Tuesday, November 18, 2008

THAY ĐỔI THỰC SỰ CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ NGHIÊN CỨU....

Thay đổi thật sự chứ không chỉ là nghiên cứu, dự báo và đề phòng
Trần Ngọc Thơ

17-11-08
http://www.viet-studies.info/kinhte/TranNgocTho_ThayDoiThatSu.htm
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu quả thật khó lường, nó đã bắt đầu tác động mạnh đến các nước. Lúc ban đầu, những nhà làm chính sách tự tin cho rằng những tác động này ảnh hưởng không đáng kể đến kinh tế Việt Nam hẳn giờ phải bắt đầu có những nhìn nhận khác hơn. Tác động trực tiếp, chứ không chỉ là gián tiếp, dường như đã ngày càng rõ nét. Đó là sai lầm thứ nhất trong nhận định, nhưng sai lầm trong nhận định là bình thường trước một diễn biến quá phức tạp, và chúng sẽ không có tác động đáng kể nếu chúng ta nhận ra sai lầm sau đó.

Và bây giờ nếu như ta cho rằng bản chất của những sai lầm dẫn đến cuộc khủng hoảng không có liên quan gì đến những vấn đề thuộc về hệ thống của Việt Nam, có lẽ đó sẽ là một sai lầm thứ hai. Sai lầm thứ hai này mới nguy hiểm vì nó sẽ tác động rất xấu đến các chiến lược tăng trưởng.

Bài viết dưới đây đưa ra một số góc nhìn của tác giả về vấn đề thứ hai.

Thâm hụt và nợ nần

Nợ nần, thâm hụt ngân sách và thâm hụt mậu dịch là điều trước tiên mà Việt Nam có thể rút ra được từ cuộc khủng hoảng tài chính. Trong điều kiện bình thường, những người đứng đầu nước Mỹ chẳng đã từng tuyên bố đó chẳng phải là vấn đề gì lớn đối với họ hay sao. Nhưng giờ đây hẳn nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại. Rồi đây những nhà kinh tế sẽ trả lời cho câu hỏi, rằng thâm hụt kép như thế đã góp phần bao nhiêu vào cuộc khủng hoảng, thay vì cho rằng chúng vô can.

Thâm hụt tất nhiên phải dẫn đến nợ nần. Cái lý thuyết nợ nần không trở thành vấn đề gì, với rất nhiều mệnh đề… “nếu”, đã được người Việt Nam chúng ta cố tình quên đi hoặc hiểu chưa đầy đủ, để từ đó chúng được phát triển thêm lên ở một tầm cao mới, theo những cách thức vô cùng lạ lẫm. Tiền thuế của dân lại được công khai đưa ra Quốc hội biểu quyết như là một khoản chi ngân sách cho các tập đoàn? Đó chẳng qua chỉ là một trong nhiều ví dụ cho điều mà một số báo chí nước ngoài từng nhận định rằng Việt Nam đúng là đất nước của những điều kỳ diệu.

Những tính toán hình thức về tỷ lệ nợ nước ngoài, tỷ lệ thâm hụt ngân sách vẫn còn đang trong ngưỡng an toàn – những con số mà chúng ta tạm cứ cho là đúng – đáng tiếc lại được những nhà làm chính sách luôn lấy chúng để làm cái hình thức bên ngoài như là một chỉ số mà ta tạm gọi là riêng có của chúng ta: “chỉ số trấn an”. Nếu chỉ nhìn vào các chỉ số vĩ mô không thôi, hẳn không ai cho rằng sẽ có ngày Mỹ lâm vào tình trạng như hiện nay. Niềm tin và hành động không đến từ những con số.

Những lời nói, nhưng không hẳn là suy nghĩ và hành động, của những người điều hành nền kinh tế ở Mỹ và Việt Nam thật ra không khác nhau bao nhiêu. Sự thật và phản ứng đằng sau những con số mới là điều quan trọng.

Sự thật đó là gì? Rất đơn giản, anh phải biết dùng tiền đúng cách thì mới có thêm tiền để sau này xài tiếp. Ở Việt Nam, lối tư duy theo nhiệm kỳ bằng việc mở rộng quá mức chi tiêu công tính cho nhiệm kỳ đó khiến chúng ta quên hay cố tình quên đi điều cơ bản này. Điều mà đáng lý những nhà làm chính sách có trách nhiệm phải ưu tiên đặt lên hàng đầu, chứ không phải những con số mỹ miều bên ngoài, để rồi từ đó kết luận thâm hụt và nợ nần vẫn còn đang ở ngưỡng an toàn. Con số dự kiến vay nợ nước ngoài lên đến 2/3 trong tổng số 33 tỷ đô la cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam mà lãnh đạo cao nhất Bộ Giao thông vận tải công bố gần đây cũng chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về cách tính toán kinh tế vĩ mô rất đơn giản, miễn tỷ lệ nợ nước ngoài vẫn còn trong ngưỡng an toàn là ta có thể lâm vào cảnh nợ nần?

Anh quên rằng, giống như một ngân hàng, cho dù tổng dư nợ vẫn còn an toàn nhưng nếu anh chỉ tập trung cho vay vào một đối tượng nào nhiều quá (chứng khoán hay bất động sản chẳng hạn), coi chừng sẽ có rủi ro đổ vỡ toàn hệ thống nếu có những bất ngờ xuất hiện. Mà bất ngờ và thậm chí là những cú sốc động trời thì không bao giờ xa xỉ trong khi mà độ mở của nền kinh tế Việt Nam là khá cao.

Nếu từng ngành, từng địa phương vì lợi ích cục bộ của mình mà không thấy hết những mối nguy tiềm ẩn này thì Chính phủ với tư cách là vị tổng tư lệnh công minh phải thấy và đương nhiên phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp xử lý.

Vì sao chưa đổ vỡ?

Mỹ có lẽ là nơi xuất khẩu mạnh mẽ nhất ý tưởng sử dụng đòn cân nợ (financial leverage) ra toàn thế giới tài chính. Các sách giáo khoa kinh tế chẳng phải đã giảng dạy chúng ta rằng khi nền kinh tế đang trong giai đoạn bùng nổ, sử dụng nợ nần càng cao càng có lợi cho cổ đông hay sao. Cái bẫy của ý tưởng này chính ở chỗ rất khó phân định ranh giới thế nào là nợ nần vừa phải và tối ưu trong những điều kiện nhất định với việc tham lam sử dụng nó quá độ khi thị trường trở nên vô cùng thuận lợi.

Cái bẫy đã giương ra, nói đúng hơn là do chính chủ nhân của nó thiết kế, đã sập xuống. Nó sụp xuống để bẫy chính những chủ nhân tham lam quá đáng. Cơ nghiệp của những người khổng lồ tài chính như Bear Stearns, Merrill Lynch, Lehman Brothers bỗng chốc thành tro bụi bằng việc đầu tư vào các công nợ quá tinh vi và phức tạp.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội ở nước ta mới đây, một đại biểu đã công bố dữ liệu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao ở các DNNN: Cienco 5 vay nợ gấp 42 lần trên vốn của chủ sở hữu, Lilama 21 lần, Vinashin 22 lần và còn nhiều điều hơn thế nữa.

Nhưng vì sao các tập đoàn này vẫn chưa sụp đổ?

Không có gì khó hiểu. Nếu đến chừng nào chúng vẫn còn chưa phá sản, nghĩa là những khu vực khác của nền kinh tế phải gánh chịu thay cho nó: doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn của nền kinh tế; sâu xa hơn là những bất bình đẳng ngày càng lớn dần. Có thể những điều đó mới dẫn đến khủng hoảng. Tức là cả nền kinh tế, xét về mặt tổng thể, sẽ mai một dần để nuôi sống khu vực DNNN, và khủng hoảng là sẽ điều tất yếu đến sau. Còn nếu chúng ta mạnh dạn cắt đứt bầu sữa đối với các DNNN, những khu vực khác của nền kinh tế sẽ được tiếp thêm năng lượng để đương đầu với những cú sốc nếu có xảy ra sau này, và cũng để phục vụ cho các chiến lược tăng trưởng trong tương lai của Chính phủ.

Hiện nay còn có khá nhiều điều cần phải thay đổi thật nhanh trong ngắn hạn để cải thiện tình hình. Nhưng ngay cả cái gọi là ngắn hạn liên quan đến công nợ của khu vực DDNN thì cũng không hiểu vì sao đến giờ chúng ta vẫn chưa thừa nhận các khoản nợ và vốn của DNNN – tức là tiền thuế của dân – phải chịu sự sự điều tiết của một bộ luật đặc thù nào đó. Có thể luật này phải bao gồm luôn cả vốn tự có, chứ không chỉ có nợ không thôi như một số đại biểu quốc hội đề nghị. Những nội dung thuộc diện cần phải làm ngay trước mắt mà Quốc hội cũng vẫn còn đang tranh cãi nhau, lấy gì bàn đến các chiến lược dài hạn?

Những kẻ tham lam

Những câu chuyện khôi hài về những kẻ tham lam thì rất nhiều, nhưng nó không đáng ngại bằng cách thức mà hệ thống của chúng phản ứng lại. Ở Mỹ, những triệu chứng của căn bệnh dẫn đến khủng hoảng thật ra đã bộc lộ từ lâu. Ngoài thị trường tài chính ra, tình trạng thiếu kiểm soát cũng đã diễn ra đối với những tập đoàn hàng đầu của Mỹ. Giá điện tại California trong những năm 2000 và 2001 đã tăng lên vượt khỏi dự tính và cả sự kiểm soát của chính quyền do quyết định thả nổi thị trường năng lượng.

Trừ phi có sự kiểm soát hợp lý, bằng không, những công ty như Enron, Worldcom hoặc bất cứ tập đoàn độc quyền nào cũng không bao giờ từ chối cơ hội nhà nước phi điều tiết giá cả để lũng đoạn. Các tập đoàn nhà nước Việt Nam tất nhiên cũng không là ngoại lệ, có điều với mức độ nguy hiểm hơn nhiều, do mọi người hoàn toàn thiếu thông tin về hoạt động của các tập đoàn.

Giá xăng dầu, điện, nước tăng theo giá thế giới, nhưng giảm thì có điều kiện. Oái oăm là những điều kiện này lại bắt nguồn từ chính những sai lầm trong kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn, và họ lại bắt cả nền kinh tế phải trả giá cho những sai lầm của chính họ. Trong kinh tế học, những quyết định sai lầm trước đây được gọi là các chi phí chìm (sunk costs). Chúng không thể nào được phép tính vào các quyết định kinh doanh hay đầu tư.

Trong thương trường, cũng chẳng có doanh nghiệp nào được phép đưa những sai lầm trong quá khứ của mình vào trong giá thành và giá bán, nếu không muốn bị khách hàng tẩy chay. Thế nhưng, vì là các tập đoàn nhà nước nên họ được miễn trừ đạo lý tối thiểu này! Cũng không quá lời nếu ta thay từ đạo lý bằng đạo đức. Vai trò chủ đạo của khu vực DNNN mà như thế này đúng là không ổn.

Cách thức kinh doanh thả nổi giá nhưng vẫn còn độc quyền đến một lúc nào đó có thể làm cho giá cả những mặt hàng chiến lược của nền kinh tế thay đổi ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Vì rằng nó phải gánh chịu những “chi phí chìm” khổng lồ trong quá khứ từ những đầu tư sai lầm của các tập đoàn kinh tế vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản và resort. Chỉ tính riêng đối với hàng tồn kho lỡ nhập với giá cao vài tháng trước đây của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thôi, như chính họ thú nhận, cũng mất hết cả năm bán xăng dầu với giá độc quyền như hiện nay thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới chỉ huề vốn. Còn nếu tính chung hết toàn bộ những sai lầm trước đây thì nền kinh tế không biết phải trả giá 5 năm, 10 năm hay là bao nhiêu lâu nữa cho những “chi phí chìm” của các tập đoàn?

Những ước tính từ WB cho thấy nếu có một cuộc cải cách thật sự đối với các DNNN, Việt Nam có thể tiết kiệm được 30% chi phí tiêu hao nguyên vật liệu và công nghệ. Và với một sân chơi công bằng hơn do việc nghiêm khắc hơn đối với các tập đoàn kinh tế, WB cho rằng không khó lắm để chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục như Trung Quốc đã từng.

Những tập đoàn nhà nước kiểu Việt Nam hiện nay và những Enron hay Worldcom của Mỹ vào những năm 2000 có điểm chung giống nhau là lợi dụng chủ trương thả nổi (tất nhiên là dưới chiêu bài có kiểm soát) để lũng đoạn, trong khi đó lại thiếu kiểm toán đúng mức và đầy đủ theo những chuẩn mực quốc tế.

Giống nhau như thế nhưng điểm khác nhau là Enron và Worldcom thì đã đổ vỡ, và đó chính là cách mà hệ thống của chúng phản ứng lại.

Còn cách thức mà hệ thống của chúng ta phản ứng lại là vẫn tiếp tục bơm tiền vào “ngân sách” của tập đoàn. Ngoại trừ phần công nợ trong kinh doanh, có lẽ khái niệm thích hợp để nói về toàn bộ lượng tiền vốn hiện có tại các tập đoàn là “ngân sách” chứ không phải là “vốn” kinh doanh. Vì chỉ “ngân sách” mới không đặt nặng yêu cầu phải sinh lãi như cách mà tập đoàn đầu tư tràn lan bất chấp hậu quả, trong khi “vốn” thì ngược lại.

Chừng nào mà các tập đoàn nhà nước Việt Nam vẫn chưa chính thức được kiểm toán quốc tế và công khai cho người đóng thuế biết được tiền của mình hiện đang được sử dụng ra sao, không loại trừ những chủ trương chính sách mà Chính phủ ban hành sẽ bị sai lệch. Và nó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường nếu như chạm phải cho dù chỉ là một cơn bão nhẹ từ cuộc khủng hoảng hoặc cú sốc bên ngoài. Càng nguy hiểm hơn khi đã bắt đầu xuất hiện thái độ bàng quang của các chuyên gia và người dân đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước. Thái độ bàng quang này cho thấy mọi người không còn kỳ vọng nhiều vào những thay đổi triệt để đối với cái gọi là quả đấm thép.

Con đường nào cho các tập đoàn kinh tế Việt Nam?

Một số cách tiếp cận cho rằng Việt Nam có thể học tập nhiều từ mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước kiểu Trung Quốc, nơi mà tính thị trường đã được tuân thủ khá hơn nhiều so với các tập đoàn nhà nước Việt Nam. Đây là gợi ý đáng chú ý. Tuy nhiên không loại trừ những câu chuyện thuộc dạng thâm cung bí sử trong các tập đoàn nhà nước Trung Quốc cũng không khác gì so với các tập đoàn kiểu Hàn Quốc hay Nhật. Cũng bưng bít thông tin, gia đình trị, tham nhũng và lũng đoạn. Đối với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc, nhiều nghiên cứu cho rằng không phải là có hay không sự đổ vỡ, mà chỉ là khi nào.

Cái khó nhất đối với tập đoàn cho dù của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật là ngoài việc nhìn nhận một cách thực sự những nguồn gốc sâu xa bên trong dẫn đến những bất cập, điều quan trọng là liệu chính quyền có dám cắt đứt khối u của chính mình hay không. Tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam liệu có là ngoại lệ?

Trong một chừng mực nào đó, có thể đồng tình phần nào với chủ trương từng bước cai sữa các tập đoàn. Gói cứu trợ tài chính 700 tỷ đô la của Mỹ luôn nhận được 3 câu hỏi mà các vị dân biểu Mỹ đặt ra trong khi chất vấn ngài Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW, khi liên hệ với các tập đoàn của ta, 3 câu hỏi này rất đáng để các đại biểu của dân suy nghĩ và vận dụng. Ba câu hỏi trên có thể diễn đạt như sau:

- Liệu rằng việc tài trợ (gói cứu trợ 700 tỷ đô la) cho những kẻ gây ra tội lỗi đó, sau này có đánh đổi tương xứng với những gì mà người đóng thuế cho nó xứng đáng được hưởng?
- Liệu đã có đủ cơ chế để giám sát hoạt động của những người đã được quy cho là quá tham lam đó, để cam đoan rằng những sai lầm trong quá khứ sẽ không còn tiếp diễn?
- Lấy tiền đâu để tài trợ cho những định chế khổng lồ này? Khi mà tiền bơm vào không biết bao nhiêu là đủ, trong khi “thâm hụt kép” và nợ nần liên tục diễn tiến từ năm này sang năm khác, và rằng trong khi mà còn có quá nhiều chuyện khác để lo: ở Mỹ là tình trạng ngày càng gia tăng số người bị tịch biên nhà cửa để cấn nợ bất động sản; còn ở Việt Nam thì bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội và giữa khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh ngày càng đáng ngại đến mức nguy hiểm.

Tình hình các tập đoàn của ta cũng giống như tình trạng các định chế tài chính của Mỹ, do thiếu thông tin nghiêm trọng từ cả 3 phía nên cả người hỏi, người trả lời lẫn người tiếp nhận gói tài trợ chẳng ai có thể trả lời chính xác các câu hỏi này.

Có điều chắc chắn rằng, trong tình hình của Mỹ, nếu không hành động thì tình hình sẽ càng tồi tệ thêm.

Còn Việt Nam?

Có lẽ nếu không hành động - dừng bơm vốn và ưu ái cho các tập đoàn dưới mọi hình thức - tình hình sẽ tốt thêm nhiều hơn, do ta chưa rơi vào tình huống đặc biệt để sử dụng những biện pháp đặc biệt như có một số quan điểm viện dẫn về sự cần thiết phải bơm vốn cho các tập đoàn.

Mở cửa thị trường tài chính quá nhanh sẽ là một sai lầm?

Để đối phó với những bất ổn vĩ mô, một số quan điểm cho rằng năm 2008 nên là năm bản lề để chuẩn bị cho quá trình tự do hóa hơn nữa lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là tạo cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược và ngân hàng quốc tế. Cho dù tranh luận theo hướng nào thì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này cũng sẽ khiến cho mọi người có cái nhìn thận trọng hơn về con đường tự do hóa tài chính ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng một quốc gia có thể đi trước một bước trong quá trình tự do hóa tài chính để nhận được chẳng những những lợi ích hữu hình mà còn nhận được những lợi ích vô hình của tiến trình này.

Những lợi ích vô hình hay gián tiếp từ quá trình tự do hóa tài chính là nếu như nó đi trước một bước thì trình độ quản trị của các doanh nghiệp và các định chế tài chính trong nước sẽ được cải thiện rất nhiều theo những chuẩn mực hiện đại. Để theo kịp đà tăng tốc của tiến trình này, muốn hoạt động hiệu quả, chính phủ buộc lòng phải có những cải cách sâu rộng tương ứng, thay vì phải chờ đợi đến lúc hoàn thiện các chính sách trong nước trước rồi bước tiếp theo mới là mở cửa mạnh mẽ hơn nữa thị trường tài chính.

Nhưng mở cửa thị trường tài chính theo cách này có khả năng đưa đến một kết cục không mong đợi. Ta đưa huấn luyện viên và vận động viên chưa đủ chuẩn đi thi đấu điền kinh quốc tế với hy vọng họ sẽ có động lực nhìn các vận động viên gạo cội phía trước để cố mà rượt theo. Ta hy vọng vào phép màu xảy ra mà không nghĩ đến việc vận động viên, với một huấn luyện viên vẫn còn ở trình độ nghiệp dư, có thể kiệt sức giữa đường.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy một quốc gia cần phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết như thế nào để mở cửa thị trường tài chính, nếu không sẽ nhận lấy hậu quả: cải cách trong nước phải đi trước một bước và phải thật đồng bộ giữa các bộ ngành mà quan trọng nhất là phải thiết lập được cơ chế giám sát tài chính hữu hiệu, đó mới chính là điều kiện tiên quyết nhất cho quá trình tự do hóa tài chính mạnh mẽ tiếp theo.

Bài học từ 2 năm gia nhập WTO vẫn còn đó. Ta hy vọng tư cách thành viên WTO sẽ thúc đẩy các bộ ngành và các doanh nghiệp trong nước có những thay đổi nhất định để thích nghi với quá trình toàn cầu hóa. Nhưng thực tế cho thấy chúng ta vẫn chẳng có chuẩn bị gì nhiều cho quá trình hội nhập. Tất cả, từ trên xuống dưới, đều say đắm lao vào đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, để rồi phải nhận lãnh hậu quả: lạm phát cao nhất khu vực và bất ổn xã hội.

Nói như thế không có nghĩa chúng là cái cớ để cho ta quá thận trọng để bảo hộ thị trường một cách cực đoan. Cuộc khủng hoảng tài chính đã buộc chính phủ các nước phát triển tăng cường kiểm soát mạnh mẽ hơn nữa đối với các định chế tài chính và các tập đoàn của mình. Như trong lĩnh vực ngân hàng chẳng hạn, nhiều ngân hàng như Goldman Sachs, Morgan Stanley… đã chuyển từ ngân hàng đầu tư sang mô hình tập đoàn bao gồm cả ngân hàng thương mại và đầu tư, và sắp tới đây sẽ phải chịu sự kiểm soát rất chặt của FED. Mở cửa thị trường tài chính theo hướng tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược nước ngoài vì vậy có thể là hướng đi thích hợp cho Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, do các đối tác nước ngoài này đã được kiểm soát phần nào bởi những quy định siết chặt hơn so với trước đây ở ngay chính quốc gia của họ.

Mặc dù vậy những biện pháp “kỹ thuật” thích hợp cho từng đối tác chiến lược nước ngoài vẫn rất quan trọng để sàng lọc những đối tác nào không cần thiết cho sự ổn định của thị trường tài chính nội địa.

Lời kết: chống “thiên tai kinh tế” phải dám phạm đến “nhân tai”

Bài viết nêu lên một số vấn đề liên quan đến nợ nần, thâm hụt, vai trò của tập đoàn kinh tế, của chính phủ, và vấn đề mở cửa thị trường tài chính. Do nguyên nhân cũng như bản chất của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay liên tục được các học giả toàn thế giới phân tích nên đây là cơ hội rất tốt để chính quyền các nước tỉnh táo và nghiêm túc liên hệ chúng với hệ thống của chính mình. Các vấn đề mà bài viết đặt ra ở Việt Nam vì vậy được liên hệ trong mối tương quan với những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong điều kiện bình thường không thôi, bản thân những vấn đề nêu trên đã nhận được rất nhiều phản biện của mọi giới ở nước ta về những bất cập của nó.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và bắt đầu có những tác động xấu đến kinh tế Việt Nam và không loại trừ thỉnh thoảng vẫn tiếp tục có những cuộc khủng hoảng như thế trong tương lai, những vấn đề mà bài viết nêu ra càng đòi hỏi Chính phủ có những thay đổi thích hợp.

Thay đổi thật sự chứ không đơn thuần chỉ là nghiên cứu, dự báo và đề phòng.

Để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và cũng để có các nghiên cứu, dự báo, phòng ngừa và thay đổi thật sự với những yếu tố thuộc về “thiên tai kinh tế” vốn rất tinh vi và phức tạp, đã đến lúc các thay đổi còn phải dám phạm đến “NHÂN TAI”.

No comments:

Post a Comment