Sunday, December 21, 2008

ĐẶNG PHÚ PHONG phỏng vấn ĐÀO HIẾU

Phỏng Vấn Tác Giả “Về Đâu?”
Đặng Phú Phong thực hiện

19.12.2008
http://damau.org/2008/12/ph%e1%bb%8fng-v%e1%ba%a5n-tc-gi%e1%ba%a3-v%e1%bb%81-du/

Về Đâu? tiểu thuyết của Đào Hiếu đã ấn hành trong chương trình Trên Kệ Sách Xin bấm vào đây để xem toàn bộ tác phẩm

ĐẶNG PHÚ PHONG: Ông viết hăng thật, mới Lạc Đường đó nay lại
Về Đâu? Từ 2 tác phẩm này tôi xin dùng nó để đặt câu hỏi với ông: Lạc Đường rồi đi Về Đâu?
ĐÀO HIẾU: Sau khi lạc đường người ta thường dừng lại, hỏi. Nếu hỏi, sẽ có nhiều người trả lời. Nhất là khi chúng ta đang dừng lại ở một ngã ba, ngã sáu hay ngã bảy. Người trả lời sẽ thuộc nhiều thành phần khác nhau nên sẽ có câu chỉ đường khác nhau. Đáng sợ nhất là gặp những người chỉ đường lưu manh.

Đ.P.P: Ông muốn ám chỉ ai?
Đ.H: Đó là những người không chỉ cho mình đường đến đích của mình mà lại chỉ đến đích của họ. Ví dụ như công ty PCI của Nhật Bản. Họ đã chỉ đường cho Việt Nam vay vốn ODA và bỏ vào túi của họ. Còn đường đến đại lộ Đông Tây, đến hầm ngầm Thủ Thiêm thì chẳng biết bao giờ mới đến.

Đ.P.P: Nhưng ông vẫn chưa trả lời câu hỏi: “lạc đường rồi đi về đâu?”
Đ.H: Tôi viết tác phẩm VỀ ĐÂU? Không phải để trả lời. Tác phẩm ấy tự nó là một câu hỏi. Tôi chỉ muốn mô tả những số phận của thế hệ “sau Lạc Đường”.
- Đó là một lớp người thực dụng, tham lam, lạnh lùng trong một xã hội tan rã, bẩn thỉu, mục nát (ví dụ như nhân vật Vương gia, giám đốc Thu, nhân vật Akinari, nhân vật Minh…).
- Đó là một lớp trẻ muốn lột xác, đổi đời nhưng lại bị cái guồng máy ma quỷ dẫn dụ, vùi dập không thương tiếc (ví dụ như nhân vật Trúc, Sen).
- Đó là một lớp trẻ có hoài bão về một tương lại tươi đẹp nhưng lại bị cái bóng đen của cuộc chiến tranh vừa qua đánh phủ đầu gục chết trong bóng tối (ví dụ như nhân vật Huy, con trai của lão vương gia.).
- Đó còn là số phận của đám dân đen bị quyền lực và tham vọng nghiền nát (như Lão Già, như Quỳnh…).
Vậy thì Việt Nam sẽ về đâu? Đó là câu hỏi lớn dành cho mọi người. Về Đâu thì chưa rõ lắm nhưng điều ai cũng nhìn thấy là Việt Nam phải thoát ra khỏi con đường hiện nay. Vì đó là MẠT LỘ.

Đ.P.P: Ông nói: “Về đâu thì chưa rõ lắm”. Tại sao?
Đ.H: Nếu để ý, anh sẽ thấy có một nhân vật khác hẳn. Đó là Quỳnh Vi. Có thể Quỳnh Vi sẽ cho chúng ta biết tại sao.

Đ.P.P: Anh muốn nói đến một lớp trẻ được đào tạo từ nền văn hóa Âu-Mỹ?
Đ.H: Có thể đó là một niềm hy vọng. Nhưng tôi cũng không ngây thơ, dễ dàng tin tưởng ở một lớp trẻ như vậy. Bởi vì trong thời đại toàn cầu hóa này, nếu ở Việt Nam có được một lực lượng đông đảo những trí thức trẻ Tây học như vậy, thì họ phải có thực quyền mới mong xoay chuyển được tình thế. Nhưng ngày nay quyền lực đều nằm trong tay của giới tài phiệt quốc tế và Đảng cộng sản.

Đ.P.P: Vậy nếu cái mà anh gọi là “lớp trẻ Tây học” lên lãnh đạo quốc gia thì sao? Tình hình sẽ khá hơn không?
Đ.H: Chắc sẽ khá hơn, với điều kiện họ thoát ra khỏi sự khống chế của Đảng cộng sản hoặc chính họ đổi mới Đảng cộng sản, nhưng vẫn còn một sự khống chế khác cũng rất ghê gớm; đó là các tập đoàn tài phiệt thế giới. Tuy nhiên, tôi nghĩ hoàn cảnh đó cũng đỡ khổ cho dân nghèo hơn, tự do sẽ được nới lỏng hơn. Sẽ có được một chút nhân quyền, một chút dân chủ tối thiểu để có thể gọi là một công dân, một con người. Có lẽ chúng ta không nên cầu toàn. Vừa nghèo vừa dốt như Việt Nam sao có thể đòi hỏi nhiều quá được.

Đ.P.P: Văn ông viết lôi cuốn, hấp dẫn lắm, đôi khi lên gân và cường điệu nữa. Những tác phẩm của Đào Hiếu hầu như để gói ghém tâm sự, nhân sinh quan, chính trị quan của mình. Như vậy liệu nó có làm tính độc lập, tính khách quan của ông giảm bớt đi không?
Đ.H: Tác phẩm “Về Đâu?” là một tiểu thuyết. Trong đó có vài đoạn mà ông gọi là “cường điệu” thực ra là dụng ý của tác giả. Ví dụ như khi tả về sự sa đọa của nhân vật Akinari tôi đã đẩy sự cường điệu lên tới mức “ma quái”. Có người còn nói: “đọc đoạn tả về Akinari thấy muốn ói”. Đó là vì tôi muốn trưng bày hình ảnh ghê tởm của một “ông chủ Nhật Bản” mà tôi từng biết. Còn đoạn viết về Trúc chuẩn bị đám cưới thì tôi viết thơ mộng như cổ tích, đoạn viết về chiến tranh thì tàn khốc như địa ngục, còn đoạn nào cần lên án, đả kích, triệt hạ… thì tôi cũng không ngại dùng dao găm, cứt đái, chổi cùn… Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề bút pháp. Tôi cho rằng trong cùng một tác phẩm cũng cần có nhiều bút pháp khác nhau để thể hiện nhiều nhân vật, nhiều tình huống khác nhau.

Đ.P.P: Theo tôi” Về Đâu? “ là một tự truyện được tiểu thuyết hóa một phần để tác giả dễ đưa ra những hiện thực đầy bi kịch, những tàn ác của một xã hội chất chứa toàn là mâu thuẫn, sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau. Nhân vật “Tôi” trong” Về Đâu? “ (có dấu hỏi), với thái độ bình tĩnh đến mức gần như thản nhiên của một triết gia đón nhận tất cả những sự việc đau đớn đến với mình, với người thân của mình, để rồi cuối cùng nhân vật “Tôi” và Quỳnh cùng Ba Trần hưởng nhàn nơi hoang đảo. Như vậy ông ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo là thời bình thì ra làm quan, thời loạn hôn quân thì đi ở ẩn. Quan niệm như thế có còn đúng đắn và hợp thời nữa không?
Đ.H: Ồ không. VỀ ĐÂU? Không phải là một tự truyện. Nó không phải là chuyện của đời tôi. Nó là một mảnh đời của một nhân vật có tên là Việt Nam. Tôi nhặt những mảnh đời ấy, mài dũa cho sắc sảo, cho lộ rõ cái bản chất lấp lánh của chúng, rồi ghép lại thành một bức tranh với những matière khá sần sùi như kiểu sơn dầu. Có lửa khói, có đất đá, máu và nuớc mắt. Đó là một bức tranh không chỉ có đường nét và màu sắc. Nó còn có cả tiếng la hét và lời nguyền rủa.
Nó không chỉ là bức tranh 3D mà là 4D. Cái Dimension thứ tư là âm thanh. Cho nên nó không chỉ dàn trải trong không gian mà còn dàn trải trong thời gian. Có thể nó sẽ còn ngân lên, còn vang vọng lúc chúng ta đã gấp cuốn sách lại và cố ngủ.
Đoạn cuối sách, chỉ có Ba Trần và ông đại úy già ra ở cái cù lao. Đó chỉ là một cái bãi bồi nhỏ xíu nghèo nàn dành cho cô bé Trúc tội nghiệp mắc bệnh nan y. Đó là một sự hy sinh, một sự “giải quyết hậu quả”, không phải một sự hưởng thụ.

Đ.P.P: Chương ông viết về nhà văn Trần Vũ và sự tự sát của ông ta là một bi hùng kịch. Có phải ông dùng Trần Vũ như một bản án cho những kẻ trí thức lạc đường tự xử?
Đ.H: Thời đánh Mỹ, những ai từng ở R đều biết trường hợp của một nhà văn, gốc là sĩ quan chế độ cũ, tốt nghiệp trường võ bị quốc gia Đà Lạt, vô rừng theo Việt cộng rồi bị nghi ngờ, theo dõi và cô lập, cuối cùng dẫn đến tự sát. Cái chết của anh là thái độ phản kháng quyết liệt đối với cái guồng máy mà anh hằng tin tưởng và tôn sùng. Đó là sự phản kháng mang tính nhân bản, tính triết lý. Đó không phải là “tự xử”. Cái chết của anh đã gây cảm thương và xúc động sâu sắc vì nó biểu hiện một nhân cách lớn.
Tôi xây dựng nhân vật Trần Vũ (không phải tên thật) là để tưởng niệm anh, một đồng nghiệp của tôi.
Cùng cảnh ngộ với anh còn có nhiều người, nhưng sự phản kháng của họ khá đa dạng tùy theo mức độ “ê chề” của từng người. Có kẻ bỏ rừng về “chiêu hồi” như Tám Hà, như kỹ sư Hồ Văn Bửu…(đọc hồi ký Lữ Phương) có kẻ sau năm 75 vượt biên sang định cư ở một nước khác như nhà văn Lưu Kiểng Xuân (bạn thân của tôi) đã sang Úc, nhiều người khác thì dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho một xã hội công bằng hơn (và họ đã từng bị tù đày, bị quản thúc…) như Lữ Phương, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự…

Đ.P.P: Có bao nhiêu sự thực trong nhân vật Vương Gia?
Đ.H: Nhân vật “vương gia” là biểu tượng cho cái “bóng đen quyền lực” đang bao trùm lên đất nước. Nó có thể là một người, hai, ba người, mà cũng có thể là một tập thể. Nó quyết định số phận đất nước và cả số phận của từng con người. Nó quyết định chiến thắng mà cũng quyết định cả những thảm bại, những bi kịch lớn. Nó là một nhân vật biểu tượng nhưng nó thật hơn cả những nhân vật có tên gọi cụ thể trong tác phẩm.

Đ.P.P: Sau khi cuốn Lạc Đường ra mắt ở hải ngoại, dư luận ủng hộ và chống đối đều có cả. Những người chống thì cho rằng “Đào Hiếu chỉ đòi đảng Cộng Sản Việt Nam sám hối, còn Đào Hiếu thì không. Đào Hiếu vẫn cho rằng quãng đời đi theo Việt Cộng cho tới tháng Tư-75 vẫn là con đường đúng. Và, Đào Hiếu vẫn tôn sùng thần tượng Hồ Chí Minh.” Ông nghĩ sao về những lập luận này?
Đ.H: Tôi nghĩ bây giờ không phải lúc để chúng ta “giành phần phải” về mình. Đây là lúc những người trí thức Việt Nam cần đoàn kết vì một nước Việt Nam dân chủ, vì đại đa số dân nghèo Việt Nam đang sống trong bất công, nghèo khó và mất tự do.
Tôi, Lữ Phương, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… sám hối hay không sám hối để làm gì? Chúng tôi có là “cái thá” gì trong cuộc chiến tranh vừa qua đâu mà sám hối với không sám hối? Chúng tôi chỉ là những hạt cát, những con tép riu. Chúng tôi có khác gì những con tốt vô danh. Các anh cứ làm như chúng tôi là những tướng lãnh!
Đúng, sai là chuyện của Đảng, không phải chuyện của chúng tôi. Hồi ấy chúng tôi không biết cộng sản là gì, chúng tôi cũng cóc cần biết. Họ cũng cóc cần chúng tôi. Chúng tôi nhập cuộc vì chúng tôi yêu nước và…“chịu chơi”.
Hồi đó chịu chơi kiểu hồi đó, bây giờ chịu chơi kiểu bây giờ.
Hiện nay ở Việt Nam có mấy người “chịu chơi” như chúng tôi? Vậy các anh phải ủng hộ chúng tôi chứ. Sao các anh cứ muốn đẩy chúng tôi vào chân tường, muốn dồn chúng tôi vào giữa hai lằn đạn?
Chúng tôi chấp nhận nguy hiểm để - bằng ngòi bút của mình – đấu tranh cho tự do, cho dân nghèo mà các anh còn lên án chúng tôi thì các anh là ai? Tôi ngờ rằng những người lên án ấy đã nhận tiền của nhà cầm quyền Việt Nam để cô lập những người yêu nước. Không loại trừ khả năng họ là công an văn hóa đội lốt Việt kiều Mỹ.
Nhưng cho dù các anh là ai, chúng tôi cũng không quan tâm. Vì chúng tôi viết bằng lương tâm trong sạch, vì dân nghèo. Không vì một thế lực chính trị nào cả. Nếu chúng tôi làm tay sai cho một thế lực nào đó để viết thì cũng chỉ là bồi bút mà thôi.
Còn về Hồ Chí Minh. Sách báo và trên các website đã nói quá nhiều, từng đường tơ kẽ tóc. Tôi cũng giống như anh, đã đọc không sót một chữ. Chúng ta đều đủ chín chắn, đủ bản lãnh và trí tuệ để đánh giá về ông ấy, thiết nghĩ không cần phải đặt vấn đề tôn sùng hay không tôn sùng nữa.

Đ.P.P: Ông nhắc đến Tiêu Dao Bảo Cự làm tôi nhớ đến bài của ông ta viết về ông trong đó có 2 đoạn như thế này:
“….Thực ra tôi không cố ý trách Đào Hiếu không phản tỉnh, mà chỉ ghi nhận thái độ không phản tỉnh về quá khứ của anh khi đọc hết tác phẩm…”
Và: “…..Chúng tôi (tức Tiêu Dao Bảo Cự và Bùi Minh Quốc) không hề phủ định quá khứ (mà dù muốn phủ định cũng không được), ngược lại còn thấy, dù sao đi nữa, dù là vô tình, chúng tôi đã góp phần “đúc nên cỗ máy này”, theo cách nói của Bùi Minh Quốc. Chúng tôi đã góp phần giải quyết những vấn nạn đối với đất nước do cỗ máy này tạo ra…). Ông nghĩ sao vể những nhận định này?
Đ.H: Như ở câu trên tôi đã trả lời: “sám hối hay không sám hối để làm gì? Chúng tôi có là “cái thá” gì trong cuộc chiến tranh vừa qua đâu. Chúng tôi chỉ là những hạt cát, những con tép riu.”
Việc các anh Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc cho rằng mình “đã góp phần đúc nên cỗ máy này” và do đó phải có trách nhiệm “giải quyết những vấn nạn đối với đất nước do cỗ máy này tạo ra”… tôi cho rằng các anh ấy hơi lạc quan vì thực tế xưa nay Đảng có coi trí thức, văn nghệ sĩ ra cái gì đâu, nếu không nói là họ ghét bỏ, dè chừng, họ đã chẳng từng đày đọa nhóm Nhân văn Giải phẩm như súc vật đấy sao?
Hãy xem Lữ Phương viết về thân phận trí thức trong hồi ký của mình như sau: ” Ông Phùng Văn Cung là một bác sĩ hiền lành, ít nói. Đã vào Đảng và được giao cho đủ thứ chức vụ này nọ nhưng chẳng khác gì chúng tôi, ông biết tất cả đều chỉ là “kiểng” thôi: trong bụng dường như có nhiều điều uẩn khúc lắm nhưng cố gắng giữ gìn để làm tròn nhiệm vụ một đảng viên cần phải biết “an tâm công tác”. Căn lều của ông gần lều của tôi: chiều chiều, lúc vừa nhá nhem, từ bên đây nhìn sang chỗ ông, chúng tôi thấy ông hay ngồi một mình, kéo ống quần lên dụ cho muỗi bu vào rồi dùng hai tay đập cho chết, xong rồi xếp chúng thành một hàng dài và nhìn ngắm rất lâu! Có lẽ đó cũng là một thú tiêu khiển chăng? Một lát sẽ vào mùng nghe đài, nhưng bây giờ biết làm gì?” (Hồi ký Lữ Phương- chương 10)
Tôi chỉ trích một đoạn ngắn cho vui, vì thực ra ai cũng biết là những trí thức lừng lẫy cỡ như Trần Đức Thảo còn bị coi như một thằng “lon ton” đi viết ba cái khẩu hiệu vớ vẩn, huống chi là cỡ như chúng tôi. Vậy thì nói chi tới chuyện “đúc nên cỗ máy” này nọ, gây hiểu lầm, rách việc!

ĐẶNG PHÚ PHONG thực hiện

Bài đã đăng của Đào Hiếu :

Phỏng Vấn Tác Giả “Về Đâu?” - 19.12.2008
Nguyễn Thúy Hằng: Từ Miền Đất Xa Lạ - 12.11.2008

No comments:

Post a Comment