Saturday, December 27, 2008

ĐỤNG ĐỘ GIỮA DÂN CHÚNG và CÔNG AN Ở QUỐC OAI

Đụng độ giữa dân chúng và công an ở Yên Sơn, nhiều người bị đánh ngất xỉu
Hà Giang, thông tín viên RFA
2008-12-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/farmers-beaten-by-police-for-trying-to-stop-land-seizure-HGiang-12272008100715.html
Thêm một vụ xô xát giữa dân chúng và công an khi đúng vào ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/08, chính quyền đã huy động công an bộ đội, đưa xe ủi đất vào thôn xã Yên Sơn, để giải quyết tranh chấp đất đai.
Ngay sau khi được tin, thông tín viên Hà Giang của Ban Việt Ngữ RFA đã liên lạc tìm hiểu sự việc và có bài tường trình như sau

Xô xát giữa công an và dân chúng tại thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội hôm 25-12-2008. Hình chụp từ video
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/farmers-beaten-by-police-for-trying-to-stop-land-seizure-HGiang-12272008100715.html/YenSon-12252008-305.jpg

Gần 100 công an, bộ đội

Trong lúc việc tranh chấp đất tại Kiên Giang cách đây một tuần khiến một số người dân bị công an bắn trọng thương vẫn còn đang trong tình trạng căng thẳng, chưa giải quyết được, thì sáng ngày 25/12/08, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, dư luận lại thêm một lần xôn xao vì vừa có thêm một vụ cưỡng chiếm đất nữa xẩy ra tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Theo lời ông Nguyễn Anh Kim, một trong những người dân xã Yên Sơn, thì vào lúc 9h30 sáng ngày 25/12/08, một lực lượng gồm khoảng 100 công an và bộ đội, do thượng tá công an Hà Đình Khởi, và huyện đội trưởng Nguyễn Thái Ngọc chỉ huy, đã đưa xe ủi đất vào thôn Sơn Trung – xã Yên Sơn - huyện Quốc Oai – thành phố Hà Nội để cưỡng chiếm, và ủi đi đất canh tác của người dân ở đây.

Watch the video on YouTube
http://www.youtube.com/watch?v=HHY47n7eKb0

Ông Kim cho biết, vùng đất hiện đang bị tranh chấp gọi là đất 5% đã được giao cho dân ở đây canh tác gần 50 năm nay, để họ có phương tiện tự túc lương thực:
“Đất họ giao cho mình từ năm 1960, tức là ngày xưa tất cả ruộng đất trâu bò đều đưa vào hợp tác xã nông nghiệp. Sau khi vào hợp tác xã thì cái số đất 5% gia đình ngay cạnh nhà thì để, còn thì ruộng nương thì ở thật xa, nhà nước dành ra 5% để chia cho dân, mỗi một khẩu là khoảng 2 thước để tự túc lương thực, hoa mầu”.

Theo đúng luật thì trước khi muốn thu hồi đất, chính quyền địa phương phải nhận được lệnh thu hồi từ tỉnh hay huyện ban xuống, phải có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng đất biết lý do thu hồi và dự kiến về mức bồi thường v.v…, vì thế khi lực lượng cưỡng chế này bất ngờ xuất hiện, người dân ở đây đã dàn hàng để ngăn cản đoàn người đến lấy đất của họ.

Ông Nguyễn Anh Kim giải thích:
“Đúng ra thì phải có quy hoạch ở cấp tỉnh hay huyện cơ, xã làm thì không đúng luật của nhà nước thì chúng tôi không đồng ý, chưa có lệnh của nhà nước thì ở địa phương là không có quyền lấy (đất) ra, và khi lấy (đất) ra thì phải được thông báo trước và phải bồi thường tài sản của dân, mà họ dùng biện pháp cưỡng chế, họ dùng cả bộ đội công an bắt ép dân phải trả đất.”

Xô xát, đánh đập


Khi đội ngũ cưỡng chế đất gặp sự phản kháng của người dân thì họ đã cầu cứu và được yểm trợ bằng một lực lượng công an và bộ đội hùng hậu, bà Nguyễn Thị Mùi, một nông dân cũng bị mất đất ở thôn Sơn Trung tường thuật:
“Khi họ vào đến làng, dân ra đông lắm, chắn xe không cho vào làng, khi chắn đông lắm thì bắt đầu xe máy húc nó quay trở lại, nó bảo thế này thì không làm được. Thế thì hai người chạy đi gọi điện, thì lại có một toán bộ đội và công an đông quá, thế là chúng em sợ dãn ra hai bên, chỉ có một số chúng em lăn vào giữ xe của bên lực lượng thuê người về để lấy đất đấy”.

Quyết tâm lấy cho bằng được đất, bất chấp mọi sự phản kháng, lực lượng công an và bộ đội huyện đã thẳng tay đàn áp, kéo, lôi, xách những người dân cản đường và ném họ đi như ném con vật, họ đấm đá và dùng dùi cui điện đánh vào dân, làm nhiều người bị ngất xỉu, phải mang đi cấp cứu.
“Họ lấy cái dùi cui điện họ dí, mấy cháu nhỏ và mấy bà già bị ngất xỉu, phải khiêng đi cấp cứu”.

Những người bị hành hung gồm có anh Nguyễn Thế Đồng, khoảng 28 tuổi, bị đấm vào bụng, và bị dí dùi cui điện, bà Ba Đoan, chị Nguyễn Thị Khanh, cụ Nguyễn Thị Tâm đã bị đánh chết ngất ra đường. Bà Nguyễn Thị Mùi kể tiếp:
“Họ hất bà già rồi quăng xách như là xách lợn ấy, có hai bà bị ngất. Người ta cản thì có cháu Nguyễn Thế Đồng, tức nó là nó thấy ông nó hơn 80 tuổi rồi, đứng giữ xe nói rằng thì tôi có mỗi hai thước đất rau, mà giờ tôi già như thế này rồi, tôi không làm được gì, thì để cho tôi làm rau tôi ăn. Khi xô đẩy nhau thì ông ấy bị ngã ra, cháu Đồng vào đỡ ông, thì một anh công an thúc tay vào bụng cháu, dí dùi cui vào rồi cháu nằm quèo ngay ra đấy”.

Dư luận bất bình

Trước khí thế đông đảo của lực lượng cưỡng chế, người dân dù biết mình đã bị tước đoạt đất đai một cách trái phép, nhưng vì không một tấc sắt trong tay, họ chỉ chống cự một cách yếu ớt và không làm được gì hơn nên đành để bị mất đất, mất phương tiện sinh nhai duy nhất của mình. Bà Mùi cho biết:
“Khi mà đập tường nhà em, vào chặt cây nhà em, thì em chạy về là kéo vợ chồng em ra, khi em chạy vào, thì năm người công an nhấc hai người hai chân, nhấc đầu, hai người hai tay, nhấc em ra ngoài, còn nhà em lúc bấy giờ là 6 người ghìm nhà em.
Chúng em giờ đành là sức yếu, thì chả làm gì được cả, thế thì bây giờ đành là mất đất, họ lấp cả ngày hôm nay, cả đêm hôm qua.
Vâng, dân bức xúc quá nhiều, mà người ta cũng chì mặt những người cán bộ rằng là, tại sao bức hiếp dân như thế, thuê lực lượng công an với bộ đội về để ức hiếp dân, để cướp của dân, nhưng họ cứ phớt lờ, họ không nói gì cả.”

Theo luật pháp hiện nay tại Việt Nam, quyền sở hữu đất đai vẫn còn thuộc nhà nước, và việc giải tỏa nhà đất thường thì không được giải quyết thỏa đáng, nên dư luận quan ngại rằng, hoàn cảnh và nỗi niềm của người dân thôn Sơn Trung–xã Yên Sơn-huyện Quốc Oai, Hà Nội là một vấn nạn chung rất khó có được một giải pháp ổn thỏa.
(Hà Giang, thông tín viên RFA)


No comments:

Post a Comment