Japan Focus
Một cú đột phá về hướng Nam dành cho ngoại giao năng lượng của Trung Quốc trên Biển Đông
A Southward Thrust for China’s Energy Diplomacy in the South China Sea
Bài của Michael Richardson
Ngày 15-11-2008
http://japanfocus.org/_Michael_Richardson-A_Southward_Thrust_for_China___s_Energy_Diplomacy_in_the_South_China_Sea
Trung Quốc và Việt Nam đã phác thảo các bước đi mới nhằm giải quyết những tranh cãi về lãnh thổ kéo dài trên Biển Đông trong một nỗ lực ngăn chặn xung đột hơn nữa và đặt các mối quan hệ của mình vào một vị thế thăng bằng vững vàng hơn cho tương lai. Mặc dù cả hai quốc gia đều được cai trị bởi các đảng Cộng sản và cùng chia sẻ những tuyến biên giới dài rộng trên đất liền và ngoài biển, song họ đã có một muối quan hệ căng thẳng. Nhưng giờ đây hai quốc gia này đang đối mặt với những thách thức chính trị trong nước khi các nền kinh tế hướng-tới-xuất-khẩu và đầu tư của họ bị chậm lại dưới ảnh hưởng của tình trạng rối loạn tài chính toàn cầu và cơn suy thoái đang trầm trọng thêm. Họ rõ ràng đã quyết định đưa lên vị trí ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố mối quan hệ song phương giữa hai đảng, trong thương mại và đầu tư để bù đắp cho sự suy sụp kinh tế rộng lớn hơn.
Biện pháp mới nhất nhằm cải thiện các mối quan hệ đã nổi lên qua chuyến viếng thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Mười. Đó là chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị thủ tướng của ông và đã xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh Á-Âu tại Bắc Kinh. Ông Dũng đã tiến hành các cuộc thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc của mình, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Một tuyên bố chung được đưa ra cuối chuyến thăm đã cho thấy hai bên tin tưởng rằng "để mở rộng và làm sâu đậm hơn quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong bối cảnh của tình hình chính trị và kinh tế quốc tế phức tạp và đang thay đổi là nằm trong những mối quan tâm chủ yếu của hai quốc gia, hai đảng cầm quền và của nhân dân và có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới" (Tân Hoa Xã, ngày 25 tháng Mười).
Theo kế hoạch, các công ty của Trung Quốc và Việt Nam sẽ được khuyến khích để hình thành nên những liên doanh và hoạt động trong những dự án có quy mô lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, hoá chất, giao thông, cung ứng điện năng, và xây dựng nhà cửa. Mục tiêu của những dự án này, cũng như các mối quan hệ mới về phát triển đường bộ, đường sắt và đường biển, là nhằm liên kết các tỉnh láng giềng phía nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Đây là một phần của mạng lưới các tuyến quốc lộ đang lớn dần nối kết Trung Quốc với Đông nam Á. Quá trình mở rộng các mối quan hệ kinh tế được đề ra sẽ phụ thuộc vào bước tiến bộ trong việc kiềm chế và dần dần giải quyết những xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cả hai bên đã xác nhận một lần nữa rằng họ sẽ hoàn tất việc phân định ranh giới cho tuyến biên giới trên đất liền dài 1.350km vào cuối năm nay, một thời hạn cuối cùng vốn đã được xác định là năm 1999. Nét mới trong bản tuyên bố chung này là một thỏa thuận khởi động những khảo sát địa hình chung trong những vùng biển đang tranh chấp bên ngoài cửa Vịnh Beibu (Vịnh Bắc Bộ) vào một thời điểm sớm và một sự hứa hẹn cùng khai thác những khu vực đã được phân ranh giới cho nghề cá và dầu lửa, khí gas của hai nước (Tân Hoa Xã, ngày 25 tháng Mười).
Những khoản đặt cược trên Biển Đông
Những vấn đề về lãnh thổ có khả năng gây bất đồng và khó giải quyết nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam là nằm bên ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Những tranh cãi này xoay quanh các tuyên bố đối nghịch đòi chủ quyền tối cao đối với Quần đảo Hoàng Sa, trong phần phía bắc của Biển Đông, và Quần đảo Trường Sa, gồm nhiều đảo và vỉa san hô rải rác trong một vùng rộng lớn ở giữa Biển Đông. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chớp lấy từ tay quân lực Nam Việt Nam năm 1974 trong những giai đoạn sắp kết thúc của cuộc Chiến tranh Việt Nam, khi Hà Nội và Bắc Kinh được cho là những đồng minh của nhau. Lực lượng quân sự Trung Quốc kể từ đó đã tăng cường các đơn vị đồn trú của mình tại Hoàng Sa và cho xây dựng một căn cứ không quân tại đó, củng cố vị trí vững chắc của mình căn cứ vào những gì được Bắc Kinh xem như là một tiền đồn chiến lược ở đông nam đảo Hải Nam và tuyến đường nằm trong khoảng giữa Việt Nam và Philippines.
Quần đảo Trường Sa nằm về phía đông của tuyến hải hành quốc tế nhộn nhịp trên Biển Đông nối liền Eo biển Malacca và Singapore ở Đông nam Á với Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên, là những nền kinh tế caccsc ngành công nghiệp phải nhập khẩu dầu lửa là chính ở Đông nam Á. Quyền kiểm soát Trường Sa có lẽ được sử dụng không phải chỉ để thiết lập hoạt động tuần tra của hải quân trên biển và các căn cứ giám sát mà còn trợ giúp cho những yêu sách đánh bắt hải sản và các nguồn đầu lửa và khí gas ngoài khơi trong một khu vực rộng lớn của Biển Đông. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ Trường Sa, những vùng biển bao quanh và bất cứ nguồn tài nguyên nào có thể ẩn chứa trong đó. Tuy nhiên, đòi hỏi của Trung Quốc là rộng lớn hơn nhiều, bao gồm hầu như toàn bộ Biển Đông, mặc dù những giới hạn chính xác là không được rõ ràng từ đường gấp khúc được vạch ra trên những bản đồ chính thức của Trung Quốc. Đài Loan minh định một yêu sách tương tự. Malaysia, Philippines và Brunei khẳng định chủ quyền tối cao đối với một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như những vùng biển ngoài khơi và nguồn tài nguyên gần bờ biển của mình nhất. Đã có một vài vụ đụng độ vũ trang và nhiều biểu hiện lảng tránh đối đầu trong số các bên khẳng định yêu sách trong suốt hai thập kỷ qua. Những cuộc chạm trán quan trọng nhất đã lôi kéo sự tham gia của Trung Quốc và Việt Nam. Năm 1988, hai nước này đã giao tranh trong một trận hải chiến chớp nhoáng ở gần một trong những dải đá ngầm thuộc Trường Sa.
Tại quần đảo Trường Sa, các đơn vị vũ trang đồn trú-mà tất cả các bên yêu sách chủ quyền (ngoại trừ Brunei) đã cho thiết lập tại những cứ điểm nhỏ trên đảo nơi họ tự nhận là của mình-vẫn không hề suy suyển, và trong vài trường hợp, đã được tăng cường. Một tập hợp các quy tắc ứng xử trên Biển Đông, được ký kết bởi Bắc Kinh và ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á) năm 2002, là tự nguyện. Một cuộc khảo sát đo đạc địa chấn chung về các nguồn tài nguyên hydrocarbon, được thỏa thuận năm 2005 bởi các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines *, đã trôi qua tháng Bảy trước và có thể không được tái lập. Thậm chí khi nó sẵn sàng hoạt động, cuộc khảo sát địa chấn tay ba cũng không bao gồm ba quốc gia khác cùng có yêu sách chủ quyền Trường Sa **. Ngoài ra, nó chỉ bao trùm một phần nhỏ thuộc vùng biển còn đang tranh cãi.
Trong bản tuyên bố chung ngày 25 tháng Mười của mình, Trung Quốc và Việt Nam đã thỏa thuận tìm kiếm một giải pháp "cơ bản và dài lâu" cho vấn đề Biển Đông sao cho có thể chấp nhận được lẫn nhau. Không có chi tiết nào được đưa ra về việc làm cách nào mà một giải pháp như vậy lại có thể đạt được. Thế nhưng, với một ý nghĩa đặc biệt, họ cho biết rằng nó sẽ phù hợp với Quy ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong khi đó, họ phải tuân theo tập hợp các nguyên tắc ứng xử và tự kiềm chế trước bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp thêm hay leo thang các cuộc tranh cãi. Họ còn phải tham khảo để tìm ta một khu vực và phương pháp thích hợp cho việc thăm dò dầu khí chung. Trên nguyên tắc của việc khởi sự với những bước dễ dàng hơn, họ đã thỏa thuận hợp tác trong việc nghiên cứu đại dương, bảo vệ môi trường, dự báo thời tiết, và trao đổi thông tin giữa hai lực lượng vũ trang [1]. Một hiệp ước hợp tác chiến lược giữa tập đoàn dầu khí nhà nước China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) và đối tác Việt Nam, PetroVietnam, cũng có tin là đã được ký kết trong chuyến viếng thăm của ông Dũng tới Trung Quốc. Cùng lúc, các hiệp ước này sẽ là những giải pháp kiềm chế lẫn nhau và xây dựng lòng tin, miễn là các điều khoản của chúng được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và kiên định từ cả hai bên - điều chưa từng là một nét đặc trưng trong các thỏa thuận trước đây giữa Trung Quốc và Việt Nam về Biển Đông.
Các tình tiết đã thay đổi
Tuy nhiên, một vài điều có thể đã thay đổi vào thời điểm này, ngoại trừ mong muốn xây dựng các mối quan hệ kinh tế song phương nhằm làm dịu những tình trạng rối loạn toàn cầu ảnh hưởng tới cả hai nước. Bắc Kinh muốn tháo ngòi nổ cho mối quan ngại đang lan rộng tại Á châu về việc tăng cường tiềm lực quân sự của mình và nỗi lo rằng sức mạnh quân sự sẽ được sử dụng để đòi cho được các yêu sách chủ quyền trên vùng ranh giới đất liền và biển mà Trung Quốc có với nhiều quốc gia láng giềng, trải rộng từ Nhật Bản qua Đông nam Á cho tới Ấn Độ. Trong bối cảnh này, Biển Đông là một viên đá thử nhạy cảm. Vào tháng Mười năm 2008, không lâu trước khi thủ tướng Việt Nam tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã cấm đội tàu đánh cá của mình, thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, được hoạt động trong vùng biển còn đang tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Những tranh cãi quanh vùng đánh bắt hải sản trong những năm gần đây không chỉ thử thách Trung Quốc trong cuộc tranh đấu với Việt Nam. Họ còn trở nên kích động hơn trong các mối quan hệ với Bắc và Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines và Indonesia. Trên Biển Đông, các ngư dân Trung Quốc đã bị Philippines cầm giữ, vì bị cho là đã đánh bắt cá bất hợp pháp trong những vùng biển được Manila yêu sách chủ quyền gần Quần đảo Trường Sa. Những vụ rắc rối tương tự với Việt Nam đã được loan tin. Chính phủ Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước [?], đã đưa ra chỉ dẫn cho các giới chức bảo vệ bờ biển và nghề cá cho ngừng các tàu thuyền đánh bắt, không đi vào "những vùng biển nhạy cảm có vị trí then chốt" [2].
Nhân tố mới khác là sự sút giảm quá mức trong thời gian gần đây của giá dầu lửa và khí gas tự nhiên, đã làm mất đi một vài nguồn động viên cho các công ty dầu khí khi thăm dò trong những vùng biển thường sâu hơn, xa bờ hơn nữa trên Biển Đông. Xung quanh thời điểm đó, Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn khổng lồ ở Hoa Kỳ ExxonMobil từ bỏ các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam với PetroVietnam, ngụ ý rằng nếu tập đoàn này không nghe thì nó có thể sẽ không được ưa thích trong hoạt động tại Trung Quốc. Một ngườip phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Trung Quốc phản đối bất cứ hành động nào "xâm phạm tới chủ quyền lãnh thổ của mình, quyền tối cao hoặc quyền lợi hành chính trong vùng Biển Đông" [3].
Theo sau cảnh báo tương tự từ Bắc Kinh, năm ngoái BP cũng đã tạm dừng những kế hoạch thực hiện các hoạt động thăm dò cùng với PetroVietnam ngoài khơi phía nam Việt Nam, viện dẫn những căng thẳng về lãnh thổ. Đây cũng nằm trong một lô thăm dò được Việt Nam chấp thuận song bị phía Trung Quốc tranh cãi, cách bờ biển khoảng 370km và nằm ở rìa ngoài Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, giữa Việt Nam và Quần đảo Trường Sa. Với tình trạng giá dầu sút giảm xuống mức 60 đô la một barrel tại một thời điểm trong tháng Mười, trong lúc mức tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, đã làm ảnh hưởng tới nhu cầu, thì cuộc đua tranh các nguồn tài nguyên hydrocarbon ngoài Biển Đông đã mất đi ít nhiều sức cuốn hút của nó. Tình hình này đã tạo nên cơ hội cho một trạng thái đình hoãn chính trị, cho phép Trung Quốc và Việt Nam đứng ra cùng với những biện pháp hòa giải hơn.
Bãi chiến trường Tài nguyên Năng lượng
Điều gì có thể phá vỡ trạng thái cân bằng mong manh trên Biển Đông và làm sống lại những vấn đề dễ gây xúc động về chủ quyền quốc gia, uy thế và niềm kiêu hãnh? Nguy cơ lớn nhất là sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh và một sự trỗi dậy đòi hỏi mạnh mẽ về năng lượng tại Á châu sẽ lại đẩy Trung Quốc và các láng giềng Đông nam Á của nó vào cuộc tranh đấu. Sản lượng dầu lửa và khí gas của Trung Quốc đã và đang không đáp ứng đủ để giữ những bước đi cùng với sức tiêu thụ đang dâng cao, và có những lo lắng cho rằng lượng dự trữ hiện tại sẽ không còn đủ duy trì được lâu hơn nữa. Những mối quan ngại này được các nhà cung cấp dầu khí trên Biển Đông trong đó có Việt Nam, Malaysia, và Indonesia chia sẻ. Các nước này hiện tại là những nhà xuất khẩu ròng dầu lửa hoặc khí gas hoặc cả hai, song có thể nhìn thấy thời gian đang tới gần khi mà năng lượng dự trữ của họ sẽ không còn đủ để đảm bảo cho nhu cầu trong nước. Các nước này muốn mở rộng lượng dự trữ của mình để thoát khỏi tình trạng sống còn bằng cách tìm kiếm nhiều dầu khí hơn nữa. Như tại Trung Quốc, đây là một nền kinh tế mà tăng trưởng được coi là mệnh lệnh cũng như một nền an ninh năng lượng cấp bách do dầu lửa và khí gas là vấn đề sống còn cho giao thông vận tải và nền công nghiệp. Trong khi đó, Philippines, một nhà nhập khẩu cuối cùng cả dầu lửa và khí gas, đang mong muốn cấp bách tìm kiếm thêm nguyên liệu hóa thạch và coi những khu vực ngoài khơi Biển Đông như là một chìa khóa đi tới khả năng độc lập tự chủ lớn hơn trong tương lai [4].
Đối với chính phủ Trung Quốc, chính sách năng lượng đã trở thành một nhánh trong chính sách đối ngoại. Từ việc là một nhà xuất khẩu dầu hoàn toàn vào năm 1993, Trung Quốc ngày nay đã phải dựa vào các nguồn cung cấp nước ngoài cho khoảng một nửa lượng dầu sử dụng của mình. Họ cũng đang trở thành một nhà nhập khẩu khí gas lớn. Vì những lý do về an ninh năng lượng, Trung Quốc đã thiết lập một quyền ưu tiên đặc biệt cho việc có được càng nhiều dầu khí đến mức có thể cho tương lai của mình từ bên trong lãnh thổ trên đất liền, từ ngoài khơi, hay gần lãnh thổ nước mình đến mức chấp nhận được, bao gồm Nga và Trung Á. Hiện tại, khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ những khu vực không ổn định về chính trị ở Trung Đông và Phi châu [5]. Họ buộc phải chuyển vận tới Trung Quốc qua những tuyến hàng hải xa xôi, nơi mà lực lượng vũ trang Trung Quốc còn chưa có những phương tiện để bảo vệ. Những tuyến giao thông đường biển huyết mạch cho nguồn cung cấp năng lượng này có thể bị cắt đứt trong một cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, Trung Quốc, khách hàng năng lượng lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, muốn tăng cường tiêu thụ khí gas nhằm giảm mức nhờ cậy nhiều vào than đá, là thứ gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Các quốc gia Đông nam Á cũng đang chuyển hướng dùng khí gas sạch hơn khi đốt cháy trong một phương cách quan trọng để sản xuất điện năng, và cung cấp cho nền công nghiệp và sử dụng trong gia đình. Việc sử dụng khí gas tự nhiên trong các nước châu Á được dự báo sẽ tăng lên vào khoảng 4,5% trung bình mỗi năm cho tới năm 2025 - nhanh hơn bất cứ thứ nhiên liệu nào khác - với hầu như một nửa mức này là đến từ Trung Quốc. Nếu như tỉ lệ gia tăng đó được duy trì, thì nhu cầu của châu Á sẽ vượt quá 21 nghìn tỉ feet khối vào năm 2025, gần gấp ba mức tiêu thụ hiện thời.
Biển Đông được tính toán là có lượng khí gas khổng lồ, nhiều hơn so với tiềm năng dầu lửa. Hầu hết các mỏ hydrocarbon được thăm dò trên các khu vực của Biển Đông thuộc Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam, cũng như Trung Quốc, đều chứa khí gas, không có dầu lửa. Những ước đoán của cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết rằng khoảng 60 tới 70% nguồn tài nguyên hydrocarbon trong khu vực là khí gas. Tuy nhiên, một tỉ lệ quan trọng với hơn sáu triệu barrel dầu lửa mỗi ngày đã được sản xuất bởi Trung Quốc và các quốc gia Đông nam Á là đến từ khu vực Biển Đông. Một quy mô lớn hơn trong sản lượng khí gas của khu vực với tám tỉ feet khối mỗi ngày đến từ vùng lòng chảo của Biển Đông, mặc dù không có sẵn những số liệu chính xác. Những ước đoán của Trung Quốc về toàn bộ tiềm năng dầu lửa và khí gas trên Biển Đông có khuynh hướng cao hơn nhiều so với ước đoán của các nhà phân tích không phải của Trung Quốc [6]. Giá cổ phiếu tăng cao nhất từ những ước đoán của Trung Quốc gợi lên những nguồn dầu lửa tiềm năng cao tới 312 tỉ barrel dầu, gần gấp bốn mươi lần trữ lượng dầu được chứng minh của Trung Quốc với 15,5 tỉ barrel vào cuối năm 2007. Đối với khí gas, sản lượng tiềm tàng được đánh giá bởi những ước đoán lạc quan nhất của Trung Quốc là trên 2 triệu tỉ feet khối, mặc dù chỉ khoảng một nửa trong số đó là có thể thu được, ngay cho dù các mỏ trên những lớp địa tầng này được tìm ra. Trữ lượng khí gas được chứng minh của Trung Quốc vào cuối năm 2007 là 67 nghìn tỉ feet khối [7].
Cú đột phá Về hướng Nam của Trung Quốc
Sự nổi lên của Trung Quốc như là một nhà tiêu thụ khí gas ngày càng lớn và tầm quan trọng mà nước này đặt ra cho việc giành được nhiều dầu lửa và khí gas trong tương lai từ những khu vực gần với mình tới mức chấp nhận được có lẽ đã giúp giải thích lý do vì sao Trung Quốc ước tính tiềm lực năng lượng trên Biển Đông quá cao như vậy. Những ước lượng đó làm vững chắc thêm các tuyên bố chủ quyền trải ra khắp trong vùng của họ. Tất nhiên, những ước đoán này còn phải được kiểm chứng. Nhiều khu vực, đặc biệt trong những vùng biển nước sâu, chưa được thăm dò do ở xa và đang bị tranh chấp.
Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ chú tâm trong việc mở rộng hoạt động nghiên cứu năng lượng ngoài khơi của mình. Cho tới một vài năm trước, các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc do nhà nước sở hữu đã nản chí vì tình trạng ganh đua và bởi CNOOC, nhà sản xuất dầu lửa và khí gas lớn thứ ba Trung Quốc, đã có được điều kiện kiểm soát độc quyền thực sự trong hoạt động ngoài khơi. Điều này đã được thay đổi và giờ đây toàn bộ các công ty dầu lửa và khí gas lớn của Trung Quốc có thể dự thầu các dự án gần bờ và ngoài khơi, cả trong lẫn ngoài nước. Kể từ đầu năm 2007, cả CNOOC và nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất Trung Quốc, China National Patroleum Corporation, đã và đang hướng ra trên Biển Đông để bổ sung thêm cho sản lượng dầu gần bờ đang ít dần. Cả hai đã và đang xây dựng những giàn khoan dầu trong vùng biển nước sâu.
Khi các chính phủ ở Đông nam Á và các công ty năng lượng đang làm việc cho các nước này chen lấn sâu hơn vào vùng Biển Đông trong cuộc săn lùng thêm khí gas và dầu lửa, họ có thể chỉ hy vọng rằng cú thọc sâu về hướng nam của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự hợp tác tốt hơn, mà không có biểu hiện đối đầu. Trung Quốc đã phân phát các hợp đồng thăm dò hoặc các giấy phép sản xuất cho hầu hết các lô dầu lửa và khí gas tại vùng nước sâu trên Biển Đông phía nam Hong Kong. Việc này chỉ bị phản ứng không thừa nhận của Đài Loan. [8] Tuy nhiên, những giấy phép của Trung Quốc trong tương lai có vẻ xung đột gối lên vùng lãnh hải với các giấy phép từ các láng giềng Đông nam Á (theo Reuters, ngày 2-11-2007). Không giống như những năm 1980 hay 1990, Trung Quốc giờ đây có thể có sức mạnh quân sự để thúc ép những yêu sách lãnh thổ của mình chống lại các đối thủ trong khu vực, nên có lẽ sẽ làm cho họ quyết định lựa chọn cách làm đó. Thế nhưng với cái giá nào cho uy tín quốc tế của họ, cho sự ổn định trong tâm điểm của vùng biển Đông nam Á và cho các mối quan hệ của nước này với ASEAN? ***
Michael Richardson, một cựu Biên tập viên Á châu của tờ International Herald Tribune, là một Thành viên Nghiên cứu Kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Đông nam Á. Nghiên cứu gần đây của ông tập trung vào các vấn đề an ninh biển, năng lượng và đường biển.
Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
Wednesday November 19, 2008 - 04:43am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2539
* Để biết thêm về thỏa thuận này, mời tham khảo các bài: "Chớ phản bội trong thỏa thuận Trường Sa", trang 169; "Thỏa thuận Trường Sa là hợp hiến", trang 171; "Phản bội Trường Sa", trang 174; ...
** Brunei, Indonesia, Malaysia?
*** Do khó khăn về kỹ thuật vì bài dài, nên độc giả nào muốn có bản tiếng gốc Anh, xin bấm vô tên tác giả ở đầu bài, sẽ truy cập trực tiếp vào bài báo.
---------------------------
[1] Tuyên bố chung Trung Quốc-Việt Nam ngày 25 tháng Mười, 2008
[2] Nội dung Bản chỉ thị.
[3] Nội dung Bản tuyên bố (nếu không có, là do lỗi khách quan-BS).
[4] Xem: Asia’s Energy Future, East-West Center, 2007, page 126.
[5] Xem: World Energy Outlook 2007, International Energy Agency, page 325.
[6] Xem: US Energy Information Administration, Country Analysis Briefs, South China Sea, March 2008, page 4 & 6.
[7] Xem: BP Statistical Review of World Energy, June 2008, pages 6 & 23.
[8] Mời xem nội dung (nếu không có, là do lỗi khách quan-BS).
Notes
1. China-Vietnam Joint Statement, 25 October 2008.
2. The directive.
3 The statement.
4. Asia’s Energy Future, East-West Center, 2007, page 126.
5. World Energy Outlook 2007, International Energy Agency, page 325.
6. US Energy Information Administration, Country Analysis Briefs, South China Sea, March 2008, page 4 & 6.
7. BP Statistical Review of World Energy, June 2008, pages 6 & 23.
8. See text.
Michael Richardson, a former Asia Editor of the International Herald Tribune, is a Visiting Senior Research Fellow at the Institute of Southeast Asian Studies. His current research focuses on maritime, energy and sealane security.
This article appeared in China Brief, Volume 8, Issue 21 (November 7, 2008).
Posted at Japan Focus on November 15, 2008.
No comments:
Post a Comment