Monday, December 8, 2008

CÁC DÒNG SÔNG ĐỀU Ô NHIỄM

Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai : Không thể chậm hơn được nữa!
Chiến Dũng
Thứ hai, 08/12/2008, 01:27 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/12/174373/
Ngày 3-12, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (UBSĐN) để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống SĐN đến năm 2020”. Đây là kết quả hơn 10 năm kiên trì lên tiếng của các nhà khoa học cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại nhiều con sông thuộc hệ thống lưu vực SĐN, và gần 10 năm từ khi chính quyền các địa phương bắt đầu quan tâm và có ý tưởng xây dựng một đề án bảo vệ hệ thống lưu vực SĐN.

Các dòng sông đều bị nhiễm bẩn

Lưu vực hệ thống SĐN trải rộng trên địa bàn 12 tỉnh thành: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một phần Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng. Nguồn nước hệ thống SĐN có tầm quan trọng đặc biệt và sống còn trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người, cấp nước cho công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước... Báo cáo của các địa phương tại hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống SĐN thời gian qua cho thấy, môi trường lưu vực SĐN (bao gồm các sông chính là Đồng Nai, Sông Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải) đang ở mức báo động đỏ. Theo kết quả phân tích gần đây nhất, hạ lưu SĐN đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại đã bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng vượt từ 3 - 9 lần giới hạn cho phép.

Vùng hạ lưu SĐN bị nhiễm mặn nghiêm trọng và không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu. Sông Sài Gòn bị ô nhiễm còn trầm trọng hơn, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh (Coliform vượt từ 3 - 168 lần tiêu tiêu chuẩn cho phép) và một số nơi ô nhiễm kim loại nặng… Phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có đoạn sông Thị Vải từ sau khu vực hợp lưu Suối Cả – sông Thị Vải đến Khu công nghiệp Mỹ Xuân dài hơn 10km đã trở thành sông chết, là đoạn sông bị ô nhiễm nhất trong lưu vực.

Ở đây nước có nơi nồng độ oxy hòa tan trong nước gần bằng không, các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống... Các cơ quan chuyên môn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề… Trong đó nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tải lượng các chất ô nhiễm rất cao, lớn nhất là nước thải từ các khu công nghiệp và khu chế xuất của tỉnh Đồng Nai (chiếm 57,2%); TP Hồ Chí Minh (23%) và tỉnh Bình Dương (9%)…

Tính đến nay, trên lưu vực SĐN có khoảng trên dưới 60 khu công nghiệp-khu chế xuất đang hoạt động. Tuy nhiên chỉ có khoảng trên 1/3 trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp ra sông. Theo số liệu của Bộ TN-MT, trong lưu vực hệ thống SĐN còn có gần 500 làng nghề, 9.000 cơ sở sản xuất, 1.633 cơ sở y tế... hầu hết xả nước thải vào lưu vực, chưa qua xử lý.

Đề ra mục tiêu, mới chỉ là bước khởi đầu

Việc thành lập UBSĐN chỉ là một động thái triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ Môi trường lưu vực hệ thống SĐN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu tháng 12-2007 với những mục tiêu khá cụ thể cho từng giai đoạn từ nay đến năm 2020. Cụ thể như đến năm 2010 thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực SĐN; phấn đấu 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, 40% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt; 90% chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện…

Mục tiêu là vậy, nhưng để thực hiện thì còn đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, phối hợp thực hiện từ chính quyền các cấp và các địa phương trong khu vực. Tại hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống SĐN, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, để công tác bảo vệ môi trường lưu vực đạt hiệu quả cần sự đồng bộ thống nhất và cần có người đứng đầu điều phối thực hiện chứ không thể để tình trạng người làm, người không làm hoặc làm cho có lệ thì khó cải thiện được môi trường.
Nhằm cụ thể hóa những quyết tâm của địa phương, ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định từ đầu năm 2009 nếu các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn sẽ bị buộc ngưng hoạt động. Đồng thời, không cấp phép mới nếu doanh nghiệp, KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, còn nước thải qua xử lý phải đạt tiêu chuẩn loại A.

Mức độ ô nhiễm tại hệ thống lưu vực SĐN đã quá rõ, thậm chí không ít nơi được coi là dòng sông chết. Vấn đề bây giờ là sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc cứu môi trường lưu vực SĐN, nơi có 7 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là vùng kinh tế lớn nhất nước.
Chiến Dũng


No comments:

Post a Comment