Saturday, December 6, 2008

ĐA ĐẢNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU KIỆN CỦA DÂN CHỦ

Đa đảng không phải là điều kiện của Dân chủ
Nguyễn Hoàng Lan
Tuesday, December 2, 2008
http://thtndc.blogspot.com/
Ngày nay, nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường là xu thế phát triển tất yếu của thế giới.
Đó cũng là những giá trị chung của nhân loại mà chúng ta phải chấp nhận nếu muốn hội nhập quốc tế có kết qủa. Chỉ khi biết chấp nhận những giá trị chung, mỗi dân tộc mới có thể hội nhập thực sự và bảo vệ thành công những giá trị riêng làm nên bản sắc dân tộc mình trong qúa trình Toàn cầu hóa.
Là giá trị chung của nhân loại, của xã hội văn minh dân sự, Dân chủ và quá trình thực thi dân chủ có những nguyên tắc chung phải tuân theo ở bất kỳ quốc gia nào thực sự muốn dân chủ hóa. Nhầm lẫn chúng, hay cho rằng chúng là khác nhau đối với mỗi quốc gia, hoặc nghĩ rằng có thể sáng tạo nguyên tắc cơ bản mới cho nền dân chủ quốc gia, đều dẫn đến hậu qủa chung là dân chủ giả hiệu. Nhận thức đúng đắn về Dân chủ cũng sẽ giúp trả lời câu hỏi nóng bỏng tại Việt nam hiện nay, nên hay không nên thực hiện đa đảng, đa nguyên chính trị? và bước đi cụ thể đầu tiên là gì để khởi động qúa trình dân chủ hóa thực sự nước ta ?

Dân chủ là gì?
Dân chủ là một khái niệm không đơn giản chút nào. Ðến nay, học giả của các ngành khoa học như Xã hội học, Luật học, Chính trị học ...chỉ có thể nhất trí rằng không thể có một định nghĩa thống nhất về Dân chủ. Ðiều này được thể hiện rất rõ qua hội nghị toàn thế giới về Dân chủ do UNESCO (Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) tổ chức vào năm 1951. Hơn 500 chuyên gia từ khắp nơi đã tụ họp tại đây nhằm tìm kiếm một định nghĩa chung về Dân chủ. Nhưng số lượng những quan niệm khác nhau về Dân chủ đã vượt quá sức tưởng tượng và sự chờ đợi của ban tổ chức.
Tuyên bố kết thúc hội nghị đã không đưa ra được một định nghĩa nào về Dân chủ, mà chỉ lưu ý sự khác biệt rất lớn của những quan niệm Dân chủ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và thực hiện Dân chủ .

Hai thành tố của Dân chủ

Nói như thế không có nghĩa là muốn hiểu thế nào về Dân chủ cũng được để xây dựng một nền Dân chủ tùy hứng. Ðiều hết sức thú vị là vượt qua mọi khác biệt về quan niệm, hội nghị Dân chủ thế giới đã nhất trí khẳng định hai nền tảng làm nên (thành tố) Dân chủ là: Tự do và Bình đẳng. Nhiều học giả còn khẳng định Dân chủ đồng nghĩa với việc bảo đảm và bảo vệ Tự do, Bình đẳng của người dân.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng Tự do và Bình đẳng vừa bổ sung, vừa là điều kiện tồn tại của nhau. Lịch sử phát triển quyền cơ bản của công dân cho thấy trước hết là cuộc đấu tranh vì Tự do, sau đó mới là vì quyền Bình đẳng. Chính từ lập luận Tự do, Bình đẳng là những thành tố phụ thuộc lẫn nhau, cái này là điều kiện tồn tại của cái kia, mà một số học giả phủ nhận Dân chủ. Họ cho rằng Dân chủ dựa trên hai thành tố này chỉ là bánh vẽ, một thứ Dân chủ mị dân- ’’Dân chủ Tư sản’’- vì không thể nào đạt được sự Bình đẳng tuyệt đối và bình đẳng tương đối cũng chỉ có thể có được khi giới hạn tự do.
Nhưng, cách đây hơn 200 năm, J. J. Rousseau (1712-1778) đã nhận ra mâu thuẫn này của Dân chủ khi ông viết: ‘‘Làm thế nào mà ta có thể tìm được một hình thái tổ chức xã hội, trong đó mỗi thành viên đều được bảo vệ và che chở, đồng thời mỗi cá nhân- mặc dù liên kết với mọi người- lại chỉ tự tuân theo bản thân và như vậy vẫn hoàn toàn tự do như trước?‘‘
Nhận thức được mâu thuẫn này, loài người tiến bộ đã không ngừng đấu tranh hoàn thiện cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao, sao cho quyền Tự do của công dân được bảo đảm tối đa và tương quan Tự do- Bình đẳng được mọi người tự nguyện chấp nhận. (Lưu ý: Quyền lực tối cao đối với xã hội không phải lúc nào cũng trùng với quyền lực nhà nước tối cao. Quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền luôn là quyền lực tối cao)

Nguyên tắc hoạt động Dân chủ
Nguyên tắc toàn bộ quyền lực nhà nước từ dân mà ra:
Trong chế độ Dân chủ thực sự thì đây không phải là một nguyên tắc lãng mạn, có ý nghĩa tượng trưng như Rousseau viết trong ‘‘Khế ước Xã hội‘‘, mà là một nguyên tắc tổ chức phải được thực thi nghiêm chỉnh trong toàn bộ hoạt động thực tiễn của nhà nước và chính quyền. Theo đó, quá trình hình thành và thực thi ý chí, các quyết định của nhà nước khởi đầu từ dân và kết thúc ở cơ quan đại diện cao nhất của dân, nghĩa là từ dưới lên trên. Trong khi quá trình này ở chế độ độc tài là ngược lại: từ trên xuống dưới và bằng mệnh lệnh.
Quyền lực, đó là năng lực hình thành và thực hiện các ý muốn chính trị. Về bản chất, hoạt động Dân chủ xuất phát từ khẳng định mỗi cá nhân đều có năng lực này. Và vì vậy, nhà nước với chế độ dân chủ chính là một hệ thống đại diện từ dưới lên trên cho quyền lực của mọi thành viên trong xã hội. Trong bất kỳ hình thái tổ chức xã hội nào, thì giải quyết vấn đề quyền lực bao giờ cũng là vấn đề then chốt nhất. Trong Nhà nước pháp quyền với chế độ dân chủ, quyền lực bao giờ cũng phải gắn chặt không thể tách rời với trách nhiệm của người sử dụng nó trước người dân.
Hiện nay, dù còn nhiều vấn đề cần tranh luận xung quanh câu hỏi "Dân chủ là gì?" nhưng nguyên tắc quyền lực phải gắn chặt với trách nhiệm vẫn được giới học giả quốc tế nhất trí công nhận là nguyên tắc hoạt động để phân biệt chế độ Dân chủ với các chế độ khác. Một hình thái tổ chức xã hội, mà ở đó, quyền lực không gắn liền với trách nhiệm thì cũng không thể có chế độ Dân chủ. Ngược lại, dù là nhà nước Quân chủ, cũng có thể xuất hiện chế độ Dân chủ nếu quyền lực được gắn chặt với trách nhiệm (tất nhiên là với sự kết hợp thực hiện các nguyên tắc khác để kiểm soát, cân bằng và giới hạn quyền lực). Ngược với ‘‘dòng chảy‘‘ quyền lực từ dưới lên trong chế độ Dân chủ là ‘‘dòng chảy‘‘ trách nhiệm từ trên xuống: Chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, thành viên quốc hội chịu trách nhiệm trước người dân (Cử tri). Và nếu họ không hoàn thành trách nhiệm của mình, cử tri phải có thực quyền bãi nhiễm họ.
Như vậy, kiểm soát việc hoàn thành trách nhiệm của các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước là điều kiện không thể thiếu nhằm bảo đảm nguyên tắc quyền lực gắn liền với trách nhiệm. Kiểm soát, theo nghĩa rộng nhất của từ này, trong chế độ Dân chủ chính là sự kiểm soát của luật pháp qua hệ thống hoàn chỉnh của các toà án độc lập.
Theo nghĩa hẹp hơn, đó chính là sự kiểm soát của các cơ quan do hiến pháp quy định, mà quan trọng nhất vẫn là sự kiểm soát của quốc hội. Nhưng ai sẽ là người kiểm tra Quốc hội và những ‘‘người đi kiểm soát‘‘ khác? Nhiệm vụ này được trao cho Tòa án bảo vệ Hiến pháp (Tòa Bảo Hiến). Khác với chế độ Ðộc tài, nhiệm vụ của chế độ Dân chủ vì vậy phải là xây dựng một bộ máy hành chính, tòa án các cấp hoàn chỉnh, sao cho mỗi công dân trong thực tế đều có thể tham gia theo dõi hoạt động của các cơ quan nhà nước và chính quyền. Và khi thấy cần thiết, anh ta (cá nhân) có thể ngay lập tức buộc các cơ quan kiểm tra hiến định phải nhập cuộc. Ngoài ra, có thể dễ dàng thấy rằng, một trong những điều kiện không thể thiếu để người dân thực hiện quyền kiểm soát của mình với tư cách là người làm chủ nhà nước, chính là quyền tự do tiếp nhận thông tin trung thực.
Có những ‘‘nhà nước‘‘ với Hiến pháp không đến nỗi nào- thậm chí không khác gì lắm so với Hiến pháp của một Nhà nước pháp quyền- nhưng ở đó lại là những chế độ có quyền lực vô giới hạn đứng trên và đứng ngoài pháp luật.
Ở đây, Hiến pháp hoặc là bị vô hiệu hóa toàn bộ, hoặc là chỉ vô hiệu hóa những điều khoản giới hạn quyền lực. Chiến lược thường được những nhà nước kiểu này áp dụng là không thành lập một hệ thống toàn án hoàn chỉnh, mà đặc biệt là không cho phép thành lập Tòa Bảo Hiến. Có như vậy, giới cầm quyền mới có thể giải thích Hiến pháp một cách tùy tiện theo lợi ích chính trị của họ. Khôn khéo hơn là những chế độ Ðộc tài có cả Tòa Bảo Hiến, nhưng nó không được độc lập và hơn nữa: công dân ở đó không được hưởng quyền tự do thông tin.
Tất nhiên không thể bỏ qua một biến tướng ‘‘hiện đại‘‘ hơn: Nhà nước với hệ thống hoàn chỉnh các toà án kể cả Tòa Bảo Hiến được độc lập một cách tương đối, công dân được tự do thông tin, nhưng anh ta không có quyền buộc các cơ quan kiểm tra hiến định nhập cuộc (chẳng hạn: Toà Bảo Hiến không nhận đơn kiện hay khiếu nại cá nhân,v...v)
Vì vậy có thể khẳng định rằng, điểm cốt tử để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước từ nhân dân mà ra, chính là việc phải xây dựng được trong thực tế một hệ thống hoàn chỉnh các cơ quan nhà nước, chính quyền, tòa án với cấu trúc và cơ chế hoạt động sao cho trong thực tế việc thực thi quyền lực bị gắn chặt với trách nhiệm cụ thể- mà người dân có thể kiểm soát vào bất cứ lúc nào- của các cơ quan công quyền.

Nguyên tắc nhà nước pháp quyền
Một số học giả cho rằng đây chính là nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Cụ thể hơn, nguyên tắc này qui định: mọi hoạt động của nhà nước và đời sống xã hội phải gắn liền và tuân theo luật pháp, bảo đảm công lý.
Ở đây nên lưu ý rằng, Công lý là một khái niệm tuyệt đối và không bao giờ có thể có Công lý tuyệt đối trong một thế giới luôn biến đổi như thế giới của chúng ta. Vì vậy, sẽ là sai lầm và không tưởng nếu lấy Công lý làm tiêu chuẩn đánh giá một nhà nước có phải là Nhà nước pháp quyền hay không. Ðiều quan trọng hơn cả là ý chí vươn đến Công lý trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, nguyên tắc nhà nước pháp quyền buộc ba cơ quan hiến định thực hiện quyền lực nhà nước chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của mình sao cho có thể thực hiện công lý ở mức tối đa có thể được trong những hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra có thể dễ dàng thấy một hệ qủa quan trọng của nguyên tắc nhà nước pháp quyền là: Mọi thành viên xã hội đều bình đẳng trước pháp luật, không một ai- kể cả người bị kết án tù- không một tổ chức nào- kể cả các đảng phái chính trị, tổ chức, hội kín- có quyền đứng trên hiến pháp, ngoài pháp luật và đứng ngoài phạm vi chịu trách nhiệm của các cơ quan công quyền.

Nguyên tắc phân tập quyền lực
Quyền lực nhà nước là không thể chia sẻ, hay nói một cách khác: chỉ và chỉ có nhà nước là chủ thể duy nhất được nhân dân trao cho quyền lực tối cao. Nhưng hầu như ai cũng nghe nói về phân lập quyền lực nhà nước thành Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Vậy điều này có gì mâu thuẫn không?
Nếu như mục đích phân lập quyền lực của J. Locke và Charles Montesquieu (được coi là cha đẻ của khái niệm tam quyền phân lập) là hạn chế quyền lực tối cao của Hoàng gia bằng cách chuyển nó cho ba cơ quan nhà nước độc lập với nhau đảm nhận, thì ngày nay, ý nghĩa và mục đích của sự phân tập quyền lực lại là bảo vệ quyền tự do công dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự lạm dụng quyền lực nhà nước tối cao thông qua việc kiểm tra, kiểm soát, cân bằng lẫn nhau giữa ba cơ quan hiến định thực thi quyền lực ấy.
Nguyên tắc phân tập quyền lực không còn được hiểu là nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước khác nhau, mà là nguyên tắc phân công trách nhiệm và quyền hạn sử dụng quyền lực này cho các cơ quan hiến định khác nhau.
Có thể khẳng định rằng để bảo đảm quyền tự do, quyền bình đẳng của công dân-hai thành tố của dân chủ- thì điều kiện tiên quyết phải là : a) giới hạn phạm vi hoạt động quyền lực tối cao trong một khuôn khổ pháp lý căn bản chung được mọi thành viên xã hội chấp nhận là Hiến pháp ; và b) việc thực thi quyền lực tối cáo phải luôn luôn được kiểm soát và cân bằng trên cơ sở tản quyền và với sự tham gia tối đa của người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lạm quyền.

Nguyên tắc đa số
Là nguyên tắc nhằm đảm bảo sự hoạt động trôi chảy của chế độ Dân chủ. Nguyên tắc này thường bị hiểu là được dẫn ra từ lý tưởng Bình đẳng: Hoặc là vì ý kiến của đa số có trọng lượng hơn thiểu số, hoặc là vì quyết định của đa số đúng hơn...
Ðây là một sự ngộ nhận. Nguyên tắc đa số trong hoạt động dân chủ được dẫn ra từ quyền Tự do, với mục đích bảo đảm Tự do cho nhiều người nhất. Nếu một quyết định không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, thì phải làm sao để nó có thể phù hợp với quyền tự do của nhiều cá nhân nhất như có thể được. Nhưng ở đây, bảo đảm quyền Tự do cho nhiều người nhất chỉ có thể được thực hiện một cách công bằng khi tôn trọng hai nguyên tắc hoạt động khác là Bình đẳng và Nhà nước pháp quyền.
Ngoài ra, vị thế của người công dân trong Nhà nước pháp quyền-dân chủ luôn luôn thay đổi, khi thuộc khối đa số, lúc lại thuộc khối thiểu số. Vì vậy, tính công khai của mọi quyết định nhà nước và chính quyền- nhằm đảm bảo cho người dân được tự do khi quyết định mình thuộc vào khối nào- cũng là một điều kiện cơ bản khác cho hoạt động dân chủ.
Chế độ Dân chủ không hứa hẹn quyền tự do tuyệt đối, nó chỉ bảo đảm rằng quyết định về sự hạn chế cần thiết các quyền tự do căn bản được thực hiện theo nguyên tắc Bình đẳng.
Như vậy, mặc dù trái với những suy nghĩ cảm tính, hấp tấp, chế độ Dân chủ vẫn có khả năng xuất hiện và trưởng thành ngay cả trong hình thái quân chủ và các biến thể của nó, một khi các nguyên tắc căn bản cho hoạt động Dân chủ nói trên được thực hiện trong thực tế.

Ða đảng là thành tố, điều kiện tiên quyết hay nguyên tắc hoạt động của Dân chủ?
Ngày nay, người ta không thể hình dung nổi đời sống chính trị và xã hội tại các Nhà nước pháp quyền với chế độ Dân chủ phương Tây, nếu ở đó không tồn tại các đảng phái chính trị khác nhau nữa. Nhưng thành tố của Dân chủ chỉ có thể là Tự do và Bình đẳng. Không có hệ thống đa đảng, việc kiểm tra, kiểm soát, cân bằng và giới hạn quyền lực tối cao vẫn có thể được thực hiện- với kết qủa có thể chấp nhận được- nếu các nguyên tắc hoạt động Dân chủ được đảm bảo. Đây cũng chính là tình trạng ban đầu của chế độ Dân chủ, khi các đảng phái chính trị còn chưa ra đời và ngay cả khi các đảng phái này đã lớn mạnh nhưng chưa đủ năng lực tham chính.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cho đến nay, chế độ Dân chủ với hệ thống đa đảng là một chế độ có cơ chế kiểm soát, cân bằng và giới hạn quyền lực tối cao có hiệu quả nhất. Nhưng đa đảng không thể là điều kiện hình thành, hay nguyên tắc hoạt động của chế độ Dân chủ. Chính nhu cầu ngày càng hoàn thiện cơ chế kiểm soát-cân bằng quyền lực nhà nước trong chế độ Dân chủ đã làm nẩy sinh, thúc đẩy phát triển hệ thống đa đảng. Chứ không phải hệ thống đa đảng làm nên chế độ Dân chủ. Nói một cách khác, hệ thống đa đảng không có gì khác hơn là một sản phẩm của lịch sử phát triển Dân chủ. Chính vì vậy mà không chỉ những đặc trưng cơ bản của hệ thống đa đảng, các điều kiện sống còn bảo đảm sự hoạt động có hiệu quả của cơ chế kiểm soát quyền lực; mà cả đến năng lực và ý thức chính trị của một đảng- trong vai trò là một trong những yếu tố của hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực toàn dân- cũng chỉ có thể thành hình, định tính dần trong qúa trình xây dựng Dân chủ. Một quá trình, như thực tiễn cho thấy, được khởi đầu từ chỗ chưa có đa đảng. Lấy đa đảng làm điều kiện xây dựng chế độ Dân chủ là lấy ngọn làm gốc.
Ngoài ra, đặt nhiều đảng chưa có năng lực, kinh nghiệm và ý thức về vai trò thực sự của mình vào cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực của một chế độ dân chủ chưa hề trải qua thực tiễn hoạt động dân chủ như ở nước Nga sau thời gian Liên xô tan vỡ đến nay, chính là khuyến khích tranh giành quyền lực, chứ không phải là kiểm soát và cân bằng quyền lực nhà nước. Như ta thấy hậu quả tất yếu của tiến trình này không phải là sự hoàn thiện dần cơ chế Dân chủ, mà là chế độ Oligarchie- chế độ thống trị tùy tiện của một số ít các nhóm quyền lợi, những ông trùm trong các lĩnh vực khác nhau- như ở Nga hiện nay.
Tất nhiên, các đảng phái sẽ học hỏi kinh nghiệm và trưởng thành trong qúa trình dân chủ hóa dài đằng đẵng này. Nhưng, trước tiên họ sẽ thu thập kinh nghiệm giành giật quyền lực nhà nước vào tay mình, sau đó mới ý thức được rằng, quyền lực nhà nước là không thể chia xẻ và họ chỉ có thể là một trong những yếu tố để kiểm soát và cân bằng quyền lực ấy cho nhân dân. Nghèo đói và bất công mà người dân phải chịu đựng trong suốt quá trình này chắc chắn không thể là cái giá phải trả để các đảng phái chính trị học hỏi thêm kinh nghiệm hoạt động dân chủ.

Làm gì để dân chủ hóa đất nước?
Lịch sử phát triển quyền lực cho thấy sự lạm quyền luôn luôn là nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến sụp đổ quyền lực.
Quyền lực tối thượng đứng trên xã hội của nhà vua rốt cuộc cũng sụp đổ tan tành ở những quốc gia mà nó không kịp chuyển vào một cơ chế giới hạn, kiểm soát và cân bằng quyền lực với sự tham gia của toàn dân: Quân chủ lập hiến. Hiện tại có không ít nhà nước pháp quyền-dân chủ mà vẫn tồn tại Hoàng gia (Vua, Hoàng hậu) như Vương quốc Anh, Hà lan, Tây Ban Nha v…v. Có thể nói, kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao vừa là mối quan tâm hàng đầu của chủ thể nắm quyền nhằm bảo vệ, giữ vững quyền lợi của mình, vừa là điều kiện tối thiểu để bảo vệ quyền tự do, bình đẳng của công dân và cũng là điều kiện để dân chủ hóa. Đối với nước ta, đảng CSVN được hiến pháp công nhận là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội và trong thực tế cũng là người nắm quyền lực tối cao.
Tuy nhiên quyền lực này không trùng hợp với quyền lực nhà nước và chưa được thể chế hóa. Do đó trong thực tế, quyền lực tối cao do đảng CSVN nắm không nằm trong bất cứ cơ chế giới hạn, kiểm soát, cân bằng quyền lực nào của nhà nước và xã hội cả, ngoài cơ chế kiểm tra nội bộ đảng. Thêm vào đó, với vị trí của người đứng ngoài nhà nước lại nắm quyền trên nhà nước, đảng CSVN tự trao cho mình nhiệm vụ thay mặt nhân dân là người kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước.
Và cho rằng như vậy là được rồi, trong khi điều cấp thiết nhất hiện nay không phải là kiểm soát, cân bằng quyền lực nhà nước mà là quyền lực tối cao của đảng CS. Chính đây là điều cốt lõi về nhận thức khiến cho tất cả mọi cố gắng hạn chế lạm quyền, chống tham nhũng của đảng CS và nhà nước đều thất bại.
Phải thừa nhận một thực tế là chúng ta chưa có một cơ chế kiểm soát, cân bằng quyền lực tối cao của đảng CS. Nó vẫn là một thứ quyền lực đứng trên xã hội và ngoài hiến pháp. Nhưng chính đây cũng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm quyền nghiêm trọng hiện nay đang đe dọa chính uy tín và sự tồn tại của đảng CS. Giới hạn, kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao của đảng CS như thế nào cho có hiệu qủa, hợp lòng dân và không đe dọa vai trò lãnh đạo của đảng chính là nhu cầu khẩn thiết nhất hiện nay. Một cơ chế như vậy nên được khởi đầu bằng những điều kiện tối thiểu cần thiết nhất. Chúng có lẽ là ba điều kiện: a) Thể chế hóa quyền lực tối cao của đảng CSVN; b) Thành lập Tòa bảo Hiến độc lập và một hệ thống hoàn chỉnh các tòa án hành chính; c) Đa nguyên chính trị (không phải đa đảng!)

Thể chế hóa quyền lực tối cao đối với xã hội của đảng CSVN:
Điều 4 Hiến pháp nước ta đã công nhận quyền độc tôn lãnh đạo xã hội của đảng CSVN. Các điều khỏan khác của Hiến pháp nói chung không đi ngược lại chuẩn mực của một Hiến pháp tiến bộ và cũng không dẫn đến cho phép vi phạm hay hạn chế một cách tùy tiện các quyền công dân cơ bản, nếu Hiến pháp được tôn trọng và thực thi nghiêm chỉnh trong thực tiễn.
Quyền lãnh đạo xã hội của đảng CSVN cần được thể chế hóa bằng một tổ chức nhà nước để chính thức đưa mọi hoạt động của đảng sử dụng quyền lực tối cao ấy vào hệ thống các cơ quan hiến định của nhà nước. Cơ quan này có qui chế và chức năng một thượng viện với tên gọi có thể là Hội đồng quốc gia tối cao (HĐQGTC). Thành viên HĐQGTC là các bí thư tỉnh ủy hoặc do đảng CS bổ nhiệm.
Quốc hội hiện tại hoàn tòan có quyền ban hành luật HĐQGTC qui định thẩm quyền, chức năng của nó và công nhận quyền bổ nhiệm thành viên HĐQGTC của đảng CS.

Thành lập Tòa bảo Hiến (TBH):
Nếu đúng là quyền lực tối cao, hiến định, của đảng CS thực sự là từ dân, do dân và vì dân, thì nó phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp hiện nay và phải được gắn liền với trách nhiệm của đảng trước dân. Đảng không thể tự mình đánh gía việc hoàn thành trách nhiệm hiến định của mình đối với nhân dân như từ trước đến nay nữa. Việc kiểm soát mức độ hoàn thành trách nhiệm này là một nhiệm vụ hết sức quan trọng bảo đảm thực thi nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực, vì vậy nó không thể được trao cho chủ thể nắm quyền lực tối cao mà phải trao cho một tòa án đặc biệt là Tòa bảo Hiến.
Thẩm quyền, qui chế hoạt động và thành phần thẩm phán TBH nên do một hội nghị đồng thuận toàn quốc gồm đại diện quốc hội, đảng CSVN, chính phủ, MTTQ, các luật gia có trình độ trong và ngoài nước v…v qui định. Thành phần thẩm phán là đảng viên CS trong TBH cần gắn liền theo tương quan tỷ lệ nghịch với thành phần đảng viên trong quốc hội. Chẳng hạn tỷ lệ đảng viên CS trong quốc hội là 70% thì tỷ lệ thẩm phán không là đảng viên CS trong TBH cũng là 70%. Thêm vào đó, trong thời gian đầu đi vào hoạt động, nên có ít nhất 20% thẩm phán TBH là luật gia được đào tạo cơ bản và có bằng cấp cao ở các nước có truyền thống hoạt động Tòa bảo hiến.

Đa nguyên hóa đời sống chính trị-xã hội
Đa nguyên chính trị không nhất thiết là đa đảng. Bảo đảm cho các nhóm có quyền lợi chính trị khác nhau của người dân được tham gia dưới nhiều hình thức vào cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao là điều kiện cần thiết để xây dựng một nền dân chủ thực sự. Ngoài ra, tạo điều kiện dễ dàng cho việc hình thành các tổ chức, các nhóm phi chính phủ đại diện quyền lợi khác nhau của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trực tiếp tham gia vào qúa trình hoạch định chính sách nhà nước, cũng đang là xu thế chung để có thể thích ứng nhanh chóng với qúa trình Toàn cầu hóa hiện nay. Trước mắt chúng ta có thể thực hiện ngay một số việc như:

• Cho phép thành lập các tổ chức, hiệp hội tư nhân: Đó là các hiệp hội nghề nghiệp, hội hướng đạo, tổ chức từ thiện, tổ chức bảo vệ quyền lợi, các tổ chức phi chính phủ v…v. Nhưng ở đây, cái mà chúng ta cần là những hiệp hội phi chính phủ, tự nguyện và tư nhân thật sự chứ không phải là những tổ chức, hiệp hội mang danh nghĩa phi chính phủ nhưng thực chất là của đảng CS và nhà nước như hiện nay. Cần ban hành một bộ luật riêng, rõ ràng hơn để bảo đảm tính tư nhân của các tổ chức, hiệp hội như vậy.

• Cho phép thành lập công đoàn độc lập và phi chính phủ. Chúng ta đều biết, dù mang danh nghĩa và với các tuyên bố đối ngoại chính thức như thế nào đi nữa, thì các tổ chức công đoàn của ta hiện nay trên thực tế vẫn là tổ chức của đảng CSVN. Nó không thể đóng một vai trò đáng kể nào trong việc kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao của đảng được. Cần ban hành một bộ luật công đoàn tiến bộ hơn công nhận sự cùng tồn tại của công đoàn tư nhân được thành lập trên tinh thần tự nguyện, phi chính phủ và độc lập với đảng CS.

• Cần sớm ban hành luật báo chí mới cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Trong khi chờ đợi một đạo luật tiến bộ như vậy, nên thực hiện phi đảng hóa các tờ báo lớn hiện nay, trả lại cho báo chí tính độc lập cần thiết. Cần sớm hủy bỏ qui định từ phó tổng biên tập báo trở lên phải là đảng viên CS.

• Nên qui định thành phần tối đa đảng viên CS trong quốc hội.

Như thế, chúng ta đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi, nên hay không nên thực hiện đa đảng? Chúng ta đã thấy có thể và cần thực hiện một số bước khả thi nào để khởi động qúa trình dân chủ hóa mà không cần đa đảng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay.

Chấp nhận cấu trúc nhà nước với TBH và Hội đồng Quốc gia tối cao của đảng, nghĩa là tự đặt quyền lực tối cao của mình vào hệ thống các cơ quan hiến định nhà nước với cơ chế kiểm soát-cân bằng quyền lực một cách dân chủ, đảng CSVN sẽ vừa ngăn chặn hữu hiệu sự lạm quyền nghiêm trọng có thể dẫn đến sụp đổ đảng như hiện nay, vừa chứng minh được quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ của mình.
Nếu tin vào quyết tâm đổi mới, tin vào quyết tâm chống tham nhũng lạm quyền của đảng CS, tin rằng mục đích của đảng CS không có gì khác hơn lợi ích tổ quốc, lợi ích dân tộc, chúng ta có quyền tin rằng đảng CSVN sẽ không đứng trên pháp luật, đứng ngoài nhà nước và chính đảng CSVN sẽ là người khởi động quá trình dân chủ hóa thực sự đất nước.

No comments:

Post a Comment