Liệu Kỹ Nghệ Xe Hơi Mỹ Có Đáng Được Cứu Vớt?
Mai Loan
(LÊN MẠNG Thứ hai 1, Tháng Mười Hai 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article5009
Nương theo đà chiến thắng to lớn của cuộc bầu cử toàn quốc vừa qua, các lãnh tụ phe Dân Chủ ở Quốc Hội đã tìm cách đẩy mạnh một kế hoạch cứu nguy cho kỹ nghệ chế tạo xe hơi của Hoa Kỳ, gồm ba đại công ty General Motors, Ford và Chrysler, đặc biệt là đại công ty số một GM, theo nhiều lời dự đoán và báo động, có thể sẽ phải khai phá sản nếu như không có một kế hoạch cứu vớt cấp thời. Cả ba công ty chế tạo xe hơi của Mỹ — nổi tiếng từ lâu với những chiếc xe to lớn, cồng kềnh, ngốn xăng và không hiệu năng, bền bĩ so với các loại xe của Nhật và Âu Châu tuy rằng bán với giá rẻ hơn — đã mất dần khách hàng từ nhiều năm qua về tay các hãng xe ngoại quốc, và càng ngày càng lỗ lã trong những năm gần đây. Vào ngày thứ Sáu cuối tuần qua, các chuyên viên thẩm định của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đình chỉ việc đánh giá xếp hạng cổ phiếu của GM, và cho rằng công ty này phải cần ít nhất một số tiền trợ cấp lên 22 tỷ Mỹ-kim. Goldman Sachs còn cho biết luôn là công ty Chrysler cũng sẽ khó sống nổi nếu như không được cứu giúp.
Các lãnh tụ đảng Dân Chủ ở Quốc Hội đã vội vã đề ra một kế hoạch cứu vớt ba hãng xe hơi này, với một ngân khoản lên đến 25 tỷ Mỹ-kim, dự định được trích ra từ chính sách cứu nguy 700 tỷ Mỹ-kim mà Quốc Hội và TT Bush đã thông qua vào tháng trước để cứu nguy cho thị trường tài chánh khỏi lâm vào tình trạng hốt hoảng và nguy khốn hơn. Kế hoạch này dự định được đề ra vào ngày thứ Hai 17/11, với sự xuất hiện điều trần tại Thượng Viện lẫn Hạ Viện của các vị tổng giám đốc của ba đại công ty này với lời lẽ khẩn thiết theo kiểu "con cá nó sống được vì nước, thì kỹ nghệ xe hơi khó khăn của Mỹ sống được là vì nhà nước (giúp đỡ)". Cuộc bàn thảo sẽ diễn ra trong khoá họp cuối cùng của pháp nhiệm hiện hành, thường được coi là một "khoá họp vịt què" (lame duck session), vì có nhiều vị nghị sĩ hay dân biểu không còn lòng dạ nào để bàn luận, nhất là nếu họ vừa mới thất bại trong kỳ bầu cử vừa qua. Thông thường, các khoá họp kiểu này chỉ có tính cách thủ tục cho hết giờ, được giành để sửa soạn cho các việc tập sự của các vị đại biểu mới đắc cử, cũng như sắp xếp chia quyền trong nội bộ của mỗi bên. Những đề tài quan trọng thường được nhường lại cho các vị dân cử của pháp nhiệm mới cứu xét và quyết định thì cũng đúng ý nghĩa và giá trị hơn.
Tuy nhiên, theo lập luận của các lãnh tụ phe Dân Chủ thì vấn đề cứu nguy cho kỹ nghệ xe hơi của Mỹ hiện nay là điều cần kíp để tránh cho tình trạng thua lỗ không bị tệ hại hơn, có thể dẫn đến những hậu quả thê thảm và quá trễ để có thể cứu vớt được. Nghị sĩ Harry Reid, thủ lãnh khối đa số ở Thượng Viện, đã chỉ trích ông Henry Paulson, tổng trưởng tài chánh, là đã không chịu linh động trong kế hoạch cứu vớt tài chánh để dành ra một khoản nhỏ cứu trợ cho kỹ nghệ xe hơi, trong đó có hàng triệu công ăn việc làm sẽ phải lệ thuộc vào. Ông Reid nói: "Chỉ cần ông ta ký tên trên một nghị định thôi thì có thể giải quyết được khó khăn, bằng không thì chúng ta sẽ thấy một tình trạng tan rã của kỹ nghệ xe hơi, với những hậu quả ảnh hưởng bi đát lên đời sống của hàng triệu nhân công và khiến cho nền kinh tế Hoa Kỳ càng suy sụp tệ hại hơn nữa."
Thế nhưng Toà Bạch Ốc cũng đã ra tay chặn họng trước, qua lời của bà Dana Perino, phát ngôn viên của Bạch Cung, khi phê bình rằng việc đòi hỏi chính phủ chi ra 25 tỷ Mỹ-kim để cứu giúp kỹ nghệ xe hơi không phải là giải pháp thích ứng, và yêu cầu Quốc Hội nên cứu xét một kế hoạch cho vay đã có sẵn. Bà Perino nói: "Chính phủ không muốn thấy các hãng xe hơi Mỹ bị thất bại, và đã ủng hộ kế hoạch giúp đỡ. Thế nhưng, chúng tôi tin rằng sự giúp đỡ này phải được lấy ra từ một chương trình mà Quốc Hội đã đề ra cho mục đích giúp đỡ kỹ nghệ xe hơi, đó là kế hoạch cho vay 25 tỷ Mỹ-kim từ Bộ Năng Lượng." Đây là một kế hoạch mà Bộ Năng Lượng đã chuẩn thuận từ trước để giúp đỡ và khuyến khích cho các hãng chế tạo xe hơi của Hoa Kỳ trong việc sản xuất ra các xe chạy ít tốn xăng, hầu góp phần vào việc giảm bớt nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho cả nước. Trong trường hợp này, chính quyền Bush không muốn nhà nước phải chi thêm một ngân sách cứu trợ cũng vào khoảng 25 tỷ nữa cho kế hoạch đã có sẵn.
Khách quan mà nói, phe Dân Chủ có thể chờ đợi đến sau ngày 20 tháng Giêng năm tới thì có thể dễ dàng và nhanh chóng thông qua kế hoạch cứu trợ này. Với đa số áp đảo tại Hạ Viện lẫn Thượng Viện, lại thêm được sự ủng hộ mạnh mẽ của tân tổng thống Barack Obama, không ai nghĩ rằng các vị dân cử phe Cộng Hoà có thể đưa ra những lý do có tính thuyết phục để chống lại kế hoạch cứu giúp này, nhất là trước viễn ảnh của hàng triệu công ăn việc làm có thể bị tiêu ma nếu như kỹ nghệ xe hơi của Mỹ bị phá sản. Mới đây, ông Obama đã từng tuyên bố rằng kế hoạch cứu nguy nền kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu, và ông sẽ làm bất cứ điều gì để vực dậy, và những hậu quả khác như thâm thủng ngân sách vì bội chi có thể phải được tạm hoãn trong những năm sau đó. Hơn nữa, sự thắng cử của ông là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nghiệp đoàn, một số lớn đã không ngần ngại ủng hộ ông từ vòng bầu cử sơ bộ.
Ông Obama cũng đã từng nhiều lần chỉ trích Hiệp ước NAFTA về mậu dịch tự do giữa ba nước Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ là đã khiến cho nhiều ngành kỹ nghệ tại Mỹ bị mất việc. Ông Obama thắng lớn tại tiểu bang Michigan, quê hương của kỹ nghệ xe hơi, nhờ ở sự ủng hộ mạnh mẽ của giới thợ thuyền, và trong cuộc họp của các chuyên gia kinh tế do ông Obama triệu tập sau khi đắc cử, ông đã mời bà Jennifer Granthom, thống đốc Michigan, đứng ở vị thế trang trọng để nói lên sự quan tâm của tân chính quyền Obama về công ăn việc làm của cư dân tại nhiều tiểu bang đang gặp khó khăn như Michigan. Vì thế, khó ai có thể nghĩ rằng chính quyền Obama sẽ không nhanh chóng tìm phương thuốc để cứu nguy cho kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ông Obama sẽ sẵn sàng ủng hộ việc chi viện một số tiền 25 tỷ từ ngân quỹ nhà nước như là một tấm chi phiếu làm quà vì sẽ dễ bị chỉ trích là một hành động chi tiêu hoang phí theo chính sách tax-and-spend. Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình "60 Minutes" của đài CBS vào cuối tuần qua, ông Obama đã đồng ý rằng kỹ nghệ xe hơi cần phải được cứu giúp, nhưng phải nằm trong một kế hoạch dài hạn, tuỳ vào nhiều sự đóng góp hy sinh của nhiều thành phần từ giới nhân công, ban giám đốc, chủ nhân, các nhà băng cho vay v.v. để đi đến một kế hoạch vững bền cho kỹ nghệ này.
Nhưng hiện nay, đặc biệt là trong khoá họp cuối cùng này, phe Dân Chủ vẫn chưa được đa số áp đảo để có thể thông qua dễ dàng mọi ý muốn, nhất là vẫn còn có thể gặp sự chống đối từ phía TT Bush. Tại Hạ Viện, tuy bà chủ tịch Nancy Pelosi có rộng quyền và đủ túc số để thông qua, nhưng phe Dân Chủ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn từ phía Thượng Viện. Trong pháp nhiệm này, phe Dân Chủ chỉ giữ được đa số yếu ớt 51/49 và ông Obama vừa mới xin từ nhiệm, do đó chỉ còn có đa số 50 phiếu. Do đó, phe Dân Chủ phải cần ít nhất là có thêm 10 vị nghị sĩ phe Cộng Hoà cùng ủng hộ thì mới mong vượt qua được sự chống đối của bất cứ một vị nghị sĩ nào. Mà hiện nay, đã có ít nhất là hai vị nghị sĩ Cộng Hoà đã tỏ ý chống đối về kế hoạch cứu vớt này. Đó là các nghị sĩ Joh Kyl của tiểu bang Arizona và Richard Shelby của tiểu bang Alabama. Ông Kyl cho rằng không thể để cho người dân thọ thuế phải gồng gánh thêm cái nợ cứu vớt này, trong khi ông Shelby thì chỉ trích kỹ nghệ xe hơi của Mỹ là một "con quái vật" (dinosaur), trước sau gì cũng tiêu vong, mà kế hoạch cứu vớt chỉ có công dụng kéo dài cái ngày tàn của nó.
Nói chung, không phải chỉ có các chính trị gia bảo thủ phe Cộng Hoà là chống lại kế hoạch cứu vớt mà có khá nhiều người dân cũng không hoàn toàn đồng ý vì nó đi ngược lại với tinh thần kinh doanh của một xã hội tư bản công bằng trong đó có việc "lời ăn lỗ chịu". Hơn nữa, lập luận cho rằng kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ gặp bất lợi hơn so với các nước khác vì những chi phí cao hơn — như đồng lương quá cao, và những phí tổn khác về thuế khoá và bảo vệ môi sinh — cũng không còn đứng vững vì về sau này, các hãng xe của Nhật cũng đã đầu tư máy móc và thuê mướn nhân công ở Hoa Kỳ để sản xuất, do đó coi như có cùng phí tổn với các hãng xe của Mỹ. Nếu như các hãng Toyota và Honda đặt cơ xưởng tại Hoa Kỳ và thuê mướn nhân công tại Mỹ để sản xuất ra những chiếc xe có hiệu năng cao và đem lại lợi nhuận cho các hãng này trong khi GM, Ford và Chrysler cứ tiếp tục gặp lỗ lã khiến cho nhà nước phải bỏ tiền ra để cứu vớt thì điều đó thiếu công bằng và là một hành động bao che cho những thành phần yếu kém, bất tài.
Những người ủng hộ cứu vớt thì đưa ra lập luận cổ điển khi nói đến kỹ nghệ xe hơi ở Mỹ là một ngành kinh doanh quá lớn đến mức mà chính phủ không thể để nó suy sụp được (too big to fail) vì hậu quả giây chuyền tai hại hơn nhiều một khi ngành này bị sụp đổ. Đây là lập luận chính vì sao chính quyền Bush, tuy theo chủ thuyết kinh điển của đảng Cộng Hoà là không muốn chính phủ nhúng tay can thiệp vào thị trường, cuối cùng đã phải nhanh chóng thông qua những chương trình tốn kém trong thời gian qua — như kế hoạch bảo trợ cho Fannie Mae và Freddie Mac, cứu nguy công ty bảo hiểm AIG, và kế hoạch cứu vớt 700 tỷ Mỹ-kim để mua lại các món nợ xấu — là vì lý do nếu không cứu nguy các đại công ty tư bản trên Wall Street và để bị phá sản thì hậu quả giây chuyền sẽ khiến cho cả nước bị khánh tận theo.
Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Center for Automotive Research tại Ann Arbor, tiểu bang Michigan, thì ba đại công ty xe hơi của Hoa Kỳ sử dụng tổng số nhân công lên đến 240,000 người trong năm qua. Thế nhưng, nếu kỹ nghệ này bị sụp đổ, thì hậu quả tai hại sẽ ảnh hưởng lên một cộng đồng dân số to lớn gấp nhiều lần hơn số nhân công này. Nếu như người ta phải cộng thêm nhân công của các hãng xưởng khác có dịch vụ chính là cung cấp đủ loại phụ tùng linh tinh và cần thiết khác cho quy trình sản xuất, thì con số nhân công liên hệ sẽ lên đến khoảng 1,2 triệu người. Nhu cầu sinh sống và tiêu thụ của 1,2 triệu người này cũng đã giúp cho khoảng 1,7 triệu người khác có công ăn việc làm trong nhiều ngành đa dạng như hàng quán, tiệm buôn, nhà cửa, trường học, và đủ loại dịch vụ như y tế, nhà băng, chưa kể đến nhiều dịch vụ công quyền để phục vụ cho số lượng lớn nhân mạng. Do đó, người ta có thể kết luận rằng kỹ nghệ xe hơi sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của khoảng 2,9 triệu người. Nếu như ngành này sụp đổ, tỉ lệ thất nghiệp trên nước Mỹ đang từ mức 6,5% có thể nhanh chóng nhảy vọt lên mức 10%.
Thế nhưng, một kế hoạch cứu nguy bằng cách bỏ tiền ra để trợ giúp cho các đại công ty xe hơi này cũng không phải là chuyện dễ, ấy là chưa kể đến cái phí tổn rất tốn kém. Đa số các chuyên gia đều cho rằng các kế hoạch cứu nguy đều phải đi kèm với những điều kiện để cải tổ lại hệ thống làm việc trong ngành này, trong đó có việc dẹp bỏ những hệ thống sản xuất xe không ăn khách hoặc không có lời, đóng bớt nhiều hãng xưởng, sa thải bớt nhân công, cắt giảm bớt tiền lương và chi phí bảo hiểm sức khoẻ quá tốn kém v.v. . . Điều trớ trêu của kỹ nghệ xe hơi là việc đóng cửa bớt các cơ sở sản xuất cũng như cắt bớt nhân công cũng phải trả một cái giá rất đắt. Các chuyên gia của ngân hàng Deutsche Bank đã ước tính rằng chỉ riêng hãng GM cũng đã phải tốn khoảng 12 tỷ Mỹ-kim để trang trải cho chi phí cắt bớt nhân viên (khi trả lương đền bù) và bồi hoàn cho nhiều đại lý bán xe phải dẹp tiệm vì số lượng xe sản xuất giảm bớt. Trong quá khứ, ban giám đốc GM đã phải tìm cách chi ra một món tiền khổng lồ để dụ cho các nhân viên về hưu tự nguyện rút ra khỏi chương trình bảo hiểm y tế trọn đời, mà lúc xưa hãng đã hứa bảo đảm khi thuê mướn. Nhờ vậy, mà GM đã trút bỏ được một gánh nặng khoảng 50 tỷ Mỹ-kim trong tương lai mà không biết đào ở đâu ra để bù đắp.
Ngoài ra, cũng còn phải kể đến những khó khăn của chương trình trợ giúp này, liên quan đến những hy sinh đòi hỏi ở hai phía nhân viên và ban giám đốc. Phía các nghiệp đoàn thì có thể lạc quan với sự đắc cử của tân tổng thống Obama và do đó sẽ áp lực chính quyền tìm cách thúc đẩy các hãng GM và Ford bớt sản xuất xe tại các lò sản xuất bên Mễ Tây Cơ, để giúp cho nhân công tại Detroit có thêm công ăn việc làm. Bù lại, phía nghiệp đoàn cũng phải chịu tương nhượng để chấp nhận việc thuê mướn những nhân công mới với đồng lương rẻ hơn (khoảng 14 đồng một giờ thay vì gần 30 đồng như lúc trước), và những quyền lợi về bảo hiểm giới hạn hơn, thay vì rộng rãi và lâu dài hơn như trong quá khứ. Dĩ nhiên, việc nhà nước bỏ tiền ra để cứu trợ cũng sẽ đòi hỏi các công ty được trợ cấp này phải chịu một sự kiểm soát nào đó trong việc điều hành, thay vì được quyền tự do kinh doanh như lúc trước, cũng như tha hồ chia chác quyền lợi hoặc lương bổng quá đáng cho các thành viên trong ban giám đốc.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu cái giá để cứu vớt cho kỹ nghệ xe hơi có đáng để cho chính quyền (và người dân thọ thuế) phải nhọc lòng ra tay hay không? Nói một cách khác, liệu các hãng GM, Ford và Chrysler có đáng để được cứu nguy hay là để nó tuân theo quy luật của thị trường tự do, và nhiều phần là sẽ đi đến suy sụp. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người tranh luận để bảo vệ cho hai khuynh hướng này. Những người chủ trương theo tinh thần của tư bản chủ nghĩa đích thực thì cho rằng thị trường tự do là sẽ cơ chế công bằng nhất để quyết định việc kinh doanh, và chuyện thành hay bại là những kết quả mà mọi người đều phải chấp nhận từ trước khi nhập cuộc. Những người khác thì có lập luận rằng chính phủ phải có vai trò kiểm soát hay can thiệp vào nền kinh tế chung để bảo đảm cho một tình trạng ổn định và khả quan chung cho đa số.
Cuối cùng, cho dù kỹ nghệ xe hơi ở Mỹ có được cứu vớt hay tiêu vong, thì người dân thọ thuế cũng sẽ là thành phần nhận lãnh cái gánh nặng đến hàng chục tỷ Mỹ-kim này, dưới nhiều dạng khác nhau: từ việc chính phủ mất thu nhập từ tiền thuế (khi hãng xưởng đóng cửa) cho đến việc trang trải thêm trợ cấp thất nghiệp (khi nhân công mất việc tăng cao) cho đến việc bảo kê cho những món nợ về hưu bổng cho các nhân công đã về hưu.
Câu hỏi mà chính phủ, nhất là sau ngày ông Obama lên nắm quyền, sẽ phải quyết định là chúng ta — người dân đóng thuế — sẽ phải đóng tiền để trang trải cho sự sống còn của kỹ nghệ xe hơi hay là để lo cho chuyện tang ma của nó.
Mai Loan
No comments:
Post a Comment