Saturday, December 6, 2008

CHÍNH SÁCH OBAMA

Chính Sách Obama: Chuyên Nghiệp Thay Vì Ý Thức Hệ
Minh Thu
(LÊN MẠNG Thứ sáu 5, Tháng Mười Hai 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article5032
(VNN) Thông thường, làng báo Hoa Kỳ hay nói tới thời kỳ trăng mật 100 ngày đầu tiên của một tân chính phủ sau khi lên nắm quyền vào ngày 20 tháng Giêng. Đó là thời gian mà mọi người, từ người dân cho đến các vị dân biểu và nghị sĩ thuộc đảng đối lập, cũng như giới truyền thông, thường giành cho tân chính quyền một mối thiện cảm tối thiểu. Có nhiều lý do để giải thích chuyện này. Trước nhất, vị tân tổng thống (và nội các do ông lựa chọn) có quyền được hãnh diện với chiến thắng bầu cử trước đó và vì vậy có quyền được hưởng chút thời gian để vui mừng với vinh quang này, cho dù có là một chiến thắng khít khao như trong hai kỳ bầu cử năm 2000 và 2004. Những ai lên tiếng chê bai hay tìm những sơ hở để chỉ trích trong thời gian này, nhất là từ phía đảng đối lập, dễ bị mang tiếng là những thành phần thuộc loại "thua cay cú" (sore losers), mà truyền thống Hoa Kỳ thường không chấp nhận.

Kế đến, trong khoảng ngắn ngủi 100 ngày đầu này, tân tổng thống và nội các cũng chưa đủ thời gian để thực sự bắt tay vào công việc điều hành một bộ máy công quyền to lớn, nhất là trong những trường hợp mà phe đối lập giành được chiến thắng từ phe đương quyền. Hàng ngàn nhân viên công chức cao cấp trở lên thuộc đảng đương quyền sẽ phải khăn gói ra đi, và hàng ngàn người ủng hộ hay đóng góp cho phe thắng cử sẽ hăm hở tiến về thủ đô Hoa Thịnh Đốn để nắm giữ những chức vụ then chốt trong cái chính phủ to lớn này. Vì luật lệ ở Hoa Kỳ đòi hỏi nhiều viên chức cao cấp như tổng giám đốc, thứ trưởng và tổng trưởng bổ nhiệm bởi vị tổng thống tân-cử phải qua sự duyệt xét và chuẩn thuận bởi Thượng Viện, một tiến trình có thể căng thẳng và kéo dài vì nhiều yếu tố bất ngờ, nên nhiều khi tân chính quyền chưa có đầy đủ các nhân vật quan trọng như ý muốn trong thời gian ba tháng đầu.

Nói chung, những người ủng hộ tân chính quyền thì vui mừng và chờ đợi những chính sách mới mà họ mong đợi khi đã cố công để vận động cho ứng viên của họ được đắc cử. Còn phía thất cử thì cũng tôn trọng luật chơi, chờ đợi tân chính phủ đưa ra những dự luật hay chính sách để nghiên cứu hay tranh luận trước khi có ý kiến chống đối hay chỉ trích. Ở mức tối thiểu, họ cũng thường giành cho tân chính quyền một cái ân huệ, thường gọi là "benefit of the doubt", tức là khi chưa biết rõ về người ta, thì hãy nên nghĩ tốt về họ trước đã.

Ấy vậy, mà mới đây đã có một ông nhà báo, ông Mike Madden, lại viết một bài trên diễn đàn Salon.com, đề ngày 24/11/08, với tựa đề là "Barack Obama, honeymoon killer?" (Barack Obama, kẻ giết chết mùa trăng mật?). Salon.com là một diễn đàn truyền thông có nhiều tay viết thuộc khuynh hướng cấp tiến, và do đó không thể nói đây là những tiếng nói chỉ trích của những thành phần bảo thủ luôn đối nghịch với tân chính phủ Barack Obama. Điều buồn cười ở cái tựa của bài viết này là ông Obama chưa chính thức lên cầm quyền, ông mới chỉ là vị tổng thống tân-cử, còn phải chờ non hai tháng nữa mới dọn hành lý bước vào Toà Bạch Ốc. Nếu diễn dịch một cách bình dân câu nói của tác giả Mike Madden, thì có thể coi như là chú rể Obama đã giở quẻ để ’ăn vụng’, phản bội lại những lời thề non hẹn biển với cô dâu (là cử tri đã tin tưởng vào lời hứa "đổi thay" của ông để bỏ phiếu) trước ngày làm lễ cưới.

Tuy ông Obama thắng lớn trước đối thủ McCain trên toàn quốc nhờ ở sự ủng hộ mạnh mẽ của hầu hết các tầng lớp quần chúng, từ da trắng tới da mầu và thiểu số, từ giới trẻ đến phụ nữ và đàn ông, giới khoa bảng cũng như lao động, nhưng gần như mọi người cũng hiểu rằng thành phần cử tri nòng cốt đã ủng hộ ông từ lúc ban đầu để ông làm bàn đạp quan trọng, và từ đó kiên trì để tranh đấu và giành được chiến thắng sau cùng, chính là những giới trẻ, gốc da đen và có khuynh hướng thiên tả, trong đó có một phần lớn theo cực tả, phản chiến. Chính thành phần này đã chống lại mạnh mẽ những chính sách của TT Bush, biểu tượng qua cuộc chiến Iraq, và do đó cũng chống luôn những chính trị gia phe Dân Chủ trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến như các nghị sĩ Hillary Clinton, John Kerry hoặc Joe Biden. Trong số các nhân vật nổi tiếng bên Dân Chủ, chỉ có ông Obama là một trong số rất ít người đã mạnh dạn lên tiếng chống lại quyết định tấn công Iraq kể từ những ngày đầu vào năm 2002.

Và đó cũng là chiêu bài mà ông đã khai thác thành công để đánh bóng về chủ trương thay đổi của mình, không những chống lại 8 năm cầm quyền tệ hại và bết bát của TT Bush, mà cũng không muốn trở về cái thời kỳ 8 năm của TT Bill Clinton, tuy có thành quả kinh tế khá hơn so với ông Bush, nhưng cũng bị chia rẽ trầm trọng vì tinh thần phe phái giữa hai bên. Ông Obama muốn khoe về mình như là một người hoàn toàn của thế hệ mới, sẽ có hy vọng làm thay đổi không khí sinh hoạt chính trường ở thủ đô, không thiên về bảo thủ hay cấp tiến, không phải chỉ có đại diện cho những tiểu bang mầu đỏ hoặc mầu xanh, mà sẽ tìm cách để kết hợp mọi người hầu phục vụ cho quyền lợi của một khối dân và một quốc gia duy nhất là Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do mà về sau này, nhiều người ủng hộ ông Obama đã biện minh để nói rằng vì sao không nên ủng hộ bà Hillary Clinton (coi như trở về với triều đại Clinton của 8 năm trước đó) mà nền đổ dồn mọi ủng hộ cho một nhân vật mới, với những hứa hẹn mới, cho một đổi thay mới cho vận hội quốc gia.

Ấy thế mà chỉ vài ngày sau mới đắc cử, ông Obama đã lựa chọn một chính trị gia sành sõi của các màn đấu đá phe phái tại thủ đô để làm người phụ tá quan trọng số một, điều hành Toà Bạch Ốc trong cương vị tổng trưởng phủ tổng thống. Kế đến, ông lại quyết định "tha tào" cho nghị sĩ Joe Lieberman, một người theo phe Dân Chủ nhưng đã có những hành động "phản đảng" đáng chê trách như việc đọc bài diễn văn chê bai ông Obama trong kỳ Đại hội đảng Cộng Hoà toàn quốc. Sau đó, ông lại còn đi gặp đối thủ cũ của phe Cộng Hoà là nghị sĩ John McCain để bàn chuyện hợp tác lưỡng đảng. Đã thế, ông lại còn dự tính mời bà Hillary Clinton — đối thủ đáng ngại nhất đã từng chê bai là ông Obama chưa sẵn sàng để nắm quyền lãnh đạo quốc gia — vào làm Tổng trưởng Ngoại giao. Chưa hết, dường như ông còn tính lưu giữ lại ông Robert Gates, Tổng trưởng Quốc phòng đương nhiệm của chính quyền Bush, trong nội các mới của ông.
Đó là những hành động mới nhất sau ngày được đắc cử của một chính trị gia non trẻ mà phe Cộng Hoà thường gọi là một kẻ theo xã hội chủ nghĩa, thậm chí có nhiều người còn thích chụp mũ là người theo chủ nghĩa Mác-xít? Và tờ báo National Journal thì chỉ trích là một trong những nghị sĩ có lập trường khuynh tả nhất trong Thượng Viện? Trong đêm đếm phiếu 4 tháng 11 vừa qua, những phụ tá trong bộ tham mưu của ông John McCain còn khoe rằng các cuộc thăm dò dân ý của họ thực hiện trong nội bộ đều cho thấy là có đến 60% cử tri trên toàn quốc đều tin rằng ông Obama là một người theo khuynh hướng "tự do, phóng túng" (liberal). Ấy thế mà số đông cử tri đó vẫn lại cứ vẫn bỏ phiếu ủng hộ cho cái anh chàng da đen này. Sau hơn hai tuần lễ sau ngày đắc cử, xuyên qua những việc bổ nhiệm gần đây về các chức vụ quan trọng trong chính quyền tương lai, có lẽ cái tỉ lệ dân chúng Mỹ tin rằng ông Obama là một chính trị gia theo chủ trương phóng túng đã tụt xuống rất nhanh. Thật vậy, những tên tuổi vừa mới được bổ nhiệm hoặc gợi ý là sẽ được bổ nhiệm đã khiến cho nhiều người phải nhanh chóng liên tưởng đến một bộ máy chính quyền dường như khá quen thuộc, đã sành sõi trong thời gian cầm quyền của TT Clinton.

Ở đây cũng xin mở một dấu ngoặc để nói về các thuật ngữ trong làng báo Hoa Kỳ để phân biệt giữa hai khuynh hướng đối chọi trên chính trường. Một bên là bảo thủ (conservative), thường gọi là khuynh hữu. Đối chọi là phe khuynh tả, thường gọi là tự do, phóng túng (liberal) theo luận điệu khinh rẻ của giới bảo thủ, hoặc là cấp tiến (progressive) theo cách gọi của giới này, để nói rằng chủ trương của họ có tinh thần tiến bộ, thay vì thụt lùi, cổ hủ của giới bảo thủ. Đó là cách nói ưa thích của mỗi bên, nhằm đẩy mạnh những nét mà họ muốn nói. Tương tự như trong vụ tranh luận về vấn đề phá thai, những người chấp nhận quyền được phá thai tuỳ theo sự lựa chọn của phụ nữ thì thích được gọi là phe ủng hộ quyền lựa chọn (pro-choice). Ngược lại, những người chống phá thai thì thích chụp mũ phe đối phương là ủng hộ phá thai (pro-abortion), và tự gọi mình là phe ủng hộ quyền sống của thai nhi (pro-life), nghe có vẻ cao thượng hơn là phe chống phá thai (anti-abortion). Việc sử dụng từ ngữ này cũng chỉ là một hình thức tuyên truyền mà mỗi bên đều áp dụng, chứ chẳng phải là vì một vài người làm báo tiếng Việt sính tiếng Tây rồi theo đó mà dịch liberal hay progressive là "cấp tiến" như lời buộc tội chê bai của một anh nhà báo nổi tiếng trịch thượng và thích được xưng là kinh tế gia.

Trở về với tân nội các sắp tới của ông Obama, nhiều người ủng hộ ông có thể mong mỏi hay chờ đợi ông sẽ bổ nhiệm những khuôn mặt mới, tươi trẻ, với những chủ trương cấp tiến táo bạo hay khuynh tả để làm đảo ngược lại những hệ quả trầm trọng trong 8 năm qua dưới chính sách cực hữu. Ngay cả những chính trị gia phe bảo thủ cũng nghĩ rằng ông Obama sẽ đi vào con đường này, và cho rằng có thể chính sách của ông Obama cũng sẽ đi vào con đường tương tự như chính sách gia tăng các khoản chi tiêu công cộng mạnh bạo dưới thời TT Franklin Roosevelt, thường gọi là New Deal. Sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử cũng khiến cho nhiều người dễ tin vào một tình huống như vậy. Ông Roosevelt đắc cử sau khi Hoa Kỳ trải qua một cơn khủng hoảng kinh tế to lớn nhất trong lịch sử dưới thời của chính quyền TT Herbert Hoover của phe Cộng Hoà, với thành tích tệ hại và bết bát không thua gì trường hợp của chính quyền Bush hiện nay. Chính sách New Deal đề ra những chủ trương bảo vệ dân sinh cho người dân với các chương trình trợ cấp hưu bổng (Social Security) và y tế cho người già (Medicare), cùng với nhiều các kế hoạch công chi để tạo công ăn việc làm cho người dân, đem lại một hy vọng cho dân chúng hầu thoát khỏi cơn khó khăn. Nhưng nó cũng bị chỉ trích là một chính sách tăng chi, và do đó sẽ phải tăng thuế (để có thể trang trải) mà phe Cộng Hoà thường thích đem ra để tấn công phe Dân Chủ là chỉ thích "tax and spend".

Thế nhưng, lần này ông Obama đã không làm như nhiều người lầm tưởng. Hầu hết những nhân vật then chốt mà ông đã chọn lựa đều là những khuôn mặt kỳ cựu, được biết đến vì thành tích và kinh nghiệm điều hành trong chính quyền từ thời TT Clinton nhiều hơn là vì tinh thần ý thức hệ. Những chuyên gia biết rành về sinh hoạt chính trường ở Hoa Thịnh Đốn đã được trọng vọng hơn là những người trung thành với lý tưởng và ý thức hệ của đảng phái. Đây là điều ít khi thấy xảy ra, vì thông thường mỗi khi một chính trị gia mới nổi và không xuất thân từ các hành lang quyền lực ở thủ đô, nhưng bất ngờ giành được quyền hành sau một cuộc bầu cử, họ thường lôi kéo theo những phụ tá trung thành với họ, để cùng về thủ đô nắm quyền cho dù những phụ tá này là những khuôn mặt mới không rành rẽ và còn non nớt kinh nghiệm trên chính trường. Đó là những trường hợp đã xảy ra cho các tổng thống Jimmy Carter vào năm 1976 (khi đem các phụ tá thân cận từ Georgia về), hoặc Bill Clinton vào năm 1992 (kéo theo những phụ tá và bạn bè về từ Arkansas) hay như George W. Bush vào năm 2000 (đã đem theo hầu hết các phụ tá trung thành từ tiểu bang Texas).

Dĩ nhiên, ông Obama cũng đặt nặng vấn đề chung thuỷ trong việc lựa chọn các phụ tá thân cận để giao phó những chức vụ then chốt. Nhưng hơn thế nữa, ông Obama cũng đặt nặng yếu tố khả năng chuyên môn của những người được lựa chọn. Chẳng hạn như ông Rahm Emanuel, tổng trưởng phủ tổng thống, dân biểu liên bang tại Illinois, nổi tiếng với kinh nghiệm và thành tích đấu tranh trong nghị trường, chưa kể đến quá trình hoạt động trước đó trong chính quyền Clinton. Điều này cho thấy là Bạch Cung dưới quyền của ông Emanuel có đầy đủ kinh nghiệm để điều hành trong nội bộ cũng như liên lạc hoặc đối phó với Quốc Hội khi cần thiết để thông qua các dự luật hay chính sách.

Kế đến là ông Tom Daschle, dự trù sẽ làm Tổng trưởng Y Tế, một chức vụ thường không sáng giá trong nội các, nhưng nhiều phần là sẽ có tầm ảnh hưởng cao trong chính quyền Obama trong việc cải tổ chính sách bảo hiểm y tế mà phe Dân Chủ mong muốn thực hiện. Ông Daschle từng là thủ lãnh của các nghị sĩ phe Dân Chủ tại Thượng Viện, đã từng khuyến khích ông Obama ra tranh cử trong những ngày đầu, và được coi như là nhân vật biết rõ nhất về đường lối sinh hoạt tại Quốc Hội để dễ dàng khắc phục những khó khăn cho việc thông qua một dự luật cải tổ quan trọng như chính sách mở rộng bảo hiểm y tế sắp tới.
Trong lãnh vực kinh tế tài chánh, một hồ sơ quan trọng và khẩn cấp nhất hiện nay, ông Obama sẽ bổ nhiệm ông Tim Geither, thống đốc Ngân hàng Trung ương chi nhánh New York vào chức vụ Tổng trưởng Tài chánh và ông Lawrence Summers, cựu tổng trưởng tài chánh thời TT Clinton vào làm cố vấn cao cấp về kinh tế tại Toà Bạch Ốc. Cả hai nhân vật này đều được coi là những chuyên gia có khả năng trên thị trường tài chánh. Ngoài ra, ở những bộ khác cũng toàn là những khuôn mặt cũ từng tham chính trong nội các Clinton như tân Tổng trưởng Tư pháp Eric Holder (cựu thứ trưởng tư pháp), tân Tổng trưởng Ngân sách Peter Orszag (hiện nay là giám đốc ngân sách của Quốc Hội). Nhân vật nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là bà Hillary Clinton, dự trù sẽ được bổ nhiệm để làm Tổng trưởng Ngoại giao. Bà Clinton dĩ nhiên không thể coi như là một người bạn thân, hay trong nhóm những phụ tá trung thành với ông Obama, nhưng với tiếng tăm đã nổi bật trên trường quốc tế, bà sẽ nhanh chóng trở thành một lãnh tụ cầm đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ để hợp tác hay đối phó với các lãnh tụ khác trên thế giới, bạn cũng như thù, mà mọi người phải kiêng dè hay nể trọng.

Sự kiện ông Obama quyết lựa chọn bà Clinton, cho dù hai người có nhiều đối chọi và tương phản nhất trên các chính sách đối ngoại, chưa kể đến một cuộc tranh chấp nội bộ gay cấn nhất trong lịch sử bầu sơ bộ của đảng Dân Chủ, cho thấy là ông Obama bắt đầu nhận thức ra những khả năng và giá trị của từng người và sẵn sàng mời họ hợp tác để cùng chung sức với mình thay vì tránh né vì không ưa thích hay vì tính cao ngạo của kẻ chiến thắng. Sự lựa chọn này cũng chứng tỏ sự khôn ngoan đặc biệt trong cách phán đoán của ông Obama, chịu nhún nhường (không ai buộc ông phải có bà Clinton trong nội các mới đạt được thành công) và chấp nhận những va chạm có thể xảy ra trong tương lai (khi hai người có thể có những suy nghĩ khác nhau trong đường hướng) để cùng hợp tác cho quyền lợi chung cho cả đôi bên. Có thêm bà Clinton và ông Joe Biden, ông Obama coi như có thêm hai tiếng nói quan trọng để bảo vệ cho đường lối ngoại giao của chính quyền Obama trong tương lai.

Việc lựa chọn những nhân vật quan trọng khá sớm sủa như hiện nay còn cho thấy là ông Obama đã biết học được bài học thất bại của những người đi trước, như trường hợp của TT Clinton vào năm 1992, để tránh rơi vào vết xe cũ và từ đó sẽ dễ dàng và nhanh chóng làm việc một cách hữu hiệu ngay từ những ngày đầu để giải quyết nhiều vấn đề khó khăn sắp đến. Trong kỳ bầu cử năm 1992, sau khi thắng cử, ông Clinton chỉ lo chú trọng đến việc bổ nhiệm một nội các đa dạng, gồm nhiều người gốc thiểu số và phụ nữ để tạo một hình ảnh tiêu biểu đại diện cho cả xã hội nước Mỹ, và rồi sau đó mới lo tìm những phụ tá quan trọng để trám vào những công việc điều hành quan trọng ở Toà Bạch Ốc. Điều này đã khiến cho ông Clinton dễ gặp phải một số vấp ngã bất ngờ vào giờ chót, chẳng hạn như khi một vài nhân vật được bổ nhiệm bỗng gặp vấn đề khó khăn khi đưa ra Thượng Viện để được chuẩn thuận. Thí dụ nổi bật nhất là khi ông Clinton muốn lựa chọn bà Zoe Baird làm nữ Tổng trưởng Tư pháp đầu tiên mà không có thời giờ để biết rõ rằng chồng bà này có mướn những người nội trợ trong nhà là di dân bất hợp pháp. Điều này tạo nên một số xì-căng-đan không mấy thuận lợi trong cả tuần lễ, làm mất uy tín hay thiện cảm một phần nào, và phải mất đến vài lần nữa thì ông mới tìm được bà Janet Reno làm tổng trưởng.

Kỳ này, ông Obama đã bắt đầu từ trong đi ra, tạo nên một bộ tham mưu có sẵn với tất cả những chức vụ then chốt, từ đó sẽ giúp cho ông bổ sung thêm tất cả các nhân sự quan trọng còn lại, tránh được mọi sự khó khăn có thể xảy ra, cũng như dễ dàng sửa soạn cho việc đẩy mạnh một nghị trình làm việc mới.

Trước ngày bầu cử xảy ra, nhiều người thường hay chê ông Obama là chỉ có tài nói giỏi mà không có bằng chứng nào để chứng minh cho thành tích của mình. Có anh bình luận gia gốc Việt ở Orange County thì lại hay chỉ trích một cách khá trịch thượng là anh Obama này chỉ giỏi tài lẻo mép, theo kiểu Ô-ba-hoa. Hãy khoan khen ngợi về việc làm của vị tổng thống tân cử này, vì còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới có dịp nhìn thấy ông ta làm việc ra sao. Hơn nữa, cái gia tài nước Mỹ mà ông nhận được từ tay TT Bush vào ngày 20 tháng Giêng sắp tới cũng tả tơi rách nát, với biết bao khó khăn chồng chất về mặt kinh tế trong nước, trong khi uy tín trên trường quốc tế của Hoa Kỳ bị giảm sút nhiều nhất trong lịch sử, và kẻ thù tứ phương tám hướng thì lại tìm cách hung hăng trở lại. Khách quan mà nói, khó có một lãnh tụ nào, dù tài ba đến mấy, cũng có thể nhanh chóng đem lại kết quả khả quan để nhiều người có thể ngợi khen.

Tuy nhiên, nhìn vào cung cách điều hành chừng mực và kỹ lưỡng trong việc lựa chọn những nhân vật then chốt cho nội các tương lai, cũng như xuyên qua cách thức điều hành một bộ máy vận động tranh cử hữu hiệu trong suốt thời gian vận động sơ bộ cũng như đối đầu với liên danh McCain, chỉ có những ai cố chấp hay thiếu hiểu biết nhận xét để không thấy rằng quả tình ông Obama là một chính trị gia trẻ nhưng có khả năng phán đoán vững vàng, cộng thêm một niềm tin chừng mực, lựa chọn những quyết định dựa trên sự kiện chín chắn thay vì ý thức hệ. Ít ra, đó cũng là những đức tính tốt, đáng khen mà không phải ai cũng có được, và nếu có được trọng trách để lãnh đạo một quốc gia, dù đó là đệ nhất siêu cường thế giới, thì cũng không có gì đáng phải lo ngại.

Minh Thu


No comments:

Post a Comment