Tuesday, November 4, 2008

TRƯỜNG HỌC Ồ ẠT TĂNG HỌC PHÍ

Các trường ồ ạt tăng học phí:
Học phí tăng 10, cơ sở vật chất tăng 1
03/11/2008 23:04
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200845/20081103230428.aspx
Bài toán cân bằng giữa học phí và cơ sở vật chất cần được đưa ra trong việc tăng học phí.

Sinh viên than trời

Nhiều trường ĐH, CĐ học phí tăng "phi mã" nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn trang thiết bị, giáo viên thì thuê mướn khắp nơi… Sinh viên (SV) phải chạy đôn chạy đáo mỗi khi đổi tiết học.

Trên diễn đàn của trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, có rất nhiều ý kiến về việc tăng học phí quá cao của trường. Một SV ngành Công nghệ thông tin bức xúc: học phí học kỳ 2 năm học 2006 - 2007 là 2,1 triệu đồng. Đến học kỳ 1 năm học 2008 - 2009, mức học phí đã tăng đến 4,1 triệu đồng. Chỉ trong vòng ba học kỳ, học phí trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã tăng lên đến 2 triệu đồng/học kỳ. Mức tăng học phí không chỉ áp dụng cho các tân SV mà ngay cả những SV đang học cũng phải "gánh" việc tăng học phí. Trong khi đó, cơ sở vật chất tại trường lại thiếu thốn trầm trọng. Không như nhiều trường ĐH khác, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM chỉ có một cơ sở học tập, phải gồng gánh 10 khoa trong trường nhưng nhiều trang thiết bị, bàn ghế đã sử dụng được 13 năm, không tránh khỏi sự xuống cấp.

Trong số các trường ĐH ngoài công lập, ĐH Hoa Sen được xem là trường "nhà giàu", có mức học phí thuộc hàng cao nhất. Năm học này, chỉ riêng ngành Công nghệ thông tin, mỗi SV phải đóng 20 triệu đồng. Đấy là chưa kể, theo dự đoán, học phí ngành này có thể tăng lên 30 triệu đồng.

SV B.M bức xúc: "Nếu việc tăng học phí đi đôi với việc tăng chất lượng thì không nói. Đằng này cơ sở vật chất thua xa các trường khác, phòng học thì nhỏ, không có máy điều hòa; máy tính không đủ đảm bảo cho nhu cầu của SV. Thang máy thì luôn trong tình trạng gây bất an vì đôi khi dừng giữa chừng… cửa bật mở".

Cơ sở vật chất nhếch nhác

Tại trường CĐ Nghề Hoàng Diệu (Đà Nẵng), mức tăng học phí năm học này chỉ mới được điều chỉnh theo tình hình trượt giá, tăng 100.000đ/học kỳ so với năm học trước.

Cụ thể là: hệ CĐ: khối Kinh tế tăng từ 1,6 triệu đồng/học kỳ lên 1,7 triệu đồng/học kỳ; khối Kỹ thuật tăng từ 1,7 triệu đồng/học kỳ lên 1,8 triệu đồng/học kỳ; riêng hệ Trung cấp: từ 1 đến 1,1 triệu đồng lên 1,3 đến 1,4 triệu đồng/học kỳ. Trường này hiện có 909 SV, trong đó 715 hệ CĐ và 194 hệ TC; nhưng lại có đến 4 cơ sở giảng dạy lẫn giáo vụ. Cơ sở chính đóng tại K62/79 Hà Huy Tập hoàn toàn không giống một trường học. Đó là ngôi nhà 3 tầng, tầng 1 được trưng dụng làm nơi buôn bán và giữ xe vì nằm ngay cổng bệnh viện tuyến quận. Những cơ sở còn lại đều sơ sài và chật chội, ngay cả phòng làm việc của những cán bộ nhà trường cũng phải gò ép nhau 4-5 cán bộ trong căn phòng chừng 8 - 10m2.

Tại TP.HCM, trong tất cả các cơ sở học tập của ĐH Hồng Bàng thì hai cơ sở dạy ngành Mỹ thuật công nghiệp là bị SV kêu ca nhiều nhất. Chúng tôi cũng đã có dịp "mục sở thị" điều này khi đến cơ sở số 3 Trần Quý Cáp, Q.Bình Thạnh. Diện tích chật hẹp, những chiếc quạt trần không thể xua được cái nóng. Một SV tại đây bức xúc kể lại: "Cơ sở còn tệ hơn cả một trường tiểu học ở quê. Phương tiện phục vụ học tập không có. Nhiều lúc giảng viên và SV đều có mặt nhưng lại đứng ngoài sân trường vì chẳng còn dư cái phòng nào để học?!". Vì đặc thù của khoa Mỹ thuật công nghiệp, bước vào cơ sở này, vôi vữa, thạch cao... vương vãi khắp nơi, trông rất nhếch nhác. Năm 2007, quá bức xúc trước tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, một SV đã gửi thư lên diễn đàn giáo dục
www.edu.net.vn để phản ánh và được rất nhiều SV khác của trường "chứng thực". Nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa được khắc phục.

Thiên Sinh Gia - Diệu hiền

No comments:

Post a Comment