Monday, December 8, 2008

CHỦ QUYỀN VIỆT NAM Ở VÙNG NAM CÔN SƠN, TƯ CHÍNH, VŨNG MÂY

Chủ quyền VN ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây
08/12/2008 10:19 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5522/index.aspx
Bất chấp chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, được luật quốc tế và các bên liên quan công nhận, Trung Quốc vẫn có yêu sách đối với vùng này. Nhưng, chiếu theo luật quốc tế, những yêu sách này cũng hoàn toàn không có cơ sở.

Bài liên quan:
Vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa: cần một nỗ lực tổng hợp
Việt Nam tái khẳng định chủ quyền tại Trường Sa, Hoàng Sa
Không thể chấp nhận thăm dò dầu khí trên vùng biển VN

Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở vùng Tư Chính – Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long với lý do vùng này thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. Các vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn.

Bản đồ 1: Bản đồ vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn (Nam Con Son Basin). Vùng Thanh Long nằm trong lô 05-1B. Vùng Mộc Tinh nằm trong lô 05-3. Vùng Hải Thạch nằm trong lô 05-2. Vùng Lan Tây, Lan Đỏ nằm trong lô 06-1. Các vùng này nằm ngoài vùng lãnh hải của các đảo Trường Sa. Vạch chấm đen là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2008/12/08_bando1.jpg

Tháng 7 năm nay, Trung Quốc gây áp lực với ExxonMobil yêu cầu không được cộng tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò dầu khí ở bồn trũng Nam Côn Sơn.
Ngày 12/11 năm nay, Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc tuyên bố dự án có vốn 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác Biển Đông, trong cả những vùng biển hiện đang nằm trong tình trạng tranh chấp.
Thái độ và hành động nói trên của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho kinh tế và đe doạ nền độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam. Thế nhưng, những thái độ và hành động đó lại không dựa trên một cơ sở nào của luật biển quốc tế.
Bài viết này sẽ chứng minh sự không có sơ sở đó theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS – United Nations Convention on the Law of the Sea).

Chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo luật quốc tế

Trong sự kiện Trung Quốc phản đối và đe dọa BP vào năm 2007 và ExxonMobil vào năm 2008, nhiều người hiểu lầm rằng thái độ và hành động đó của Trung Quốc là sự tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thật ra, theo luật quốc tế, giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa, thì vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn nằm ở phía bắc ranh giới với Indonesia vẫn thuộc về Việt Nam.
Nói cách khác, sự xác lập chủ quyền của một nước nào đó trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu có, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn.
Chủ quyền đối với khu vực này, dù cho chủ quyền trên quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa có là của bất cứ nước nào, cũng thuộc về Việt Nam, chiếu theo các quy tắc của luật biển quốc tế.
Trên thực tế, yêu sách của Trung Quốc đối với vùng này hoàn toàn sai với luật quốc tế. Chính sự hiểu lầm như đã nói trên, dù vô tình hay cố ý, đã che khuất đi phần nào sai trái của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền đối với vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn.

Bản đồ 2: Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam. Các hình tròn đen là lãnh hải 12 hải lý của các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam. Dựa trên bản đồ của PetroVietnam
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2008/12/08_bando2.jpg

Theo Điều 57 và 76 của UNCLOS, các quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý từ đường cơ sở và một vùng thềm lục địa nếu địa lý đáy biển cho phép thì có thể rộng tối đa là 350 hải lý từ đường cơ sở hay 100 hải lý từ độ sâu 2500 mét.
UNCLOS cũng quy định là nếu có tranh chấp, trong trường hợp vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của hai quốc gia chồng lấn lên nhau, thì tranh chấp phải được giải quyết một cách công bằng (Điều 74 và 83).
Có hai nguyên tắc được dùng để đo lường sự công bằng này trong tập quán luật quốc tế và ngoại giao, đó là đường trung tuyến và tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan. Khi xét xử tranh chấp biển, Toà án Công lý Quốc Tế (International Court of Justice) thường bắt đầu bằng cách vạch đường trung tuyến giữa hai nước làm ranh giới thử nghiệm, sau đó Toà sẽ xét sử công bằng bằng cách xem tỷ lệ diện tích được chia cho mỗi nước có gần như tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan tới tranh chấp hay không.
Trong việc vạch ranh giới, tập quán luật quốc tế và ngoại giao không tính những đảo nhỏ, xa bờ, tự thân không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng, như các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, để tránh việc những đảo này ảnh hưởng không công bằng tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nguyên tắc này được Toà án Công lý Quốc Tế tuyên bố từ năm 1969 trong phiên toà chia thềm lục địa Bắc Hải và được khẳng định trong Điều 121, Khoản 3 của UNCLOS. Từ năm 1969 tới nay, Toà án Công lý Quốc Tế luôn luôn tôn trọng nguyên tắc này, thí dụ như trong những phiên toà Lybia/Malta, Vịnh Maine, Guniea/Guniea-Bisseau.
Đối chiếu với những quy tắc pháp lý kể trên với vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, ta thấy:
Phần lớn vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn phía bắc ranh rới với Indonesia và Malaysia nằm trong phạm vi 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam. Dù Việt Nam vạch đường cơ sở gần bờ thế nào đi nữa thì, theo UNCLOS, những vùng này cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam (Xem Bản đồ 2).
Một phần nhỏ của vùng Tư Chính – Vũng Mây và một phần nhỏ của bồn trũng Nam Côn Sơn phía bắc ranh rới với Indonesia, tuy nằm ngoài phạm vi 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam, nhưng nằm trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Theo Điều 76 của UNCLOS, thềm lục địa ở những vùng này thuộc về Việt Nam.
Phần lớn những nước tranh chấp Trường Sa và Biển Đông không tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Malaysia và Philippines không tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở những vùng này, dù các nước này tranh chấp Trường Sa. Indonesia đã có hiệp định ranh giới với Việt Nam và không tranh chấp những vùng này.
Chỉ có Brunei tranh chấp một phần nhỏ của vùng Tư Chính – Vũng Mây, nhưng cũng không tranh chấp lô 133 và 134. Điều này không chỉ là một sự công nhận về chủ quyền của Việt Nam ở vùng này mà còn cho thấy những nước Đông Nam Á, dù có tranh chấp Trường Sa hay Biển Đông, vẫn tôn trọng UNCLOS và không có đòi hỏi lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam.
Tuy Mỹ không có quan điểm Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về nước nào, trong lời tuyên bố về sự hợp tác của Exxon Mobil ở bồn trũng Nam Côn Sơn, đại sứ Mỹ Michael Michalak tuyên bố là việc ExxonMobil cộng tác với Việt Nam trong vùng này là hoàn toàn hợp pháp. Theo báo South China Morning Post, ExxonMobil và các công ty dầu khí quốc tế cho là vùng đang bị Trung Quốc tranh chấp thuộc về Việt Nam.
Trên thực tế, PetroVietnam, BP và ONGC (Ấn Độ) đã hợp tác ở vùng Lan Tây, Lan Đỏ (lô 06-1) từ năm 1992 và hiện đang khai thác dầu khí mà không có nước nào phản đối, kể cả Trung Quốc. PetroVietnam, BP và Conoco cũng đã hợp tác ở vùng Mộc Tinh, Hải Thạch từ năm 1992-1993; cho tới năm 2007 Trung Quốc mới áp lực BP ngưng hợp tác với Việt Nam. Những vùng Mộc Tinh (lô 05-3), Hải Thạch (lô 05-2), Thanh Long (lô 05-1B) gần bờ Việt Nam hơn vùng Lan Tây, Lan Đỏ.
Ngoài ra, nhiều công ty dầu khí quốc tế khác đã hợp tác với Việt Nam từ thập niên 90 trong vùng Nam Côn Sơn, thí dụ như, Idemitsu, Nippon Oil, Teikoku, Conoco Phillips, Vamex, Premier Oil. Vì Việt Nam là nước nhỏ yếu hơn Trung Quốc, việc những công ty này hợp tác với Việt Nam không thể do Việt Nam lấn át Trung Quốc hay những công ty này. Bằng những hợp tác trên, một điều chắc chắc rằng các công ty trên đã công nhận những vùng này thuộc về Việt Nam theo luật quốc tế.

Yêu sách vô lý, không có sơ sở của Trung Quốc

Bất chấp chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, được luật quốc tế và các bên liên quan công nhận như đã kể trên, Trung Quốc vẫn có yêu sách đối với vùng này.
Nhưng, chiếu theo luật quốc tế, những yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở.
Đảo Hải Nam cách vùng này khoảng 1000 hải lý. Vì vùng đặc quyền kinh tế được giới hạn tối đa là 200 hải lý, đảo Hải Nam hoàn toàn không phải là nền tảng theo luật quốc tế để xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng này.
Quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn cũng không phải là cơ sơ để Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với khu vực này, vì:
- Quần đảo này hiện là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam;
- Cực nam của quần đảo Hoàng Sa cách vùng này khoảng 750 hải lý. Trong khi đó, vùng đặc quyền kinh tế được giới hạn tối đa là 200 hải lý;
- Tập quán luật quốc tế và ngoại giao không dựa vào những đảo nhỏ như trong quần đảo Hoàng Sa để làm nền tảng cho việc phân chia vùng đặc quyền kinh tế. Sự xác lập hợp pháp chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, giả sử có, cũng không cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để tranh chấp vùng này.
Tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa đều có diện tích dưới 0,5 km vuông, tự thân chúng không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Theo nguyên tắc và tập quán luật quốc tế đã dẫn, những đảo này không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Những đảo này chỉ được hưởng lãnh hải tối đa là 12 hải lý (Điều 121, khoản 2 và 3 của UNCLOS).
Bản đồ 1 cho thấy lãnh hải 12 hải lý của tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa nằm ngoài vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Vì vậy, tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa không cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để tranh chấp vùng này. Ngoài ra, Hình 1 cho thấy vùng này nằm trên thềm lục địa Việt Nam, hoàn toàn không liên quan tới thềm lục địa của quần đảo Trường Sa.
Từ những lẽ trên, việc Trung Quốc tranh chấp vùng Tư Chính – Vũng Mây, vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch, hay bất cứ vùng nào khác trong bồn trũng Nam Côn Sơn, với Việt Nam là một điều hoàn toàn vô lý và không có cơ sở pháp lý.

Hình 1: Thềm lục địa vùng Nam Côn Sơn thuộc về thềm lục địa Việt Nam, khác biệt với quần đảo Trường Sa. Nguồn: Marine Ecosystem Dynamics Modeling.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2008/12/08_bando3.jpg

***

Tóm lại, việc tranh chấp và những thái độ, hành động của Trung Quốc liên quan đến vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn không có cơ sở pháp lý, ngay cả khi đang tồn tại tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều này cũng cho thấy yêu sách của Trung Quốc đòi 75% phần diện tích trên Biển Đông cũng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô lý ngay cả khi đang tồn tại tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhằm bảo toàn tính toàn vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam, không chỉ ở vùng Tư Chính - Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, mà còn ở tất cả các vùng Biển Đông của Việt Nam, Việt Nam cần phải làm những việc sau:
• Kiên quyết giữ vững chủ quyền và thực thi chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Việc Trung Quốc thành công trong việc xâm lấn vùng này có nghĩa là những quy tắc pháp lý, những giá trị hành xử được xây dựng ở tầm quốc tế đã bị chà đạp một cách nghiêm trọng và đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam ở Biển Đông.
• Không lẫn lộn, không để cho Trung Quốc viện cớ tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để ngụy trang cho việc chiếm hữu các vùng đó của Việt Nam. Cần hiểu rõ và tuyên bố rõ ràng, dứt khoát với Trung Quốc và với thế giới rằng những vùng này nằm ngoài tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
• Cần hiểu rõ và tuyên bố rõ ràng với Trung Quốc và thế giới rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển có diện tích khoảng 75% Biển Đông là hoàn toàn sai trái, vô lý, không có cơ sở pháp lý ngay cả khi đang tồn tại tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.

Dương Danh Huy - Lê Minh Phiếu


No comments:

Post a Comment