Sunday, December 14, 2008

BÁO ĐỘNG VĂN HOÁ ĐỌC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Văn hóa đọc ở ĐBSCL : Rung chuông cảnh báo
Chủ nhật, 14/12/2008, 01:53 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2008/12/175073/
Những nhà văn nhà thơ Nam bộ nào bạn biết? Trong 100 phiếu phát ra có 30 sinh viên Đại học Cần Thơ tham gia. Phiếu trắng chiếm đa số, rất ít câu trả lời nhưng cho kết quả đáng buồn (nhà văn: Nam Cao; nhà thơ: Xuân Quỳnh). Trong 17 phương tiện/kênh truyền thông tiếp cận công chúng, báo chí chỉ đứng thứ 6, internet đứng thứ 13.

Hụt hẫng văn hóa đọc

Ở xã vùng sâu Thới An Hội (Kế Sách, Sóc Trăng) có nông dân Nguyễn Văn Nhung lập thư viện, sưu tầm trên 1.000 bức ảnh và bài viết về Bác Hồ. Ở ấp Mỹ Tây thị trấn Mỹ Thọ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) có thư viện miễn phí của bà Nguyễn Thị Trang với trên 1.500 đầu sách đón hàng chục bạn đọc mỗi ngày. thư viện tư nhân còn có ở Bến Tre, An Giang…
Vô nhà bà Trần Thị Linh Chi ở đường Trần Hoàng Na, TP Cần Thơ, dân văn chương “choáng” vì tủ sách gia đình. Hàng trăm cuốn sách quý, bìa bọc láng o xếp ngăn nắp trong tủ kiếng. Xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền, Cần Thơ) trích kinh phí mua hơn chục đầu báo, đưa về tận ấp. Hội báo xuân hàng năm tại Thư viện Tổng hợp TP Cần Thơ (có hơn 60.000 bản sách, trên 5.000 bạn đọc làm thẻ) trở thành ngày hội văn hóa với hàng trăm đầu sách báo, tạp chí xuân, thu hút hàng ngàn bạn đọc…
Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Cần Thơ ra 3 tờ báo (in) cùng báo mạng Cần Thơ Online bằng tiếng Khmer. Báo SGGP bản tiếng Hoa được cộng đồng người Hoa tại TP Cần Thơ, Sóc Trăng… đặt mua dài hạn. 100% chùa ở Cần Thơ có tủ sách. Hầu hết những ngôi chùa ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã có tủ sách pháp luật. Văn hóa mạng cũng khởi sắc mấy năm gần đây. Website vannghesongcuulong.com chuyên về văn hóa nghệ thuật của Ban liên lạc Hội Nhà văn tại ĐBSCL mới ra mắt nhưng đã đạt con số trên 5 triệu lượt truy cập.
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu cho thấy văn hóa đọc ở ĐBSCL vẫn còn nhiều trăn trở. Giảng viên môn Ngữ văn Đại học Cần Thơ Lê Đình Bích cho biết: Khảo sát hơn 200 sinh viên năm thứ nhất khi ra đề “Bạn hãy bình luận một tác phẩm văn chương, khoa học mà bạn yêu thích” thì trên 80% chỉ quanh quẩn trong các bài văn của chương trình THPT. “Chứng tỏ các em học văn chương mang tính đối phó, chưa mở rộng kiến thức, chưa tiếp cận nhiều với văn học hiện đại.
Đây lại là những “tinh hoa” của khu vực bởi điểm thi vào khoa này khá cao, thường trên 20 điểm. Văn hóa đọc ĐBSCL đang đứng ở đâu? Cần có một cuộc khảo sát xã hội rộng rãi nhưng lẽ ra chuông phải rung lâu rồi”. Cô Ngọc Tuyết, hơn 30 năm dạy văn ở một trường điểm Cần Thơ, nhận xét: “Số đông học sinh THCS, THPT cảm thấy ngại chạm vào cuốn sách nào... nhiều chữ, chỉ thích đọc truyện tranh, vào internet, chơi game”. Cách học, cách ra đề và chấm thi theo những đáp án cụ thể đã buộc học sinh phải học thuộc lòng, triệt tiêu cảm hứng, thiếu sự sáng tạo.
Trong 17 hình thức/phương tiện truyền tải thông tin thì người dân nhận thông tin nhiều nhất là qua ti vi, qua người dân khác, loa phóng thanh địa phương, radio và các lớp tập huấn nông nghiệp. Báo chí chỉ đứng thứ 6, internet xếp thứ 13! Hệ thống thư viện không thấy xuất hiện trong bảng thống kê (?). Nhưng “mức độ đáp ứng thông tin cho người dân rất hạn chế”… Đó là kết quả khảo sát tại 26 xã đại diện 13 tỉnh thành trong khu vực (tháng 7, 8-2007) do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ tiến hành.
Có thời, những người con gái con trai lao vào cuộc chiến vệ quốc đầy khốc liệt còn mang trong mình Thép đã tôi thế đấy, Giamalia, Núi đồi và Thảo nguyên, Phục sinh, Chiến tranh và hòa bình, Không gia đình, Dế mèn phiêu lưu ký, Sống như Anh… Văn hóa đọc đã chuyển hóa cho họ, nhân lên trong họ tình yêu quê hương đất nước, con người; nhận biết đúng sai, bồi bổ Chân Thiện Mỹ… thời đó dường như đã xa lắm.

Để phát triển văn hóa đọc


“Áp lực thời gian rất lớn” - lãnh đạo một tỉnh ở ĐBSCL bảo vậy khi đề cập đến “văn hóa đọc”. Cán bộ thì bận họp liên miên, nông dân quay quắt với “trồng chặt, chặt trồng”, học sinh thì quá tải với chương trình học. Bao trùm lên các yếu tố khách quan đó vẫn còn là tâm lý ngại đọc, lười đọc, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng sâu xa hơn, đâu chỉ có vậy.
Có thực mới vực được… đọc. Càng nghèo sẽ càng “thất đọc”, bởi trong suy nghĩ của họ, cái cần lo trước mắt là cải thiện “miếng cơm manh áo”, không dám “xài sang”; chưa thiết yếu bởi năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của vùng vẫn còn 12,85%; chênh lệch giữa hai nhóm thành thị và nông thôn ở hai cực có thu nhập cao nhất và thu nhập thấp nhất là 8,35 lần.
Văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe - nhìn lấn át nhưng tự cá nhân sẽ cân bằng khi giáo dục được nâng cao. Cái nền của văn hóa và văn hóa đọc chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục, mặt bằng dân trí. Tiếc thay, hai vấn đề cốt tử đó lại là “Gót chân Achilles” của “vựa lúa”. Chỉ cách đây 3 năm vùng này còn khoảng 38,9% người nghèo mù chữ và chỉ có khoảng 40% là tốt nghiệp cấp 1; trình độ học vấn thấp rõ ràng là một rào cản rất lớn đến với văn hóa đọc… Văn hóa đọc phải được khởi nguồn, hình thành thói quen từ nhỏ nhưng phần lớn giáo viên dạy tiểu học ở ĐBSCL trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hiếu học đã là truyền thống của người dân Việt. Con người từ việc đọc sách mà tự đào tạo mình dồi dào năng lực, trở thành con người văn hóa.
Giáo dục là nhân, văn hóa là quả. Trong môi trường hội nhập, trách nhiệm của gia đình, nhà trường càng nặng nề hơn nữa. “Khi giáo dục được nâng cao, hình thành một “xã hội học tập”, văn hóa đọc sẽ phát triển trong 10 - 15 năm nữa” - nhà thơ Lê Chí, Trưởng ban Liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, đã nói như vậy và phân tích thêm: Sách phải đề cập đến đề tài nông thôn, vấn đề xã hội, nhân sinh nhiều hơn và cũng nên chú ý tới tính “phân vùng” trong ngôn ngữ (sách giáo khoa cần có “phần mềm” cho từng vùng, thể hiện bản sắc đa dạng của ngôn ngữ địa phương).
“Sách hay cho vùng khó” do sachhay.com khởi xướng, dự án “Tủ sách dành cho xã, phường, thị trấn” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, mở thêm phòng đọc sách cho thiếu nhi của Nhà sách Phương Nam... là những sáng kiến góp phần định hướng thói quen, hình thành văn hóa đọc rất tích cực. “Xã hội hóa” phong trào mua sách báo đưa về vùng nông thôn là sự sẻ chia đầy đạo lý đối với nông dân và con em của họ - vốn chịu nhiều thiệt thòi trước các tiến bộ xã hội. Hy vọng trong nay mai, việc văn hóa mạng phát triển sẽ lấp được khoảng cách địa hình và góp phần nâng cao dân trí.

---------------------------

Đầu năm 2008, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ (Viện KHXH Nam bộ cũ) đã phát ra 800 phiếu điều tra khảo sát xã hội khá quy mô về “Hiện trạng đời sống văn hóa ĐBSCL từ năm 2000 trở lại đây”. Kết quả chưa được công bố nhưng theo một cộng tác viên của dự án: “Chỉ 3 câu hỏi dành cho gần 100 người, trong đó có 30 sinh viên Đại học Cần Thơ đã cho kết quả khá “sốc”: 1- Hãy kể những tác phẩm văn học bạn đã đọc gần đây? Đa số để phiếu trắng. 2- Những nhà văn nhà thơ Nam bộ nào bạn biết? Chỉ một số rất ít trả lời, nhà văn: Nam Cao; nhà thơ: Xuân Quỳnh. 3- Bạn có biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư? Đã đọc “Cánh đồng bất tận”? Kết quả: Có nghe nói. Chưa đọc!

Vũ Thống Nhất


No comments:

Post a Comment