Tuesday, December 30, 2008

3 NĂM NỮA SÀI GÒN KHÔNG CÒN CHỖ NHÚC NHÍCH

Chỉ ba năm nữa, Sài Gòn không còn chỗ để nhúc nhích
Monday, December 29, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88792&z=157
Sài Gòn (NV) - Các chuyên gia về giao thông lại tiếp tục cảnh báo về viễn cảnh đen tối của tình trạng giao thông tại Sài Gòn. Những chuyên gia này cho rằng, nếu không giảm tối đa sự phát triển của các loại phương tiện giao thông cá nhân nói chung thì ba năm nữa, chúng sẽ “siết cổ” lĩnh vực giao thông.

Một tiến sĩ tên Phạm Xuân Mai, trưởng khoa kỹ thuật giao thông của Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn cho biết: “Mỗi năm, Sài Gòn có thêm 350,000-400,000 xe hai bánh gắn máy, 50,000 ôtô, một triệu xe đạp. Trung bình cứ 1.5 người có một xe cá nhân. Chỉ tính riêng xe hai bánh gắn máy. Theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi xe hai bánh gắn máy cần có khoảng cách an toàn ở trước - sau - hai bên hông, do vậy cần 12m2 đường, 3.6 triệu xe hai bánh gắn máy sẽ chiếm khoảng trên dưới 40 triệu m2 đường và chừng ba năm, Sài Gòn sẽ không còn chỗ để nhúc nhích”.

Ông Lê Quả, cựu giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Giao Thông Vận Tải, nhận định: “Ðây là hậu quả của những yếu kém trong quản lý đô thị. Các giải pháp chống kẹt xe được đề ra gần đây chỉ nhằm chống đỡ, theo kiểu giật gấu vá vai”.

Giống như nhiều đô thị khác ở Việt Nam, chính quyền thành phố Sài Gòn cũng đã từng đề ra vô giải pháp để giải quyết kẹt xe, kể cả những giải pháp hết sức cực đoan, phiến diện: Mỗi người chỉ được sở hữu một xe cá nhân, cấm xe mang biển kiểm soát của của các tỉnh vào Sài Gòn,... song không có giải pháp nào khả thi. Chính quyền thành phố Sài Gòn đang dự định áp dụng việc nâng thuế sản xuất xe để đẩy giá bán lên, thu phí môi trường, phí tắc nghẽn giao thông, xóa bỏ các bãi giữ xe ở khu vực trung tâm... nhằm kiềm hãm sự phát triển các phương tiện giao thông cá nhân nhưng không ai tin đó là giải pháp đúng.

Ngoài xe hai bánh gắn máy, ô tô cá nhân cũng đang là tác nhân khiến giao thông tại Sài Gòn bế tắc. Ông Lý Huy Tuấn, làm việc tại Viện Chiến Lược và Phát Triển Giao Thông Vận Tải, nhận định: “Các quốc gia đang phát triển đau đầu với xe hai bánh gắn máy, xe đạp, còn các quốc gia phát triển thì khốn khổ vì quá nhiều ô tô.”

Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định: Nếu chỉ hạn chế xe hai bánh gắn máy thì tới năm 2020, giao thông Sài Gòn cũng “lìa trần” vì kẹt xe ô tô.

Các chuyên gia tin rằng, cách giải quyết tốt nhất vấn nạn giao thông ở Sài Gòn là hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân bằng việc phát triển hệ thống vận chuyển công công. Người ta tính rằng, nếu đưa một nhóm người, tương đương lượng khách của một chiếc xe buýt lên xe buýt thì sẽ giảm được 8 lần diện tích mặt đường bị chiếm của nhóm người này, khi họ cùng điều khiển phương tiện giao thông cá nhân. Chưa kể còn giảm được 2.1 lần chi phí di chuyển, giảm 2.8 lần vốn đầu tư cho giao thông.

Trước mắt, Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn đề nghị: Thu mỗi xe hai bánh gắn máy tối thiểu là 10.000 đồng/tháng và thu mỗi xe ô tô tối thiểu 200,000 đồng/tháng để vừa nhằm hạn chế sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân, vừa giúp Sài Gòn có thêm từ 700 đến 800 tỷ đồng để phát triển hệ thống vận chuyển công cộng.

Giải pháp này thoạt nghe thì có lý nhưng đã từng phải dẹp bỏ nhiều lần, bởi sự chỉ trích từ công chúng. Vào lúc này, số phương tiện vận chuyển công cộng của Sài Gòn chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu di chuyển nên các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ khiến sinh hoạt xã hội trở thành hỗn loạn.
Những kế hoạch phát triển giao thông công cộng như: xe buýt nhanh BRT, Metro,... được quảng bá nhiều nhưng vẫn chỉ là dự án.

Ông Lê Quả than: “Chúng ta cứ hát mãi bài hạn chế xe cá nhân mà chẳng làm gì. Tôi có cảm giác thành phố chưa thấy đau với tình trạng ùn tắc giao thông”.

Năm ngoái, một nghiên cứu về giao thông ở Sài Gòn cho biết, tình trạng kẹt xe tại Sài Gòn gây thiệt hại 14,000 tỷ đồng/năm.

Cũng năm ngoái, UBND thành phố Sài Gòn đã đề ra tám nhóm giải pháp nhằm giảm kẹt xe là: sắp xếp để giờ học và giờ làm việc lệch nhau, tăng cường tuyên truyền luật giao thông đường bộ, lập lại trật tự trong việc sử dụng lòng lề đường, phân bổ lại đường một chiều, cải thiện kích thước các giao lộ, tăng cường xe buýt, đẩy mạnh tiến độ thi công công trình giao thông lấn chiếm mặt đường, thành lập Ban chỉ huy phòng chống tai nạn giao thông và kẹt xe, tăng cường tuần tra, xử phạt. Tuy nhiên sau bảy tháng thực hiện, thực tế cho thấy, phần lớn các nhóm giải pháp đều bất khả dụng hoặc bất khả thi. Giải pháp để giờ học và giờ làm lệch nhau bị phản đối quyết liệt vì gây ra quá nhiều bất tiện nên đang còn... nghiên cứu. Giải pháp tăng cường xe buýt suýt phả sản do xăng dầu tăng, chủ các xe buýt đòi ngưng hoạt động nếu UBND thành phố Sài Gòn không tăng tiền bù lỗ. Việc chấn chỉnh sử dụng lòng lề đường thì càng ngày càng nhiều ‘lô cốt’ sừng sững giữa đường... (G.Ð)

No comments:

Post a Comment