Sunday, November 16, 2008

ĐÔ THỊ : "NGẬP" TRONG "CHI TIẾT"

Đô Thị: "Ngập" Trong "Chi Tiết"
Osin’s Blog
Friday November 14, 2008 - 07:41am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=6481

Khi thấy Trung tâm hội nghị quốc gia, một công trình mới xây được vài năm, cũng ngập, một chuyên gia quy hoạch thuộc Bộ Xây dựng nói: “Lẽ ra phải nâng (cốt nền khu vực này) lên khoảng 1m nữa thì mới đẹp”. Một nhà lãnh đạo địa phương cũng đã phê phán Hà Nội không áp dụng phương pháp mu rùa, “thấy thế đất nghiêng về bên nào thì thiết kế thấp dần về bên đó”. Ông cho rằng, quy hoạch đô thị “không có gì ghê gớm lắm”.

Có lẽ Trung Hòa- Nhân Chính và Mỹ Đình đã không bị ngập nếu như cốt nền ở đây được nâng cao thêm 1m như ý kiến của nhà quy hoạch mà chúng tôi vừa dẫn ở trên. Nhưng, nếu lượng nước đã mưa ấy không nhấn chìm những chiếc xe hơi dưới hầm những cao ốc ở Trung Hoà thì nó vẫn phải đổ vào một khu dân cư nào đó. Theo KTS Nguyễn Trường Lưu: “Ở những khu đô thị như thế không ai thiết kế dưới cốt quốc gia. Ngập là bởi bài toán thoát nước ở đây đã chưa được tính”. Chuẩn quốc gia mà chúng ta áp dụng lâu nay vẫn lấy từ mực nước của Hòn Dấu (Hải Phòng) và Mũi Nai (Hà Tiên) với độ cao khoảng hơn 2m (so với mực nước biển). Thế nhưng, không hẳn là mọi công trình vẫn phải cao hơn hai chuẩn ấy. Cốt nền ở góc Pasteur- Lê Lợi (TP HCM) chỉ là 1,6m (theo KTS Nguyễn Trường Lưu) nhưng ở khu vực này từ thời Pháp đến nay đã chưa bao giờ bị ngập. Bởi đơn giản, mực nước cao nhất ở Sài Gòn khi triều cường cũng chỉ đạt khoảng 1,47-1,49m thôi. Cứ nghĩ để chống lụt mà đôn cốt nền lên cao thì vừa lãng phí vừa biến chúng trở thành “đê” ngăn nước thoát ra từ những vùng dân cư khác.

Vấn đề của Hà Nội, TP HCM và của cả nhiều thành phố khác là khi tăng mật độ xây dựng trong các khu đô thị, thậm chí khi hình thành cả một khu đô thị mới vẫn không có được bài toán thoát nước khả thi. Theo GSTS Nguyễn Trường Tiến, trước kia Hà Nội có 150 hồ; cho tới năm 1990, Hà Nội vẫn còn có 40 hồ. Thế nhưng, đến nay chỉ còn 20; trong vòng 17 năm qua, 20 hồ đã biến mất; 150ha mặt nước đã bị lấp cho các dự án phân lô bán nền. Có thể quyền lợi của một số doanh nghiệp, của những người được cấp đất và rất có thể kể cả quyền lợi của những người ký duyệt đã được tính đến khi cho lấp 150ha mặt hồ này. Nhưng, quyền lợi của hàng triệu người dân Thủ đô rõ ràng là đã chưa được tính. Không có một bài toán thoát nước thay thế khi cho lấp mặt hồ làm nhà và chỉ cần một cơn mưa to là cuộc sống của hàng triệu người dân trở nên bế tắc.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở TP HCM, “đô thị hoá” đã làm mất của TP này 12.648ha đất nông nghiệp, ao hồ, kênh rạch. Khi Bàu Cát thành khu đô thị, mưa làm ngập đường Cách mạng tháng Tám (đoạn bây giờ gọi là Trường Chinh); khi khu Đinh Bộ Lĩnh được xây lên, toàn bộ con đường này bị ngập chìm trong nước. Thay vì kiểm soát bài toán thoát nước ngay từ đầu, chính quyền đã theo dấu những cơn mưa để nâng những con đường này lên, đổ nước vào nhà dân. Nhiều người phải tự nâng nền nhà, nhiều người phải chấp nhận để mặt đường, trước kia ngang với sàn nhà giờ như một con đê trước mặt. Ở quận 8, khi bờ kè kênh Tàu Hũ được xây cao, nhiều khu phố đã biến thành ao khi có triều cường hay mưa lũ. Ở những khu dân cư khang trang như Văn Thánh người dân cũng phải lội sau khi chính quyền cho nâng các con đường D4, D2. Lòng tin của người dân vào sự ổn định mặt đường từ đó không còn như trước nữa. Nhiều người dân khi xây nhà đã tự ý đưa “cốt nền” lên so với mặt đường 70- 80 phân để phòng khi chính quyền kê mặt đường bất chợt. Đầu tư cho nhà cửa của họ trở nên tốn kém và cuộc sống trở nên rất khổ sở vì cứ ra khỏi nhà là phải dắt xe xuống, xe lên.

Chưa có cấp chính quyền nào bị dân kiện vì quyết định cho phép xây dựng những công trình kiểu như nâng mặt đường bất chấp nước đổ vào nhà dân. Còn quan chức thì, có lẽ, đã chưa đặt mình trong vị thế của người dân, để lo lắng cho cái ngày chính ngôi nhà của mình, chiếc xe của mình cũng ngập. Nhiều đại biểu Quốc hội, nhân trận lũ nhấn chìm Hà Nội, đã đòi hỏi, các nhà lãnh đạo đô thị cần có một tầm nhìn. Có người muốn tầm nhìn 15 năm; có người muốn 20, 30 năm. GSTS Nguyễn Trường Tiến than: “Bản đồ quy hoạch các tỉnh thành của Việt Nam từ thời Pháp đến nay vẫn còn giá trị trong khi đó các khu đô thị mới do ta quy hoạch vừa đưa ra đã sớm bộc lộ yếu kém ngay”. Sở dĩ những giải pháp đô thị mà người Pháp ứng dụng có sức sống hàng trăm năm, không phải vì ngay từ thời điểm ấy họ đã có một tầm nhìn xa thế. Không ai tài thánh để tiên liệu sự thay đổi của thế giới hàng thế kỷ sau. Vấn đề là bất cứ quyết định nào của ngày hôm nay cũng đều phải tuân theo quy luật. Xây một ngôi nhà, hình thành một khu đô thị… điều trước tiên phải tính đến là khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng thoát nước.

Tầm nhìn thể hiện ở cách hành xử hằng ngày chứ không phải chỉ ở trên những bản đồ quy hoạch. It ai trên thế giới có tham vọng quy hoạch đến chi tiết như ở Việt Nam. Ngoài quy hoạch vùng (tỷ lệ 1/50.000); quy hoạch tỉnh, thành (1/10.000); quy hoạch quận, huyện (1/5.000), Chính quyền các đô thị như Hà Nội, TP HCM, còn cho làm quy hoạch chi tiết tới từng phường, từng xã (1/2000). Trên thực tế, Quy hoạch chi tiết chỉ là ý tưởng của một nhóm nhỏ các chuyên viên kết hợp với các cán bộ cấp quận, chủ yếu tập trung vào việc phân bố “mặt bằng”… Chính những người làm quy hoạch cũng không biết nguồn vốn sẽ ở đâu ra để thực hiện những gì họ vẽ.

Trong khi đó, những bản quy hoạch chi tiết có thể làm đảo lộn số phận của rất nhiều người dân. Có người tự nhiên thành tỷ phú khi vườn tược của họ được vẽ thành “nhà”; có người tiền tỷ hoá thành “rơm” khi nhà cửa của họ bị “quy hoạch” thành khu cây xanh hay trường học. Nhiều người phải “chạy” mới thoát những cú phóng bút trớ trêu. Những cú phóng bút sẽ thành “luật” để buộc dân theo những điều vốn khởi nguồn từ ý chí của một vài cán bộ. Đừng để bị ngập lụt trong “chi tiết”. Sẽ không thể nào kiến tạo một tầm nhìn nếu như những gì được vẽ, được xây dựng hôm nay, không tuân thủ những quy luật tưởng như chỉ là những điều đơn giản nhất.

Huy Đức

No comments:

Post a Comment