Wednesday, December 3, 2008

KHI HOA KỲ BỊ MỜI ĐI KHỎI IRAQ

Khi Hoa Kỳ Bị Mời Đi Khỏi Iraq
Tuấn Minh

(LÊN MẠNG Thứ ba 2, Tháng Mười Hai 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article5013
Cuối cùng rồi thì cái ngày ấy cũng phải tới, cho dù TT Bush có muốn tránh né, hoặc tìm cách biện minh hoặc chụp mũ bất cứ ai muốn nhắc đến: đó là ngày chính phủ Iraq chính thức (gần như vậy) lên tiếng yêu cầu quân đội Hoa Kỳ rời khỏi nước họ vào cuối năm 2011.

Khi cuộc chiến tấn công Iraq mở màn vào năm 2003, vị tướng tư lệnh được nhiều lời khen ngợi nhất gần đây, Đại tướng David Petraeus, chỉ mới là một ông thiếu tướng hai sao, chỉ huy Sư đoàn 101 Nhảy Dù, một trong số hàng chục đơn vị khác nhau của lực lượng đổ bộ. Sau đó, ông đã được thăng chức thật mau lẹ, chiếm thêm được 2 ngôi sao trên cổ áo, trở thành tư lệnh tối cao của chiến trường và hiện nay đảm nhiệm chức vụ mới cao hơn là Tư Lệnh Vùng Miền Trung (Central Command). Vào thời ấy, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có chính sách cho phép các ký giả được tháp tùng với các đoàn quân để có thể ghi nhận những hình ảnh và sự kiện trung thực của cuộc chiến. Ông Petraeus không phải chỉ là một người võ biền, mà ông cũng là một dân khoa bảng, đậu bằng tiến sĩ của trường Đại học danh tiếng Princeton. Vì thế nên ông không ngần ngại tiếp xúc với giới truyền thông. Khi bị báo giới phỏng vấn để tiên liệu về kết quả của cuộc chiến, ông đã hỏi ngược lại một phóng viên: "Anh có thể cho tôi biết liệu cuộc chiến này sẽ kết thúc ra sao?"

Vào lúc ấy, cả ông tướng Petraeus lẫn nhà báo, và có lẽ hầu hết giới chức lãnh đạo của Hoa Kỳ, cũng đều không ngờ là diễn tiến của cuộc chiến lại kéo dài với những tổn thất to lớn và tốn kém đến ngày nay. Vì thế cho nên các vị tướng tư lệnh và những người sếp dân sự là ông tổng trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld và tổng thống Bush đã cứ phải loanh quanh để đi tìm câu trả lời cho thoả đáng. Nhưng giờ đây, có lẽ người ta bắt đầu thấy được tí ánh sáng loé ra từ cuối đường hầm, dựa vào một bản thoả hiệp quân sự mới nhất giữa Hoa Kỳ và Iraq: đó là cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Iraq sẽ chấm dứt trong vòng ba năm tới, và quân đội Mỹ phải rời khỏi nước này không phải với những lời khen hoặc nhớ ơn của người dân về sự nghiệp giải phóng (như lời mơ ước hoang tưởng của ông phó tổng thống Dick Cheney) mà là trong những tiếng tranh cãi của các chính trị gia Iraq đang vỗ ngực để tự khoe về thành tích "chống Mỹ cứu nước" của mình.

Sau khi đơn phương xua quân tấn công vào Iraq mặc dù không có sự đồng ý cho phép của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc, và bất chấp công pháp quốc tế, cuối cùng Hoa Kỳ cũng phải đành trao trả lại chủ quyền (về hình thức) cho dân Iraq sau một thời gian ổn định dưới thời của Toàn quyền Paul Bremer để từ đó các cuộc bầu cử được diễn ra để thành lập quốc hội và chính phủ. Sau đó, Hoa Kỳ đành phải theo đường lối hợp pháp để kêu gọi sự hợp tác của nhiều nước hầu thông qua nghị quyết của Hội Đồng Bảo An chấp thuận cho quân đội liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo được tiếp tục hiện diện tại Iraq trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh và tái thiết. Sứ mạng này chỉ có giá trị trong một năm và phải được gia hạn trước ngày hết hạn cuối năm. Trong thực tế, chính phủ Iraq lúc đầu cần có sự hiện diện của quân đội Mỹ để bảo vệ an ninh, tuy ngoài mặt không ai dám lên tiếng ủng hộ vì sợ sự chống đối của người dân trong nước.

Tuy nhiên, gần đây thì chính phủ Iraq lại đòi hỏi Hội Đồng Bảo An không nên triển hạn nữa. Vì vậy, chính quyền Bush đành phải đối thoại trực tiếp với chính quyền Iraq để thảo ra một thoả hiệp về sự hợp tác của quân đội Mỹ tại Iraq. Sự việc thoạt đầu tưởng là dễ dàng, có tính cách thủ tục nhiều hơn vì phía Mỹ tin rằng chính quyền Iraq vẫn còn phải trông đợi vào sự hiện diện của quân đội Mỹ để giữ an ninh cũng như ngăn chặn không cho tình trạng bạo loạn bất ổn trở lại. Chỉ nội việc ông thủ tướng Nouri al-Maliki và tất cả các viên chức cao cấp trong chính quyền địa phương đều phải sống trong một vùng an toàn gọi là Green Zone do quân đội Mỹ bảo vệ an ninh nghiêm nhặt cũng đủ chứng tỏ là chính quyền địa phương chưa đủ sức để tự giải quyết vấn đề an ninh nội địa.

Ấy vậy mà việc thương thuyết để đi đến một thoả hiệp lại dằng dai, kéo dài trong nhiều tháng trời khi phe Iraq đòi hỏi một số những điều kiện mà phía Mỹ đều coi như là không thể chấp nhận được: đó là việc đòi hỏi các quân nhân Mỹ có thể bị xét xử bởi toà án Iraq nếu phạm luật, và ấn định thời điểm rõ ràng về ngày rút quân Mỹ ra khỏi Iraq. Phía Hoa Kỳ đương nhiên khó thể chấp nhận các điều kiện này vì tự coi mình như có toàn quyền trong việc điều hành các quân nhân Mỹ, và cũng không thể tin tưởng cũng như không chịu nằm dưới sự chi phối của hệ thống pháp luật của Iraq. Hoa Kỳ muốn các quân nhân Mỹ được đặc miễn tài phán (legal immunity), tức là không thể bị toà án Iraq xét xử, và nếu có phạm tội thì chỉ có thể bị xét xử bởi các toà án của Mỹ. Tuy nhiên, phía Iraq cũng không thể chấp nhận tình trạng này kéo dài mãi, nhất là các chính trị gia Iraq cũng không muốn tỏ ra là thuần phục theo lệnh của quan thầy Mỹ nên phải đòi hỏi điều này để chứng tỏ rằng họ muốn bảo vệ chủ quyền dân tộc của họ.

Cuối cùng thì phía Hoa Kỳ cũng phải nhượng bộ vì không còn cách nào khác hơn để đạt được thoả hiệp. Từ trước đến nay, chính quyền Bush luôn chống đối việc ấn định thời điểm rõ ràng về chuyện rút quân, với lý do là những cuộc rút quân phải tuỳ vào tình hình an ninh tại chỗ. Toà Bạch Ốc luôn tìm cách nhấn mạnh rằng những dấu mốc thời gian chỉ có tính cách "mong ước" (aspirational). Tuy vậy, bản thoả hiệp cuối cùng đã không có những từ ngữ mơ hồ để phía Mỹ có thể suy diễn theo ý riêng: các đoạn cho phép việc duyệt xét lại thời điểm rút quân cũng như khả năng quân Mỹ có thể ở lại thêm để huấn luyện và hỗ trợ cho quân đội Iraq cũng đã bị loại bỏ ra khỏi bản thoả hiệp. Có lẽ tình hình an ninh tại Iraq cũng đã cải thiện nhiều so với thời gian hơn năm về trước. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị đã thay đổi bất lợi rất nhiều đối với chính quyền Bush, nhất là sau thất bại trong kỳ bầu cử vừa qua, và do đó phía Iraq đã giành được quyền chủ động.

Bản thoả hiệp được nội các ở Iraq chấp thuận vào ngày 16/11 vừa qua quy định tất cả các quân nhân Mỹ phải rời khỏi các thành phố và thị trấn ở Iraq vào cuối tháng 6 năm 2009, tức là chỉ còn được trú đóng trong các trại binh hay căn cứ quân sự của Mỹ. Và đến cuối năm 2011 thì tất cả quân nhân Mỹ phải rút khỏi Iraq. Thủ tướng al-Maliki đã nhấn mạnh rằng những hạn định trên sẽ không được triển hạn. Ông biện minh với các vị dân cử Iraq đang phải quyết định bỏ phiếu để thông qua rằng thoả hiệp này không toàn hảo như ý muốn, nhưng cũng đánh dấu "một bước khởi đầu vững chắc cho Iraq trên đường giành lại chủ quyền dân tộc trong vòng 3 năm sắp tới."

Ông Maliki cũng nói rằng sẽ không có những điều khoản bí mật nào trong thoả thuận giữa đôi bên, cũng như sẽ không có những căn cứ quân sự thường trực của lính Mỹ tại Iraq. Và quân đội Mỹ cũng không được dùng Iraq để làm nơi xuất phát các cuộc tấn công sang các nước khác (ngụ ý nói đến Iran và Syria). Ông cũng hứa hẹn là sẽ "không còn những người bị bắt giam, không còn những trại giam, không còn cảnh đi lùng xét nhà dân (bởi quân lính Mỹ) trừ khi có án lệnh của toà án Iraq, và mọi hành động này được phải có sự phối hợp với chính quyền Iraq."
Về phía Mỹ, nhiều người vẫn lo ngại về điều khoản các quân nhân Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng bị xét xử bởi toà án của Iraq, giống như lời nhận xét của dân biểu Ike Skelton, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng ở Hạ Viện Mỹ. Tuy vậy, điều này cũng hiếm xảy ra, bởi vì toà án ở Iraq chỉ có thẩm quyền giam giữ hay xét xử lên các quân nhân Mỹ trong những trường hợp họ phạm những tội hình gia trọng, và ngay cả trong trường hợp này, toà án Iraq chỉ có thẩm quyền nếu như các quân nhân Mỹ phạm tội ở ngoài các căn cứ quân sự cũng như không trong thời gian thi hành công vụ.

Bản thoả hiệp này như vậy sẽ khiến cho tổng thống tân cử Barack Obama bớt gặp khó khăn trong nhiệm kỳ sắp tới, cho dù có thể sẽ có những tranh luận để đòi hỏi bản thoả hiệp này cần phải được thông qua bởi Thượng Viện Hoa Kỳ, như thông lệ của tất cả những thoả hiệp mà chính phủ Mỹ ký kết với các quốc gia khác. Bản thoả hiệp coi như đồng ý với nguyên tắc ấn định thời điểm rõ ràng về chuyện rút quân, tuy rằng nó sẽ cho ông có thêm thời gian để kéo dài tiến trình rút hết quân thay vì trong vòng 16 tháng như lời hứa hẹn của ông trong lúc tranh cử. Đô đốc Michael Mullen, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, nói rằng hệ thống điều hành của quân đội đã thiết lập một kho quân cụ khổng lồ tại Iraq đến mức mà việc thu dọn để rút ra khỏi nơi này phải đòi hỏi một thời gian từ 2 đến 3 năm, nếu như tình hình an ninh tốt đẹp.

Tuy bản thoả hiệp đã được nội các Iraq chấp thuận, nhưng nó cũng còn phải được chuẩn thuận bởi quốc hội Iraq. Trong lần thảo luận đầu tiên vào ngày 19/11, các vị dân cử đã tranh cãi gay gắt, và do đó liên minh đa số cầm quyền dự định hoãn ngày bỏ phiếu vào thứ Hai 24/11 để dời lại sau ngày lễ Hồi-giáo Eid al-Adha vào đầu tháng 12.

Iraq là quốc gia mà các chính trị gia cũng như người dân có truyền thống chống lại các thoả hiệp với quân đội chiếm đóng (là Hoa Kỳ, dưới mắt của mọi người dân ở Iraq). Do đó, việc thảo luận về bản thoả hiệp này có thể khơi dậy lại những tinh thần cực đoan, và làm sống lại những xung khắc, chia rẽ mà quốc gia này đã có sẵn do bởi nhiều khối dân khác nhau, từ các phe Sunni, đến Shiite và dân Kurds không bao giờ thuận thảo cũng như có những quyền lợi khác biệt. Phe ủng hộ giáo sĩ cực đoan Muqtada al-Sadr thì lên tiếng chống đối, đòi hỏi quân Mỹ phải rút khỏi Iraq ngay lập tức. Đại giáo chủ Ali al-Sistani, vị giáo sĩ thâm niên và có uy tín cao nhất trong nước, thì cho rằng bất cứ thoả hiệp nào cũng phải đặt trên nền tảng giành lại chủ quyền dân tộc tối thượng cho Iraq và cần phải được sự đồng thuận trên toàn quốc. Nhưng ông không lên tiếng chống đối, một dấu hiệu được hiểu như là một sự đồng ý ngầm.

Ngoài ra cũng còn khối những vị dân cử gốc Sunni, không ai biết nhóm này sẽ bỏ phiếu theo chiều hướng nào. Liệu họ có đồng ý bỏ phiếu theo liên minh đa số của ông Maliki hay không, nếu như những đòi hỏi về một số đặc quyền được ông Maliki chấp nhận. Nhiều phần là bản thoả hiệp sẽ được thông qua, nhưng có thể là với một đa số yếu ớt, và như thế sẽ càng làm khơi dậy lại những xung khắc vì phe phái đã tạm lắng im trong thời gian qua. Ngay cả sau khi bản thoả hiệp được thông qua bởi quốc hội, nó cũng phải được trình lên cho vị tổng thống và hai phó tổng thống để duyệt xét. Cả ba nhân vật này cũng lại đều có quyền phủ quyết.

Hiện nay, người ta chưa lo xa đến chuyện đó, mà chỉ chú trọng đến việc tìm sự hậu thuẫn trong quốc hội để có đủ đa số phiếu thông qua. Trong khi đó thì trên đường phố ở thủ đô Baghdad, những toán dân quân Shiite đã lại bắt đầu xuống đường để bày tỏ tinh thần "chống Mỹ cứu nước". Bản tin mới nhất của hãng thông tấn AP do ký giả Hamza Hendawi thường thuật vào ngày 21/11 cho biết là cuộc xuống đường này đã quy tụ khoảng 20,000 dân, tụ tập tại quãng trường Firdous, với những khẩu hiệu và biểu ngữ chống Mỹ. Người biểu tình cũng dựng lên hình nộm của TT Bush để làm vật tế thần, cho mọi người tham dự được dịp trút lên bao sự bực tức, giận dữ, rồi cuối cùng hè nhau để đốt hình nộm cũng như lá cờ của Hoa Kỳ. Điều trớ trêu là công trường Firdous cũng chính là nơi có đặt tượng của nhà lãnh tụ Saddam Hussein, và trong đợt tấn công đầu tiên vào năm 2003, quân lính Mỹ đã kéo sập bức tường này xuống để cho người dân Iraq được dịp đập phá để đánh dấu ngày thoát khỏi ách độc tài.

Chỉ hơn 5 năm sau, vị lãnh tụ có công giải phóng ách độc tài đó cho người dân Iraq đã không được mọi người nhớ ơn thì chớ, mà còn phải chịu chung số phận hẩm hiu, cũng bị người ta lấy giầy dép ra để đập vào hình nộm và đốt nát để trút bỏ mọi sự bực tức hay giận dữ, nguyền rủa. Có lẽ trong trí tưởng tượng của các vị lãnh tụ Hoa Kỳ như các ông Bush, Cheney, Rumsfeld, không bao giờ họ có thể hình dung đến một cơn ác mộng như những diễn biến đã xảy ra tại công trường Firdous ở thủ đô Baghdad ngày nay.


Tuấn Minh

No comments:

Post a Comment