Saturday, November 1, 2008

Thời Sự Hoa Kỳ
Đường vào Toà Bạch Ốc: Trò Chơi Ủng Hộ
Minh Thu

(LÊN MẠNG Thứ bảy 1, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4898

Có thật là làng báo ở Mỹ thiên tả?
Vì sao nhiều nhân vật Cộng Hoà quay sang ủng hộ Obama?

"Endorsement" có thể được tạm dịch là ký tên chuyển nhượng, như khi ta ký vào phía sau các chi phiếu để chuyển nhượng sở hữu của mình sang cho người khác. Trong chuyện bầu cử trên chính trường, từ ngữ này thường được dùng để diễn tả việc một lãnh tụ hay một chính trị gia, một cá nhân có uy quyền hay một tổ chức có thực lực, một cơ quan truyền thông có uy tín lên tiếng chuyển nhượng sự ủng hộ cho một ứng cử viên nào đó.

Chẳng hạn như trong một cuộc bầu cử gồm rất nhiều ứng cử viên cùng nhảy ra tranh giành. Quy luật thông thường ấn định nếu như không có người nào đạt được đa số tuyệt đối (trên 50% cử tri), thì hai người có số phiếu cao nhất sẽ tiến vào vòng chung kết (runoff) để xem ai là người giành được nhiều phiếu hơn trong lần này. Cả hai người này sẽ tìm đủ cách để dụ dỗ những ứng viên còn lại hãy lên tiếng ủng hộ cho mình. Trên nguyên tắc, người nào được sự ủng hộ nhiều hơn, nếu như tổng số phiếu gộp lại cao hơn đối thủ, sẽ có nhiều cơ may hơn để thắng cuộc. Tuy vậy, điều này cũng không chắc chắn, vì cử tri ủng hộ các ứng viên bị thua này ở vòng đầu chưa chắc sẽ tuân lời để bỏ phiếu theo như sự lựa chọn ủng hộ này, hoặc trong nhiều trường hợp, có thể nản chí và không thèm đi đến phòng phiếu nữa. Bởi thế cho nên sức mạnh hay sự hiệu quả của các màn lên tiếng ủng hộ chưa chắc được chứng minh một cách xác đáng. Dẫu sao đi nữa, thì những màn "endorsement" như vậy cũng là một sự ủng hộ quý giá hay một khích lệ tinh thần, có vẫn còn hơn không.

Vì thế nên trong nhiều trường hợp khi không nhận được sự ủng hộ, người thua lại nhanh chóng phủ nhận giá trị hay sức mạnh của nó, mặc dù trước đó họ đã cầu khẩn hay van xin để mong đạt được. Hoặc người thua (không được ủng hộ) có thể tìm cách nguỵ biện khi cho rằng đối thủ của mình có thể nhận được sự ủng hộ của một chính trị gia nào đó nhưng chưa chắc đa số cử tri của vị chính trị gia này có nghe theo ý kiến ủng hộ này.

Trong một số ít trường hợp, phe bị thua, tức là không được sự ủng hộ, có thể tức giận và dùng những lời lẽ để nói lên sự thất vọng hay bực tức của mình. Thí dụ dễ thấy nhất đã xảy ra trong vòng bầu cử sơ bộ năm nay bên đảng Dân Chủ. Thoạt đầu, có ba ứng viên được coi là sáng giá nhất và có triển vọng thực sự trong số gần một chục người. Đó là các ông John Edwards, Barack Obama và bà Hillary Clinton. Đến khi ông Edwards rút lui sớm thì cả hai người còn lại là Obama và Clinton đều mong muốn nhận được sự ủng hộ của ông ta. Nhưng ông này đã giữ im lặng trong một thời gian dài sau đó, khiến cho tình hình tiếp tục ngang ngửa gay cấn. Một nhân vật thứ hai cũng được cả hai phe Obama và Clinton tìm cách chiêu dụ là Thống đốc Bill Richardson của tiểu bang New Mexico, với hy vọng rằng sự ủng hộ của ông này sẽ kéo theo sự ủng hộ đông đảo của cử tri gốc Mễ.

Đúng lý ra thì ông Richardson phải ủng hộ cho bà Clinton cho "trọn tình trọn nghĩa". Ông chỉ là một chính trị gia gốc Mễ thuộc hạng B, nằm trong một tiểu bang nhỏ, tầm thường, nhưng nhờ được TT Bill Clinton nâng đỡ lên làm tổng trưởng trong nội các. Nhưng việc ông cứ "lửng lơ con cá vàng" không chịu ủng hộ sớm chứng tỏ là lá bài Obama có một sức thu hút đặc biệt nào đó. Phe Clinton nhất quyết chiêu dụ, thậm chí còn đưa ông cựu tổng thống Bill Clinton đến dự party riêng coi trận banh Super Bowl cùng với ông Richardson. Họ hy vọng rằng trong trường hợp tệ lắm thì ông sẽ không lên tiếng ủng hộ ai, để không giúp cho phe ông Obama tạo được đà thắng lợi. Ấy vậy mà sau đó không lâu ông Richardson đã lên tiếng ủng hộ ông Obama, coi như một cú tát phũ phàng lên hai vợ chồng ông Clinton. Chẳng trách nào mà nhiều phụ tá thân cận của ông Clinton đã nổi giận và buông ra những tiếng chỉ trích thậm tệ về tính phản phé của ông Richardson. Đó là ông James Carville, đã không ngần ngại so sánh việc làm của ông Richardson không khác gì việc Judas bán Chúa. Tuy vậy, đa số cử tri gốc Mễ vẫn không bị ảnh hưởng bởi sự ủng hộ của ông Richardson, và vẫn mạnh mẽ tẩy chay ông Obama khi lựa chọn bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Texas sau đó không lâu.

Một trường hợp "phản thùng" khác cũng đã xảy ra khi nghị sĩ Joe Lieberman lên tiếng ủng hộ ông McCain mặc dù trước đó không lâu ông đã ra ứng cử chức phó tổng thống trong liên danh Gore-Lieberman của phe Dân Chủ vào năm 2000, cũng như đã ra vận động tranh cử làm ứng viên tổng thống của đảng này vào năm 2004. Trong kỳ Đại hội Đảng Cộng Hoà vào đầu tháng 9 vừa qua, ông Lieberman cũng đã được đưa ra sân khấu để đọc một bài diễn văn ca tụng ông McCain và chê bai sự thiếu kinh nghiệm của ông Obama.

Nhiều phần là ông Lieberman sẽ bị phe Dân Chủ ở Thượng Viện trả đũa hay trừng phạt (bằng cách tước đoạt chức vụ chủ tịch một uỷ ban) một khi phe này sẽ nắm được đa số áp đảo sau kết quả bầu cử vào đầu tuần tới. Trên lý thuyết, ông Lieberman thuộc phe độc lập, nhưng vẫn còn bỏ phiếu theo phe Dân Chủ, vì ông đã thất cử trong vòng sơ bộ bên đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử năm 2006 trước đối thủ Ned Lamont, nhưng đã thắng cử sau cùng vào tháng 11 vì nhờ đa số cử tri bên đảng Cộng Hoà ở Connecticut dồn phiếu cho ông thay vì để cho ông Lamont đắc cử với lập trường chống Bush và phe Cộng Hoà kịch liệt. Việc ông Lieberman ủng hộ ông McCain cũng dễ hiểu vì quyền lợi cá nhân nhiều hơn. Trước khi chọn bà Palin vào giờ chót, ông Lieberman cùng với ông Tom Ridge, cựu thống đốc Pennsylvania và cựu tổng trưởng Bộ Nội An, là hai nhân vật sau cùng mà ông McCain cân nhắc để mời đứng phó. Ông Lieberman là người gốc Do Thái, và do đó luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến Iraq và những chính sách hiếu chiến dưới thời chính quyền Bush, và bị nhiều người chỉ trích đó là thái độ bảo vệ quyền lợi của Do Thái một cách quá đáng.

Nói chung, uy tín của một cá nhân hay tổ chức, cơ quan truyền thông càng cao thì sự ủng hộ sẽ càng được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, trong nhiều trường hợp thường được giữ lại đến giờ phút chót, khi mà tình hình đã gần như ngã ngũ, nhằm để tránh cho người lên tiếng ủng hộ không bị hố, cũng như không bị khó khăn để biện minh cho quyết định ủng hộ của mình. Đó là trường hợp của nhiều vị dân cử thuộc loại "siêu đại biểu" (super-delegate) trong cuộc bầu cử sơ bộ bên đảng Dân Chủ. Những tên tuổi như Al Gore (cựu PTT), Nancy Pelosi (Chủ tịch Hạ Viện), Howard Dean (chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng Dân Chủ) đều tránh né không muốn lên tiếng ủng hộ phe nào trong thời gian dài, nhằm để tránh chuốc lấy nhiều rắc rối về sau, cho dù người ta biết rằng họ không mấy ưa thích hai vợ chồng nhà Clinton. Trong vài trường hợp, đó cũng là kinh nghiệm muốn tránh những sơ hở trong quá khứ. Chẳng hạn như ông Al Gore, trong năm 2004, đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ ứng viên Howard Dean vì thành tích khuynh tả cấp tiến của ông, cũng như triển vọng của ông này thu hút được đông đảo cử tri phản chiến lúc bấy giờ. Đến khi ông Dean nhanh chóng thảm bại vài tháng sau đó thì uy tín của ông Gore cũng bị sứt mẻ nặng.

SỰ ỦNG HỘ CỦA GIỚI TRUYỀN THÔNG

Sự ủng hộ khác cũng được nhiều người chú ý, cho dù không được trông đợi nhiều từ phía các ứng cử viên, vì nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, đó là từ các ban chủ biên của các tờ nhật báo trong nước. Thông thường nhiều người thường lầm tưởng rằng một tờ báo do ai làm chủ coi như sẽ lèo lái dư luận theo chiều hướng mong muốn của người này, và luôn đưa ra quan điểm ủng hộ hợp ý với người chủ nhân. Sự thật không đơn giản như vậy, do bởi ngành truyền thông lâu đời tại Hoa Kỳ đã khiến cho các vị chủ bút, các ký giả, các nhà báo đều có niềm tự trọng và thiên chức nghề nghiệp rất cao. Và các vị chủ báo cũng không hẳn coi những người cộng tác với mình là những nhân viên phải luôn tuân theo lời sai bảo, vì họ cũng ý thức được trình độ nhận xét của độc giả. Trước nhất, một tờ báo, dù là khuynh hữu hay khuynh tả, cũng phải làm tròn thiên chức thông tin của mình, bằng cách gửi ra những phóng sự hay bản tin phản ảnh trung thực những sự kiện đã xảy ra. Dĩ nhiên, trong một chừng mực nào đó, tuỳ theo cảm quan của mỗi nhà báo, việc sử dụng những từ ngữ hay văn phong của mỗi bài tường trình cũng có thể tạo ra những cảm giác hơi khác nhau từ phía độc giả.

Hãy lấy thí dụ của tờ Wall Street Journal, nhật báo lớn hàng thứ nhì ở Hoa Kỳ, chỉ sau tờ USA Today. Đây là tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ nổi tiếng lâu đời, góp mặt từ năm 1889, về sau do các thành viên trong giòng họ Bancroft nắm quyền chủ nhân. Vào năm 2007, nhà tỷ phú Rupert Murdoch gốc Úc tự động đề nghị mua lại công ty truyền thông này với giá 5 tỷ Mỹ-kim. Đây là một cái giá rất cao, trong thời buổi đa số các tờ báo đều bị thua lỗ hay không còn làm ăn phát đạt như lúc xưa. Do đó, nó thu hút nhiều thành viên trong gia đình hám lợi nên sẵn sàng muốn bán. Tuy vậy nhiều người vẫn không thích ông Murdoch, cho dù ông đã dùng tiền để tậu mãi một lô các cơ quan truyền thông lớn như đài truyền hình FOX, và nhiều đài truyền hình, phát thanh, và báo chí tại nhiều quốc gia khác. Tuy FOX sau ngày được mua lại bởi ông Murdoch đã quay sang một chiều hướng khuynh hữu lộ liễu, nhưng gia đình Bancroft và ban quản trị cũng như ban giám đốc của tờ Wall Street Journal cũng không mấy hăm hở để sang nhượng lại cho nhà tỷ phú này. Cuộc điều đình mua bán chỉ được thực hiện sau khi hai bên đã có thoả thuận lập ra một uỷ ban đặc biệt để bảo đảm cho ban chủ biên có sự độc lập nghề nghiệp, chứ không thể hoàn toàn bị chi phối bởi ý muốn của công ty mẹ thuộc ông Murdoch.

Ngoài ra, các toà báo thường có một ban chủ biên (editorial board), gồm những nhà báo trụ cột cùng chia sẻ quan niệm và chính kiến trên nhiều vấn đề, và sẽ thi nhau viết những bài xã luận nói lên quan điểm chính thức của tờ báo này đối với một đề tài nào đó. Song song với ban chủ biên này, những tờ báo có uy tín và giá trị cũng thường kết nạp thêm nhiều nhà báo độc lập khác để đóng góp các cột mục thường xuyên, trình bày quan điểm riêng của các cây bút này. Thông thường, họ còn mời gọi sự đóng góp của nhiều nhà báo thuộc hai khuynh hướng đối chọi để giúp cho độc giả được dịp lắng nghe quan điểm từ hai phía. Chẳng hạn như tờ nhật báo uy tín nhất là New York Times, thường được coi như là có khuynh hướng nghiêng về phía cấp tiến, nhưng cũng đã thuê mướn nhiều cây bút bảo thủ nổi tiếng như William Safire, David Brooks, William Kristol (chủ biên tờ Weekly Standard, một tuần báo cực hữu). Do đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các bài bình luận khuynh hữu của các vị này nằm cùng trang với những bài xã luận khuynh tả của ban chủ biên trên một hồ sơ nào đó. Việc cùng hợp tác, cùng góp mặt trên một diễn đàn truyền thông như vậy, sẽ khiến cho các nhà báo cẩn thận và cân nhắc hơn trong những nhận định hay bình luận của mình để tránh cảnh tự kiêu kiểu múa gậy vườn hoang (một tiêu chuẩn làm việc mà nhiều nhà báo tiếng Việt vẫn chưa thích làm quen), và trong đường dài sẽ giúp ích rất nhiều cho khách hàng tiêu thụ là độc giả.

Riêng trong việc quyết định ủng hộ cho một ứng cử viên vào mùa bầu cử, thông thường những nhà báo thành viên trong ban chủ biên sẽ được dịp phỏng vấn các ứng viên để từ đó lấy quyết định theo đa số để ủng hộ một nhân vật nào. Bài xã luận nói lên quan điểm ủng hộ sẽ cho thấy mức độ ủng hộ ra sao tuỳ theo những chi tiết. Nếu văn phong nói đến sự ủng hộ với những lời dè dặt, tức là trong ban chủ biên cũng đã có những tiếng nói đối lập không ủng hộ, tương tự như những phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, tuy có giá trị theo đa số, nhưng luôn luôn có ghi ý kiến của những lập luận đối chọi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những bình luận gia khác của tờ báo này, cũng như tất cả những nhà báo, ký giả, phóng viên làm việc tại đây đều phải có nhiệm vụ theo dõi và viết tin theo chiều hướng thuận lợi để cổ động cho việc đắc cử của người được tờ báo ủng hộ. Lý do đơn giản là giá trị và uy quyền của một chính trị gia hay lãnh tụ chỉ ngắn hạn trong một thời gian vài năm, nhưng uy tín của tờ báo thì to lớn và lâu dài hơn nhiều, và thiên chức nghề nghiệp không cho phép đa số các nhà báo được làm khác hơn.

Tin tức được nhiều người nói đến trong kỳ vận động tranh cử năm nay là việc ông Barack Obama nhận được sự ủng hộ đông đảo của các tờ nhật báo lớn tại Hoa Kỳ, nhiều hơn so với đối thủ John McCain. Theo tổng kết của ông Greg Mitchell, một trong những chủ biên của Editor & Publisher, tổ chức đại diện cho các vị chủ nhiệm và chủ bút trên Hoa Kỳ, cho đến sáng ngày thứ Hai 27-10-2008 thì đã có khoảng hơn 180 tờ nhật báo lên tiếng ủng hộ cho ông Obama, trong khi ông McCain chỉ giành được sự ủng hộ của 75 tờ. Quan trọng hơn nữa, hầu như tuyệt đại đa số các tờ báo lớn và uy tín đều ủng hộ ông Obama. Nếu so về lượng độc giả, thì các báo ủng hộ Obama có số độc giả lên hơn 19 triệu, trong khi số độc giả của các báo ủng hộ chỉ có khoảng 4 triệu rưởi.

Điều đáng chú ý nữa trong trò chơi "endorsement" kỳ này là con số các tờ báo đã ủng hộ ông Bush vào năm 2004 nhưng nay đã ngã sang phía ông Obama thay vì tiếp tục ủng hộ ông McCain, đã lên con số khá cao khoảng 38 tờ. Có những tờ báo chưa bao giờ, hay rất hiếm khi ủng hộ phe Dân Chủ từ thời mới xuất bản cả trăm năm về trước, nhưng đây là lần đầu tiên quyết định ủng hộ cho ông Obama, một ngoại lệ hiếm có cũng cần được nêu lên để hiểu vì sao có sự thay đổi chấn động trong tư duy của nhiều người trong kỳ bầu cử năm nay. Chẳng hạn như tờ Chicago Tribune, tờ nhật báo lớn nhất tại thành phố lớn thứ ba của Hoa Kỳ, tuy là địa phương của ông Obama, nhưng trong lịch sử 161 năm kể từ ngày ra mắt đến nay, đây là lần đầu tiên ban chủ biên tờ báo này quyết định ủng hộ cho ứng viên của phe cấp tiến. Hoặc như tờ Hartford Courant, đây là lần thứ hai trong 244 năm phát hành, đã quyết định ủng hộ cho phe cấp tiến và do đó đã lên tiếng ủng hộ cho ông Obama. Hoặc như tờ Los Angeles Times, tờ nhật báo lớn hàng thứ tư tại Hoa Kỳ, từ 36 năm qua chưa bao giờ ủng hộ cho phe Dân Chủ, nhưng nay lại ủng hộ cho ông Obama. Đó cũng là trường hợp tương tự của ban chủ biên tờ Houston Chronicle, đại nhật báo lớn nhất của thành phố Houston. Tại tiểu bang Texas, 3 trong số 5 tờ báo lớn nhất, trước đây ủng hộ ông Bush, nhưng nay đã quay sang ủng hộ cho ông Obama: đó là các tờ Houston Chronicle, Fort Worth Star Telegram và The Austin American-Statesman. Một chi tiết khác trong trò chơi ủng hộ này và khá mỉa mai và đau đớn cho liên danh McCain-Palin là tờ báo lớn nhất tại Alaska là tờ Anchorage Daily News cũng vừa mới lên tiếng ủng hộ cho ông Obama. Sự ủng hộ này khiến cho những lời của phe Cộng Hoà thường đánh bóng về bà Palin, một thống đốc được rất nhiều người dân tại tiểu bang mình ủng hộ, dễ trở thành lạc điệu và có vẻ như không xác thực lắm. Nó dễ khiến nhiều người đặt dấu hỏi vì sao ban chủ biên tờ báo lớn nhất trong tiểu bang lại không ủng hộ một chính trị gia hiện đang cầm quyền ngay địa phương mình.
Tuy vậy, con số các tờ báo ủng hộ cũng không đủ là yếu tố vững mạnh hay bảo đảm cho sự thành công. Bằng chứng là trong năm 2004, con số các tờ báo ủng hộ cho ông John Kerry cao hơn của TT Bush, tuy rằng với một tỉ lệ khít khao hơn, 213/205. Trong nhiều cuộc bầu cử ở cấp nhỏ hơn như nghị sĩ và dân biểu liên bang, thống đốc và các nghị sĩ, dân biểu tiểu bang hoặc các vị thị trưởng và nghị viên thành phố, có nhiều vị đã được sự ủng hộ của ban chủ biên các tờ báo lớn trong địa phương nhưng cuối cùng vẫn không được thắng cử.

LÀNG BÁO Ở MỸ THIÊN TẢ?

Ở đây cũng xin nói đến một điều mà nhiều người Việt thường lầm tưởng, có lẽ do bởi cảm quan tức giận trước những lời lẽ có tính cách phản chiến trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam xảy ra, là đại đa số các tờ báo đều theo hướng khuynh tả và thích ủng hộ phe Dân Chủ nhiều hơn, và từ đó người ta thường dùng từ ngữ "các tờ báo thiên tả" mỗi khi nói về giới truyền thông tại Hoa Kỳ. Thật ra những con số thu lượm được một cách khách quan đã đưa ra những kết quả rất ngạc nhiên và trái ngược: Cái gọi là "làng báo thiên tả" (liberal press) đó đã thiên vị rất nhiều đối với đảng cánh hữu là Cộng Hoà, nhất là trong lãnh vực ủng hộ các ứng viên tổng thống. Ngay cả những tên tuổi sáng giá của đảng Dân Chủ như Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy, cũng đã bị đa số các tờ báo đều "chê" trong trò chơi ủng hộ vào mùa bầu cử.

Một bài viết của nhà báo Jodi B. Cohen, đề ngày 26/10/1996, đã đưa ra những con số thống kê rõ ràng không thể chối cãi. Trong hai năm 1940 và 1944, ông Roosevelt chỉ được sự ủng hộ của khoảng 22% ban chủ biên các tờ báo trong khi ứng viên phe Cộng Hoà được khoảng 60%; số còn lại không ủng hộ bên nào. Riêng ông Kennedy, một chính trị gia trẻ tuổi, lại theo đạo Thiên Chúa Giáo La-Mã, một sự kiện khác lạ lần đầu tiên trong các ứng cử viên tổng thống Mỹ, còn bị làng báo ở Mỹ thời đó tẩy chay mạnh hơn nữa: vào năm 1960, chỉ có hơn 16% các tờ báo ủng hộ ông, trong khi đối thủ Nixon nhận được khoảng gần 58%; phần còn lại hơn 25% không ủng hộ ai.

Phải đợi đến kỳ của ông Johnson vào năm 1964 thì phe Dân Chủ mới thắng được đối thủ Cộng Hoà trong trò chơi "endorsement", tuy rằng ông chỉ thắng với tỉ lệ khá khít khao trên đối thủ Barry Goldwater (42 trên 35%). Nhưng liền sau đó thì ứng viên phe Cộng Hoà lại giành được ưu thế trong phần ủng hộ của các ban chủ biên các tờ nhật báo lớn ở Mỹ suốt thời gian dài 28 năm cho đến khi ông Bill Clinton giành được "ưu thế" trở lại, lần này cũng rất khít khao. Vào năm 1992, ông Clinton được sự ủng hộ của khoảng 18%, so với 15% ủng hộ ông Bush Bố, chưa tới 1% giành cho ông Perot, trong khi có đến đa số 67% đứng ngoài cuộc, không dám hay không muốn lên tiếng ủng hộ bên nào. Ngay cả đến năm 1996, khi ông Clinton thắng dễ dàng trên đối thủ Bob Dole, ông cũng thua trên mặt trận "ủng hộ" của làng báo, với khoảng 80 ban chủ biên ủng hộ so với ông Dole được 122 tờ báo ủng hộ.

Trong kỳ bầu cử năm 2000, một cuộc thăm dò các vị chủ bút và chủ nhiệm trước đó cho thấy là có thể tỉ lệ ủng hộ ông Bush trên ông Gore ở mức 2/1. Kết quả sau cùng cho thấy đa số không áp đảo như vậy, nhưng ông Bush vẫn hơn: 137 tờ báo ủng hộ Bush trong khi chỉ có 99 tờ lên tiếng ủng hộ ông Gore. Kết quả năm 2004 được coi như là ngang ngửa với tỉ lệ đa số mong manh cho ông Kerry (213/205).

VÌ SAO NHIỀU NHÂN VẬT VÀ TỜ BÁO BẢO THỦ LẠI ỦNG HỘ OBAMA?

Kết quả kỳ năm 2008 kể ở trên (do Editors & Publishers thu thập được) quả là một sự ngạc nhiên đáng chú ý. Phải chăng ông Obama là một ứng viên đặc biệt - có thể hiểu dưới nhiều nghĩa khác nhau - và ông McCain là một ứng viên bết bát hay cẩu thả, dưới mắt nhìn của đa số các ban chủ biên của các tờ nhật báo lớn tại Hoa Kỳ?

Nếu đọc các bài xã luận bênh vực cho quan điểm ủng hộ các ứng viên của các tờ báo này, điểm nhiều người phải chú ý là hầu hết đều nói đến việc họ thoạt đầu vẫn còn ngần ngại trước cái thành tích hay kinh nghiệm ít ỏi của ông Obama để có thể bảo đảm hay hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng. Nhưng trải qua suốt hơn 18 tháng dài vận động tranh cử, hầu hết đã có dịp tìm hiểu thêm về nhân vật đặc biệt này để nhìn ra những ưu và khuyết điểm, và suốt trong 3 kỳ tranh luận tay đôi với ông McCain, họ đủ tự tin để nói rằng việc chọn lựa ông Obama là một quyết định đứng đắn và có suy nghĩ chín chắn. Và từ đó, họ cũng đã can đảm nói lên sự ủng hộ công khai của mình, cho dù biết rằng điều này có thể khiến họ bị công kích dữ dội trong khối cử tri bảo thủ.

Đó là trường hợp của bà Kathleen Parker, một bỉnh bút gia bảo thủ kỳ cựu của tờ nhật báo uy tín Washington Post, đã nhận hàng trăm các email phản đối, kể cả chửi bới, sau khi bà đăng bài viết đầu tiên chê bai bà Sarah Palin, sau những lần bà này xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn với hai nhà báo Charles Gibson (của ABC News) và Katie Couric (CBS News) với những câu trả lời rất ngập ngừng, ấm ớ.
Một trường hợp khác bị chống đối dữ dội sau khi lên tiếng ủng hộ Obama đã xảy ra cho ông Christopher Buckley. Ông này là một tay vẽ biếm hoạ và cũng giữ một cột mục trên trang sau tờ National Review, một tạp chí bảo thủ cực hữu do ông bố là William Buckley sáng lập. Cậu con trai Christopher cũng có cổ phần trong hội đồng quản trị của tờ National Review. Thế nhưng sau bài viết ủng hộ Obama vào tháng 10, sự chống đối của độc giả trung thành cũng như những người yểm trợ tờ báo đã khiến cho ban chủ biên phải áp lực ông Buckley rút lui cột mục của mình mặc dù ông vẫn ăn lương, vì có cổ phần chủ nhân của tờ báo.
Trong nhiều lý do để biện minh cho quyết định ủng hộ ông Obama, hầu hết các ban chủ biên đều chỉ trích thậm tệ sự lựa chọn bà Sarah Palin đứng phó và cho đó là một quyết định cẩu thả, hay nông nổi của ông McCain, và từ đó khiến cho mọi người bắt đầu rút hết tất cả những ưu ái hay ủng hộ cho ông trước đó. Lý do chính thứ hai là chiều hướng tiêu cực, chỉ nhằm đánh phá, tấn công đối phương dưới mọi hình thức, kể cả việc chụp mũ nhiều cái nón cối (nói theo lời của nhà báo Hoàng Ngọc Quyên là có lẽ do ông McCain thu lượm được sau ngày bị Việt Cộng giam giữ ở nhà tù Hoả Lò). Từ việc tố cáo ông Obama "bồ tèo" với quân khủng bố, gốc gác hay có khuynh hướng theo đạo Hồi-giáo, cho đến "một Obama dẫn đưa Hoa Kỳ theo con đường xã hội chủ nghĩa", "một tổng thống Obama rất yếu kém" v.v. . .

Đó cũng là lý do khiến cho ông Colin Powell - một trong những nhân vật tên tuổi và có uy tín, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia, cựu Tổng Tham mưu Trưởng Quân lực Mỹ, cựu Tổng trưởng Ngoại giao, được nhiều người nể trọng trong phe Cộng Hoà - đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ ông Obama mặc dù rằng trước đó có nhiều chỉ dấu cho rằng ông sẽ không lên tiếng ủng hộ bên nào. Một trong những điều làm ông Powell bực mình nhất về chiến dịch tấn công chụp mũ của bộ tham mưu ông McCain là những loại tin đồn được phát tán mạnh mẽ khắp nơi qua email rằng ông Obama là người theo Hồi giáo (và hình như cũng được nhiều người Việt ủng hộ McCain thu lượm được và coi đó như là những loại tin nóng hổi, ít người biết được, và hí hửng hay hoảng hốt truyền bá tiếp!). Ông Powell nói thẳng: "Câu trả lời là không, ông ta (Obama) không là người theo đạo Hồi (Muslim), ông ta là người theo Cơ-đốc-giáo (Christian)." Nhưng rồi ông Powell nói tiếp, dường như để nói lên câu trả lời chính xác hơn: "Mà nếu giả sử như chuyện đó có thật thì đã sao? Có cái gì sai trái không khi một người sống ở Mỹ này theo đạo Hồi? Chắc chắn là không, vì đây là Hoa Kỳ. Có cái gì bất ổn không khi một em bé 7 tuổi sinh trưởng ở Mỹ nhưng theo đạo Hồi tin rằng một ngày nào đó em có thể trở thành tổng thống Mỹ? Ấy vậy mà tôi vẫn nghe nhiều vị tên tuổi lão thành trong đảng của mình (đảng Cộng Hoà) cứ gợi ý rằng ’Hắn là người Hồi-giáo và hắn có thể dính líu đến bọn khủng bố’. Chúng ta không thể làm việc hay suy nghĩ như vậy ở nước Mỹ này."

Không phải chỉ có những khuôn mặt theo phe Cộng Hoà nhưng được xếp vào loại ôn hoà như ông Powell đã quay lưng với liên danh cùng đảng McCain-Palin để quay sang ủng hộ cho đối phương Obama-Biden. Sự kiện nhiều nhân vật tên tuổi của đảng Cộng Hoà nhưng đã không ngần ngại lên tiếng ủng hộ ông Obama là một dấu hiệu phản ảnh một sự thay đổi khá quan trọng trong tư duy của đa số hiện nay, nhất là khi so sánh lại, gần như không một tên tuổi nào bên đảng Dân Chủ lại quay sang ủng hộ ông Obama, ngoại trừ trường hợp ngoại lệ của ông Lieberman. Nhiều phần là ông Lieberman sẽ về đầu quân với phe Cộng Hoà trong thời gian tới. Hiện nay trong số các nhân vật Cộng Hoà ủng hộ ông Obama có nhiều thành phần khác nhau, từ phe tân-bảo-thủ như ông Ken Adelman, cựu viên chức cao cấp về ngoại giao và quốc phòng từ thời các TT Ford, Reagan và Bush Bố, cho đến cựu thống đốc Weld tại Connecticut, trong năm nay cũng đã ủng hộ cho ông Mitt Romney, hoặc cho những người hồi đầu năm vẫn còn ủng hộ ông McCain như Charles Fried, giáo sư tại Đại học Luật ở Harvard, một trong những tư tưởng gia bảo thủ có uy tín và đã từng tham chính từ thời TT Reagan.

Như riêng kẻ viết bài này đã nhận định trong bài viết trước đây vào ngày 31-08-2008 với tựa đề "Khi ông McCain đánh ván bài xả láng", sự lựa chọn bà Sarah Palin của ông McCain ngay giữa lúc Đại hội Đảng Dân Chủ đang kết thúc, là một quyết định táo bạo, theo kiểu tố tapis như trong lối đánh xì-phé, "được ăn cả, ngã về không". Một phần sự lựa chọn đột ngột của ông dựa trên quyết định của ông Obama không chọn bà Clinton đứng phó, khiến cho số lượng cử tri thuộc giới phụ nữ da trắng bình dân và trung niên trở lên (thuộc đảng Dân Chủ) chưa chắc sẽ bỏ cho ông Obama. Sự xuất hiện của bà Palin có thể khiến cho số phụ nữ này, có thể sẵn sàng bỏ phiếu cho đảng Cộng Hoà theo cảm tính thay vì theo lý trí. Nhưng cái nguy hiểm của sự lựa chọn bà Palin, cũng đã được nhiều chuyên gia bên đảng Cộng Hoà gióng lên tiếng nói báo động và lo ngại, là ban tham mưu của ông McCain đã không có đầy đủ thời giờ để xem xét và đánh giá thật kỹ lưỡng về nhân vật Palin cũng như những ưu và khuyết điểm, một tiến trình thường gọi là "vetting" kéo dài cả tháng trời, nhưng ông McCain đã bất chấp và chỉ quyết định trong vòng 1 hay 2 ngày. Bởi vì khi sự lựa chọn đã được tung ra, nếu như những việc làm, lời nói và thành tích của bà Palin được đưa ra sau này và có đem lại bất lợi cho ông McCain, thì sự tai hại sẽ nặng nề hơn vì ông không còn phương cách nào để sửa chữa hoặc rút lui. Chẳng khác gì như trường hợp một kẻ đánh bạc đi "tố" đối phương, nhưng lá bài "tẩy" của mình bị lủng thì chỉ có đành ngậm đắng nuốt cay để nhìn mình bị thua cháy túi.

Và cũng mong rằng người Việt chúng ta nên bớt chủ quan để nghĩ rằng tất cả những diễn biến gần đây đều là do sự điều động, giật dây của cái gọi là "làng báo thiên tả" ở Hoa Kỳ này. Giống như lời của nhà báo Đào Nương thường thích nói: the fact speaks for itself. Những thống kê của Editor & Publisher nằm rành rành ra đó. Đố quý vị nào đưa ra những bằng chứng phản bác trước khi lên giọng thầy đời để dạy dỗ.
Minh Thu

No comments:

Post a Comment