từ ngân sách khổng lồ của Ngũ Giác Đài. Cho đến nay, dường như chưa thấy có dấu hiệu gì là các vị dân cử bên Quốc Hội sẽ hoan hỉ đeo đuổi đường hướng mới này. Riêng ông Gates thì cũng đã từng thú nhận rằng, xuyên qua bài diễn văn đọc tại trường Đại học Kansas State vào một năm trước, việc một ông tổng trưởng quốc phòng đi cổ võ cho việc gia tăng ngân sách của những bộ khác có thể được coi như là một hành động "bội phản", dưới mắt nhìn của một số người làm việc tại Bộ Quốc Phòng.

Nhưng ông Gates cũng đưa ra được một thí dụ để chứng minh là ông không phải là người duy nhất có những ý nghĩ khác lạ. Ông thuật lại lời nói của Đô Đốc Michael Mullen, lúc còn là Tư lệnh Hải Quân, đã nói rằng "tôi sẵn sàng giao lại tức thời một phần ngân sách của Hải Quân cho Bộ Ngoại Giao nếu như đó là một sự chi tiêu chính đáng." Giờ đây, ông Mullen đã là vị tổng tham mưu trưởng quân đội, và trong một cuộc hội kiến mới đây với tổng thống tân-cử Obama cách đây hai tuần để bàn thảo về những thứ tự ưu tiên trong tương lai, không ai rõ là chuyện ông Mullen có bị yêu cầu chuyển giao một phần ngân sách quân sự sang các ngành dân sự hay không.

Minh Thu

No comments:

Post a Comment