Sunday, December 7, 2008

NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Sứ mệnh lịch sử đang trông chờ Ngoại giao Việt Nam
Khuyết danh
http://www.doi-thoai.com/baimoi1208_097.html

Xu thế hội nhập không thể đảo ngược với thế giới đang mang lại cho Ngoại giao Việt Nam một vị thế ngày càng quan trọng (cũng không thể đảo ngược) bên cạnh những Bộ luôn được Đảng cộng sản Việt Nam coi là tối quan trọng cho sự tồn vong của chế độ toàn trị là Công An và Quân đội. Làm sao những lãnh đạo Đảng không thể phát âm chuẩn một từ tiếng Anh, tiếng Pháp, không thể liên lạc trực tiếp với chính quyền các nước (vì không tương ứng về ngoại giao) lại không cần đến những người hàng ngày, hàng giờ đang tiếp cận trực tiếp với thế giới đang biến đổi từng phút, từng giây?

Việc Bộ trưởng Ngoại giao gần đây đồng thời là Ủy viên Bộ chính trị, nếu nhìn ở góc độ toàn trị, cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã phải thừa nhận tầm quan trọng của Ngoại giao và muốn đặt Ngoại giao trong tầm kiểm soát của Đảng. Nhưng nếu nhìn ở góc độ sứ mệnh, Ngoại giao Việt Nam đang có một cơ hội lớn để không còn chỉ là một công cụ nằm trong tay một đảng chính trị.

Cho dù tất cả các vị trí quan trọng của Ngoại giao Việt Nam hiện nay đều là các đảng viên cao cấp (Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng) và các nhân viên ngoại giao vẫn được tuyển chọn theo tiêu chí "con em trong ngành" và lý lịch ba đời "trong sạch", nhưng khi phải đối diện trực tiếp với cộng đồng quốc tế, họ không thể không trào dâng niềm tự hào hay nỗi nhục nhã cho đất nước Việt Nam. Hơn ai hết, chính những con người đang phải mang tính đảng độc quyền đó là những người trực tiếp đón nhận sự trân trọng hay phải hứng chịu sự khinh bỉ của cộng đồng quốc tế.

Ai trước tiên phải nhận những thông điệp quốc tế chỉ trích hay lên án chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền? Ngoại giao Việt Nam.
Ai trước tiên phải đứng lên gượng gạo chống chế những chỉ trích hành vi phản tiến bộ của chính quyền hay rụt rè phản đối chiếu lệ những hành vi ngoại bang đang xâm lấn quốc gia? Ngoại giao Việt Nam.
Ai trước tiên phải nghe những xì xào khinh thường báo chí Việt Nam đã cắt xén cả các phát biểu của Chủ tịch nước, Thủ tướng? Ngoại giao Việt Nam.
Ai trước tiên phải nghe, phải thấy sự kinh ngạc trước hình thức lễ tân thiếu hiểu biết, trước những tuyên bố ngạo mạn, dốt nát của ông Chủ tịch Thủ đô trước giới ngoại giao quốc tế? Ngoại giao Việt Nam.
Ai trước tiên phải nhục nhã vì đồng bào phải tha hương kiếm ăn, bán thân nơi xứ người? Ngoại giao Việt Nam.
Ai trước tiên phải hạ nhục đi tìm các nguồn viện trợ về cho các quant ham đục khoét? Ngoại giao Việt Nam.
Ai trước tiên phải hổ thẹn trước thế giới về tin các phiên tòa "công khai" đóng kín cửa hay đưa lên tận lầu cao? Ngoại giao Việt Nam.
……..

Nỗi nhục của Ngoại giao và vết nhơ của Quốc thể sẽ còn dày thêm khi ánh sáng của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ khuyết tật và bày ra các hành vi phản tiến bộ của một nền chính trị chuyên chính độc đảng.

Một nền Ngoại giao quốc gia sẽ không thể đạt được mục tiêu mang lại sự kính trọng cho dân tộc, đưa đến những quan hệ có lợi cho đất nước, nếu những lãnh đạo của nền Ngoại giao đó không chuyển đổi từ thái độ chống chế trước các góp ý, chỉ trích của quốc tế thành tinh thần lắng nghe, cầu thị với cộng đồng nhân loại, từ thân phận thấp bé của kẻ làm công ăn lương sang tư thế đĩnh đạc của con người công dân, từ sự cam chịu của những nô bộc trong một đảng chính trị thành những sứ giả khí tiết của quốc gia.

Đó chính là sứ mệnh lịch sử của những người đang có mặt tại Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 26 đang diễn ra tại Hà Nội(1). Dù rất nhiều thiếu sót cần khắc phục và nhiều thách thức, đe dọa vẫn đang ở phía trước. Nhưng giới ngoại giao Việt Nam hiện nay vẫn còn một niềm tự hào vì đã có những người tiền nhiệm đã có quyết định bất chấp tính đảng để đứng về quyền lợi dân tộc: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ.
------------------------------------------
(1) Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 26 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 01-10/12/2008: Hội nghị đã xúc tiến trước không chờ đợi sự hiện diện trong ngày khai mạc (một ngày sau đó, 02/12/2008) của ông Nông Đức Mạnh là Tổng bí thứ ĐCS.
Tiêu đề của Hội nghị là "Tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng" đã chỉ được báo Nhân dân giật tít vào ngày 01/12/2008 là "Tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế". Ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (kiêm Ủy viên Bộ chính trị) đã phát biểu nhấn mạnh "…,ngành ngoại giao phải quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác phát triển, phải chủ động dấn thân nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước,…". Trong khi ông Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: "…cán bộ ngoại giao cần nắm chắc và vận dụng đúng đắn Nghị quyết Hội nghị TW 8 (khóa IX) về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,…chú trọng công tác xây dựng Đảng,…"(theo TTXVN)


No comments:

Post a Comment