Sunday, November 2, 2008

NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH ĐỐI VỚI NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Những vấn đề cấp bách đối với nông nghiệp nước ta
Nguyễn Lân Dũng
Vietsciences
02/11/2008
http://vietsciences.free.fr/

Nước ta là một nước Nông nghiệp lấy sản xuất lúa nước làm chính. Có tới 72,88% cư dân đang sống ở nông thôn (2006), làm ra 39,65 triệu tấn lương thực lấy hạt, trong đó có 35,83 triệu tấn thóc và 3,82 triệu tấn ngô (2006). Trong Nông nghiệp, Trồng trọt chiếm tới 73,5%, Chăn nuôi chiếm 27,7%, còn Dịch vụ chỉ chiếm có 1,8%. Trong thu nhập quốc nội (GDP) thì nông lâm thủy sản còn tới 20,36%, công nghiệp, xây dựng là 41,56%, còn dịch vụ là 38,08%. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế nông nghiệp với 73,3% dân số nông thôn, trong số này tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23% (!). Hộ nghèo là là thu nhập bình quân cả hộ mỗi tháng dưới 200 000đồng, nghĩa là chưa mua được 20 kg gạo. làm sao nuôi nổi một hộ bình quân 3-4 nhân khẩu?

Từ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo; vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su, cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu… thì rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn.
Tuy nhiên, không thể không thấy rằng nông dân vẫn với cung cách làm việc như cũ, ruộng đất ngày càng bị thu hẹp và hiện họ vẫn là tầng lớp bị thiệt thòi nhất, nghèo khó nhất trong cả nước. Trong lá thư gửi Thủ tướng Chính phủ , nông dân Lê Văn Lam ở Đồng Tháp đã viết: Tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng lên đến 200%...Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn…Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hy vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận.Đúng như vậy, nhiều nơi nông dân nói hiện đang là con nợ của các ngân hàng và của cả những người cho vay nặng lãi. Nhiều gia đình sau khi thu hoạch lúa có tới 2/3 số tiền thu được đã phải dùng để trả nợ, chỉ còn 1/3 dùng để xoay xở chờ cho đến tận vụ sau. Nhiều nông dân đã phải trả lại đất vì làm ruộng không đủ sống. Chỉ riêng năm 2007 nông dân xã Tân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) đã trả lại đến 4 ha đất đai canh tác. Nông dân ở xã Vũ An (Kiến Xương, Thái Bình)cho biết mỗi ngày công của nông dân thu được không quá 6000 đồng. Với các hộ không có trâu bò, máy tuốt lúa… thì chỉ thu được 3000 đồng mà thôi (số tiền này chỉ đủ mua…1 bơ gạo!)

Trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha. Các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc. Những địa phương có diện tích đất thu hồi lớn là Cà Mau (120 000 ha)Tiền Giang (20.308 ha), Đồng Nai (19.752 ha), Bình Dương (16.627 ha), Quảng Nam (11.812 ha), Cà Mau (13.242 ha), Hà Nội (7.776 ha), Hà Tĩnh (6.391 ha), Vĩnh Phúc (5.573 ha)...Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại 16 tỉnh trọng điểm về thu hồi đất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89% và diện tích đất thổ cư chiếm 11%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất, chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp, tỷ lệ này ở Đông Nam Bộ là 2,1%, ở nhiều vùng khác: dưới 0,5%.Mặc dù diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi tại mỗi tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số diện tích đất tự nhiên của địa phương nhưng lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70-80% diện tích đất canh tác. Các tỉnh nằm ngoài những vùng trọng điểm về phát triển kinh tế, diện tích đất sản xuất và đất ở bị thu hồi còn tương đối nhỏ và nằm trong khoảng từ vài trăm tới dưới 1.000 ha.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 39 574 500 ha (12% diện tích cả nước và gấp 3 đồng bằng sông Hồng). Riêng diện tích đất canh tác chiếm 37% diện tích cả nước, trong đó đất phù sa màu mỡ là khoảng 1 200 000 ha, đất nhiễm phèn- 1 600 000 ha, đất nhiễm mặn- 750 000 ha. Thế nhưng thu nhập của nông dân từ nghề trồng lúa lại là thấp nhất so với các nghề khác. Bên cạnh trồng trọt nghề nuôi thủy sản là thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính riêng Công ty Navico-An Giang có thể xuất khẩu được đến 60 000 tấn cá ba sa , thu về được tới 60-70 triệu USD (!). Không nên xây dựng công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long vì làm lãng phí nguồn đất có cấu tượng mà biết bao đời mới có được, hơn nữa lại là vùng thường xuyên có chu kỳ ngập nước (đầu tư san lấp rất tốn kém), lại có quá nhiều sông ngòi, kênh rạch, chuyển đổi sang cây công nghiệp cũng là không thích hợp. Con đường công nghiệp hóa ở đây là ứng dụng Công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi ,bảo vệ động thực vật và xây dựng Công ngfhệ chế biến, bảo quản- ưu tiên các mặt hàng xuất khẩu.

Việc dùng đất nông nghiệp để xây dựng rất nhiều sân golf cho một thiểu số người có nhiều tiền dùng cho mục đích giải trí thật đáng báo động. Theo trả lời chất vấn của Bộ Kế hoạch và đầu tư vào đầu tháng 6 năm 2008 thì cả nước đã có 141 sân golf ở 39 tỉnh, sử dụng tới 49 268 ha đất đai- trong đó có 2 625 ha đất trồng lúa. Nếu như trong suốt 16 năm Thủ tướng chỉ cấp phép cho 34 dự án sân golf thì chỉ chưa đầy 2 năm (7/2006-5/2008) các địa phương sau khi được phân cấp đã cấp phép cho 104 dự án- nghĩa là cứ bình quân sau mỗi tuần lại xuất hiện thêm 1 sân golf (!). Đấy là chưa kể việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ cỏ sẽ dẫn đến ô nhiễm không ít các mạch nước ngầm. Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18-4-2008 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy sân golf không được xếp vào loại công trình được ưu đãi về đất đai.

Xin lấy một ví dụ được báo chí vừa nhắc đến: Đầu tháng 6.2007, Công ty TNHH Hyoil Investment (Hàn Quốc) được Chủ tịch UBND tỉnh Long An trao giấy chứng nhận đầu tư dự án sân golf 36 lỗ tại ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (Long An). Kể từ đó, hơn 600 hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi dự án bắt đầu sống trong nỗi lo âu, thấp thỏm vì chưa biết khi nào sẽ bị giải tỏa.Nằm ngay cạnh đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương và cách thị xã Tân An chừng 7 km, dự án sân golf nói trên chiếm 280 ha trên tổng diện tích 777 ha đất trồng lúa của xã Mỹ Phú, đồng thời làm đảo lộn cuộc sống khoảng 1/3 số hộ dân của xã này. Thế nhưng, sau hơn một năm được trao chứng nhận đầu tư, đến nay dự án chỉ mới triển khai xong việc kê biên. Trả lời câu hỏi liệu đến bao giờ mới áp giá đền bù, Chủ tịch UBND xã, ông Châu Hải Ngạt nói: "Chưa biết !" .Rồi đây nông dân sẽ sống bằng gì khi mà cả đời họ chỉ biết làm ruộng? Ông Lê Văn T., 63 tuổi, nhà có 2 vợ chồng và 7 người con nhưng chỉ có 2,2 công ruộng, bức xúc: "Từ xưa đến giờ gia đình tôi chỉ bám vào mấy công ruộng, đâu có đi làm thuê mướn gì được. Nay nghe chính quyền nói sẽ bố trí vào khu tái định cư, nhưng vào đó rồi sống bằng nghề gì? Nếu nhận tiền đền bù thì gia đình tôi được hơn 100 triệu đồng, không biết có đủ để xây nhà khác hay không, nói gì đi mua đất. Đừng nói là đất mặt tiền, chỉ là đất ruộng ở trong sâu thôi giờ cũng đã 70 - 80 triệu đồng một công rồi. Hẹp cho chúng tôi lắm! Từ năm ngoái đến giờ chúng tôi luôn sống trong lo âu, chờ đợi. Không ai dám sửa chữa, cất nhà mới hoặc đào ao nuôi cá". Trong khi đó, một số gia đình khá giả đã chủ động đi vay tiền ngân hàng để mua nền chuẩn bị di dời, thì bây giờ cũng... kêu trời vì phải chịu lãi ngân hàng cả năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa biết sẽ được đền bù bao nhiêu tiền.

Trong lúc hàng trăm hộ dân ở ấp 4 chưa yên vì dự án sân golf thì đầu năm 2008, UBND tỉnh Long An lại có quyết định phê duyệt bổ sung, lấy 25 ha đất lúa tại ấp 2 (cũng thuộc xã Mỹ Phú) để xây dựng công viên nghĩa trang. Và ngay sau đó, theo đề xuất của Trung tâm xúc tiến và tư vấn đầu tư Long An, ngày 20.2.2008 UBND tỉnh Long An đã có văn bản chấp thuận giao 25 ha đất nói trên cho 2 cá nhân (một người Hàn Quốc và một người Việt Nam) để liên doanh đầu tư xây dựng "công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng". Đây là dự án bị người dân kịch liệt phản đối vì đất trồng lúa năng suất cao lại lấy làm nghĩa địa, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Châu Hải Ngạt thì "người sống phải lo cho người chết". Còn theo giới chuyên môn thì đây là dự án thuộc loại "siêu lợi nhuận" vì sau khi phân lô và đem bán, nhà đầu tư sẽ thu về số tiền khổng lồ. Trong khi đó, theo đề án "Phát triển lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia" do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn dự thảo trình Chính phủ phê duyệt, thì cả 2 dự án nói trên đều nằm trên diện tích đất sản xuất lúa tốt nhất và không được chuyển đổi sang bất cứ mục đích sử dụng nào khác.

Lại một ví dụ khác tại Khu công nghiệp, đô thị-dịch vụ và sân golf với tổng diện tích là 960 ha liên quan đến nhân dân các xã Hoàng Ninh, Vân Trung, Tăng Tiến và Nội Hoàng. Người dân các xã trên sau khi nhận tiền đền bù đã than thở: Nếu bị mất đất vĩnh viễn chúng tôi không biết làm gì để mà sống? Riêng sân golf 18 lỗ trong dự án này chiếm đến 260 ha và dự kiến mỗi ngày cần cung cấp 5000 m3 nước (!).

Quốc hội đã có Nghị quyết số 29/2004/ QH11 thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của cả nước và Nghị quyết số 57/2006/QH11 thông qua kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của cả nước. Theo quy hoạch và kế hoạch đã được duyệt thì đến năm 2010 diện tích đất trồng lúa cả nước là 3.861.380 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ trở lên (đất chuyên trồng lúa nước) là 3.311.770 ha. Cuối tháng 4-2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định yêu cầu rà soát, kiểm tra đất nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Theo số liệu kiểm kê tính đến ngày 1-1-2007 thì so với số lượng kiểm kê ngày 1-1-2005 diện tích đất trồng lúa cả nước đã bị giảm đi 34.330 ha .Số lượng giảm tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long là 15.000 ha, ở đồng bằng sông Hồng giảm 8.000 ha,ở Đông Nam bộ giảm 6.600 ha, ở Bắc Trung bộ giảm 2.340 ha.
Các tỉnh có diện tích lúa bị giảm nhiều nhất trong hơn 2 năm qua là Bạc Liêu- 8.597 ha, Sóc Trăng- 3.600ha, Vĩnh Long- 3.024 ha, Hà Tây- 2.232 ha, Tiền Giang- 2.065 ha, Tây Ninh- 1675 ha, Thành phố Hồ Chí Minh- 1.599 ha,Hải Dương-1.118 ha, Bắc Ninh- 997 ha, Vĩnh Phúc-820 ha, Hà Nội- 647 ha, Hải Phòng- 637ha, Hưng Yên- 627 ha, Hà Nam và Nam Định- 550 ha.
Diện tích đất trồng lúa bị giảm toàn thuộc về hai châu thổ đất đai phì nhiêu của sông Hồng và sông Cửu Long (!). Ở Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị) chỉ bị giảm có 800 ha mà thôi.
Chỉ tính riêng KCN Bình Minh ở Vĩnh Long đã đủ làm xóa sổ 130 ha bưởi Năm Roi vốn có giá trị rất cao.
KCN Hòa Phú của Vĩnh Long đã chiếm tới 250 ha đất lúa và làm hàng nghìn nông dân trở nên thất nghiệp (!).
Tại An Giang từ các cánh đồng lúa ba vụ nay biến thành hai KCN Bình Hòa và Bình Long (170ha) lại thêm KCN Vàm Cống (200ha) và sắp mở rộng thêm KCN Bình Long ở bờ tây quốc lộ 91 (150 ha), và sắp thêm khu đô thị (250 ha) cạnh KCN Bình Hòa.
Đấy là chưa kể hàng chục cụm công nghiệp khác sẽ ra đời trên lộ trình đến năm 2015 tại tỉnh có truyền thống trồng lúa này.
Tại Đồng Tháp bên cạnh 3 KCN -Sa Đéc (70 ha), Trần Quốc Toản và Sông Hậu (163 ha) lại đang định mở rộng thêm gần 124 ha cho mấy KCN này và qui hoạch thêm KCN Tháp Mười (1000 ha) và KCN Ba Sao (1200 ha) cùng với hàng loạt cụm công nghiệp ở các huyện thị (khoảng1 150 ha).
Ở Cà Mau trong 8 năm qua đã mất đứt 120 000 ha trên tổng số 200 000 ha đất nông nghiệp để dành cho các dự án KCN khu đô thị. Toàn là đất trồng lúa mà giá bồi hoàn cho nông dân chỉ có 10-30 triệu đồng /1 công (!).
Ước tính đến năm 2020 tỉnh Hậu Giang sẽ mất đi 30% đất nông nghiệp mà hầu hết là đất trồng lúa. Cứ đà này thì tốn biết bao diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long trong khi dân số nước ta sẽ tiến gần đến 100 triệu người và giá gạo trên thế giới đang vượt quá 1200 USD/tấn (!).Vùng đất lúa trù phú nhất nước mà bị đối xử như vậy thì thật đáng ngao ngán và lo sợ.

Theo nông nghiệp gần cả cuộc đời, Trưởng phòng NN-PTNT Văn Lâm (Hưng Yên) Lý Duy Thu tỏ ra xót xa khi kết quả thống kê cho thấy, gần 100% diện tích đất màu, sản xuất hàng hoá của huyện này đã bị lấy làm công nghiệp. Trong khi đó, đất kém nhất của huyện, chiếm khoảng trên 30% tổng diện tích thì còn gần như nguyên vẹn (!).Theo báo Nông nghiệp VN thì trước đây tỉnh Hưng Yên có chủ trương giao đất cho doanh nghiệp giao luôn cả kênh mương. Một số người đã từng là cán bộ xã một thời ở Văn Lâm cho rằng, việc “bán” cả kênh mương thì xã mới "có phận có phần" vì tiền bán kênh mương xã được thu, cán bộ mới được tí. Như vậy, lợi ích của người nông dân bị bỏ qua. Để đến giờ, tỉnh Hưng Yên lại bỏ tiền ra hô hào các địa phương làm các con kênh, hoặc ra quyết định thu hồi đất của các doanh nghiệp đang sử dụng để làm kênh đi qua. Và đương nhiên, tỉnh phải bỏ tiền ra đền bù cho doanh nghiệp. Thế có nực cười không?
Tại các huyện có nhiều dự án như Mỹ Hào, Yên Mỹ (Hưng Yên), Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách (Hải Dương) diện tích bị hạn hán, ngập úng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lên tới cả ngàn ha. Trong đó, hàng trăm ha đã bị người dân hai tỉnh có Khu công nghiệp vào nhiều nhất nhì đồng băng sông Hồng này đang bị bỏ hoang (!).

Rất đáng buồn là toàn những ruộng nhất đẳng điền, toàn những bờ xôi ruộng mật bị lấy đi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân gôn hoặc xây các khu nhà để kinh doanh.Tính đến cuối năm 2007 riêng đồng bằng sông Cửu Long đã có tới 134 KCN hay Cụm CN. Vậy mà ngay các Khu công nghiệp được cấp giấy phép từ lâu nhưng ruộng đất vẫn bị bỏ không một cách vô cùng lãng phí.
Sau đây là một số ví dụ: KCN Xuyên Á (Long An) được cấp giấy phép từ 1997 với diện tích 306 ha nhưng đến nay mới cho thuê được 14,56% diện tích có thể cho thuê; KCN Đức Hòa (Long An) được cấp giấy phép từ 1997 với diện tích 274 ha nhưng đến nay mới cho thuê được 26,16% diện tích có thể cho thuê; KCN Tân Hương (Tiền Giang) được cấp giấy phép từ 2004 với diện tích 197 ha nhưng đến nay mới cho thuê được 0,76% diện tích có thể cho thuê; KCN Bình Minh (Vĩnh Long) quy hoạch 130 ha trên đất nông nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ hình hài ra sao; KCN Nam sông Cần Thơ đã có 2000 đất nông nghiệp bị quy hoạch nhưng vẫn đang bỏ hoang nhiều năm; KCN Phố Nối B (Hưng Yên) được cấp giấy phép từ 2003 với diện tích 95 ha nhưng đến nay mới cho thuê được 37,31% diện tích có thể cho thuê; KCN Hà Nội –Đài Từ được cấp giấy phép từ 1995 với diện tích 40 ha nhưng đến nay mới cho thuê được 18,75% diện tích có thể cho thuê…(!)

Theo báo Nông nghiệp VN thì Hà Nam, một tỉnh công nghiệp chưa thực sự vào nhiều nhưng cả chục ngàn mét vuông đất “bờ xôi ruộng mật” thuộc các huyện trọng điểm nông nghiệp như Đồng Văn, TX Phủ Lý, Bình Lục, Thanh Liêm cũng "đội nón ra đi" về với "ngôi nhà chung" của công nghiệp và đường cao tốc 1A.Phải thú thực một điều là nhận thức của người dân ở đây chưa cao, người ta cứ bảo năm 2013 chia lại ruộng đất là nông dân bán liền, 7 triệu đồng/sào cũng bán. “Cũng may, công nghiệp vào chưa nhiều nên vẫn còn nhiều ruộng để chúng tôi đi làm thuê. Vậy nhưng khi nhìn những mảnh ruộng của mình trước đây tốt tươi, nay là khu công nghiệp mà chẳng thấy bóng dáng công nghiệp đâu, cỏ mọc um tùm như KCN Đồng Văn, chúng tôi xót lắm. Thóc đắt thế này, giá mà chúng tôi vẫn được cấy ở đó thì hay biết mấy”- một nông dân xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên thốt lên như vậy.

Chúng ta dự tính đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng với thực tế trong lĩnh vực Tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) hiện nay thì quả là rất khó. Nếu vẫn quyết tâm thực hiện thì ngay từ lúc này chúng ta phải có những quyết sách thật đúng đắn, thật mạnh mẽ, quyết liệt.

Tình hình ruộng đất hiện vô cùng manh mún. Cả nước hiện có trên 75 triệu thửa ruộng, thuộc quyền sở hữu của 9 triệu 259 nghìn hộ nông dân. Chỉ tính riêng đồng bằng sông Hồng hiện nay có 857 000 ha canh tác và thuộc sự quản lý của 2,8 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,31ha. Vì các thửa ruộng quá nhỏ cho nên riêng diện tích đất được dùng làm bờ ruộng đã chiếm tới 20 000 ha (!). Chủ trương dồn điền , đổi thửa là bước đầu của quá trình tập trung đất canh tác, giúp nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, tăng thêm diện tích cánh tác và nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ dồn điền ,đổi thửa mà diện tích canh tác ở tỉnh Hưng Yên đã từ 89 000 ha tăng lên đến 92 309 ha. Tuy nhiên tại 9 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mới chỉ có 2 tỉnh hoàn thành bước đầu công việc này. Gọi là bước đầu vì ngay ở tỉnh đã hoàn thành như Bắc Ninh thì trung bình mỗi hộ vẫn còn trung bình tới…7 thửa ruộng (!). Khó khăn rất đáng kể là chi phí cho việc đo đạc, cấp sổ đỏ cho dân còn quá tốn kém- trung bình khoảng 4-11 triệu đồng/ha. Nhiều địa phương đã phải bán một số diện tích đất công ích để có thể hoàn thành công việc này.

TS sinh học Nguyễn Hữu Ninh nhận định :” Điều chắc chắn rằng nhiệt độ sẽ tăng, nước biển sẽ dâng. Kịch bản trung bình thì nước biển cũng dâng thêm 0,7- 1m. Như dự báo của quốc tế, nếu mực nước biển dâng 1m thì chúng ta bị mất 5% tổng diện tích đất nước. Đặc biệt là lại rơi vào 2 vùng đồng bằng. Nông nghiệp sẽ bị gánh chịu nhiều nhất. Bởi đất đai mất thì sản lượng lương thực sẽ giảm đi. Thậm chí, chúng ta có thể mất 50% sản lượng lương thực. An ninh lương thực đối với bất kỳ nước nào cũng rất quan trọng. Nhất là đối với VN, khi 70% dân số còn sống tại nông thôn. Trong 20 năm đổi mới vừa qua chúng ta đã có bước nhảy vọt về sản xuất lương thực. Thế nhưng, quá trình CNH đã lấy khá nhiều đất nông nghiệp. Nếu chúng ta có quy hoạch tốt, thì phải đưa công nghiệp lên những vùng đất cao, như tất cả các nước đã làm. Phải làm như vậy để bảo tồn đất nông nghiệp cũng như bảo tồn vùng dân cư sinh sống từ ngàn đời nay. Đáng buồn là tại VN không làm được như vậy”

Khoán 10 là thành tựu của một giai đoạn và giai đoạn đó đã qua rồi. Giờ động lực của đổi mới năng suất cây trồng không còn ở ý chí làm chủ của người nông dân nữa mà phải là dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao. Những nước như Đức, Nhật đâu cần quan tâm nhiều đến nông nghiệp khi công nghiệp, trong đó có Công nghệ sinh học (CNSH)đem về những hiệu quả kinh tế quá lớn .Chúng ta có đầy đủ những nguyên liệu quý giá như mía, sắn, ngô, khoai… để phục vụ cho CNSH. Thậm chí những nguồn chất xơ (cellulose) như rơm rạ, lau sậy, mùn cưa… trong tương lai cũng có thể được đường hóa nhờ vi sinh vật và dùng để tạo ra cồn sinh học, nhất là khi trữ lượng , than đá, dầu mỏ , khí đốt đã cạn kiệt.

Tôi đã đi thăm và làm việc tại nhiều nước và tôi thấy rằng cùng với cơ giới hoá, họ đã thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp bằng công nghệ cao. Các nông sản phẩm làm ra không chỉ thoả mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm với sản lượng cao, chất lượng cao mà rất nhiều sản phẩm giàu đường và tinh bột đã trở thành nguyên liệu phục vụ cho một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn là đó là sản xuất các sản phẩm mới của CNSH, nhất là các sản phẩm phục vụ Công nghiệp dược phẩm, Công nghiệp thực phẩm, Công nghiệp dầu khí, Công nghiệp môi trường…Hiện tại, ngay đến sắn mốc, Trung Quốc cũng sẵn sàng mua với giá cao, với số lượng lớn bởi họ đâu có dùng để ăn, mà dùng để chế biến thành vài trăm loại Tinh bột biến tính, mà một số ta đã thấy trong đời sống như cồn khô, lớp thấm hút trong tã trẻ em… Công ty Vedan đã xây dựng một nhà máy sản xuất axit amin ở Đồng Nai vào loại lớn nhất thế giới ngay tại Việt Nam . Họ đã giúp nông dân phát triển nghề trồng sắn năng suất cao, tận thu cho nông dân với giá cả thỏa đáng, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước ta. Nhưng thử nghĩ xem, nếu như chúng ta cũng hoàn toàn đủ khả năng xây dựng được những nhà máy Công nghệ sinh học như vậy, có trình độ khoa học cao như vậy, thì nông sản phẩm của chúng ta sẽ chuyển thành các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao biết bao!

Đứng trước một cánh đồng cà chua ở Mỹ, tôi đã rất lạ lẫm bởi không trông thấy một bóng người nào, cũng không thấy cả đất, vì họ dùng ni-lon phủ kín mặt đất để giữ nước. Hệ thống tưới tiêu được đầu tư rất lớn nhằm tiết kiệm nước tối đa, thông qua những chiếc ống nhựa, nước được nhỏ từng giọt vào từng gốc cà chua. Cây mọc lên đến đâu, họ phủ ni-lon (loại ni-lon lọc ánh sáng , chỉ để lại các bức xạ có lợi cho cây) đến đấy, không có sâu bọ, nấm bệnh gì cả. Cho nên không cần phải dùng các thuốc trừ sâu, trừ bệnh rất không an toàn như ở ta hiện nay. Trong khi ở VN , chúng ta vẫn tát nước ào ào, và nước bay hơi rất nhanh vào không khí, vẫn là cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau.

Chúng ta xuất khẩu gạo có thuận lợi là không bao giờ ế và giá cũng đang tăng lên, nhưng hãy tính toán kỹ lại xem trên diện tích đó, có thể làm ra cái gì thu được tiền nhiều hơn không? Chúng ta đừng ham cái gọi là đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo vì điều đó chỉ có ý nghĩa chứng tỏ nỗ lực vươn lên từ một nước thiếu đói trước kia mà thôi. Người nông dân thu được bao nhiêu tiền từ ngần ấy gạo xuất khẩu?
Thật khó tưởng tượng khi Hà Lan chỉ có 16,34 triệu dân, 69,6% sống ở thành thị , vậy mà có thể xuất khẩu 17 tỷ USD nông sản phẩm (bình quân 4 triệu USD/ha!). Nên nhớ, bình quân lương thực có hạt trên đầu người ở nước ta là hơn 471 kg/năm (2006) trong khi ở nhiều nước con số này là trên 1.000 kg/năm, nhưng họ vẫn không xuất khẩu lương thực mà dùng để chăn nuôi .
Nước Nhật có nền nông nghiệp rất tiên tiến nhưng chỉ cần xuất khẩu một chiếc ô tô cũng ngang với chúng ta xuất khẩu hàng trăm tấn gạo (!). Vậy ta nên tính toán thế nào để vẫn bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm , nhưng nên làm cái gì cho hiệu quả kinh tế cao nhất trên hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long .
Hình ảnh nước ta như cái đòn gánh (miền Trung) với hai đầu là hai thúng gạo (châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long). Điều không thể hiểu được là Việt Nam mà lại phải nhập khẩu khá nhiều ngô hạt, đậu tương, bột cá - những thứ chúng ta thừa sức sản xuất. Có lẽ chỉ vì công nghệ thấp mà sản phẩm ở ta đắt hơn hàng cùng loại nhập về.
Vậy tại sao chúng ta không dám đầu tư để đảo ngược lại được tình thế này? Bà con người H’Mông suốt đời phải ăn ngô, sao ta không đổi gạo cho họ để lấy ngô thay cho việc nhập khẩu ngô? Tại sao bà con nuôi cá xuất khẩu lắm lúc điêu đứng vì giá hạ đột ngột mà ta không chế biến thành bột cá để khỏi phải nhập khẩu? Cây đậu tương có khả năng cố định đạm từ không khí. Nếu ta trồng xen đậu tương với ngô trên diện tích rộng thì đâu đến nỗi phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu đậu tương? Nếu vì năng suất thấp thì hãy đầu tư đủ tầm cho các Viện nghiên cứu chuyên về ngô, về đậu tương để nhanh chóng bứt phá lên về năng suất.

Việt Nam có rất nhiều ưu thế về nông sản phẩm nhiệt đới nhưng chưa phát huy được. Hàng của mình vẫn bị trả lại vì không sạch, tiền thu được từ xuất khẩu gạo nông dân không được hưởng bao nhiêu… Tôi cho rằng, cần phải suy nghĩ để có một cuộc cách mạng, biến nông nghiệp nước ta ngoài việc thỏa mãn nhu cầu trong nước còn phải là một môi trường chuyên sản xuất những cây nhiệt đới quý hiếm, bán cho cả thế giới với công nghệ sạch, bền vững và nhất là biến nông sản phẩm thành các sản phẩm Công nghệ sinh học có giá trị rất cao.

Một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là chúng ta đang nhẫn tâm bê-tông hoá đất có cấu tượng. Theo tôi, người làm quản lý trước hết phải hiểu được đất có cấu tượng là gì và không được xâm phạm đến nó. Nói cho dễ hiểu ,đất xét về lý tính có 3 loại, một loại là các hạt rất to gọi là cát; một loạt hạt rất nhỏ, gọi là sét; loại đất trồng trọt có các hạt vừa phải nhờ đó mới có thể giữ nước, giữ thức ăn, giữ không khí trong đất. Người ta gọi đó là đất có cấu tượng. Để có các hạt đất như vậy, cần có sự hoạt động liên tục của vi sinh vật qua hàng nghìn năm để tạo ra được chất mùn làm liên kết các hạt đất lại thành đất có cấu tượng. Chất mùn còn được vi sinh vật phân giải dần dần để giải phóng thức ăn cho cây trồng. Phân khoáng nhờ kết hợp với chất mùn mà không dễ dàng bị rửa trôi xuống các lớp đất sâu. Đất có cấu tượng chính là đất mà nông dân ta vẫn gọi là Bờ xôi, Ruộng mật. Nó quý giá vô cùng. Nó nuôi sống dân ta lâu dài cùng với sự phát triển của dân số.

Trên Quốc lộ 5 thuộc địa phận các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đến nay, ven đường thay vì những cánh đồng lúa xanh tốt hiện đã mọc kín san sát các nhà máy, khu công nghiệp. Điều này có nghĩa là chúng ta đã không chuẩn bị trước cho các nhà đầu tư về nơi đến mà toàn để cho họ tự đi chọn, toàn nhằm vào những chỗ “bờ xôi ruộng mật” để bê-tông hoá chúng. Điều này khác với Trung Quốc. Tôi đã đến thăm Khu tự trị Nội Mông Cổ, một vùng đất rộng mênh mông , chất đất không tốt, khí hậu bất lợi ,chỉ thích hợp chăn nuôi mà thôi.. Ho đã biến thành những khu công nghiệp rộng lớn bằng cách làm đường cao tốc, xây dựng các nhà máy sản xuất đất hiếm (do tìm thấy nguồn đất hiếm rất lớn tại đây) và bạt ngàn các nhà máy gang thép. Họ nói với tôi một chân lý: Muốn làm giàu trước hết hãy làm đường! Tại sao chúng ta có vô vàn các vùng đất đá ong hóa, đất bạc màu ở trung du Bắc Bộ, ở miền Trung mà lại không đầu tư làm đường, làm cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư đến đó, nhằm xây dựng những khu công nghiệp, khu chế xuất rộng lớn? Đã đến lúc mỗi đồng chí lãnh đạo các cấp phải hiểu khái niệm về cấu tượng của đất và kiên quyết không được bê tông hóa các đất có cấu tượng. Nếu làm khác đi chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề trước các thế hệ mai sau.
Tôi phản đối kịch liệt cách nghĩ đơn giản là trên một ha làm công nghiệp thì lợi hơn biết bao nhiêu so với trồng cây nông nghiệp? Chúng ta phải làm đường hay mời đầu tư làm đường ,để rồi tạo ra các khu công nghiệp, các khu chế xuất nằm ngoài các thửa đất Bờ xôi, Ruộng mật. Một thông tin mà các đồng chí lãnh đạo từ trung ương đến địa phương nên biết là ở Trung Quốc muốn chuyển đổi sản xuất trên diện tích từ 5 mẫu Trung Quốc (1/3ha) nhất thiết cần có sự chấp thuận của Quốc vụ viện (Chính phủ). Bao giờ chúng ta mới có những quyết tâm giữ gìn đất canh tác mạnh mẽ đến như vậy. Một chuyên gia Trung Quốc cho tôi biết miền Bắc và miền Trung Việt Nam còn có biết bao đồi núi thấp. Trồng mấy cây bạch đàn mảnh mai , còi cọc thật là lãng phí quá. Ở Quảng Tây ( Trung Quốc )người ta đã và đang san phẳng dần các đồi núi thấp và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư đến để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bao giờ chúng ta mới chịu học những cách làm ăn như vậy?

TS Nông nghiệp Lê Đức Thịnh cho rằng:”Muốn đẩy công nghiệp lên miền núi, trung du, vào nơi đất xấu thì chúng ta phải định giá đất ở vùng đồng bằng cao hơn nhiều so với trung du và miền núi. Sau đó ra chính sách bảo hộ theo vùng. Nhà nước không cấm doanh nghiẹp lấy đất làm công nghiệp ở Hưng Yên, nhưng hệ thống giá buộc doanh nghiệp phải leo lên Thái Nguyên mà làm. Có chính sách cho vùng nông nghiệp, đời sống của nông dân sẽ không thua công nghiệp. Khi đó muốn điều chỉnh giá là điều chỉnh trong khung giá đó. Nhà nước phải có ý đồ rõ ràng cho phát triển trên toàn lãnh thổ và với từng vùng riêng. Quy hoạch đi trước và quy hoạch đó phải được pháp lí hóa, sau đó phải có lộ trình để chỉnh sửa hệ thống chính sách hiện nay. Nếu quy hoạch Hải Dương - Hưng Yên là trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhưng lại ưu tiên phát triển công nghiệp ở đây thì thật là tự mình trói mình.”

Tôi cho rằng suốt dọc miền Trung và vùng trung du Bắc Bộ , nơi đất đai khô cằn, bạc mầu hoàn toàn có thể xây dựng thành các khu công nghiệp, khu chế xuất rộng lớn. Còn hai châu thổ Sông Hồng và Sông Cửu Long, nơi được phù sa bồi đắp hàng nghìn năm qua nhất thiết không được đụng vào một cách tùy tiện như lâu nay. Tại đây phải suy nghĩ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì để thỏa mãn vừa đủ nhu cầu trong nước (cho hiện nay và cho tương lai), để thỏa mãn nguyên liệu cho một ngành Công nghệ sinh học cần phát triển nhanh chóng và còn cần nghiên cứu kỹ xem nên làm cái gì để xuất khẩu được nhiều tiền nhất, có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần so với lúa gạo. Đừng nên quên con số bình quân 1 ha ở Hà Lan thu được khoảng 4 triệu USD từ xuất khẩu. Ở nước ta 1 ha ở đồng bằng sông Hồng chỉ có thể thu được bình quân trên dưới 30 triệu đồng (khoảng 1875 USD!).Năm 2008 là năm nước ta thu hút được nhiều nguồn đầu tư rất lớn , nếu chúng ta không chuẩn bị trước thì vài chục tỷ đôla đó sẽ lấn chiếm hết vào các Bờ xôi Ruộng mật ,đó là một nguy cơ đau đớn lắm.

Nông dân mất đất sẽ vô cùng cơ cực. Theo thống kê hiện nay, trung bình mỗi hec-ta đất bị thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất lớn nhất: khoảng 300 nghìn hộ; Đông Nam Bộ: khoảng 108 nghìn hộ. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là vùng đất tốt, có điều kiện thuận lợi cho canh tác, trong khi các diện tích đất đền bù là đất xấu, cách xa khu dân cư và điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện định giá đền bù đất cũng như tài sản trên đất chưa phù hợp với giá thị trường và khu tái định cư. Một số địa phương chạy theo phong trào, phát triển công nghiệp, dịch vụ bằng mọi giá mà chưa chú ý đúng mức đến tác động đối với người dân. Hiện tượng quy hoạch treo, quy hoạch tràn lan là khá phổ biến. Thời gian triển khai công tác thu hồi đất kéo dài nhiều năm gây bất lợi đến tâm lý cũng như việc ổn định đời sống và việc làm của các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất. Các yếu tố trượt giá hầu như chưa được tính đến trong định giá đền bù cho người dân. Công tác tuyển dụng lao động tại các địa phương có đất bị thu hồi chưa có hiệu quả. Lao động nông nghiệp nhìn chung không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chỉ mới có một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng vài %) chuyển được sang nghề mới và tìm được việc làm ổn định. Việc làm và thu nhập của các hộ sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là đối tượng bị tác động lớn nhất sau khi thu hồi đất và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới. Trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhiều nơi lại thiên về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà chưa cân đối quyền lợi với người dân bị thu hồi đất.

Từ năm 2000 - 2007, Hà Nội triển khai gần 3.000 dự án đầu tư liên quan đến việc thu hồi đất, trung bình 300 dự án/năm, làm ảnh hưởng trên 178.000 hộ dân. Theo quy hoạch, thành phố sẽ mở rộng không gian gấp khoảng 3 lần. Như vậy số đất phải thu hồi sẽ lên đến hàng chục nghìn héc-ta “bờ xôi ruộng mật”. Do đó, số hộ dân bị mất đất sản xuất còn nhiều hơn nữa. Họ phải học nghề để chuyển đổi việc làm khác. Nhưng phần lớn lao động lại ở độ tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế, khó có khả năng tiếp thu kiến thức mới nên không đáp ứng được yêu cầu lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc bồi thường, hỗ trợ từ trước đến nay đều được thực hiện dưới hình thức chi trả trực tiếp. Người bị thu hồi đất chủ yếu sử dụng khoản tiền này phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt trước mắt mà ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm. Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH Hà Nội cho biết, gần 58% người dân sử dụng tiền đền bù để xây dựng nhà cửa, trong khi đó, đầu tư cho sản xuất phi nông nghiệp chỉ chiếm 1,27%, cho học nghề là 2,55%. Năm 2007, trong tổng số 20.000 lao động bị thu hồi đất trên địa bàn chỉ có chưa đầy 5.000 lao động có nhu cầu học nghề.

Về chuyện đền bù đất đai, tôi có dịp hỏi thăm nông dân Trung Quốc và được biết khi thu hồi đất nông dân sẽ được tặng 1 căn hộ, được cấp một số tiền để kinh doanh tạm trong các căn nhà thô sơ trong khu công nghiệp và quan trọng hơn là được coi là cổ phần góp vào nhà máy, được chia lãi hàng năm, số trẻ tuổi được cho đi học nghề để trở thành công nhân ở ngay các nhà máy đó. Điều này khác hẳn với kiểu đền bù hàng núi tiền mà vẫn không hề đảm bảo gì cho cuộc sống của người nông dân bị thu hồi đất , nhất là cho con cháu của họ, nếu không chuyển được lớp trẻ sang lĩnh vực công nghiệp hay dịch vụ.

Còn một chuyện rất đau đầu nữa là không có lý gì năm nào chúng ta cũng bị bọ rầy, bị nấm đạo ôn, bị vàng lùn, vàng xoắn lá, rồi thì cúm gia cầm , lợn tai xanh, trâu bò lở mồm long móng, tôm nhiễm virút…. Tôi không tin trên thế giới không có giống lúa nào kháng bọ rầy, kháng nấm đạo ôn, không đủ văcxin phòng chống có hiệu quả bệnh tật cho gia súc, gia cầm. Điều này đặt ra câu hỏi, các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của ta hiện đã được đầu tư tập trung chưa, đầu tư đủ tầm chưa, đã được trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại chưa, đã có sự cộng tác quốc tế có hiệu quả chưa mà để cho các vấn đề bức xúc cứ kéo dài mãi như vậy? Tôi cho rằng việc đầu tư của Nhà nước cho khoa học vừa chưa đủ tầm, vừa dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm. Theo tôi, các lĩnh vực mũi nhọn cần phải xây dựng được thành các viện nghiên cứu đủ tầm, và tốt nhất là nên kết hợp trong các trường Đại học như cách làm phổ biến trên thế giới (để tận dụng tối đa thiết bị khoa học và lực lượng trí thức). Sau đó yêu cầu các Viện này phải tháo gỡ bằng được các vấn đề cần nhanh chóng khắc phục. Với các ngành Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản , Chế biến sau thu hoạch…cũng cần có cách làm tương tự như vậy.

Nên nhớ rằng trong tình hình lạm phát như hiện nay giá lương thực, thực phẩm so với năm 2005 dù tăng được 20-30%, nhưng giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công…đã tăng hơn 60%. Rõ ràng thu nhập của nông dân đang bị giảm đi hơn 50% sau khi đã trừđi mọi chi phí sản xuất. Trong khi công nghiệp được bảo hộ mạnh mẽ từ phía Nhà nước thì thử hỏi nông nghiệp, nông thôn và nông dân được gì? Các nước như Mỹ, Australia đầu tư cho nông nghiệp tới 7-8% GDP , nhưng Việt Nam dù là nước nông nghiệp lại chỉ đầu tư chưa đầy 4% GDP cho lĩnh vực hết sức quan trọng này!

Để đạt được mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, tôi thiết nghĩ ngay từ bây giờ, chúng ta phải có một cuộc cách mạng thật sự trong tư duy và trong hành động. Đặc biệt, cần có sự cân nhắc sáng suốt đối với từng chủ trương lớn và phải có các biện pháp quyết liệt xuất phát từ những người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương.

Những bài cùng tác giả

No comments:

Post a Comment