Friday, December 19, 2008

KHỦNG HOẢNG HAY CHIẾN TRANH ?

Khủng Hoảng hay Chiến Tranh?
Nguyễn Cường
Đăng ngày 18/12/2008 lúc 18:40:17 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3385
Năm 2008 sắp qua đi để lại cho chúng ta quá nhiều ấn tượng. Chắn rằng trong vài thập niên tới, lịch sử sẽ không quên nhắc lại sự kiện “Khủng hoảng Tài chính 2008” như một biến cố trọng đại không riêng gì cho nước Mỹ. Điều đáng nói đây không phải chỉ đơn giản là vấn đề khủng hoảng tài chính mà là những hậu quả chính trị tiếp nối theo sau cuộc khủng hoảng, sẽ tác động mạnh đến nhiều quốc gia trên thế giới toàn cầu hoá này. Học giả hay các sử gia đời sau có thể sẽ coi đây là một cuộc chiến tranh chống khủng bố vừa đi vào chung cuộc bằng trận đánh cuối cùng!

Trên lý thuyết chiến tranh quy ước dùng con người và sử dụng các loại vũ khí tiêu diệt lẫn nhau để giành chiến thắng, trong khi chiến tranh kinh tế chỉ cần dùng các phương tiện kinh tài để thanh toán nguồn tài nguyên yểm trợ đối phương. Cả hai đều cho ra kết quả tương tự như nhau. Cụ thể đơn giản:

Nếu chiến tranh vũ khí quy ước dùng chiến thuật bao vây và chặn đường tiếp liệu cuả đối phương, thì chiến tranh kinh tế dùng cách bao vây thương mại và cấm vận hàng hoá. Nếu chiến tranh quy ước áp dụng chiến thuật “biển người” đánh thí quân, giành ưu thế cho bên nào có quân số đông hơn, thì chiến tranh kinh tế dùng cách cho “đốt cháy nhà hết để thí tiền” và sau cơn bão lửa, bên giàu còn tiền cuả thì xây lại nhà khác để tiếp tục đời sống mới, còn bên nghèo nếu có trở thành “trắng tay” thì ráng chịu! Tuy chiến tranh quy ước dùng cách đánh thí quân có phần thiếu nhân đạo, nhưng trong chiến tranh kinh tế chống khủng bố thì lại có kết quả rất tốt vì “Cuả đi thay Người”.

Ngược dòng thời gian trở lại cách đây 21 năm, cũng với một cuộc khủng hoảng thị trường (Wall Street) làm chấn động cả thế giới mà mãi cho đến nay các nhà nghiên cứu kinh tế vẫn còn thắc mắc về nguyên nhân! Mặc dù không có một tín hiệu rõ rệt gì báo cho biết trước, ngày thứ Hai 19/10/1987, thị trường Wall với chỉ số (Dow Jones) thình lình giảm xuống hơn 22%, một kỷ lục chưa từng xảy ra, ngay cả với khủng hoảng 1929. Tuy không rõ nguyên nhân nhưng các sử gia vẫn có thể ghi nhận được một số các sự kiện “hậu chấn” tiếp nối xảy ra theo sau do ảnh hưởng cuả vụ khủng hoảng 1987:

- Các thị trường chứng khoán ở Âu Châu cũng đồng loạt sụt giảm trong ngày đó và chỉ duy nhất xảy ra trong ngày “Thứ Hai Đen” (Black Monday) thôi, khác với 1929 (hay 2008) là thị trường sút giảm theo tỷ lệ ít hơn (5-10 %) trong vài lần và kéo dài nhiều tuần lễ liên tiếp nên không có yếu tố bất ngờ!

- Trong vòng 3 năm sau, hàng trăm các nhà băng nhỏ và “Quỹ tiết kiệm” (Savings and Loans) lần lượt bị phá sản do làm ăn với độ rủi ro cao (High Risk) vì chính sách thả lỏng (deregulation) cuả Tổng thống Reagan&Bush. Điều đáng ghi nhận là đa số “Quỹ tiết kiệm” này lại đuợc hỗ trợ bằng những nhà băng tư nhân hay các tập đoàn tài chính nước ngoài! (?)

- Hai năm sau 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự tan rã chính quyền các nước Đông Âu trong khối XHCN trước sự ngac nhiên cuả nhiều người, hai năm sau nữa thì Liên Bang Xô Viết cũng bị giải tán luôn!

Các sử gia hiện thời chỉ giải thích nguyên nhân chính cuả sự tan rả khối Liên Xô là vì không chịu nổi gánh nặng chi phí thi đua vũ trang cùng Mỹ, mà quên mất sự kiện là các quỹ dự trữ ngoại tệ và đầu tư gián tiếp cuả Liên Bang Xô Viết cũng như các nuớc trong khối XHCN đã bị thất thoát một cách trầm trọng (?) qua các dịch vụ ngân hàng quốc tế trong cuộc khủng hoảng 1987!

Cuộc chiến chống khủng bố vào đầu thế kỷ 21 này khác nhiều so với chiến tranh lạnh. Thoạt nhìn thấy dễ như lấy đồ trong túi nhưng không đơn giản chút nào, do đối phương không hoàn toàn xuất đầu lộ diện một cách công khai. Nếu như trong du kích chiến nguồn tiếp liệu phần nhiều đến từ người dân địa phương trong phạm vi nhỏ hẹp cuả quốc gia, thì chiến tranh khủng bố lại có nguồn tiếp liệu kể cả hậu thuẩn tài chính đến từ những cư dân ở khắp nơi trên thế giới.

Đi xa hơn nữa là những nguồn tiền kín đáo đó lại được gián tiếp đầu tư trong nhiều tập đoàn tài chính quốc tế tại Mỹ này. Còn gì chắc ăn hơn khi bỏ tiền đầu tư vào các cơ sở tài chính lâu đời cuả nước Mỹ. Thật là tinh vi đến nỗi một chiến lược gia đã so sánh cuộc chiến chống khủng bố như cuộc chiến đấu với con rắn có rất nhiều đầu, chém được đầu này thì đầu khác lại mọc lên!

Nhưng “Vỏ quít dày có móng tay nhọn”! Bên khủng bố dùng chiến thuật liều mạng nổ bom tự sát để gây tổn thất cho đối phương, thì bên chống khủng bố chọn cách hysinh của cải tiền bạc, kích nổ quả bom kinh tài làm cho phá sản để bóp nghẹt kinh tế, tiêu diệt nguồn tài chính đang yểm trợ cho quân khủng bố.

Kết quả như nhau, nhiều người đã bị vạ lây chết oan do bom khủng bố nổ, cũng giống như trường hợp nhà bị mất giá, tài sản bị tiêu tan một cách oan uổng do quả bóng bất động sản vỡ tan. Tất cả đều là nạn nhân vô tình cuả “đạn lạc tên bay” trong chiến tranh. Bởi vậy, nếu ai có mất tiêu vài trăm ngàn đô la vì mua nhà không đúng lúc hay cổ phiếu bị mất giá thình lình, thì cũng đừng lấy làm buồn. Đó chính là chu toàn nghĩa vụ dân sự cho đất nước trong thời chiến tranh, thay vì là gởi chồng con hay anh em ra chiến trường để hy sinh!

Cuối cùng rồi tất cả cũng tuân theo luật “bảo tồn năng lượng” cuả khoa Vật lý. Cuả cải hay tài sản cũng chỉ là một dạng cuả năng lượng từ lao động trí óc hay thể xác, chẳng bị “bốc hơi” mất đi đâu hết mà chỉ là một sự hoán đổi hay chuyền tay nhau giữa những cá nhân và tập đoàn tài chính. Cụ thể thí dụ đơn giản sau đây:

- Ông A mua nhà 200 K, vào thời điểm nhà lên giá, bán cho ông B 350 K, lời 150 K. Một thời gian sau ông B bán cho ông C lúc giá nhà lên cao nhất là 400 K, lời 50 K.
- Khi nhà xuống giá còn 200 K, ông C trả lại cho nhà băng và chịu mất 40 K tiền đật cọc. Nhà băng phát mãi bán nhà 200 K, chịu lỗ 160 K.
- Tổng kết lại là nhà băng và ông C chịu lỗ 200K và số tiền đó chạy vào túi cuả hai ông A và B. Sau cùng, nếu nhà nước có bỏ ra vài trăm tỷ để cứu nguy cho những nhà băng hay những “khổ chủ” như ông C, thì cũng như chính phủ đã tự nguyện trả một số tiền cho hai ông A và B.

Thí dụ trên minh chứng cho thấy tiền chỉ luân lưu chuyển giao cho chủ nhân khác chứ không bốc hơi biến mất đi đâu cả! Cùng một giải thích cho thị trường Wall Street và các cổ phần bị mất giá. Người thắng là người bán cổ phần ra sớm nhất, còn người thua là những ai bán ra sau cùng, chủ nhân cuả các cổ phần hiện đang cư trú ở nước ngoài!

Thắc mắc còn lại là khủng hoảng thị trường 1929 thuộc về loại chiến tranh nào?

Câu trả lời chính xác: Đó không phải là “Chiến tranh” mà là một cuộc “Cách mạng” thứ 2 của nước Mỹ. Đúng ra, cách mạng đầu tiên 1776 cuả nước Mỹ chỉ giành được độc lập về chính trị, nhưng kinh tế tài chính kể cả văn hoá giáo dục vẫn còn quá non trẻ và bị lệ thuộc vào mẫu quốc rất nhiều. Hơn cả trăm năm sau cách mạng 1776, đa số các cơ sở tài chính hay nhà băng lớn cuả Mỹ vẫn còn nằm trong tay cuả các tập đoàn tài phiệt Âu châu. Trong vụ khủng hoảng 1929, nguyên nhân chính là do dân chúng Mỹ quá lo sợ và mất tin tưởng vào các nhà băng hay các trương mục tiết kiệm, đồng loạt chen nhau đi rút tiền ra, làm cho nhiều ngân hàng bị phá sản vì không có đủ tín dụng để hoạt động. Phản ứng dây chuyền, các công ty sản xuất hàng hoá không thể vay nợ ngân hàng để tiếp tục kinh doanh nên phải đóng cửa và sa thải hàng triệu công nhân.

Hậu quả giống nhau sau các cuộc khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh quy ước là có nhiều chính phủ cũng như chế độ cầm quyền trên thế giới bị thay đổi hay sụp đổ do bi thua trận hay không vượt qua những khó khăn kinh tế về sau gây ra.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Nguyễn Cường
Sacto, 12/2008


No comments:

Post a Comment