Saturday, November 8, 2008

XÃ HỘI DÂN CHỦ LÀ XÃ HỘI TỬ TẾ

Xã hội dân chủ là xã hội tử tế
Ngô Nhân Dụng
Thursday, November 06, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86542&z=7

Trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ vừa rồi, đã có nhiều lần thấy các lời nói và hành động bất nhã giữa hai bên. Nhưng nếu so sánh thì năm nay là một năm tranh cử tương đối rất “sạch sẽ!” Có lẽ đó là do ảnh hưởng của hai ứng cử viên rất đứng đắn.

Trong Tháng Mười, trong đám đông tập họp nghe các ứng cử viên đảng Cộng Hòa, khi nghe nhắc đến tên Nghị Sĩ Barack Obama nhiều người đã hô lên những tiếng như “tên khủng bố!” Có người còn hét: “Giết nó đi!” Sau vài lần như vậy, Nghị Sĩ John McCain phải can thiệp. Ông đã lên tiếng yêu cầu các người ủng hộ ông phải tỏ ra biết kính trọng ông Obama. Và chính ông nói những lời khen ngợi tư cách đứng đắn của đối thủ ông. Sau đó, những lời lẽ lỗ mãng đó đã giảm đi trông thấy. Một trong hai ứng cử viên sẽ là tổng thống Mỹ. Phải kính trọng lựa chọn của dân tộc này.

Nghị Sĩ John McCain đã nói ngay từ đầu rằng ông không cho phép ban vận động của ông nhắc nhở đến mối liên hệ giữa ông Obama và Mục Sư Jemeriah Wright, một người da đen. Ông Wright đã là mục sư của gia đình Obama trong 20 năm, và ông đã nhiều lần thuyết giảng trong giáo đường với những lời đả kích người da trắng kỳ thị, có khi đả kích cả nước Mỹ. Ông Obama chỉ tuyên bố từ vị thầy này trong sáu tháng gần đây khi các lời lỗ mãng đó được tiết lộ cho cả nước biết. Nhưng nhắc đến Mục Sư Jemeriah Wright với ông Obama là ngấm ngầm khêu lên vấn đề chủng tộc, da đen da trắng trong cuộc bầu cử này. Vì vậy ông McCain cấm. Và ông giữ lời hứa đó đến phút cuối cùng. Ông xứng đáng là một người chính nhân quân tử.
Ông Obama cũng cư xử lịch sự như vậy. Khi bà thống đốc Sarah Palin nổi bật lên như một ngôi sao mới, báo chí soi mói tới đời sống của gia đình bà và khám phá ra cô con gái 17 tuổi của bà chưa có chồng đã có thai. Nhiều người chống liên danh McCain-Palin nhẩy vào khai thác tin giật gân đó, vì bà Palin đang được giới thiệu như một phụ nữ làm gương về đạo đức, tôn giáo. Ông Obama được hỏi chuyện này, ông không nói gì đến người con gái của bà Palin cả. Ông chỉ nhắc lại rằng chính bà mẹ ông cũng mang bầu và sinh ra ông năm bà 18 tuổi. Thế là xong. Tất cả những người ủng hộ ông Obama không ai bàn đến chuyện đó nữa, mà các tờ báo lá cải cũng buông tha cho cô gái và gia đình cô.

Ðây là những sự kiện có thật, một ông mục sư thù hận người da trắng và một cô gái không chồng mà chửa, không ai vu oan hay bịa đặt ra hết. Nhưng hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đã tự kiềm chế và khiến đa số những người ủng hộ họ phải tự kiềm chế. Có một kinh nghiệm trong cách cư xử ở đời, là khi một người ăn ở đường hoàng thì có thể khiến cho người chung quanh cũng ăn ở đường hoàng. Ðức Khổng Tử đã ví người quân tử như hoa thơm, ở chốn thôn dã có thể giúp cho phong tục làng xóm trở nên thuần hậu.
Chúng ta biết không phải lúc nào các cuộc tranh cử ở Mỹ cũng đường hoàng tử tế như vậy. Ngay trong năm nay, một tuần trước ngày bỏ phiếu có những “thông cáo” của một ban bầu cử giả hiệu tại tiểu bang Virginia gửi cho các cử tri báo tin rằng năm nay các cử tri ghi danh với đảng Cộng Hòa đi bầu ngày 4 tháng 11, còn các cử tri đảng Dân Chủ bầu ngày 5 tháng 11! Tại thành phố Philadelphia, có những truyền đơn nói rằng những ai đang bị cảnh sát phạt vì lái xe mà chưa nộp tiền có thể bị bắt khi tới phòng phiếu. Và còn nhiều sáng kiến khác nẩy ra khi người ta muốn “phe mình” thắng! Các ứng cử viên chắc không thể biết hết những chuyện này!

Nghị Sĩ John McCain đã từng là nạn nhân của những đòn nhơ bẩn. Năm 2000, ông thắng lớn tại tiểu bang New Hampshire trong cuộc bầu cử sơ bộ khiến tương lai sáng hẳn lên. Khi sang tới tiểu bang South Carolina, trước khi dân bỏ phiếu có một tổ chức loan tin đồn ông đã sinh một đứa con hoang, lai da đen! Và lần đó ông McCain đã thua, phải đợi 8 năm sau mới có cơ hội ứng cử tổng thống cho đảng Cộng Hòa. Sự thật là Nghị Sĩ John McCain có một con gái nuôi người Bangladesh, da nâu đậm. Bà Cindy và Nghị Sĩ McCain đã gặp em bé này trong trại mồ côi do Mẹ Teresa săn sóc. Em đang bệnh nặng cho nên họ đưa em sang Mỹ giúp chữa bệnh, vào năm 1991. Sau đó, họ nhận em làm con nuôi và cô bé Bridget McCain này được đi theo bố trong cuộc vận động tranh cử! Bây giờ 17 tuổi, chính cô đã yêu cầu ban vận động của bố không được dùng các thủ đoạn nhơ bẩn trong năm 2008 này!

Khi loài người sống chung với nhau, có nhiều cách cư xử của chúng ta làm gợi lên những phản ứng phát ra từ bản chất thiện trong lòng người; giống như những nụ hoa chỉ chờ nước và nắng ấm là vươn lên thành những đóa muôn hồng nghìn tía. Ngược lại, cũng có những lúc một hành động, một lời nói của mình vô tình khiến cho những mầm ác trong người khác có dịp ngóc đầu lên và cựa quậy như những con rắn độc. Khi mọi người chung quanh ăn ở đàng hoàng, chúng ta được khuyến khích phải ăn ở đàng hoàng. Không cần phải là một nhà đạo đức học hay một tu sĩ, ai cũng biết và từng trải qua những kinh nghiệm sống như vậy! Chỉ có thể xây dựng điều thiện bằng điều thiện. Không thể nào dùng những phương tiện ác để đạt tới cứu cánh thiện!

Thể chế chính trị có ảnh hưởng đến tác phong đạo đức và nền nếp ăn ở của một xã hội. Ðây cũng là một điều chúng ta đã trải qua kinh nghiệm. Những ai sống ở một nước độc tài đổi sang sống ở một nước tự do dân chủ họ thấy điều này rõ rệt nhất. Nhiều người kinh nghiệm bằng máu và nước mắt của họ.

Một chế độ dân chủ tự do thường tạo cơ hội cho mọi người đối xử với nhau tử tế hơn. Ngược lại, sống trong một chế độ độc tài người ta phải đụng chạm với cái ác, sống chiều theo cái ác, và nhiều khi nhiễm tính xấu, cũng xa dần điều thiện.

Trước hết vì chế độ độc tài bao giờ cũng phải tàn ác khi đối phó với những người có ý kiến khác giới lãnh đạo. Những trại tập trung vĩ đại, những chương trình cưỡng bách lao động vĩ đại biến con người thành nô lệ, đều do các chính quyền độc tài đảng trị tạo ra. Khi những đứa trẻ lớn lên trong một xã hội mà phải chứng kiến cảnh những người tàn bạo, nhẫn tâm nhất là những người có quyền thế, địa vị và tiền bạc của cải nhiều nhất; những em bé này sẽ học được những quy tắc sống nào?

Nhưng các chế độ độc tài còn tác hại đến đạo lý nhân loại qua một con đường khác nữa. Như Soljenitsyn đã nhận xét, một chế độ độc tài áp chế dân bao giờ cũng phải tạo ra một “guồng máy nói dối” đi kèm. Họ dựng lên những thiên đường giả, thần tượng giả, tung hô những anh hùng giả. Họ bôi nhọ tất cả những người không đồng ý với họ bằng đủ thứ danh hiệu nhơ bẩn.

Trên thế giới lúc nào cũng có những người hay nói dối, nhìn chung quanh chúng ta vẫn thấy. Nhưng không một xã hội nào mà công việc nói dối được “quốc hữu hóa,” trở thành có hệ thống trên tầm mức quốc gia, với quyền hành tuyệt đối, như trong các chế độ phát xít và cộng sản. Sống trong các chế độ đó con người phải tự uốn mình thành những kẻ biết nói dối và chỉ nói dối, để tồn tại.

Chế độ Dân Chủ là một sản phẩm của loài người. Ðó chỉ là những thủ tục ràng buộc con người khi sống chung với nhau thành quốc gia, để cuộc sống chung được hòa bình, trật tự và công bình hơn. Chế độ tự do dân chủ không giải quyết được tất cả những vấn đề đạo lý ở cõi nhân sinh. Nhưng kinh nghiệm cho thấy những xã hội sống tự do dân chủ tạo được khung cảnh thuận lợi nhất cho con người sống lương thiện. Khi luật pháp rõ rệt và công khai, khi mọi người có quyền phát biểu và quyền hội họp để cùng phát biểu, chúng ta đã tạo nên môi trường tốt cho điều thiện được phát triển. Khi người dân được tự do bỏ phiếu, xã hội sẽ phát thưởng cho những người cầm quyền tốt và trừng phạt những người phụ lòng dân. Ngược lại, trong chế độ độc tài thì những kẻ xu phụ, những kẻ gian xảo dễ thăng tiến hơn người lương thiện!
Người Âu Mỹ và người Á Châu có những quy tắc đạo đức giống nhau, mà cũng có những quy tắc khác nhau. Nhưng trong các chế độ tự do dân chủ thì mọi người đều được khuyến khích kính trọng, bảo vệ và hành động theo các quy tắc đạo đức.

Trong những cuộc tranh cử, các ứng cử viên cũng phải thuận theo trào lưu của xã hội, cho nên họ không dám vi phạm các quy tắc đạo lý chung. Nhưng chúng ta cũng không thể chờ đợi con người ai cũng thành lương hảo hết. Chạy đua chính trị là một thứ đam mê rất mạnh. Cũng như những thứ đam mê khác, tiền tài, danh vọng hay sắc dục, chính trị có thể tạo ra những hành động, cử chỉ hào hùng, can đảm; nhưng cũng có thể chỉ khơi lên những mầm xấu trong bản tính con người. Chúng ta không ngạc nhiên khi có những người làm bậy, nói bậy, khi dính vào những cuộc tranh đua chính trị. Nhưng không phải vì thế mà không công nhận là chính trong những thể chế tự do dân chủ, công khai, cởi mở, mà những mầm thiện được khích lệ nẩy nở nhiều hơn cả. Chúng ta có thể tin tưởng ở chế độ dân chủ trong việc bảo tồn đạo lý.
Chế độ chính trị Mỹ đã theo tập tục dân chủ tự do từ hai trăm năm nay. Những di dân mới tới nước Mỹ trong vòng mấy chục năm qua không thể tưởng tượng nổi các cuộc tranh giành, chạy đua trong chính trị ở Mỹ có những lúc cũng đầy các thủ đoạn xấu xa. Nhiều ứng cử viên ở Mỹ đã nói và làm những chuyện mà ngày nay không ai tha thứ được. Có những người đánh lừa các cử tri phe đối lập. Có những người gian lận khi bỏ phiếu. Có một ông thị trưởng New York thắng lớn với hơn 130% số cử tri bầu cho ông! Tức là những người ủng hộ ông đã đi bỏ phiếu nhiều lần, vượt chỉ tiêu mà không biết! Mà ở New York thì không giấu giếm được nên ai cũng thấy con số 130% để lại ô danh trong lịch sử!

Cho nên, chúng ta biết rằng xây dựng một thể chế dân chủ, một nếp sống tự do không phải một sớm một chiều mà thành tựu được. Tất cả mọi người chấp nhận các quy luật của cuộc giao đấu dân chủ phải cố gắng bảo vệ tính trong sạch, lương hảo khi thi hành các quy luật đó. Cũng như các ầu thủ phải tôn trọng luật đá banh thì môn thể thao này mới tồn tại.

Những người lãnh đạo vẫn có trách nhiệm lớn nhất. Khi Nghị Sĩ John McCain lên tiếng sớm chúc mừng tổng thống tân cử Barack Obama và gọi đối thủ là “ông tổng thống của tôi,” tất cả mọi người có thể quên đi tất cả những chuyện đôi co, tranh giành, tất cả những chuyện không đẹp sẽ quên đi!

Nhưng đối với những dân tộc chưa được sống tự do thì chúng ta rút được một bài học khác. Khi biết một xã hội sống trong dân chủ là tốt nhất cho cuộc sống lương hảo; lại biết rằng việc xây dựng nền móng cho một thể chế dân chủ mất nhiều năm, mất hàng thế kỷ như vậy; chúng ta càng thấy cần phải bắt đầu xây dựng thể chế tự do dân chủ cho nước mình càng sớm càng tốt! Ước mong đồng bào Việt Nam của chúng ta khi theo dõi các cuộc bầu cử ở các nước tự do dân chủ sẽ nhận thấy nhu cầu cấp thiết này.

No comments:

Post a Comment