Wednesday, November 26, 2008

NHỮNG LỜI HỐI TIẾC MUỘN MÀNG

Thời Sự Hoa Kỳ
Những Lời Hối Tiếc Muộn Màng
Minh Thu
(LÊN MẠNG Thứ ba 25, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4989
(VNN) Trong một cuộc điều trần tại Thượng Viện vào tháng trước của hai nhân vật lãnh đạo tài chánh của Hoa Kỳ là Tổng trưởng Tài chánh Hank Paulson và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ben Bernanke, nghị sĩ Sherrod Brown đã đặt một câu hỏi gợi Ỷ khá nhức nhối: đó là phải chăng đã đến lúc những nhà đại tài phiệt làm giầu bấy lâu nay trên thị trường Wall Street cần có một lời xin lỗi đối với dân chúng Hoa Kỳ? Đó là bởi vì sự tham lam quá độ, cộng với tinh thần làm ăn hám lợi một cách cẩu thả, bất chấp rủi ro của giới này, đã đẩy đưa đất nước đi đến bờ vực của hoảng loạn và suy trầm khiến cho chính phủ, qua tiền đóng thuế của người dân, bắt buộc phải xăn tay áo cực nhọc để cứu độ, bằng không thì mọi người trên con tàu quốc gia cũng đắm chìm theo luôn.

Cho đến nay, cũng ít thấy những vị tai to mặt lớn trong ngành tài chánh và ngân hàng ở Mỹ đã cất lời hay tỏ ra ăn năn hoặc hối tiếc về những việc làm hay thái độ thiếu trách nhiệm của họ, điển hình như trường hợp của ông Richard Fuld, cựu tổng giám đốc của đại ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, vẫn ngoan cố cho rằng ông và ban giám đốc chẳng có tội lỗi gì cả trong vụ làm ăn đã khiến cho một nhà băng đầu tư hàng đầu như vậy phải một sớm một chiều tiêu vong, làm thiệt hại cả chục tỷ Mỹ-kim! Hoặc như một vài vụ điều tra gần đây cho thấy là các ban giám đốc của nhiều đại công ty làm ăn thua lỗ, như trường hợp của hãng bảo hiểm hàng đầu AIG khiến cho chính phủ phải trợ cấp đến 85 tỷ Mỹ-kim để cứu vớt, vẫn tiếp tục hành xử bình thường như không có chuyện gì xảy ra, ung dung xếp đặt những chương trình hưởng thụ cho các sếp lớn như các chuyến nghỉ mát đi chơi "spa" tốn kém đến cả trăm ngàn Mỹ-kim!

Một lời xin lỗi của một cá nhân, nếu được thực hiện đúng lúc và xuất phát từ tấm lòng chân thật tỏ lộ sự hối lỗi của mình về điều đáng tiếc đã xảy ra, sẽ làm giảm được rất nhiều sự bực dọc hay tức giận hay oán thù từ những người ít nhiều đã là nạn nhân của những hành động lầm lỗi này. Những lời xin lỗi công khai nhiều khi có tầm ảnh hưởng mạnh hơn, nhưng trong nhiều trường hợp, nó có thể mang hình thức của một việc làm khai thác thời cơ, một hành động chơi nổi để tạo thêm tiếng tăm. Chẳng hạn như trường hợp của ông cựu nghị sĩ John Edwards mới đây đã xin lỗi về vụ ái ân vụng trộm bị báo giới khui ra trong khi ông ôm mộng ra ứng cử tổng thống và có bà vợ đang mang bệnh ung thư đến hồi hết thuốc chữa. Hoặc là trường hợp của cô ca sĩ nhạc rock da đen Janet Jackson đã xin lỗi thiên hạ về "trục trặc của quần áo" (wardrobe malfunction) khiến cho cả triệu khán giả giật mình khi thấy cô để lộ bộ ngực trần trên màn ảnh truyền hình giữa chốn thanh thiên bạch nhật. Những lời xin lỗi kiểu này xem chừng như khó có tính thuyết phục về sự thành tâm của những kẻ phát ngôn.

Những lời xin lỗi từ những tổ chức hay chính quyền về những điều đáng tiếc đã xảy ra trong quá khứ cũng khá rắc rối để xác định về tầm ảnh hưởng hay giá trị thực tiễn. Dĩ nhiên, việc dám nói lên lời xin lỗi về những gì đã xảy ra, tự nó đã là một hành động can đảm dám nhìn nhận trách nhiệm, và nếu như có những bài học rút ra được từ những sự việc đó thì cũng là một lợi ích cho mọi người.

Nhưng ngay cả khi mọi bên đều đồng Ỷ rằng một lời xin lỗi là điều cần thiết, thì cái cách thức xin lỗi không đúng (một cách giới hạn, chần chừ, hoặc miễn cưỡng) có thể dẫn đến những kết quả tệ hại hơn nữa. Đó là thí dụ của Nhật Bản vẫn thường lên tiếng xin lỗi về những hành động tàn ác, dã man mà quân đội và chính quyền của họ đã áp đặt lên dân tộc của hai nước như Trung Hoa và Đại Hàn trong thời chiến trước đây. Tuy vậy, hai nước nạn nhân này vẫn thường chua chát nhận xét rằng họ không thể hiểu nổi, cũng như không thể chấp nhận, vì sao mà người dân và các viên chức trong chính quyền của Nhật vẫn hay thích làm lễ hay đến dự những buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ của Nhật mà thế giới đã kết án là những tội phạm chiến tranh.

Những lời hay hành động xin lỗi thành công thường là một chiến thuật được dùng trên chính trường quốc gia hoặc quốc tế, nhất là khi một vị tân lãnh tụ muốn tách rời cá nhân mình xa khỏi những lỗi lầm trong quá khứ. Chính quyền của Ý Đại Lợi mới đây đã lên tiếng xin lỗi nước Libya và bồi thường thiệt hại từ những chính sách thực dân trong quá khứ, nhưng để bù lại, Ý sẽ được sự hợp tác của Libya trong các mối giao dịch về năng lượng! Cựu tổng thống Nam Phi là ông F.W. de Klerk đã xin lỗi về chính sách phân chia sắc tộc vào năm 1992 mà các chính quyền tại nước này đã áp dụng một cách bất công cho đa số dân chúng da đen. Bù lại sau đó lãnh tụ da đen Nelson Mandela cũng đã lên tiếng xin lỗi về những hành động dã man của tổ chức African National Congress do ông lãnh đạo. Tại nước này, một Uỷ Ban Đi Tìm Sự Thật và Hoà Giải cũng đã được thiết lập để ghi nhận tất cả những thiệt thòi của các nạn nhân cũng như tạo ra cơ hội cho những người đã gây ra tội ác có thể tới thú nhận và xưng tội hối lỗi.

Thế nhưng lời xin lỗi, nếu muốn có giá trị, thì cũng phải có cái giá của nó, chứ không thể tuôn ra một cách dễ dàng, không tốn kém hay thua thiệt cho người phạm lỗi. Do đó, nó thường đi đôi với việc ấn định một hình thức bồi thường cho những nạn nhân của những người đã gây ra tội. Sự bồi thường đôi khi không phải chỉ giới hạn ở vấn đề tiền bạc mà còn là những hình thức khác về mặt pháp lỶ, kể cả cái quyền được thưa kiện lại để đòi bồi hoàn cho xứng đáng. Tại Việt Nam trước kia, nhiều người cũng thường nghe nói đến những vụ thưa kiện mà phía nguyên đơn yêu cầu phía bị đơn nếu thua thì phải bồi thường cho họ một đồng danh dự. Dĩ nhiên, một đồng bạc của Việt Nam Cộng Hoà cũng chẳng có giá trị là bao dưới thời đó, nhưng chắc có lẽ cái đồng bạc danh dự, tức là được phán quyết một cách chính thức giữa phiên toà, thì có cái giá trị tinh thần to lớn hơn nhiều, coi như là đã đủ để phục hồi lại cái danh dự của phía nguyên đơn đã bị xúc phạm trước đó. Có lẽ đó là do cái văn hoá theo truyền thống lâu đời của xã hội ta vốn trọng theo kiểu "một miếng giữa làng còn sang hơn một mâm dưới bếp"!

Mới đây, chính quyền của Gia Nã Đại cũng đã lên tiếng xin lỗi các gia đình dân gốc thổ dân về những chính sách trong quá khứ buộc các em nhỏ rời khỏi gia đình của họ để sống theo cách thức do chính phủ áp đặt (vì nghĩ rằng các em lớn lên trong môi trường của thổ dân có thể sẽ bị thiệt thòi). Đồng thời chính phủ cũng đã bồi thường một số tiền thiệt hại lên đến 1,9 tỷ Gia-kim. Nhưng tại Úc, chính quyền đảng bảo thủ của cựu Thủ tướng John Howard trước đây đã tránh né lên tiếng xin lỗi về chính sách cưỡng bách con em gia đình thổ dân ra khỏi sự kiểm soát của gia đình, với lỶ do là điều này có thể dẫn đến những chính sách chia rẽ. Nhưng mới đây, chính phủ của ông Kevin Rudd đã chính thức lên tiếng xin lỗi, nhưng lại không đi kèm với những món tiền bồi thường.

Một hành động xin lỗi khác của chính phủ đi kèm với những món tiền bồi thường thiệt hại là trường hợp nhà nước Hoa Kỳ (qua Quốc Hội liên bang) đã chính thức xin lỗi vào năm 1988 với các gia đình công dân Mỹ gốc Nhật đã bị biệt giam trong thời Đệ Nhị Thế Chiến vì bị tình nghi là có thể làm gián điệp có lợi cho kẻ thù Nhật Bản. Và chính phủ Mỹ cũng đã chi ra một ngân khoảng 1,6 tỷ Mỹ-kim (thời giá năm 1988) để bồi thường cho con em của các nạn nhân này. Cũng liên quan đến những hành động sai trái trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến này thì vào năm 1952, chính quyền của Tây Đức cũng đã xin lỗi người dân và chính quyền Do Thái về những lỗi lầm đã gây ra dưới thời của nhà độc tài Hitler, và cũng đã bồi hoàn một số tiền là 3 tỷ Đức-mã (Deutschmark, thời giá năm 1952).

Một trường hợp cần lên tiếng xin lỗi hay tỏ ra hối tiếc về những sai lầm trong quá khứ từ một lãnh tụ nhưng chưa bao giờ được thốt lên và đã được giới truyền thông thỉnh thoảng cũng nhắc tới: đó là đương kim tổng thống George W. Bush. Ông này nổi tiếng là cứng đầu và ngoan cố (theo nhận định của những người chỉ trích) nhưng lại được đánh bóng và khen ngợi là cương quyết (bởi những người ủng hộ trung kiên) theo đúng nghĩa của câu nói "Beauty is in the eye of the beholder" (Sắc đẹp là tuỳ theo mắt nhìn của người đối diện). Hoặc một câu tục ngữ phổ thông hơn là "Yêu nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng ngọt’.

Thành tích của chính quyền Bush thì rất tệ hại và bết bát, đa số các viên chức được tiến cử là do tinh thần bè phái, hết dạ trung thành với sếp lớn thay vì trên tiêu chuẩn khả năng chuyên môn. Và từ đó thì cũng xảy ra tinh thần cẩu thả, chối bỏ mọi trách nhiệm (unaccountable) về những việc làm thất bại, điển hình như thành tích chậm trễ trong vụ bão Katrina và lời nói của ông Michael Brown, cựu tổng giám đốc cơ quan cứu trợ FEMA, nhưng lại được ông Bush khen là "làm việc hết xẩy" (doing a ’heck of a job’). Một trong những phụ tá mồm mép nhất, lúc nào cũng tìm cách biện minh cho hành động của sếp lớn là bà Condoleezza Rice, đương kim Ngoại Trưởng và trước đó là Cố vấn An ninh Quốc gia, trước đó cũng không thể cứu chữa cho thành tích bết bát và cẩu thả nhất của chính quyền liên quan đến cuộc chiến Iraq khi bà phải thú nhận rằng "quả tình chúng tôi đã có cả ngàn cái sai lầm chiến thuật" (we have a thousand tactical errors). Ý bà muốn nói là tuy có sai trong chiến thuật nhưng chiến lược đúng (trong quyết định tấn công Iraq) thì cũng là điều tốt. Ai cũng biết là tuy chiến thuật sai hoặc dở nhưng chiến lược đúng thì phần thành công chắc chắn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, một chiến lược nào mà khi thi hành có cả ngàn chiến thuật sai lầm thì cũng có thể thất bại bởi cái gánh nặng to lớn của những thất bại này.

Hình ảnh ngoan cố của ông Bush, một lãnh tụ không bao giờ chịu thực tâm hối lỗi về những sai lầm trong quá khứ để từ đó có thể rút ra kinh nghiệm và học hỏi, được cả thế giới thấy rõ và không thể chối cãi được trong một cuộc họp báo vào năm 2004 khi ông được một nhà báo hỏi là có thể cho biết sai lầm nào mà ông coi là to lớn nhất sau vụ 9/11 và những bài học nào ông có thể rút ra từ đó. TT Bush ngập ngừng chút ít, để rồi sau đó cũng không thú nhận là mình có sai lầm điều gì cả! Chẳng biết ông có đọc lời thú nhận về cả ngàn các sai lầm chiến thuật của bà Cố vấn An ninh Condi Rice hay không.

Hơn 4 năm sau, vào lúc mà ông Bush đang sửa soạn rời khỏi Toà Bạch Ốc và bắt đầu để Ỷ đến một vài chi tiết có thể cải thiện cho hình ảnh tệ hại và bết bát của ông, người ta không biết là TT Bush có thay đổi gì không trong suy tư và nhận định. Liệu ông có Ỷ thức và thấy rõ về những sai lầm, trong sự phán đoán, quyết định cũng như cách thức điều hành, của mình trong quá khứ nên đã khiến cho đảng Cộng Hoà đã phải thất bại thê thảm trong hai kỳ bầu cử vào năm 2006 và 2008, hầu hết các chính trị gia Cộng Hoà như ông McCain đã phải tránh xa ông như lánh hủi? Trong một cuộc phỏng vấn mới đây cho kỶ giả Heidi Collins của hệ thống truyền hình CNN, người ta thấy ông Bush giống như là một cậu học sinh bị bắt buộc phải miễn cưỡng nói lời xin lỗi về một hành động nào đó mà cậu ta chẳng cảm thấy thực sự ăn năn hay hối lỗi gì cả.

Nhà báo Collins hỏi: Tôi nghĩ là ông chắc phải có một thời điểm nào đó trong thời gian nắm quyền khiến ông hãnh diện nhất, và một thời điểm nào mà ông hối tiếc nhất.
TT Bush: Tôi hối tiếc là đã nói những điều đáng lẽ ra tôi không nên nói.
Collins: Chẳng hạn như?
TT Bush: Chẳng hạn như câu "Bắt sống hay chết" (Dead or alive), hoặc là "Cứ giỏi thì ra đây" (Bring them on). Và bà vợ tôi đã căn dặn rằng trong cương vị là tổng thống của Hoa Kỳ, tôi cần nên cẩn thận khi phát ngôn. Thật ra là tôi chỉ muốn truyền đạt một thông điệp. Đúng ra tôi có thể truyền đạt một cách "nghệ thuật hơn" (more artfully). . . Tôi hối tiếc là có tấm biểu ngữ "Nhiệm Vụ Hoàn Thành" (Mission Accomplished) trên chiến hạm khi tôi đọc bài diễn văn. Tấm biểu ngữ này nhắm đến các thuỷ thủ trên chiến hạm, nhưng nó lại đưa đến một thông điệp rộng lớn hơn. Nó khiến cho nhiều người nói rằng ông Bush nghĩ rằng cuộc chiến Iraq đã xong, mặc dù tôi không có Ỷ nghĩ như vậy. Tuy thế, nó cũng đưa ra một thông điệp sai. Và đó là những điều mà tôi lấy làm hối tiếc.

Dĩ nhiên, ba câu nói trên, điển hình cho ba tình trạng và ba chiến thuật điều hành trong cái gọi là chiến lược chống khủng bố toàn cầu, nêu bật đầy đủ tất cả những sai lầm và thất bại trầm trọng của cả một chính sách rộng lớn chứ không phải chỉ đơn thuần là những hối tiếc về việc sử dụng từ ngữ cho được "nghệ thuật hơn" theo như lời biện bạch của TT Bush.

Hai câu nói đầu "Bắt sống hay chết" để ám chỉ việc ông muốn triệt hạ thủ lãnh Osama bin Laden của nhóm khủng bố al-Qaeda bằng bất cứ giá nào; và "Cứ giỏi thì ra đây" để thách thức phiến quân ở Iraq có ngon thì xuất đầu lộ diện để đối chọi với lực lượng hùng mạnh hơn của quân đội Mỹ. Nó cho thấy hình ảnh một ông tổng thống của đệ nhất siêu cường không phải là một người yêu chuộng hoà bình, mà chỉ là một kẻ thích ăn thua trong việc chém giết. Tệ hơn nữa, nó cũng chứng tỏ là giới chức lãnh đạo ở Hoa Thịnh Đốn đã không biết rõ về cách thức để đối phó với một cuộc chiến lâu dài và khó khăn để mong lấy cảm tình của người dân địa phương, thay vì khiến cho họ quay sang chống đối mình, và phải đợi đến nhiều năm sau mới thay đổi qua chiến lược của Đại tướng David Petraeus áp dụng một cách thức mới để dẹp phiến quân bằng nhiều hình thức, trong đó có cả việc mua chuộc hay thoả hiệp với nhiều nhóm quân dân tại địa phương.

Câu nói "Cứ giỏi thì ra đây" còn để lộ cho thế giới thấy hình ảnh một vị nguyên thủ quốc gia không thật sự quan tâm đến sinh mạng của những binh lính Hoa Kỳ đã phải theo lệnh để ra chiến trường khắc nghiệt ở Iraq, để chỉ thoả mãn cho tham vọng hay tự ái cá nhân của một vài lãnh tụ chỉ muốn tỏ rõ sức mạnh của mình và hy vọng giành được chiến thắng, theo kiểu "nhất tướng công thành vạn cốt khô". Làm sao những lãnh tụ như TT Bush, cựu tổng trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld, học được những bài học khiêm cung và thương dân của những lãnh tụ như tướng Trần Hưng Đạo của Việt Nam, với quan niệm rằng "làm tướng giỏi là phải biết lo cho sự an nguy của quân lính trước cái an nguy của mình"?

Sau cùng, TT Bush cũng thiếu thành thật khi nói lên sự hối tiếc của ông về tấm biểu ngữ "Mission Accomplished" treo trên hàng không mẫu hạm Abraham Lincohn tại cảng San Diego khi ông đọc bài diễn văn vào ngày 1 tháng 5, 2003. Sự sai lầm không phải ở chỗ nó cho thấy là giới chức lãnh đạo ở Mỹ đã quá lạc quan (nên mới khiến cho hơn 4,200 quân nhân Mỹ phải tiếp tục bị thiệt mạng ở chiến trường trong nhiều năm dài sau đó, và mức tốn kém lên đến hàng ngàn tỷ Mỹ-kim), mà nó còn chứng tỏ là cuộc chiến này đã không được sửa soạn kỹ lưỡng và chu đáo chỉ vì sự hiếu thắng và lòng tự mãn cao ngạo của những người nắm quyền ở Bạch Cung và Ngũ Giác Đài.

Trước đây, ông Bush chưa bao giờ lên tiếng tỏ sự hối tiếc về tấm biểu ngữ này, chỉ riêng có phụ tá cao cấp Karl Rove là đã nhận lỗi vào năm 2004 để biện minh rằng câu biểu ngữ đó là của các quân nhân chứ không phải là do những hậu Ỷ về mặt tuyên truyền chính trị. Ý ông Rove muốn cải chính tin nói rằng các phụ tá trong Bạch Cung đã giàn dựng hình ảnh này để vẽ lên một phông cảnh oai hùng của lãnh tụ George W. Bush, để từ đó sẽ dễ dàng "câu khách", lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trong mùa vận động tranh cử vào năm 2004. Ông Rove trước đó, và giờ đây là TT Bush, cho rằng tấm biểu ngữ này là do các quân nhân trên chiến hạm Lincohn căng lên chứ không phải do Toà Bạch Ốc chủ động. Thật ra thì tất cả mọi hành động đều phải có sự chấp thuận, nếu không muốn nói là kiểm soát và giàn dựng từ Bạch Cung. Nhưng TT Bush không muốn nhắc đến việc ông đã chuẩn bị để đáp xuống chiến hạm Lincohn trong bộ đồ bay, sau khi ông đã ngồi ghế phụ của một chiến đấu cơ do một phi công khác điều khiển, để gợi ra hình ảnh ông như là một chiến sĩ tư lệnh vừa mới thanh sát ở chiến trường trở về. Ai cũng biết TT Bush tuy có tham gia trong Không quân của Vệ Binh Quốc Gia như một thứ lính kiểng để khỏi phải ra chiến trường Việt Nam, nhưng đã có đến hơn 30 năm ông chưa cầm lái trở lại. Vậy thì ông đâu cần gì phải làm dáng để khoác áo bay cho thành người hùng, nếu như ông không có Ỷ nghĩ là cuộc chiến này còn cam khổ, kéo dài và đòi hỏi sự hy sinh lâu dài hơn?

Vì thế nên lời xin lỗi về tấm biểu ngữ "Mission Accomplished" của TT Bush thiếu thành thật là vậy. Nó chưa đủ sức để thuyết phục mọi người tin rằng ông là vị nguyên thủ quốc gia biết lo lắng cho sinh mạng của quân dân Hoa Kỳ, biết đắn đo khi lấy những quyết định trọng đại của việc khai chiến, chứ không phải vì ỷ y, ngạo mạn, hay hiếu chiến theo như sự khích động của nhiều thành phần diều hâu đang bu quanh ông lúc đó.

Trong cuộc điều trần ở Thượng Viện như đã kể ở phần đầu bài viết, ông tổng trưởng Paulson đã tránh né câu gợi ý của nghị sĩ Sherrod Brown là chính phủ và giới tài phiệt trên thị trường tài chánh ở Mỹ cần phải tỏ lời xin lỗi với hàng triệu người dân Hoa Kỳ đã phải mất việc, nhà cửa bị tịch biên và các quỹ tiền để dành của họ từ bấy lâu nay đã bị "bốc hơi". Ông Paulson, một thời từng là cựu tổng giám đốc của tổ hợp tài chánh hàng đầu là Goldman Sachs, biện minh một cách yếu ớt rằng ông chia sẻ sự giận dữ rộng lớn của quần chúng, nhưng mà "có nhiều người khác cũng phải có trách nhiệm liên đới" trong vụ này. Nhận xét của ông cũng đúng, tuy vậy cũng cần có một lời thành khẩn xin lỗi, hay hối tiếc về những sai lầm trong quá khứ, để làm bước đầu cần thiết cho những bước kế tiếp để sửa chữa và hàn gắn lại những đổ vỡ thiệt hại. Đó cũng là điều mà người ta vẫn còn chờ đợi nơi TT Bush. Nhưng xem chừng như vẫn hoài công.

Minh Thu

No comments:

Post a Comment