Dạy cho con tiếng nói thật thà
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 30-12-2008
http://danchimviet.com/articles/731/1/-Dy-cho-con-ting-noi-tht-tha/TrangPage1.html
Cách đây 40 năm, ngay từ thời kỳ trước tết Mậu thân 1968, các sinh viên học sinh hội họp với nhau, thì luôn say sưa phấn khích hát bài “Gia Tài cuả Mẹ” cuả nhạc sĩ họ Trịnh. Trong đó có câu thật là tâm đắc: “Dạy cho con tiếng nói thật thà. Dạy cho con chớ quên lời Cha. Ôi lũ con cùng cha. Quên hận thù …”. Thế nhưng sau 1975, khi người cộng sản chiếm được trọn vẹn miền Nam rồi, thì họ không cho hát bài này nữa.
Cũng vào khoảng thời gian đó, tôi được đọc cuốn Hồi ký cuả văn hào André Malraux, nguyên là Bộ trưởng Văn hoá và là người rất thân cận với Tổng thống De Gaulle cuả nước Pháp. Cuốn Hồi ký có cái tựa đề thật ngộ nghĩnh, đó là “Anti-Mémoires” mà có người dịch là “Phản Hồi Ký”. Nhưng tôi nghĩ chữ Anti ở đây có nghiã là “Trước”, như trong chữ Anticipation, chữ “Antichambre” = Phòng đợi ở bên ngoài phòng khách chính. Như vậy, thì phải gọi là “Tiền Hồi ký” mới đúng với ý cuả tác giả. Vì ông chỉ muốn xuất bản một phần cuốn Hồi ký, khi tác giả còn sinh tiền. Và chỉ khi tác giả qua đời, thì mới cho phổ biến toàn bộ cuốn Hồi ký mà thôi.
Đấy là chuyện bên lề, viết ra cho vui vậy thôi. Còn chính yếu, thì tôi chú ý đến cái câu chuyện trao đổi, khi lần đầu tiên ông Malraux gặp tướng De Gaulle lúc nước Pháp vừa được giải phóng khỏi sự chiếm đóng cuả quân đội Đức quốc xã vào muà Hè 1944, nhờ cuộc đổ bộ cuả quân đội đồng minh lên bờ biển Normandie miền Bắc nước Pháp. Ông Tướng từ ngoài nước trở về, thì muốn tìm hiểu về tình hình trong nước, nên mới hỏi Malraux là một trong những lãnh tụ quân kháng chiến ở trong nội địa nước Pháp, mà hồi đó thì được gọi là FFI (Forces Francaises de l’Interieur), tức là Lục lượng võ trang Pháp ở trong Nội địa. De Gaulle rất tâm đắc với cách đánh giá cuả Malraux về tình hình tại nước Pháp hồi đó, với chỉ bằng có một chữ thôi, đó là: “Sự Nói Dối” (nguyên văn tiếng Pháp là Le Mensonge). Tác giả thuật lại: "Tôi chỉ nói có một chữ Le Mensonge thôi, mà Ông Tướng đã gật đầu tâm đắc với sự đánh giá tình hình nội bộ nước Pháp cuả tôi. Và ngay từ đó, chúng tôi trở thành hai người bạn tri kỷ gắn bó với nhau…”. Và rồi như ta đã biết suốt cuộc đời còn lại, Malraux là người cộng tác thân tín nhất với Tướng De Gaulle. Đặc biệt trong những năm 1960-61 trở đi, Bộ Trưởng Văn Hoá André Malraux đã thay mặt Tổng Thống De Gaulle đi gặp gỡ trao đổi với các lãnh tụ thế giới như Kennedy, Nehru, Mao Trạch Đông v.v…
Cũng giống như vậy, văn hào Nga được giải thưởng Nobel về văn chương năm 1958 là Boris Pasternak, tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh “Doctor Zivago”. Trong cuốn sách này, tác giả có ghi như sau: “Muốn chiều lòng người cộng sản, thì cũng dễ thôi. Bạn cứ việc nói là yêu cái điều bạn ghét, và ghét cái điều bạn yêu”.
Còn mô tả về tình hình nước Nga dưới thời Staline thập niên 1930-40, thì Pasternak chỉ cần viết một câu như sau: “Tất cả chỉ là sự giả dối, giả hình mà thôi !“ (tiếng Pháp là Tout n’est que Pharisianisme).
Đó là ở nước ngoài. Còn ở Việt nam ta, thì ngay từ hồi 1946-47, tôi đã được nghe nhiều người thốt ra câu nói này: “Nói dối như Vẹm”, tức là chữ VM hay Việt Minh đọc nhanh ra thành chữ Vẹm. Xưa kia, dân gian thường nói: “Nói dối như Cuội”. Nhưng từ khi có cộng sản Việt Minh, thì bà con lại nói như thế đó.
Và cho đến ngày nay, sau trên 60 năm đảng cộng sản nắm giữ chính quyền, thì tính trạng dối trá lại càng lan rộng, phổ biến trầm trọng hơn gấp bội. Cụ thể là lời phát biểu vừa mới đây cuả Hoà Thượng Thích Quảng Độ với nhân viên ngoại giao nước ngoài: “Chính quyền cộng sản luôn luôn dối trá, lừa gạt dân chúng…”. Nhà văn Võ Thị Hảo tố cáo “Sự giả trá trở thành thường nhật, thành đương nhiên…Những sự giả trá ấy còn tiếp tục làm mục ruỗng nhân cách người Việt nam.” Và bà kêu gọi phải tìm cách giải trừ sự gian dối, giả trá trong sinh hoạt thường ngày cuả xã hội. Mà ngành giáo dục phải đi đầu trong việc “giải trừ bệnh giả dối” này.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì viết là: “Cái bệnh Liệt kháng về Nhân cách“.
Giáo sư Hoàng Tụy thì than phiền sự biến chất, tha hoá, căn bệnh thành tích đã làm hư hỏng bao nhiêu thế hệ con người. Rồi đến Hội Đồng Giám Mục Công giáo trong Thư ngỏ công bố ngày 25/9/2008 cũng lên tiếng cảnh giác: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này…”
Như vậy là cả giới trí thức, văn nghệ sĩ, cũng như giới lãnh đạo tôn giáo, thì đều đã đồng thanh nhất trí nói lên sự quan ngại và cảnh giác về tệ trạng luân lý suy đồi, xã hội đầy dãy sự gian trá lươn lẹo. Đó là một thực tế rất đau lòng đến tủi nhục cho một dân tộc vốn có truyền thống trên 4000 năm văn hiến. Và hơn thế nữa, chuyện tham nhũng bê bối về hối lộ ở cấp cao tại Saigon và nạn thu gom và vận chuyển đồ ăn cắp cuả phi công Air Việt nam đang được báo chí ở bên nước Nhật phanh phui ra liên tục từ mấy tháng nay, đến nỗi chính phủ Nhật phải cúp viện trợ ODA. Công luận ở Nhật gọi đó là thứ “dòi bọ đáng ghê tởm”. Sự việc này quả là một mối nhục quốc thể tệ hại nhất cho đất nước và con người Việt nam, trước con mắt của tòan thế giới trong giai đoạn toàn cầu hóa ngày nay.
No comments:
Post a Comment