Có quá nhiều người không biết xấu hổ
Entry for December 05, 2008
Linh’s Blog
Friday December 5, 2008 - 10:34am (PST)
http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1&p=18447
Nước Nam ta dạo này phong thủy không tốt, có quá nhiều người không biết xấu hổ. Và đáng tiếc thay, những người không biết xấu hổ đó vẫn hàng ngày rêu rao trên báo chí, huấn thị, chỉ bảo nhân dân. Từ "hiệp sĩ" Nguyễn Tử Quảng cho rằng hình phạt 12 năm tù cho blogger là "hết sức thích đáng" cho tới ông Thứ trưởng Bộ 4T muốn cấm người ta viết những suy nghĩ, cảm xúc của mình về các vấn đề xã hội.
Thử nghe ông Phó Chủ tịch Thường trực TP HCM Nguyễn Thành Tài phát biểu gì về vụ PCI:
"Ông Tài cho rằng: “Đối với mỗi quốc gia và ngay cả Việt Nam, khi đưa một công dân hay một tội phạm nào ra xét xử thì cũng phải có chứng cứ để luận tội. Cho nên nếu phía bạn cho rằng PCI đã hối lộ cho nhiều quan chức ở Đông Dương (chứ không phải chỉ riêng TPHCM). Vậy thì hãy đưa ra bằng chứng, chúng tôi sẽ tiến hành xét xử, không thể nói chung chung....
Tôi đã trình bày quan điểm của lãnh đạo thành phố và đã được Thủ Tướng chấp thuận về cách giải quyết. Chỉ cần khi nào phía bạn đưa ra chứng cứ thì sẽ cho tiến hành xử lý. Còn nếu cần hỗ trợ, các cơ quan chức năng tại thành phố sẵn sàng hợp tác tốt nhất cho phía bạn tìm chứng cứ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy phản hồi gì từ phía bạn”
Ông Tài phát biểu cứ như rằng đây là việc của Nhật, chứ không phải của Việt Nam??? Tại sao khi một quan chức chính quyền bị tố cáo ăn hối lộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh lại không chịu điều tra mà cứ đòi "bằng chứng" từ phía Nhật? Ông Tài cứ làm như là việc điều tra PCI chỉ là làm ơn cho Nhật, là hỗ trợ cho Nhật nếu họ yêu cầu chứ không phải là việc của chúng ta.
Ở đây, không ai đòi ông Tài (hay ông Hải, ông Dũng...) phải đem ông Sĩ ra xử tù. Nhưng tại sao cứ phải có bằng chứng từ phía Nhật thì mới xử lý. Thế thì cơ quan công an làm gì, chính quyền thành phố làm gì, Ban chống tham nhũng của Đảng, Ban kiểm tra của Đảng, Ban Thanh tra của Chính phủ... làm gì? Chẳng nhẽ họ không thể tiến hành điều tra một quan chức khi có nghi vấn (và nghi vấn này hiện rất xác đáng từ lời khai của bị can PCI và kết quả điều tra của cơ quan điều tra Nhật) rằng quan chức đó phạm tội?
"Các cơ quan chức năng tại thành phố sẵn sàng hợp tác tốt nhất cho phía bạn tìm chứng cứ"- nói mà không biết thẹn. Khi một quan chức Việt Nam bị tố cáo ăn hối lộ 2,6 triệu USD, khi cơ quan tư pháp Nhật Bản tìm thấy đủ chứng cớ để kết tội những người đưa hối lộ cho quan chức đó với số tiền 820.000 USD thì việc nhiều nhất mà chính quyền thành phố HCM làm được là "hồ trợ" cho bạn "tìm chứng cớ". Chứng cớ ở đâu? Có chứng cớ nào bị tiêu hủy trong 6 tháng án binh bất động vừa qua không, khi người bị tố cáo vẫn giữ nguyên cương vị và hoàn toàn có thể tiêu hủy tất cả những bằng chứng nào anh ta có thể tiêu hủy, tẩu tán tất cả những tài sản bất chính nào mà anh ta có thể có do phạm tội?
Với những nhà lãnh đạo không có dây thần kinh xấu hổ như thế, chúng ta sẽ còn đi tới đâu? Quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta là ngồi đợi phía nước ngoài đưa ra bằng chứng! Nhưng ngay cả khi phía nước ngoài đưa ra bằng chứng thì "người ta" có quyết định thí xe hay không, thì sẽ còn là một chuyện khác. Thí tướng thì tất nhiên là không bao giờ.
Nực cười ở chỗ hình như phía Nhật Bản không còn cần Việt Nam "hỗ trợ" "tìm chứng cớ" nữa (sau 6 tháng vô ích) khi trước tòa, cơ quan công tố đã tìm được đủ bằng chứng và bị can đã nhận tội đưa hối lộ. Họ cũng không yêu cầu VN "hỗ trợ" "tìm chứng cớ" nữa mà đang gây sức ép buộc Việt Nam phải làm rõ các vụ việc tham nhũng vốn ODA và cải thiện cơ chế quản lý ODA nhằm chống tham nhũng bằng cách tạm ngừng cam kết viện trợ 800 triệu USD trong năm 2008. Quả bóng đã được đẩy sang chân đội tuyển Việt Nam rồi. Và trong khi đó, ông Phó Thị trưởng Sài Gòn vẫn cứ khẳng định là ông sẽ hỗ trợ phía Nhật tìm chứng cớ!
BÀN CỜ PCI
Truongduynhat’s blog
08 Dec, 2008, 10:23
http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/114474
Người Nhật có thể chế ra cái máy tính đánh bại đại kiện tướng cờ vua thế giới, nhưng dường như trong lịch sử, con người Nhật chưa bao giờ chơi cờ giỏi hơn người Việt. Những cái tên như Từ Hoàng Thông, Đào Thiện Hải, Nguyễn Ngọc Trường Sơn… luôn luôn và mãi mãi là “mơ ước” của người Nhật.
Trong bàn cờ… tham nhũng, người Việt cũng luôn luôn và mãi mãi khiến người Nhật phải "ngước nhìn”
Trên bản đồ tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), chúng ta đứng sau người Nhật hàng trăm… ki lô mét.
Nhưng trong chiến cuộc chống tham nhũng, có lẽ là… ngược lại. Người Nhật phải “học hỏi” người Việt về điều này. Khi cầu Cần Thơ sụp đổ chôn vùi 54 nhân mạng, một Ủy ban quốc gia điều tra đã được lập ra để… truy cứu trách nhiệm hình sự cái công ty Nhật đảm nhận thi công cầu. Dư luận hừng hực, báo chí truyền thông thổi đồn ầm ĩ. Nhưng rốt cuộc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự “người ta”. Không thể cứ muốn truy tố là truy khi mà chứng cứ buộc tội không… rõ!
Vụ việc cầu Cần Thơ vừa thể hiện sự nghiêm minh và tính công bằng của pháp luật nước Việt, lại là “món quà” thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết bang giao Việt- Nhật.
Người Nhật chưa chắc ứng xử được như người Việt trong những… tình huống dạng này. PCI là vụ việc điển hình nhất chứng tỏ người Nhật ứng xử khác và… kém xa người Việt. Chỉ dựa trên lời tự khai (?), Nhật đã truy tố 4 quan chức công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) vì cho rằng họ đã hối lộ quan chức Việt Nam hàng trăm nghìn đôla trong một dự án nhận nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) của Chính phủ Nhật.
Người Nhật bàng hoàng về vụ PCI. Dư luận và truyền thông Nhật mở một "chiến dịch" như thể dồn đối phương vào thế bí trên bàn cờ. Sức ép lên dư luận Việt Nam nhiều khi... hoảng, như thể sắp lật Tướng bắt Vua đến nơi rồi!. “Truyền thông Nhật có một số bài viết không khách quan và không đúng sự thật, gây nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam” (Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn).
Trong khi truyền thông Việt rất im lắng. Ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội, nhận định về sự “im ắng” này: Có thể báo chí Việt Nam đã rút kinh nghiệm các lần trước và “thận trọng hơn” trong lần này. Nguyên nhân theo ông là do báo chí đã đưa tin “quá lớn”, nhưng “thực tế điều tra lại không phải như thế" (ý ông muốn nói đến vụ PMU 18 trước đó).
Xem ra giới truyền thông Việt "hiểu biết và… khôn ngoan" hơn, ít nhất là trong vụ PCI này.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM rất… khẳng khái: “Khi đưa một công dân hay một tội phạm nào ra xét xử thì cũng phải có chứng cứ để luận tội. Cho nên nếu phía bạn cho rằng PCI đã hối lộ cho nhiều quan chức ở Đông Dương (chứ không phải chỉ riêng TPHCM). Vậy thì hãy đưa ra bằng chứng, chúng tôi sẽ tiến hành xét xử, không thể nói chung chung… Chỉ cần khi nào phía bạn đưa ra chứng cứ thì sẽ cho tiến hành xử lý. Nhưng hiện nay phía VN vẫn chưa nhận được văn bản, chứng cứ nào từ phía Nhật”.
Có thể trong việc này, cách hiểu cách nghĩ và cách hành xử của người Nhật khác ta. Họ cho rằng có tội là phải xử, bất kể ai và bất kể nó có thể liên quan đến chuyện tế nhị nào, ví như có thể ảnh hưởng đến… hình ảnh quốc thể của nước bạn, tổn hại đến mối quan hệ quốc tế (như nhiều nhận định được loan tải trên báo những ngày gần đây).
Không rõ luật “thằng” Nhật thế nào. Nhưng luật Việt mình không cho phép lôi ai ra tuy tố mà thiếu… chứng cứ! Hãy nghe ông Tài nói đi (nhiều người bảo ông Tài thách thức): Hãy đưa ra bằng chứng, chúng tôi sẽ xử ngay!
Tôi… ủng hộ ông Tài, bởi người Nhật chưa thể (hoặc không thể) đưa ra được bằng chứng. Vì thế không thể truy tố quan chức Việt, càng không thể vì thế mà làm tổn hại đến uy tín quốc gia, ảnh hưởng đến mối quan hệ… quốc tế! Và có thể làm đổ vỡ cả những... nước cờ khác!
Tôi sẵn sàng cá cược với bất kỳ ai, với bất cứ giá nào rằng vụ việc PCI cũng chỉ đến vậy mà thôi. PCI sẽ chỉ là câu chuyện của… người Nhật. Cũng như một người Việt chơi cờ với một người Nhật, anh chàng Việt sẵn sàng thí Sĩ, chấp người Nhật đi trước vài bước, nhưng vẫn thắng.
Người Nhật có thể chế ra cái máy tính đánh bại đại kiện tướng cờ vua thế giới, nhưng dường như trong lịch sử, con người Nhật chưa bao giờ chơi cờ giỏi hơn người Việt. Những cái tên như Từ Hoàng Thông, Đào Thiện Hải, Nguyễn Ngọc Trường Sơn… luôn luôn và mãi mãi là “mơ ước” của người Nhật.
No comments:
Post a Comment