Tuesday, December 16, 2008

KINH TẾ SUY THOÁI - DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VỠ NỢ

Kinh tế thế giới suy thoái: Các doanh nghiệp “buôn người” vỡ nợ
Monday, December 15, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88179&z=2
Hà Nội (NV) - Hàng trăm người Việt từng được đưa đi làm thuê ở nước ngoài, đã từ nhiều tỉnh kéo về Hà Nội để đòi nợ bởi cùng bị trả về Việt Nam, trước khi hợp đồng làm thuê ở nước ngoài hết hạn. Theo báo điện tử VietNamNet, nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ “xuất khẩu lao động” (cách gọi việc đưa người Việt ra nước ngoài làm thuê) đang bị “khách hàng” của họ bao vây.

Báo điện tử VietNamNet tường thuật rằng, sáng sớm ngày 13 tháng 12, có rất nhiều người tụ tập tại trụ sở công ty Việt Hà, đặt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Việt Hà là tên một trong những công ty chuyên đưa người Việt ra nước ngoài làm thuê và nay đang bị “khách hàng” bao vây vì thiếu nợ.

Tất cả “khách hàng” đang bao vây công ty Việt Hà cho biết, họ muốn công ty Việt Hà “bồi hoàn các khoản phí mà công ty đã thu khi đưa chúng tôi ra nước ngoài làm việc do chúng tôi bị trả về Việt Nam trước thời hạn mà công ty Việt Hà cam kết”. Chưa kể “khách hàng” còn đòi công ty Việt Hà “bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà ‘khách hàng’ phải gánh chịu trong thời gian được đưa ra nước ngoài làm thuê”.

VietNamNet kể rằng, đa số “khách hàng” đang bao vây công ty Việt Hà là những người được công ty này đưa sang Maldives làm thuê. Tuy hợp đồng lao động có thời hạn hai năm, song nhiều người chỉ mới làm việc được ba tháng thì bị phía Maldives trả về. Một trong những “khách hàng” như thế là ông Nguyễn Văn Thuấn, ngụ tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, kể với phóng viên báo điện tử VietNamNet: “Tôi phải trả 2,100 USD phí môi giới để được đưa sang Maldives làm thợ nề với mức lương là 250USD/tháng. Hợp đồng có thời hạn hai năm nhưng chỉ mới làm được vài tháng thì bị trả về”. Tại Maldives, ông Thuấn không được làm thợ nề như hợp đồng đã ký mà bị buộc làm thợ điện, nước. Ðó là chưa kể chuyện ông Thuấn và bạn bè bị “đối xử như súc vật”.

Vào lúc này, ở Hà Nội đang có rất nhiều người, từng phải trả rất nhiều tiền để được đưa ra nước ngoài làm thuê, đang bao vây những công ty cung cấp dịch vụ “xuất khẩu lao động” như Việt Hà. Giống như Việt Hà, ban giám đốc của nhiều công ty cung cấp dịch vụ “xuất khẩu lao động” đã biến mất, chỉ có nhân viên đứng ra tiếp “khách hàng” kèm những lời hứa hẹn “sẽ báo cáo để cấp trên xem xét”.

Trong hai thập niên vừa qua, Việt Nam xem “xuất khẩu lao động” là một nguồn lợi. Hồi đầu tháng này, Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, 2.5 tỉ/8 tỉ USD kiều hối gửi về Việt Nam trong năm nay là do những người Việt, được đưa đi làm thuê ở nước ngoài gửi về. Tuy nhiên do tham nhũng, việc “xuất khẩu lao động” phát sinh rất nhiều tai tiếng. Người Việt chọn việc đi làm thuê ở nước ngoài bị các công ty chuyên làm dịch vụ “xuất khẩu lao động” và những công ty tuyển dụng họ bóc lột đến tận xương tủy. Giới quan sát và báo chí quốc tế đã từng lên tiếng nhiều lần về thảm trạng này, đồng thời chỉ trích chính quyền CSVN dung túng cho tệ “buôn người” thông qua chiêu bài “xuất khẩu lao động”.

Gần đây, sự suy thoái của kinh tế thế giới đang đe dọa sự phát triển của chương trình “xuất khẩu lao động” mà chính quyền CSVN muốn đẩy mạnh.
Hồi đầu tháng, Qatar, một quốc gia ở khu vực Trung Ðông, đã ngưng nhận người Việt đến làm thuê. Tờ Tiền Phong cho biết, lý do khiến Qatar ngừng cấp visa cho người Việt đến làm thuê là vì vấn đề an ninh. Ðại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “xuất khẩu lao động” tại Việt Nam kể rằng: “Ở Qatar hiện có một nhóm lao động Việt Nam chuyên đi cướp tài sản của đồng hương. Sau khi lãnh lương, nhiều người Việt đi làm thuê tại Qatar đã phải đến đại sứ quán Việt Nam tại Qatar, nhờ giữ tiền vì sợ bị cướp”.

Vào cuối tháng trước, chính phủ Cộng Hòa Czech từng loan báo ngưng cấp visa dài hạn cho công dân Việt Nam cũng vì lý do an ninh. Một phúc trình do Bộ Nội An của Cộng Hòa Czech cho biết, tội phạm có tổ chức trong cộng đồng người Việt tại Cộng Hòa Czech đang tăng nhanh. Các hoạt động phạm pháp bao gồm: làm hàng giả, trốn thuế và trồng cần sa trên qui mô lớn. Theo một tờ báo ở Czech, các phúc trình đã được gửi cho chính phủ Czech còn cho biết, thủ tục xin cấp visa vào Cộng Hòa Czech tại Hà Nội đang bị các băng nhóm tội phạm có tổ chức chi phối. Tòa Ðại Sứ Cộng Hòa Czech tại Việt Nam bị chỉ trích là chưa có biện pháp ngăn cản sự lũng đoạn của các băng nhóm tội phạm vào qui trình xét cấp visa. Cũng vì vậy, chính phủ Czech quyết định tạm ngừng cấp visa dài hạn cho công dân Việt Nam cho đến khi họ tìm được các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Ngày 2 tháng 12, tờ Người Lao Ðộng tại Việt Nam cho biết: “Do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều quốc gia đang rất tệ, nhiều hãng xưởng phải đóng cửa, nên việc 'xuất khẩu lao động' đang và sẽ gặp nhiều khó khăn”. Theo tờ báo này, trong hai tháng qua, các thị trường lớn chuyên “nhập khẩu lao động Việt Nam” như: Nam Hàn, Nhật Bản, Ðài Loan, các quốc gia thuộc khu vực Ðông Âu, Trung Ðông đều cắt giảm việc tuyển dụng lao động người Việt. Khoảng 60% trong số 81,000 người Việt đang làm thuê tại Ðài Loan đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Hàng trăm ngàn người Việt đang làm thuê tại Malaysia cũng bị thất nghiệp đe dọa. Những người Việt đang làm thuê tại Nhật hiện đang phải đối diện với khó khăn tương tự. Lao động Việt Nam đang làm thuê tại một số quốc gia Trung Ðông như: Ả Rập, Maldives,... cũng bắt đầu thất nghiệp hàng loạt và có rất nhiều người phải quay về nguyên quán trước thời hạn.

Gần đây, sau một loạt bài viết về những dấu hiệu bất ổn liên quan đến “xuất khẩu lao động”, tờ Tiền Phong nhận định: “Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan hữu quan, nhiều doanh nghiệp 'xuất khẩu lao động' sẽ phá sản”. Thế nhưng phía phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất lại là người nghèo từng thế chấp nhà đất, cầm cố tài sản, vay mượn khắp nơi để được đưa đi làm thuê ở nước ngoài chứ không phải những doanh nghiệp này. (G.Ð)



No comments:

Post a Comment