Tuesday, December 2, 2008

CHỈ CÒN BIẾT KÊU TRỜI

Chỉ còn biết kêu trời
Dương Hướng
( 12/2/2008 8:13:23 PM )
http://hnv.vn/News.Asp?Cat=5&SCat=&Id=625
Hỡi ông Cao Xanh!
Tôi chỉ còn biết gọi tên ông tha thiết, hy vọng ông hiểu thấu cho dưới trân gian này còn lắm chuyện bất bình. Tôi kể với ông câu chuyện của cá nhân tôi nhưng nó lại liên quan đến nhiều chuyện khác nữa. Chuyện là thế này: Tôi đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nếu như mọi sự diễn ra êm thấm đúng theo tinh thần phải "im lăng" trước mọi chuyện thực ra chẳng ‘yên lặng" chút nào. Suốt một năm nay tôi miễn cưỡng "im lặng" nghe ngóng mọi thông tin xung quanh tác phẩm Dưới chín tầng trời của tôi đã được xuất bản, có lúc nín thở giật mình thon thót bởi những cú điện thoại: người thì khen và cổ súy tinh thần dũng cảm, kẻ lắc đầu bảo nhuốm mầu đen tối. Trước khi đặt bút viết, tôi luôn xác định tinh thần... khen chê là lẽ thường tình, đó là quyền của độc giả. Mình làm sao lên tiếng "cãi" được thiên hạ.

Nhưng riêng chuyện này thì tôi lại không thể "mặc" được mà buộc phải lên tiếng "cãi" lại ‘Trời" xem sao... trước tình trạng mập mờ không rõ ràng về cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời của tôi, danh chính ngôn thuận nó đã phát hành rộng rãi trong cả nước, sách đã bán hết gần năm nay, lý do gì vẫn không được phép tái bản?? Chính vì không được phép tái bản để phục vụ nhu cầu bạn đọc nên mới bị bọn đầu nậu in lậu bán công khai trên các quầy sách ở phố Nguyễn Xí Hà Nội từ hơn vài tuần nay. Đã in lậu, tác giả và cả người làm sách nghiêm túc là (Công ty Nhã Nam) cũng chẳng được gì, mà nhà nước cũng chẳng thu được một đồng tiền thuế. Tôi bức xúc, điện cho anh Giang, phó giám đốc Công ty Nhã Nam thông báo Dưới chín tầng trời bị in lậu, anh bảo trong tay anh cũng đang có một cuốn "lậu" in y hệt như bìa cuốn cũ mà công ty Nhã Nam đang giữ bản quyền xuất bản, hoặc tái bản, chỉ khác là giấy xấu hơn. Trước đây, nhiều lần tôi cũng điện thoại cho công ty Nhã Nam hỏi tình hình có tái bản Dưới chín tằng trời được không, vì tất cả các quầy sách trên cả nước không còn để bán, anh Giang bảo để cho tình hình "êm êm" sẽ làm việc với nhà xuất bản hội nhà văn cho phép tái bản. Làm kinh doanh ai chả muốn chớp thời cơ để thu lợi,. Nhưng tình hình này chưa biết đến bao giờ? Trong chuyện này công ty Nhã Nam, người được toàn quyền tái bản đành khoanh tay nhìn bọn in lậu ăn không của mình mà không làm gì được. Rõ trái khoáy vậy. Nguyên nhân của sự trái khoáy chi vì một lý do rất mơ hồ là tác phẩm "có vấn đề nhạy cảm" nên cuốn ‘Dưới chín tầng trời" mới không được tái bản.

Vấn đề được gọi là "nhạy cảm” ở đấy, tôi lại không được biết một cách rõ ràng, cứ u u mê mê, sợ bóng sợ gió. Tới nay vẫn không một cơ quan tổ chức hay cá nhân nào nói ra cho rõ ràng cụ thể. Sự vô lý ở đây là tác giả và nhà xuất bản hội nhà văn với Công ty Nhã Nam buộc cứ buộc phải ‘im lặng" không được tái bản, không được tuyên truyền. Nhưng trên thực tế những tác phẩm cần hạn chế ảnh hưởng lại càng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi nó bị in lậu tràn lan mà không một cơ quan tổ chức nào chịu trách nhiệm điều tra làm rõ. Nhiều người bảo tôi, sao không tung lên mạng cho bạn bè đọc, tôi bảo phải tôn trọng bản quyền của Nhã Nam, người ta đã phải bỏ tiền ra in ấn phát hành chưa thu hồi vốn đã bị stop, chờ thời cơ. Mình chờ, nhưng bọn đầu nậu nó có chờ đâu. Nó cư in vung ra bán đầy thị trường, tác giả chẳng làm gì được. Rõ quả bất công. Tác giả đã mất bao công sức và trí lửc trong bao năm mới hoàn thành được một tác phẩm, cuối cùng lại để bọn đầu nậu hưởng lợi trên mồ hôi công sức của nhà văn...

Trên thực tế, cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trờ " của tôi được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam xuất bản cuối năm 2007 với lượng phát hành lần đầu 1500 cuốn, được dư luận xôn xao. Lúc đó anh Nhật Anh, Giám đốc công ty Nhã Nam đang dự định có thể cho tái bản 5000 cuốn. Bỗng đánh đùng một cái, tôi liên tiếp nhận được hai cú điện thoại của tổng biên tập Nguyễn Khắc Trường và giám đốc nhà xuất bản hội nhà văn Nguyễn Phan Hách với nội dung yêu cầu tôi phải viết khẩn cấp bản tường trình. Nội dung bản tường trình nói về lập trường tư tưởng, động cơ, quan điểm của tác giả khi sáng tác tác phẩm "dưới chín tầng trời" để nhà xuất bản có cơ sở để thuyết trình với "cấp trên" nào đó mà tôi cũng không rõ. Lúc đầu nghe nhà văn Nguyễn Khắc Trường nói tôi ngỡ ông đùa. Nhưng sau thấy ông nói có vẻ nghiêm trọng: đây không phải chuyện đùa đâu, ông phải viết bản tường trình cho thật nghiêm túc, để thứ hai tới nhà xuất bản còn có cơ sở để "bênh" cho ông. Nguyễn Khắc trường còn gắt lên trong máy, Tôi đã quá khổ vì cuốn tiểu thuyết này của ông rồi. Bản thân tôi đã vậy, còn quyền lợi của anh em trong nhà xuất bản. Nếu bị phạt thì mọi tội lại đổ lên đầu tôi. Tóm lại theo tôi hiêu tinh thần của nhà xuất bản, muốn tôi phải kê khai lý lịch sao cho sáng chói vào để người ta nhẹ tay may ra mới hy vọng cứu vãn tình thế. Lúc đó, tôi nói để Nguyễn khắc Trường yên tâm rằng thì là thành phần gia đình tôi thuộc diện trong sạch, sáng ngời, bố mẹ ông bà ba đời là nông dân không nợ máu, không giết người cướp của, bản thân là đảng viên đảng cộng sản, lại chiến đấu trong chiến trường miền nam, huân chương chiến sỹ giải phóng làm sao lại có thể nghi ngờ lập trường tư tưởng của tôi được, ông yên tâm đi...Tôi đã phải giải thích để nhà văn Nguyễn Khắc Trường yên tâm, nhưng ông bảo nói mồm ai người ta tin, phải bằng văn bản giấy trắng mực đen...

Có lẽ cú điện thoại của Nguyễn Khắc Trường, người chịu trách nhiệm bản thảo, vẫn chưa làm yên lòng ông Nguyễn Phan Hách, giám đốc nhà xuất bản nên ông Hách lại điện cho tôi một cú nữa.
Vẫn lời yêu cầu khẩn thiết, với tinh thần cũng giống như lời nhà văn Nguyễn Khắc Trường, ông Nguyễn Phan Hách bảo, cậu phải viết trong bản tường trình sao cho thật thống thiết lâm ly vào để người ta còn soi xét chiếu cố. Ông còn trích đọc tôi nghe qua điện thoại cả một đoạn văn của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến nói về tác phẩm Dưới chín tầng trời" và hỏi, tôi có nghĩ gì về đoạn văn này. Tôi bảo Hoàng Ngọc Hiến đã phán thì tôi yên tâm. Nguyễn Phan Hách gần như quát lên: Yên tâm là thế nào, phản động! Phản động, cậu hiểu chưa??

Hai cú điện thoại với nội dung nóng bỏng khiến tôi thực sự lo ngại. Tôi nghĩ nhà xuất bản chắc đã bị một áp lực nào đó ghê gớm lắm nên cả hai ông mới hoang mang như vậy. Tôi tôi không muốn nhà văn Nguyễn Khắc Trường và nhà văn Nguyễn Phan Hách vì tác phẩm của tôi mà bị liên lụy. Lẽ ra tôi đã quyết định dứt khoát không viết tường trình. Kể cả cuốn sách có bị cấm, bị thu hồi hoặc tôi có bị đi tù tôi cũng mặc. Có người còn bảo tôi, sách càng bị cấm, tác giả càng nổi tiếng. Trong chuyện này tôi thực sự không nghĩ đến chuỵện nổi tiếng, mà chỉ nghĩ tôi với Nguyễn Khắc Trường là chỗ thân tình, với Nguyễn Phan Hách lại là người tôi quý trọng và chính ông là người đã biên tập cho tôi cuốn tiểu thuyết Bến không chông từ năm 1990 của thế kỷ trước. Và thế là tôi quyết định ngồi viết bản tường trình, sáng hôm sau ra bưu điện gửi chuyển nhanh cho nhà xuất bản.

Từ bấy đến nay đã gần một năm, tôi im lặng, bởi tôi là người không thích quảng bá rùm beng cho tác phẩm của mình theo kiểu cố tình hô hoán lên. Tác phẩm văn học có giá trị thực sự phải là tự bản thân nó tỏa sáng trong lòng người đọc, mọi phương pháp cổ súy ngoài văn chương cũng chẳng có giá trị gì. Tôi nghĩ nếu cuốn tiểu thuyết của tôi được công ty Nhã Nam tái bản công khai kịp thời đáp ứng nhu cầu người đọc thì bọn đầu nậu không có cơ hội in lậu. Có lẽ chỉ vì những lời "xì xầm" cho là cuốn sách "có vấn đề"nhậy cảm nên vẫn chưa được phép tái bản.

Tất cả chỉ là "xí xầm" không rõ ràng không công khai. Báo chí chỉ rộ lên trước khi cuốn sách được phát hành rồi bỗng nhiên rơi vào im lặng. Sự im lặng cũng chỉ một lý do được gọi là "vấn đề nhạy cảm" Tôi nhận được một số bài viết của các nhà phê bình, và một số bạn văn gửi đến, có độc giả đã bốc đồng gửi cả thư kiến nghị lên hội nhà văn Việt Nam yêu cầu cho công khai tranh luận trên diễn đàn.

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh đã định tổ chức hội thảo. Nhà Thơ Mai Phương đã xin được tiền của ủy ban nhân dân thành phố, tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam đồng ý cho hội trường và ăn uống, Hội văn nghệ lo phòng nhỉ đón khách. Chi hội đã lên danh sách khách mời và đã nhận được một số bài tham luận. Tôi và Nhà thơ Trần Ngọc Tảo, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh đã lên thủ đô gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, báo cáo xin ý kiến và được Nhà Thơ Hữu Thỉnh cho biết mọi "sóng gió" quanh cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời đúng như tôi đã nói ở trên. Cuối cùng vẫn là những vấn đề "nhạy cảm" nên cuộc hội thao không, hoặc chưa thực hiện được.

Hôm dự hội thảo về nâng cao tính chuyên nghiệp trong văn học ở Ninh Bình, tôi trực tiếp gặp nhà văn Trung Trung Đỉnh (người mới lên thay nhà thơ Nguyễn Phan Hách làm Giám độc Nhà xuất bản Hội nhà văn) tôi hỏi liệu có cho Nhã Nam tái bản ‘Dưới chín tầng trời", nhà văn Trung Trung Đỉnh cả quyết, bây giờ thì chưa thể. Ông nói, nếu Nhà xuất bản của hội có thiện chí thì cục xúât bản cũng không đồng ý ký giấy phép.

Thế là rõ mọi chuyện. Trước khi viết bài này tôi còn gọi cho Trung Trung Đỉnh thông báo sách của tôi mới bị in lậu, ông bảo biết rồi, nó in lậu từ lâu rồi ấy chứ, làm gì được nó.
Đúng vậy, nhà nước không cho in thì đầu nậu nó in làm gì được nó. Tác giả chỉ còn biết kêu trời.


No comments:

Post a Comment