Saturday, December 6, 2008

BẮC TRIỀU TIÊN - MỘT NGÀY DƯỚI MẶT TRỜI THẾ KỶ

Một ngày dưới mặt trời thế kỷ
Đỗ Kh.
Đăng ngày 5-12-2008
http://danchimviet.com/articles/657/1/Mt-ngay-di-mt-tri-th-k-1/TrangPage1.html
Anh hướng dẫn bắt đầu cất tiếng hát. Dù không có nhạc đệm, giọng của anh ấm và ngọt ngào làm tôi phải ngạc nhiên, tương phản với lúc anh diễn thuyết gay gắt và đanh thép. Bài ca là một bài dân gian quen thuộc, quen thuộc với người Hàn quốc của cả đôi miền nên mọi người trên xe vỗ tay theo nhịp và có người cất giọng hát theo.
Tôi thì không hiểu gì cả lúc anh nói cũng như không thuộc lúc anh ca.

Trên chuyến xe 40 người lẻ này mọi người đều là Triều Tiên trừ cha con tôi ra. Mọi người đều là Nam Triều Tiên, trừ hai anh hướng dẫn mới lên xe sau trạm ngừng ở biên giới. Họ là thành phần hướng dẫn địa phương, tức là Bắc Triều Tiên, và đoàn xe chúng tôi mười chiếc từ hơn một tiếng đang di chuyển trong lãnh thổ của quốc gia này, trực chỉ hướng cố đô Khai Thành (Kaesong) từ trạm kiểm soát Dorasan trong vùng Phi Quân Sự.

“Những gì lãnh tụ kính yêu ước muốn thì nhân dân chúng tôi thực hiện”. Nguồn:
www.enlight.ru
http://www.danchimviet.com/content_images/2/dprk_alex_722_000006.jpg

Đặt chân đến Bắc Hàn là một hoài vọng lởn vởn trong tôi từ lâu, chẳng qua là vì trong những năm về trước, đây là chuyện hương xa còn khó thực hiện hơn là đi thăm Nam Cực và cho đến gần đây, thành phần thuộc “Trục của tội ác” này vẫn là nước ít người ngoài viếng nhất thế giới. Đây là nơi (nam) chủ tịch có mái tóc chải bồng hơn bà ngoại trưởng Madeleine Albright, và đi giày cũng cao gót hơn theo lời bà kể lại sau một lần diện kiến [1]. Nếu Al Gore là người phát minh ra xa lộ thông tin internet thì Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) phải là người phát minh ra vi tính!

“Những gì lãnh tụ kính yêu ước muốn thì nhân dân chúng tôi thực hiện”, như khẩu hiệu khắc trên sườn núi khẳng định, ông là „Mặt trời thế kỷ thứ 21”.

Năm 1998, chủ tịch tập đoàn Hyundai (Hiện đại), ông Trịnh Châu Vĩnh (Chung Ju-Yung và không có bà con gì với nhạc sĩ Chung Công Sơn), chính thức là dân sự đầu tiên của Nam Hàn được sang thăm, đúng hơn là được trở về thăm (chứ không phải bị bắt cóc), quốc gia bí hiểm và huyền hoặc này. Mười năm sau khi ông dẫn 1001 con bò sang sông nghe buồn tiếng hạt chuông tại vùng Phi Quân Sự[2], đã có cả triệu du khách Nam Triều Tiên theo gót ông mà vượt giới tuyến để thăm phần bắc của tổ quốc.

Khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) được thành lập vào cùng năm, lúc đầu chỉ đạt được bằng đuờng biển, vào năm 2004 mới có thể dùng đường bộ. Đây là một khu du lịch trong khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, tuy nằm trên phần đất Bắc Triều Tiên nhưng hoàn toàn biệt lập, ai lăm le hay vô tình đi lạc ra ngoài khu vực ấn định bị
bắn chết ráng chịu.

Ngay cả nhân viên địa phương, ngoài thành phần quản lý hẳn là phải trung kiên với thuyết Chủ Thể (Juche) của tiên sư nhân (tức là bố) ông Kim Chính Nhật, thành phần phục vụ là lại Hàn kiều Trung Quốc chứ không phải công dân Bắc Hàn. Nói gọn, đây là du lịch thắng cảnh chứ không hề được tiếp xúc hay thấy đến bóng dáng của một người thường dân, tuy đây là một bước lớn trong việc thông thương giữa hai miền.

Trước đó, Bắc Hàn chỉ có thể nhìn từ xa, nghĩa là qua kính viễn vọng khi theo các tour thăm khu Phi Quân Sự. Khu vực ngưng bắn tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), được thấy mặt binh sĩ miền Bắc không cho công dân (dân sự) Nam Hàn đến, nếu là công dân Việt Nam (và 43 nước khác) thì phải xin phép trước một tuần, chưa nói đến chuyện ai cũng phải y phục chỉnh tề[3]. Từ vài năm trở lại, còn có một cách khác để không những nhìn mặt công an Bắc Hàn mà còn được các vị này tận tình xem xét giấy tờ và hành lý là qua ngả Bắc Kinh. Bắc Hàn bắt đầu sự nghiệp đổi mới bằng cách nhận khách nước ngoài sang xem diễn các tuồng vĩ đại
mass games. Năm nay, vì Bắc Kinh có Thế Vận Hội nên lại gặp trở ngại. Trung Quốc lúc đầu không cấp chiếu khán nhiều bận (multiple visa), có nghĩa là người nước ngoài sang Bắc Kinh thì dễ, nhưng ra khỏi rồi (để đi Bình Nhưỡng- PyongYang) thì khó mà trở về. Đây là một trở ngại lớn, vì đến và ra khỏi Bắc Hàn chỉ có ngả Trung Quốc và đi thăm Bắc Hàn thì có lắm người muốn nhưng phải ở lại luôn thì tôi chắc chẳng có ai. Đến khi Trung Quốc đổi chính sách chiếu khán và tôi cầm trên tay visa ra vào nhiều bận có hiệu lực một năm thì đối với tôi đã quá trễ. Các tour xem mass games mỗi năm chỉ có vài ba chuyến vào những ngày tháng nhất định và phải đặt đơn trước hai tháng để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Cũng vì thế, theo công ty du lịch Koryo, số người Mỹ từng đặt chân đến đây cho tới giờ dưới một ngàn người, hẳn tương đương với số người Bắc Hàn thành công trong việc đào thoát khỏi nước[4].

Thế nào, thì cũng không có xứ sở nào xứng đáng hơn là Công Hòa Dân Chủ Triều Tiên với cụm từ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, và đây cũng là một hấp lực với du khách trên thế giới, xem nước này như là “hoa hậu” của thâm cung và kín cổng cao tường.

Vào tháng 12 năm ngoái, công ty Hyundai đạt một thành công mới trong việc “thống nhất” bán đảo, là mở đường du lịch trong ngày sang Khai Thành, cách biên giới 60 km về phía Bắc. Tại vùng biên giới này, trước đây Hyundai đã thiết lập được khu chế xuất, với 7.000 lao động miền Bắc và 1.000 nhân viên miền Nam. So với Kim Cương Sơn rừng núi, thì Khai Thành là một thành phố, và là thành phố đầu tiên của Bắc Hàn hé cửa cho quần chúng Nam Hàn và nước ngoài.

Sĩ quan quân đội tại vùng "Phi Quân Sự" Nguồn: www.enlight.ru
http://www.danchimviet.com/content_images/2/dprk_alex_2.jpg

Tôi có hai tuần để hối hả đặt đơn và làm thủ tục qua
Gonseekorea, công ty tổ chức du lịch tại Hán Thành, rất đắc lực trong mọi dịch vụ (cho gửi lời chào Chelsy). Bạn cần hai tuần trước, scan ảnh và sổ thông hành, điền đơn theo kiểu bắt buộc phải tẩn mẩn mà ai từng về (hay từng ở) Việt Nam trước thập niên 90 đều có dịp kinh nghiệm đến khó chịu, thì cũng là một dạng viết tờ tự thú, tự khai. Sau đó, đến ngày khởi hành ở Hán Thành (Seoul), bạn chỉ việc có mặt đúng giờ ở điểm hẹn. Đây chẳng có gì là khó khăn, từ 9 tháng nay, mỗi tháng có 5.000 hay 7.000 người mà tuyệt đại đa số là công dân Nam Hàn, đã từng đi trước để thám hiểm dọ đường.

Khó nhất, đối với tôi, vẫn là phải dậy sớm.

Lần này, mặc dù phải thúc thằng bé, kéo thằng lớn, cha con tôi vẫn có mặt sớm được 10 phút tại xe buýt đón trước càfé Twosome Place, cách tiệm cơm Ý Wood & Brick 20m sau khi ra khỏi lối số 6 của trạm Quang Hoá Môn (Gwanghwamun) trên đường tàu điện ngầm số 5 và băng thẳng ngang đường (các tên quán nước ngoài này là nhã ý của Gonsee để khách không biết đọc Hàn ngữ còn định hướng được). Đến sớm 10 phút thường thì tôi đã coi là một thành tích cá nhân, ở một thành phố toàn những biển chỉ dẫn tây không ra tây và tàu chẳng ra tàu thì là một kỳ công, còn lôi được hai con theo thì là một phép lạ. Tôi ngồi phịch ra trên băng cuối nhưng không vật ra mà ngủ được vì còn phải kiểm điểm lại trên người và trong hành lý các vật dụng không được phép mang theo sang biên giới.

Danh sách này thơ mộng kiểu Prévert và cho ta một ý niệm sơ khởi về chế độ bên kia giòng Lâm Tân (Imjin) trầm lặng. Khách không được mang theo máy vi tính xách tay, điều này dễ hiểu vì Khai Thành chưa có quán Starbucks và Hot Spot WiFi nối mạng. Nhưng Khai Thành vì gần biên giới nên bắt được sóng di động thành thử cấm mang điện thoại, đồng thời cũng cấm luôn pin điện thoại và máy sạc điện thoại, lỡ ai có dấu được máy nào chui mà không được tiếp tế pin thì cũng khỏi liên lạc được với bên ngoài (tôi không thấy cấm thẻ di động cào-số đẹp- đây là một sơ xuất của ngành phản gián). Máy nghe nhạc MP3 thì không cấm, nhưng nếu máy bạn có khả năng thu âm thì lại không được. Tuy vậy lại không cấm video thu hình (và tất nhiên thu được cả âm), chỉ giới hạn là ống kính zoom không dược quá 15 lần. Máy chụp hình (ngày nay là máy số, thu được cả âm lẫn cả video) thì không được quá tương đương với lại 160 mm, tức là chỉ có khoảng 4,5 lần. Ống nhòm, dụng cụ hành nghề của mọi điệp viên tự trọng, thì OK nhưng giới hạn ở mức 10 lần. Tất nhiên, tài liệu in ấn, báo chí và sách vở thì cấm tuyệt, một trang cũng không cho phép.

Quay phim chụp ảnh theo một luật hết sức là đơn giản, cái gì không cho phép thì không được ghi hình, có nghĩa là chỉ được ghi những chỗ đã ấn định, ngoài ra cấm hết: phong cảnh Bắc Triều Tiên, nhà cửa Bắc Triều Tiên, công dân Bắc Triều Tiên, trời mây Bắc Triều Tiên cũng không được ghi hình trong khi xe chuyển động. Nói tóm lại, thiếu nữ Bắc Hàn tắm suối thì được xem, được xem bằng ống nhòm X10 trở lại, nhưng không được ghi hình. Lại gần và trao đổi, không thấy nói là cấm nhưng Hyundai Asan đề nghị không nói chuyện chính trị (cô nghĩ gì về các ứng cử viên Hoa Kỳ hay nghĩ gì về lãnh tụ yêu quý), chuyện quân sự (đường hầm chuyển quân sang Nam Hàn còn mấy cái nữa chưa phát hiện), không nói chuyện kinh tế hay xã hội, tức là chỉ có thể nói chuyện bâng quơ. Kiểu hôm nay trời đẹp mà mắt cô cũng đẹp, mây trôi và làn tóc cũng trôi, cô có cần tôi đưa khăn lông cho hay lau hộ người, thì mới tránh được mọi rủi ro cho cả đôi bên.

Tôi nói đến tắm suối, vì thác Phác Uyên (Pakyong), một trong ba thác được coi là đẹp nhất bán đảo nằm trong chương trình thăm viếng.

Nhưng trước khi đến bên bờ thác được thì phải qua khu vực quân sự mà lại được gọi là khu Phi Quân Sự. Cách Hán Thành có độ nửa tiếng là kẽm gai bên giòng Lâm Tân chằng chịt, điếm canh, đèn rọi. Xe vào vùng phải di chuyển chậm lại theo chữ chi và ngừng lại ở một cổng gác. Một anh quân nhân Nam Hàn leo lên xe, mũ giáp gọn gàng và súng trường nội hóa Đại Vũ (Daewoo) trên lưng, băng đạn cài nhưng cũng cài chốt an toàn. Anh lịch sự nghiêm chào mọi người và nói gì cũng rất lịch sự mà tôi không hiểu, nói xong lại nghiêm chào và đi xuống[5]. Bởi một trùng hợp lịch sử, Sư đoàn giới tuyến Nam Hàn cũng là Sư đoàn 1 và phù hiệu cũng cùng một mẫu y chang Sư đoàn 1 miền Nam Việt Nam trước đây. Trùng hợp lịch sử này là cả quân đội Nam Hàn và Nam Việt Nam đều do Hoa Kỳ đỡ đầu, trang bị cố vấn và tổ chức trong cùng một giai đọan, khác biệt có chăng ở chỗ Phác Chính Hy xuất thân từ quân đội Nhật Bản và Nguyễn văn Thiệu từ quân đội Pháp. Loằng ngoằng một lúc nữa, quanh co giữa những chông cản thiết giáp sơn phết sáng lóang màu vàng và đen cho dễ nhận, thì đến cửa khẩu Đô La Sơn (Dorasan).

Đô La Sơn là một giấc mơ, không phải là giấc mơ một núi tiền USD mà là giấc mơ một Hàn Quốc nếu không thống nhất thì cũng thông thương. Đây là cửa khẩu đường sắt và đường bộ nhưng hiện thời nhà ga hành khách lau chùi sạch sẽ được bỏ không, biển tàu chạy đề tượng trưng hướng đi Bình Nhưỡng (205 km) và Hán Thành (50 km). Ga hành khách này để đó, nhân viên chắp tay sau đít qua lại và Quân Cảnh Nam Hàn đứng tấn để thiên hạ chụp ảnh, trong khi chờ đợi ngày nào đó họat động, có tàu khách đi dọc Triều Tiên theo bánh con tàu quay. Hiện thì mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu hàng qua biên giới, nối Nam Hàn với lại Khu Chế xuất Khai Thành.

Phía nhà ga hành khách đường bộ thì có tấp nập hơn, nhân viên hướng dẫn của Hyundai mặc đồng phục lùa khách từ xe xuống vào khu làm thủ tục. Bốn hay sáu bận một tuần, du lịch Khai Thành tập thể là một đoàn trên dưới mười xe buýt 40 chỗ ngồi.

Hàn Quốc có lẽ là nước Đức của Đông Á cho nên chỉ sau 10 phút là mọi người được phân phát đầy đủ giấy tờ. Ausweiss tùy thân này là một cái túi nhựa to bằng bàn tay, ai nấy phải đeo lủng lẳng trước ngực. Bên trong chứa sổ thông hành hay là giấy chứng minh, bản đồ và hướng dẫn nhưng cả hai mặt ngoài đều có ảnh và lý lịch của đương sự. Đây là lần đầu tôi thấy thẻ an ninh cả hai mặt đều có hình, chắc là tại một viên chức Bắc Hàn nào đó lo xa, lỡ có tên tay sai Đế Quốc nào mánh mung quay ngược túi đeo lại thì làm sao mà nhận diện (tuy theo tôi thì chắc ăn là phải bắt mọi người đeo cả thẻ trên lưng, đây là sơ xuất thứ nhì của các chiến sĩ công an bảo vệ Chủ thể tư tưởng). Phần lớn các du khách người Nam Hàn nên phải xếp hàng trước quày đổi tiền vì Bắc Triều Tiên chỉ nhận USD để thanh toán các việc mua bán lặt vặt chứ không nhận tiền won của miền Nam (hẳn là vì nhà nước in giấy 100 USD giả không kịp). Thủ tục xuất cảnh Nam Hàn nhanh và gọn nhưng ấn tượng đầu tiên khi nhập cảnh một nước bao giờ cũng là công an cửa khẩu của nước này.

Phòng nhập cảnh của miền Bắc to đùng, năm hay mười quày có máy quang tuyến kiểm soán hành lý và máy dò vũ khí, trước mỗi quày đều có nhân viên của Hyundai chỉ dẫn và giúp đỡ du khách một cách hiệu năng cho chóng mà xong phần qua ải này. Các tướng trấn ải Bắc Hàn ai nấy đều mặt mày nghiêm trọng, từ hành lang trên lầu lại có năm ba xếp lớn đứng canh chừng họ thi hành công vụ ra sao, lỡ có kẽ hở nào tình báo địch có thể lợi dụng để xâm nhập các xếp còn chận đứng kịp thời.

Nói đại khái, không khí này căng thẳng có phần hơn là cửa khẩu Việt Nam tôi từng biết vào 20 năm trước đây, với một khác biệt lớn, là ở đây tuyệt đối không có chuyện tiền trà nước cho vui, mọi dấm dúi thì Hyundai Asan hẳn đã lo từ trước, ở một cấp độ khác. Công việc kiểm soán này đắc lực, tôi giật mình khi thấy hồ sơ lý lịch có ảnh của tôi đã nằm sẵn trên quày, có nghĩa là Hyundai phải nộp trước một bản cho công an, khi tôi đến vị này phải so với bản tôi cầm tay xem không có sai lệch, ba mặt một… hình, thì mới đóng dấu cho vào. Nhiệm vụ ngăn ngừa của các chiến sĩ hải quan cũng đắc lực không kém, máy ảnh nào cũng được họ tận mắt dò cẩn thận xem đầu kính có quá 160mm hay không, mp3, wma có thu được nói chuyện hay là chỉ có hiệu năng phát nhạc rập rình.

Thoát ra đến ngoài tôi đã tưởng là dễ thở thì đâm vào ngay một ông công an đeo súng, mặt hầm hầm đang la hét các xe buýt trên bãi đậu. Hàn Quốc, Nam cũng như Bắc vì đây là bản sắc dân tộc đậm đà, vốn rất trật tự và trật tự trong cả lưu thông. Các xe chở khách, ở đây cũng như ở những lần khác tôi có dịp nhận xét, mang số bao nhiêu thì tự động đỗ vào vị trí theo thứ tự, có nghĩa là xe số 001 thì đỗ đầu, xe số 007 thì dù có The name is Bond, James Bond, thì cũng phải đỗ sau xe 006 trên bãi. Chính vì thế mà các xe ở đây đang phải lùi tới, tiến lên lòng vòng, khiến vị nhân viên công lực này mất bình tĩnh, thiếu điều rút súng ra bắn thị oai. Hay là đã vướng vào cái nghiệp công an thì khi thi hành công vụ là phải hét, chỉ khi nào về nhà mới được phép nở một nụ cười dễ thương mình ơi hôm nay thế nào em có mệt không. Tôi không biết, nhưng thế cũng đủ làm tôi sợ, tôi nhìn ra xe của tôi là tôi phóng thẳng lên chứ chẳng dám đi chầm chậm để quan sát cảnh vật hay là cảnh sát. Lên được đến xe ngực tôi vẫn còn đập thùng thùng, may là ông ta chỉ mang súng ngắn chứ ông mang tên lửa RPG 7 thì dù có lên xe bọc sắt tôi vẫn sẽ còn sợ.

Tôi đặt đít xuống ngồi và như vậy là (đặt đít xuống ngồi) trên lãnh thổ của Bắc Hàn.

Kể xấu về Bắc Hàn thì cũng như khen hoa hậu eo thon, khen người mẫu chân dài và khen phò mã tốt áo. Nhưng trước hết, nếu có chuyện phân chia Nam Bắc này thì cũng chỉ tại một cái mắt liếc nghiêng thành. Đại diện Ấn Độ tại Ủy ban Tạm thời về Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, ông KPS Menon, đã vì nụ cười của một nhà thơ Marian Mo (Yun-suk) mà biểu quyết lệch cán cân khi phần Nam do Hoa Kỳ kiểm soát tổ chức
bầu cử riêng vào năm 1948, mặc dù các thành viên Canada và Australia đều chống đối (đại diện các nước này thì không được cắp mắt nào màu xanh bán đảo để ý đến). Bầu cử tại miền Nam vào thời điểm đó không bảo đảm được tự do và trong sạch như cuộc đàn áp Tế Châu (Jeju) 1948 cho thấy: 30.000 người bị giết trong số 300.000 dân trên đảo, ai bảo chúng mày làm loạn, đi bỏ phiếu lại không đứng thẳng hàng. Cuộc bầu cử riêng rẽ này thay vì tổng tuyển cử thống nhất, cũng là lý do khiến bán đảo bị phân chia cho đến ngày nay, nạn nhân không hàn gắn được của chiến tranh lạnh giữa hai trục.

Trong 60 năm kế tiếp (kể cả cuộc chiến ba năm và ba triệu người thiệt mạng), Bắc Hàn trở thành quốc gia kín cửa và cô lập nhất thế giới nhưng nếu đổ hết cho bố con ông Kim thì cũng tội. Bắc Hàn nếu ngày hôm nay vẫn là quốc gia cô lập nhất là bởi vì cho đến ngày hôm nay đó là quốc gia bị và hơi bị cô lập nhất thế giới.

Tên lửa Taepodong
http://www.danchimviet.com/content_images/2/Taepodong.jpg

Phần nội bất xuất thì đã có nhà họ Kim lo nhưng ngoại bất nhập là do Hoa Kỳ đảm trách một cách đắc lực và vậy thì đừng hỏi tại sao. Em hát thì anh đàn, không có đàn thì hát cũng thiếu cả hay, chưa kể là chủ thể chủ nghĩa tự lực khiến quốc gia này lạnh nhạt trong bang giao với cả khối Xã hội chủ nghĩa dù đại diện bởi láng giềng lớn Trung Quốc hay là láng giềng lớn Liên Xô. Tôi cóc cần. Tuy cóc cần ai hết, nói tương đối vì Bắc Hàn không thuộc vào khối nào gắn bó, tôi đứng đây hai tay thọc túi, vậy mà về mặt kỹ nghệ, nhất là kỹ nghệ quốc phòng và về mặt hạ tầng, Bắc Hàn đã có những thành công nhất định, mức phát triển cho đến đầu thập niên 60 cao hơn ở phía Nam. Mặt tiêu dùng thì ngược lại hơi bị chậm, đến nỗi không có màn hình mỏng, không có iPod, iPhone, không có X-Box, không có nội y Victoria’s Secret và không có đủ ăn tuy có bom nguyên tử (?) và tên lửa Taepodong bắn được vu vơ qua khỏi đầu Nhật Bản, nghe đâu là điều khiển bằng controller cầm tay của máy chơi game Playstation. Bắc Hàn không có chơi game trên màn hình, đã chơi là chơi luôn đầu đạn hạt nhân.

Sát ngay cửa khẩu là Khu chế xuất của tập đoàn Hyundai, hàng rào 3 mét và cổng ra cổng vào canh gác. Mỗi ngày có 7.000 công nhân Bắc Hàn đến đây lao động, dưới sự giám sát của 1.000 cai xếp Nam Hàn, nếu chính sách mở cửa này tiếp tục mà hé rộng thì các nhà máy may mặc và xoong nồi lỉnh kỉnh ở Việt Nam sẽ mất việc về tay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hé thêm tí nữa thì nông dân Nam Hàn sẽ khỏi phải sang tận nước ta mà tìm vợ xa vời, hẳn là nếu mà được cho phép thì khối các thiếu nữ miền Bắc sẽ theo chồng vào Nam mà nâng khăn và chăm bón nhân sâm (trồng nhân sâm ở tại khu vực Phi quân sự lợi tức hàng năm lên đến trên 100.000 USD). Tại vùng biên giới này, các nhà máy do Nam Hàn xây dựng đều sáng loáng, và mùi hương miền Nam phảng phất, ngay cả công an hay quân đội biên phòng gì đó cũng dùng xe hai cầu của Hyundai chứ không phải là Shangri hay Pyongsang cóp-pi của các mẫu UAZ, Beijing.

Được một khúc thì ra khỏi khu chế xuất và đoàn xe bắt đầu sang những con đường núi có hẹp hơn nhưng bảo trì rất tốt, như là ở một quốc gia nào đó phát triển. Cây cối xanh rờn và mùa hè Cao Ly rất đẹp, khiến thằng con tôi là đứa chẳng bao giờ nhìn mây mà làm thơ còn phải thốt lên là chưa thấy ở đâu cảnh đẹp bằng. Nhưng tôi sang Bắc Hàn là để xem người chứ không phải để thăm cảnh.

Về phần này (xem người) thì nhà chức trách hết sức là cẩn thận. Dĩ nhiên là đường lộ 50 cây số đến Khai Thành phải đi qua làng mạc và thôn xóm nhưng có chuyến đi này bạn mới biết thế nào là cuộc sống của các nguyên thủ quốc gia, nghĩa là cách xa quần chúng khiến quần chúng trở thành một khái niệm không mấy rõ ràng.

Trên xuốt 50 cây số này, chỗ nào có bóng dân cư là hai bên lộ công an hay an ninh dân binh dân phòng đủ lọai sắc phục đứng dàn trải hai bên lộ chờ cho đoàn xe chúng tôi đi qua, ngưng mọi họat động của dân chúng trên một chiều sâu 50 hay là 100 mét, trong những trường hợp bất khả kháng khi nhà cửa dân chúng các đường có 10 hay 20 thước thì các thường dân Bắc Hàn này phải ở trong nhà, chỉ thấy vài cái đầu lấp ló qua các cánh cửa. Các hương lộ, đường làng đất đỏ hay ngay cả đường mòn ven ruộng đều có vài vị cầm gậy hay đeo súng đứng cản, sau lưng họ ở đằng xa là dân chúng, giữ một khỏang cách tuyệt đối an toàn và nếu không ngăn nổi tính hiếu kỳ thì nhìn liếc và nhìn nghiêng chứ cũng không có ai nhìn thẳng, lỡ mà đăm đăm thì tối nay họp tổ bị phê bình, báo cáo tôi thấy ông A bà B hôm nay nhìn đoàn xe Nam Hàn đi qua mà trong khóe mắt có lộ vẻ thân thiện, thích thú hay là thèm muốn, đề nghị kỷ luật các đồng chí này và cắt sổ gạo vì mất lập trường.

Trên đường lộ thì tuyệt nhiên không có giao thông nào khác. Trừ các xe công vụ, chắc là đón đưa các chiến sĩ an ninh đóng chốt trên tất cả, xin nhấn mạnh là tất cả, tất cả các lối đâm ra lộ chính cho dù là lối vẹt lối mòn trên cỏ bề ngang rộng 50 phân. Một chuyến xe đò liên xã phải dừng lại bên đường nhường chỗ, ngoài ra là vài cái xe đạp xa xa, không thấy xe công nông xe máy, phần lớn là bộ hành nhưng áo quần tươm tất, các hộ dân cư, trường học, ủy ban huyện xã đều sơn phết sạch sẽ kiểu giấy rách giữ lấy lề và thể diện là tất cả. Tôi không hiểu có phải đây là bề mặt phô trương của chế độ kiểu Bắc Kỳ ăn cá gỗ và bên trong những căn hộ mới quét vôi hai ba năm trở lại này thì cuộc sống ra sao. Nhưng nhìn qua ở tốc độ 60 kilômét một giờ thì nhà ngói cây mít, khang trang hơn các làng xóm Việt Nam chẳng hạn về mặt xây dựng, có lẽ ngang với lại thôn quê Thái Lan nhưng dĩ nhiên có một vẻ gì đìu hiu như một thầy ký gìa lên áo sơ mi trắng màu đã bắt đầu sờn.
--------------------------------------
Các từ Hán-Hàn trong bài do Trúc-Ty chuyển sang Hán-Việt.
Ảnh khu vực Khai Thành của
Aleksey Novikovsky
[1] Bà Albright là người sau này khi được hỏi về chiến tranh phong tỏa Iraq của Saddam Hussein dưới thời Clinton và từng gây thiệt mạng cho vài trăm ngàn hay nửa triệu trẻ em- ai vào đó mà đếm, vả lại xác hài nhi để một đống rất khó đếm chính xác - đã trả lời đó là chính sách cần thiết. Vậy thì chưa hẳn ai đã gót cao và ai chải tóc bồng hơn ai, khác chăng là các ông Kim hay Hussein chỉ hại dân quốc gia các ông lãnh đạo còn ông Clinton và bà Albright vì lãnh đạo cả thế giới nên tầm tác hại xa hơn ?
[2] Khi trốn nhà ra đi vào năm 16 tuổi để tìm sinh kế tự lập, vị thiếu niên nhiều hòai bão này có mang theo một con bò của gia đình mà tất nhiên là không xin phép. 67 năm sau ông mới trả lại làng xưa cả vốn (1 con bò) lẫn lời (1000 con).
[3] Lực lượng Liên Hiệp Quốc làm khó không cho khách đầu tóc rối bù, khách mặc quần jean (rách hay bạc màu), quần hở đùi hay hở mông, áo hở nách hay hở rốn, dép hở… các ngón chân v.v.
[4] Từ 1953 đến 2005 ước lượng là 14.000, không kể con số lẩn trốn tại Trung Quốc, từ 60.000 đến vài trăm ngàn ? Năm 2006 là 1.500, 2007 con số là 2.500. Phải nói Việt Nam là địa điểm ưa chuộng nhất của người Bắc Hàn tị nạn, từ Bắc Hàn sang Trung Quốc và từ Trung Quốc lẻn sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng Nam Hàn có mặt rất nhiều ở nuớc ta http://en.wikipedia.org/wiki/North_Korean_defectors .
[5] Bởi một trùng hợp lịch sử, Sư đòan giới tuyến Nam Hàn cũng là Sư đòan 1 và phù hiệu cũng cùng một mẫu y chang Sư đòan 1 miền Nam Việt Nam trước đây. Trùng hợp lịch sử này là cả quân đội Nam Hàn và Nam Việt Nam đều do Hoa Kỳ đỡ đầu, trang bị, cố vấn và tổ chức trong cùng một giai đọan, khác biệt có chăng ở chỗ Phác Chính Hy xuất thân từ quân đội Nhật Bản và Nguyễn văn Thiệu từ quân đội Pháp.Vì tình trạng phân chia, Nam Hàn vẫn có chế độ quân dịch, thanh niên đến tuổi phải phục vụ hai năm, trên phố chiều cuối tuần áo bông nghỉ phép vẫn rộ cạnh n

© 2008 www.danchimviet.com

No comments:

Post a Comment