Tuesday, December 16, 2008

SỞ HỮU NHÀ NƯỚC GÂY CẢN TRỞ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Sở hữu Nhà nước về đất đai gây cản trở phát triển kinh tế ở Việt Nam
Thanh Phương
Bài đăng ngày 15/12/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 16/12/2008 14:44 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1900.asp
Ngày 8 tháng 12 vừa qua, tám giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà, Hà Nội đã bị kết án tù treo hoặc cải tạo không giam giữ vì tội '' hũy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng'', chỉ vì họ đã tham gia những cuộc tập hợp cầu nguyện đòi lại khu đất của giáo xứ Thái Hà. Nếu đặt qua một bên khía cạnh tôn giáo thì tranh chấp này cũng giống như biết bao những vụ khiếu kiện về đất đai khác ở Việt Nam hiện nay. Những tranh chấp này sẽ còn tiếp diễn và sẽ không bao giờ giải quyết được do mâu thuẩn ngày càng lộ rõ giữa khái niệm ''sở hữu toàn dân '' với sự phát triển kinh tế theo hướng thị trường ở Việt Nam.

Điều 5 Luật Đất đai năm 1993 tiếp tục khẳng định "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu". Như vậy có nghĩa là pháp luật đã quy định không một ai có quyền sở hữu cá nhân về đất đai. Nhà nước chỉ công nhận và bảo vệ quyền sử dụng đất của người sử dụng hợp pháp. Đất đai không là hàng hóa nhưng quyền sử dụng lại là hàng hóa đặc biệt.

Chính từ cái sự rối rắm này mà vấn đề đất đai ngày càng trở nên nóng bỏng ở Việt Nam và là nguyên nhân của phần lớn các vụ khiếu kiện và các vụ tham nhũng ở Việt Nam. Trước tình hình bế tắc trong vụ giải quyết tranh chấp đất đai giữa Giáo hội với Nhà nước, đặc biệt là qua vụ Tòa khâm sứ củ và giáo xứ Thái Hà, ngay chính Hội đồng giám mục Việt Nam ngày 27 tháng 9 vừa qua đã công bố quan điểm về vấn đề này.

Văn bản của Hội đồng giám mục ghi rõ :
« Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại hơn. Thiết nghĩ không thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những yếu tố này.»

Theo Hội đồng giám mục Việt Nam, khi sửa đổi luật đất đai, " thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước. »

Quyền tư hữu đất đai lại càng cần phải được công nhận trong bối cảnh mà ở Việt Nam hiện nay, quyền sở hữu toàn dân về đất đai thật ra chỉ là hư quyền. Đó là điều mà một số đại biểu Quốc hội đã nêu lên ngay từ năm 2003, khi thảo luận về Luật đất đai sửa đổi. Vào lúc đó, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đã cho rằng « sở hữu toàn dân lẽ ra là thực quyền nhưng lại bị biến thành hư quyền bởi nhân dân không được tham khảo ý kiến trong mọi chuyện liên quan tới quản lý đất đai. Theo ông Nguyễn Lân Dũng, ‘’chỉ những người có quyền, có chức quyết định mọi chuyện. Toàn dân không được hỏi ý kiến khi chính quyền thực hiện công việc rất quan trọng đó. "

Chia sẻ quan điểm với giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khái niệm về quyền đại diện, Nhà nước là đại diện cho sở hữu toàn dân, cho thấy thực chất nó là một đặc quyền. Theo ông, "tình trạng khiếu kiện của dân, sự xuất hiện địa chủ mới là bằng chứng. Nếu không có chế tài đủ mạnh, sự giám sát đủ hiệu lực thì Luật Đất đai sẽ được khai thác như một lợi khí cho một nhóm người có đặc quyền".

Cũng vào thời điểm đó, luật gia Cao Bá Khoát đã nêu một ý kiến không khác gì hai vị đại biểu nói trên : ‘’Điều 17, Hiến pháp năm 1992 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng Hiến pháp 1992 chưa giải thích sở hữu toàn dân là thế nào? Cho đến nay chưa có văn bản nào giải thích khái niệm sở hữu toàn dân. Luật Đất đai 1993 tự ràng buộc sở hữu toàn dân đồng nghĩa với sở hữu nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội rất muốn xác lập quyền sở hữu đất ở cho cá nhân nhưng ngại đụng đến Hiến pháp. Nhiều người cho rằng quyền sở hữu toàn dân là quyền ảo, hư quyền, người đại diện quyền sở hữu toàn dân là đặc quyền còn người sử dụng chỉ là thực quyền. Có đặc quyền ắt có đặc lợi, có phải điều đó đã dẫn đến việc không lý giải sở hữu toàn dân về đất đai hay không? »

Đó là vào thời điểm năm 2003, nay chúng ta sắp bước qua năm 2008, tình trạng sỡ hữu đất đai lại còn rối mù thêm. Trả lời phỏng vấn Vietnam Net ngày 15/9, giáo sư tiến sĩ Tô Duy Hợp, nguyên Trưởng Phòng Xã hội học nông thôn, Viện xã hội học, đã ghi nhận rằng :
« Bao nhiêu năm nay, ruộng đất của chúng ta vẫn ở trong tình trạng “công hữu tư dụng”. Nhà nước sở hữu nhưng người dân được sử dụng và có thể trao đổi qua lại thông qua chuyển nhượng. Tìm giải pháp đột phá phải từ đất đai. Nhà nước chỉ cần quản lý ruộng đất bằng luật pháp, còn hãy để nó vận hành theo thị trường, theo đúng quy luật. Còn nếu Nhà nước sở hữu, thì phải quản lý chặt chẽ. Đằng này, quản lý nhưng vẫn có nhiều kẽ hở. Nên trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, bởi đây là động lực để phát triển xã hội và giải phóng sức sản xuất. »

Trong một bài viết tựa đề "Sở hữu đất đai và phát triển kinh tế", đăng trên trang Web của tờ Tia Sáng ngày 3 tháng 12 vừa qua, luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn đã nhấn mạnh rằng khi nền kinh tế đã chuyển đổi theo hướng thị trường, định chế quyền sử dụng đất đã và đang gây ra một số trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế và đe doạ sự ổn định xã hội .
Luật sư Định viết rằng : « Bao nhiêu năm nay, ruộng đất của chúng ta vẫn ở trong tình trạng “công hữu tư dụng”. Nhà nước sở hữu nhưng người dân được sử dụng và có thể trao đổi qua lại thông qua chuyển nhượng. Tìm giải pháp đột phá phải từ đất đai. Nhà nước chỉ cần quản lý ruộng đất bằng luật pháp, còn hãy để nó vận hành theo thị trường, theo đúng quy luật. Còn nếu Nhà nước sở hữu, thì phải quản lý chặt chẽ. Đằng này, quản lý nhưng vẫn có nhiều kẽ hở. Nên trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, bởi đây là động lực để phát triển xã hội và giải phóng sức sản xuất."

Theo luật sư Lê Công Định : « Việc quy hoạch sử dụng đất tuy trên lý thuyết thuộc về Nhà nước, nhưng trên thực tế các quan chức địa chính địa phương toàn quyền quyết định, nên tình trạng lạm dụng quyền hành biến đất công thành đất tư, bồi thường di dời không thỏa đáng để trục lợi, nhận hối lộ để phê duyệt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong những dự án kinh doanh bất động sản đã và sẽ tiếp tục xảy ra trầm trọng, tạo nên bất mãn xã hội ngày càng sâu rộng. Điều này là nguyên nhân chính của nạn khiếu kiện đông người tại những thành phố lớn. »

Do vậy, luật sư Định cho rằng đã đến lúc phải nghiên cứu đến việc chấp nhận tư hữu hóa một phần các loại đất được sử dụng vào mục đích kinh doanh để phát triển kinh tế, hơn là tiếp tục duy trì tuyệt đối khái niệm sở hữu toàn dân như hiện nay.

Trả lời phỏng vấn RFI ngày 15/12, luật sư Lê Công Định cho biết lý do vì sao anh quan tâm đến vấn đề này:
" Vấn đề tư hữu thật ra tôi đã nghĩ đến khi còn ở trường luật, bởi vì lúc đó khi nghe nói đến khái niệm về quyền sử dụng đất, mà trong đó người có quyền sử dụng đất đó lại có quyền giống như là quyền sở hữu. Tôi thấy điều đó rất vô lý bởi lẻ quyền sở hữu là một khái niệm pháp lý hoàn toàn. Nó không chỉ có ở thời đại này mà nó đã có từ thời La Mã, cho nên không có lý do gì mà ở thời đại này, tại một quốc gia, người ta lại đổi quyền sở hữu thành quyền sử dụng chỉ vì một lý do thuần tuý chính trị, đó là đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Quyền sở hữu toàn dân cũng là một khái niệm rất là cưỡng ép và làm cho tôi ngay từ lúc ấy đã nghĩ rằng không thể có một khái niệm phi lý như vậy, cho nên tôi đã đi sâu vào nghiên cứu.
Nhưng cách đây 20 năm, người ta chưa đặt vấn đề nhiều về quyền sỡ hữu tư nhân đất đai. Lý do là vào thời đó những mâu thuẩn xã hội chưa nhiều như bây giờ. Nhưng bây giờ, nền kinh tế đã phát triển đến mức mà đất đai trở thành một nguồn tài nguyên rất quan trọng. Không có nó thì không thể phát triển kinh tế được. Mâu thuẩn xã hội bộc lộ từ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai, cũng như từ hệ quả của nó là quyền sử dụng đất, lại được đặt ra một cách nghiêm trọng.
Từ 5 năm trở lại đây, chúng ta thấy việc người dân đi khiếu kiện và người ta bức xúc đến mức mà người ta không còn tin tưởng vào hệ thống toà án nữa, bởi vì có mang đơn kiện đến toà thì toà cũng không giải quyết được. Tòa luôn luôn giải quyết theo hướng có lợi cho các cơ quan chính quyền điạ phương, hoặc có lợi cho các cán bộ điạ phương, những người thường gây các xáo trộn xã hội do những quyết định về đất đai gây mất lòng dân.
Rõ ràng là nguồn cội của mọi khiếu kiện đưa đến bất ổn xã hội này chính là xuất phát từ quan niệm sở hữu toàn dân về đất đai. Chính vì vậy mà tôi đã quy trở lại nghiên cứu về quyền tư hữu đất. "

Theo luật sư Định, sở hữu toàn dân về đất đai gây ra nhiều phí tôn vô ích cho xã hội:
"Do người dân chỉ có quyền sử dụng đất, cho nên những thủ tục hành chính đi kèm với việc chuyển giao quyền sử dụng đất trở nên rất nhiêu khê, gây ra nhiều phí tổn không cần thiết. Nếu ta có quyền sở hữu tư nhân về đất đai thì khi chuyền nhượng cho ai, ta chỉ cần ký hợp đồng chuyển thẳng cho người đó. Nhưng ở Việt Nam, quyền chuyển nhượng sở hữu đó không được công nhận. Anh sử dụng miếng đất này là do Nhà nước giao cho anh sử dụng miếng đất đó vào một mục đích cụ thể, như canh tác nông nghiệp hoặc xây nhà ở. Khi anh muốn bán miếng đất đó đi, thì đối với Nhà nước, anh không có nhu cầu sử dụng nữa thì trước hết anh trả lại miếng đất đó cho Nhà nước, rồi Nhà nước mới chuyển quyền sử dụng đất đó cho người mua.
Như vậy là thay vì đi thẳng một bước, anh phải đi mất hai bước, mà ở Việt Nam mất hai bước đó có nghĩa là anh phải mất bao nhiêu là tiền của, thời gian, công sức. Về phía xã hội thì phải nuôi cả một bộ máy hành chính để phục vụ hai, ba bước lòng vòng đó. Đó mà mới nói về những trường hợp đơn giản, còn đối với các dự án công nghiệp thì nhiêu khê hơn nữa, vì còn phải làm thêm một bước là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nếu đất này trước đây được sử dụng vào mục đích canh tác nông nghiệp.
Như vậy chỉ có một khái niệm mang tính ý thức hệ mà nó đẻ ra biết bao thứ nhiêu khê hành chính, gây nhiều tốn kém cho xã hội. Phải giảm những phí tổn xã hội thì nền kinh tế mới có đủ nội lực phát triển. Việt Nam đã nghèo nàn lạc hậu mà lại còn phải tốn rất nhiều chi phí để phát triển, như vậy càng ngày càng bị hụt hơi, đã ốm còn bị mất sức để ốm hơn nữa."

Cuối cùng, luật sư Lê Công Định đề nghị từ bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai mà nay rõ ràng là đã lỗi thời và như vậy phải sửa đổi Hiến pháp Việt Nam :
'' Vấn đề ở đây là ta có dám vứt bỏ một quan niệm lỗi thời, không còn thích hợp cho việc phát triển kinh tế hay không. Chúng ta không nên tiếp tục bám víu vào một cái học thuyết nào đó nữa, mà trước mắt phải giải quyết những nhu cầu về về phát triển kinh tế, về dân sinh. Nếu không tập trung làm những việc đó thì xã hội sẽ ngày càng bất ổn. Nếu chấp nhập từ bỏ quan niệm lỗi thời về sỡ hữu đất đai thì không chỉ phải sửa Luật đất đai, mà còn phải sửa luôn cả Hiến pháp nữa. Hiến pháp hiện nay đã được ban hành từ mười mấy năm nay, khi nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn phôi thai. Nay kinh tế đã phát triển thêm hai ba bước nữa rồi. Đã đến lúc phải sửa đổi Hiến pháp thì nhân cơ hội đó sửa luôn cả quan niệm về sở hữu đất đai này."


No comments:

Post a Comment