Wednesday, November 5, 2008

NGHỊCH CẢNH SÂN GOLF

Nghịch cảnh sân Golf
Nguyễn Đức Tuấn

Kỳ 1: Chuyện lạ kỳ ở Lâm Sơn
Thứ Tư, 29/10/2008, 09:12
http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=35477&ChannelID=92
(ANTĐ) - Có ai tin rằng, bà con bản Mường miền sơn cước Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình đi làm nương rẫy bằng ôtô!? Như thường lệ, đúng 6h sáng lái xe đón bà con đi làm, 17h chiều, ôtô đứng đợi ở cửa rừng chở bà con về nhà…
Sở dĩ bà con bản Mường, xóm Rổng Cấn, xã Lâm Sơn được ôtô đưa đón đi làm nương bởi vì con đường vốn có của bản đã phải “nhường” đất cho sân golf Phượng Hoàng theo quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình vào cuối năm 2004. Trong thời gian ngắn, bằng mọi cách nhà đầu tư nước ngoài vận động gần 1 nghìn người dân ở các xóm Rổng Vòng, Rổng Cấn, Rổng Tằm di dời để phục vụ một dự án giải trí sang trọng của số ít người có điều kiện.
Thế là trong thời gian ngắn, bản làng Rổng Cấn, Rổng Vòng, Rổng Tằm đã phải trao diện tích hơn 300ha đất nông nghiệp, thổ cư đã và đang ở hơn 50 năm qua cho một khu giải trí. Từ khi có dự án sân gofl, rồi từ khi sân golf đi vào hoạt động, cuộc sống bà con xã Lâm Sơn giống như một cuốn phim bi hài về thân phận nông dân, không đường đi, không đất canh tác, không việc làm…
Cả xã Lâm Sơn có 3 xóm Rổng Cấn, Rổng Tằm, Rổng Vòng thì chỉ có duy nhất xóm Rổng Cấn là được “ưu tiên” có ôtô chở bà con qua sân golf để đi làm nương rẫy. Mà người được ôtô chở phải có thẻ do sân golf cấp đeo vào cổ, chứ không phải ai cũng nhảy lên xe mà đi được. Các xóm còn lại muốn đi qua sân golf chỉ còn cách… bay.
Theo như lời của bà con bản Mường thì làm nương cái kiểu thấp thỏm đón đưa thì chẳng chóng thì chày cũng dẫn đến chết đói. Để xoa dịu những nghịch lý, phía sân golf đã chấp nhập cho bà con đi làm nương qua con đường độc đạo - sân golf - bằng cách “mời” bà con lên ôtô.
Như thường lệ, mùa đông cũng như mùa hè, cứ 6h sáng, bà con xã Rổng Cấn ùa ra cổng của khu sân golf Phượng Hoàng đón xe ôtô đi lên nương. Chiếc xe tải 2,5 tấn nổ phành phành đồng hành cùng bà con gần 2 năm nay đã trở nên quen thuộc với dân bản. Chiều cũng vậy, 17h bà con xuống núi, xe chạy qua sân golf ra cổng. Ai xuống không đúng giờ thì chỉ có cách tự leo núi đá dựng đứng mà về nhà.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn bức xúc: “Bà con phản đối mãi, phía sân golf mới chấp nhận cho bà con đi qua sân để vào nương rẫy, nhưng phải lên ôtô tải để họ đưa qua sân golf”. Những việc làm thiếu quan tâm, không sâu sát đến đời sống người dân của lãnh đạo tỉnh đã dẫn đến việc hài hước như hôm nay.
Công việc nương rẫy, quanh năm bốn mùa, phụ thuộc vào thời tiết, giờ đây phụ thuộc vào cánh cổng sân golf liệu mùa màng còn chăm bón được hay chăng, giảm nghèo được hay không? Điều trái khoáy đến kỳ lạ, nếu mà giờ ấy có khách chơi golf thì nghiêm cấm không được cho người dân qua. Bức tường hữu hình, có cả vô hình của sân golf khắc nghiệt quá, sự vô lý đến khó tưởng tượng nổi.
Cuộc sống của người dân thì không thể khác được, đành phải đi làm bằng… ôtô vậy. Cứ đến giờ quy định, cả xóm Rổng Cấn xôn xao cuốc xẻng lên xe đi làm. Chị Nguyễn Thị Thắm, ở Rổng Cấn cho hay: “Chúng tôi có muốn nán lại nương rẫy làm cố cho xong việc thì cũng không thể, nếu không sẽ phải đi bộ xa hàng chục cây số đường núi đá. Có hôm tôi vội vàng quá, chưa kịp leo lên, xe đã chuyển bánh thế là ngã ngửa, suýt chết”. Hình ảnh đồng bào Mường bỡ ngỡ lên xuống ôtô, cuốc xẻng lỉnh kỉnh trông đến ái ngại.
Cuộc sống lao động chồng chất khó khăn, lại bị “gói gọn” vào những chuyến xe “giờ hành chính” thì liệu có ổn định được kinh tế? Câu chuyện đi lại của người dân ở Rổng Cấn là cả cuốn phim khôi hài về cuộc sống lao động của người nông dân, thì đối với người dân các xóm Rổng Tằm, Rổng Vòng lại như cuốn tiểu thuyết về “những người khốn khổ” đang rất cần cơ quan có trách nhiệm tỉnh Hòa Bình đọc thật nhanh, kỹ cuốn tiểu thuyết cuộc sống ấy.

Những bước đi không có lối thoát
Đều chung số phận nhưng Rổng Cấn được những người dân trong xã Lâm Sơn cho rằng vẫn còn may mắn hơn cả. Nơi con đường đi qua để vào nương rẫy đã không còn. Người dân mang nông sản của mình ra ngoài đường bằng cách đi trộm qua sân golf, gánh nông sản chui lủi qua hàng rào thép gai như kẻ trộm. Một nắng hai sương để có thành quả lao động và tất cả gia đình trông đợi vào vụ mùa màng ấy nên mới có cảnh tượng gánh củ sắn, thúng khoai chạy thảm hại.
Trước những điều không thể vô lý hơn, người dân phản ứng dữ dội. Đơn từ tới tấp lên lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, đại diện sân golf, với mong muốn chính đáng để có được 1 con đường đi lại, thu hái nông sản. Tuy nhiên, cho đến tận giữa năm 2008, phía sân golf mới chấp nhận đề nghị của người dân làm đường vào bản Thung Dâu.
Gọi là đường thì hơi quá, bởi họ chỉ ủi con dốc bớt dựng đứng với chiều dài chưa đầy 1 cây số, tức là làm được 1/10 quãng đường vào Thung Dâu thì bỏ dở. Chính vì vậy mới có chuyện hài hước, lợi dụng buổi trưa nắng gắt, khi vắng bóng bảo vệ người dân vội vàng gánh nông sản chạy qua đường ngang sân golf.
Anh Bùi Văn Tính, ở xóm Rổng Vòng cho biết: “Phải đi trộm qua sân thôi biết làm thế nào được. Có hôm bị phát hiện chạy đổ hết hàng hóa. Những trang trại phía sau hàng rào thép gai đã đến mùa thu hoạch, bản Thung Dâu cũng nằm phía ấy, các cháu đã bỏ học bởi đường xa cách trở đèo cao, suối sâu phải đi từ tờ mờ sáng, tối mịt mới về đến nhà. Người dân đang mòn mỏi đợi chờ một con đường. Bởi huyết mạch quan trọng ấy là sự sống của người dân.
Nguyễn Đức Tuấn


Kỳ 2: Cuộc chơi không dành cho nông dân
Thứ Năm, 30/10/2008, 11:05
http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=35533&ChannelID=92
(ANTĐ) - Có người đồ rằng, nếu mở cuộc thi về địa danh có số lượng sân golf nhiều nhất thì có lẽ tỉnh Hòa Bình sẽ giành ngôi vị số 1 với 4 sân đã đưa vào hoạt động hoặc đang triển khai. Không biết nên vui hay nên buồn nhưng đối với cán bộ huyện Lương Sơn và xã Lâm Sơn thì bảo “cái sân ấy lợi đến đâu chúng tôi không biết, chứ giống như sân golf Phượng Hoàng thì chính quyền và người dân đều ngao ngán lắm rồi”.
Sân golf có tội tình gì?
Sự gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, chủ dự án với người dân diễn ra chỉ cởi mở và thường xuyên vào những ngày bà con chưa di dời đến nơi ở mới. Sau khi đến nơi ở mới người dân đã bị lãng quên một cách nhanh chóng.
Bà Đầu Thị Thu Thanh là thành viên hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng - người trực tiếp tham gia từ khi bắt đầu triển khai sân gofl đến khi hoàn thành tỏ thái độ không đồng tình với cách làm việc của sân golf hiện nay. Sau khi dự án đi vào hoạt động, bà vẫn tiếp tục được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo làm tiếp phần việc còn lại. Nhưng, từ bấy giờ trở đi bà Thanh cũng thấy lạ về sự thay đổi nhanh đến bất ngờ của người chủ sân golf Phượng Hoàng.
Bà Thanh liên hệ với phía sân golf để đốc thúc giải quyết nhiều việc còn tồn đọng, rồi quyền lợi của dân như chưa trả nốt số tiền đền bù nợ dân, những điều chưa hợp lý… thì được phía sân golf thông báo “lãnh đạo bận”. Cứ như thế đến năm lần bảy lượt bà Thanh cũng chưa được đại diện sân golf tiếp. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Chúng tôi là chính quyền sát sườn lâu nay, vậy mà khi liên hệ làm việc còn khó.
Hẹn gặp làm việc, nay họ bảo bận, mai họ bảo bận”. Trong khi đó, quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình ghi phần đền bù, giải quyết liên quan đến phía trong là do sân golf chịu trách nhiệm. Quyết định đã rõ, nhưng việc thực hiện không hề đơn giản, bởi vì khi gặp tỉnh thì tỉnh bảo việc đó của sân golf và ngược lại.
Người dân chẳng phản đối cái sân golf. Sân golf không có tội tình gì dù nó nằm ở chỗ nào, tỉnh nào cũng tốt, nếu như sự quyết định ấy có sự khảo sát nghiên cứu thật kỹ lưỡng và thấu đáo tới đời sống thực tại của người dân. Những hậu quả mà người dân đang phải gánh chịu ở sân golf Phượng Hoàng đã bộc lộ rõ chưa có sự quan tâm của người có trách nhiệm.
Từ khi có dự án sân golf Phượng Hoàng ở Lương Sơn, cuộc sống của người dân bắt đầu đi xuống, khó khăn thêm nhiều. Đất đai không còn, ruộng nương còn ít, bản làng không có lối đi, nông sản không có đường vào thu hoạch. Việc đi lại phải chui lủi đến khốn khổ.
Khi hỏi tỉnh có khảo sát trước khi cấp đất cho phía sân golf không, thì ông Nguyễn Quang Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đồng thời là người phát ngôn của tỉnh trả lời rất chung chung: “Có. Tuy nhiên sự việc xảy ra hiện nay là sự cố phát sinh trong khi triển khai dự án”. Vậy tỉnh giải quyết vấn đề này thế nào? “Quan điểm giải quyết của tỉnh cố gắng tạo điều kiện cho dân. Dự án nào mà không có sơ suất này kia, tránh sao khỏi, người dân cũng phải chấp nhận hy sinh cho việc chung chứ”.

1000 người nhường việc” cho 70 người


Thời gian gần đây, trước tình hình tỉnh thành nào cũng đua nhau xây dựng sân golf, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải rà soát lại việc cấp phép đầu tư sân golf và đánh giá hiệu quả của các dự án làm sân golf. Riêng tỉnh Hòa Bình, ngoài sân golf Phượng Hoàng ở xã Lâm Sơn đã đi vào hoạt động từ năm 2007 thì còn có 3 dự án sân golf khác đang triển khai.
Đặc biệt, một dự án sân golf nằm ở khu vực rừng phòng hộ xã Đồng Tâm thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã bị bỏ hoang, máy móc đắp chiếu, không được chăm sóc. Nguyên nhân do sau khi chủ đầu tư sân golf chặt phá hàng chục héc ta rừng đầu nguồn thuộc khu vực rừng phòng hộ của địa phương để làm sân golf thì UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định dừng dự án.
Sự việc cho thấy, ngay cả lợi ích trước mắt chưa thấy nhưng đã nhìn rõ được thiệt hại lâu dài. Khoan hãy nói đến lợi ích kinh tế vì hàng chục héc ta rừng phòng hộ là tài nguyên vô giá bảo vệ môi trường chung mà không thể lấy lại được. Đây là điều chính quyền cần xem xét trước khi quyết định.
Chính ông Nguyễn Quang Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cũng phải thừa nhận rằng, thu nộp ngân sách cho Nhà nước từ sân golf là rất nhỏ, không đáng kể. Những tưởng có sân golf là đời sống bà con sẽ khấm khá hơn nhờ dịch vụ “ăn theo”, nhưng thực tế thì không phải. Quả thật, những ông chủ sân golf có cái đầu kinh tế không kém ai. Không một dịch vụ nào có thể nằm ngoài sân golf được bởi sự trọn gói đến tối đa đã được họ tính đến, thế nên bà con có muốn “ăn theo” là vô cùng khó khăn.
Theo chuyên gia, đối với các dự án xây dựng sân golf, nhà đầu tư không cần phải đầu tư nhà, xưởng, thiết bị, mà họ chỉ cần có tiền đền bù và đầu tư một khoản ít ỏi vào cơ sở hạ tầng. Sau đó, họ có được một diện tích đất lớn thậm chí rất lớn để rồi, khi có đất trong tay, họ có thể chuyển sang làm việc khác.
Bởi thực tế, ở Việt Nam, sân golf nào đông thành viên câu lạc bộ cũng chỉ có từ 40-50 hội viên. Trung bình, mỗi thành viên câu lạc bộ sân golf phải đóng từ 10.000 - 15.000 USD/năm thì việc thu hồi vốn so với khoản chi phí đền bù đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí bảo dưỡng thường xuyên... không biết đến bao giờ các nhà đầu tư mới thu hồi được vốn?
Sân golf mang lại gì cho tỉnh thì chưa thấy, điều thấy rõ nhất hiện nay hàng nghìn người trở nên thất nghiệp, nguy cơ tái nghèo là hiện hữu. Điều rõ ràng nhất đất của người dân - tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với nông dân đang bị dự án sân golf ngốn rất nhiều. Trong khi giải quyết việc làm cho họ thì hầu như không có. Bài học khôi hài đang diễn ra ở Lương Sơn, Hòa Bình là gần 1.000 người đang thất nghiệp để cho vỏn vẹn khoảng 70 người có việc làm trong sân golf.
Nguyễn Đức Tuấn

Kỳ 3: Khi nông dân ngồi chơi... xơi nước!
Thứ Sáu, 31/10/2008, 11:25
http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=35630&ChannelID=92
(ANTĐ) - Hi vọng cuộc sống sẽ đổi thay khi có dự án sân golf đã không thành hiện thực. Ngược lại, người dân Lâm Sơn đang hết sức khó khăn. Một cuộc đánh đổi khôi hài phần thiệt đã thuộc về người dân: Gần 1.000 người thất nghiệp đổi lấy 70 người có việc làm.
Một điều dễ nhận thấy ở cái miền sơn cước xã Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình là người dân rất “nhàn hạ”. Đi dọc Quốc lộ 6 đến địa danh này, ta sẽ bắt gặp bà con trò chuyện về cuộc sống hôm nay. Họ nói về ngày mai làm gì để trả nợ, làm gì có tiền để hoàn thiện ngôi nhà đang xây dở dang.
Ông Bạch Công Thiềm, 31 tuổi, ở xóm Rổng Vòng thủng thẳng nói: “Tôi muốn nuôi con lợn, con gà nhưng không có đất. Khu tái định cư được hơn trăm mét, xây nhà rồi thì còn gì. ở nông thôn mà chật chội như phố xá. Công ăn việc làm không có. Vài ngày vào nương cắt được 2 gánh chuối bán được khoảng 100.000 đồng, chi tiêu hà tiện lắm cũng chỉ đủ gạo ăn”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Hiện tại lo nhất là công việc làm của bà con. Trước đây khi dự án sân golf lấy đất, chủ đầu tư hứa sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhưng trên thực tế thì lời hứa chỉ được thời gian đầu khi sân golf trong giai đoạn thi công, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông nhiều.
Đến nay khi sân golf đi vào hoạt động thì họ loại dần lao động vì họ cho rằng không đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay cả xã chỉ còn khoảng 70 lao động được làm việc trong sân golf. Còn lại khoảng gần một nghìn người thất nghiệp”.
Bà Nhinh cho biết, lãnh đạo dự án sân golf hứa cho bà con học nghề mây tre đan. Nhưng, bà con học xong không biết làm ở đâu. Học xong cũng thất nghiệp, không học cũng thất nghiệp. Trung tâm cũng không còn. Liệu đó có phải là cách “tạo công ăn việc làm” cho người dân hay là cách đối phó lấy lòng dân khi dự án còn chưa hoàn thiện? Thê thảm hơn, những người đã được tuyển vào làm việc ở sân golf, họ cùng tìm cách loại dần hết.
Tiền đền bù đất đai cho bà con sau khi xây nhà ở nơi tái định cư đã hết, thậm chí có nhà còn đang xây dở dang vì không đủ tiền. Hiện nay, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh nhà to, nhưng chạy ăn từng bữa. Số tiền đền bù được nhận nhỏ giọt. Thời “hoàng kim” của người dân xã Lâm Sơn đã mua khoảng 300 xe máy một ngày.
Đó là đợt nhận tiền đền bù vào năm 2006. Nhận được tiền họ cũng chỉ biết làm những việc như xây nhà, mua xe… là cùng. Ông Nguyễn Văn Nhường, Tiểu khu 3 TT Lâm Sơn, cho biết: “Tình trạng trộm cắp ở đây đã trở nên phổ biến. Việc này trước đây không hề có.

Mối lo ngại bệnh tật
Người Lâm Sơn cho biết phía sân golf đã dùng những vòi phun hóa chất bảo vệ cỏ trên sân. Khe suối duy nhất chảy qua sân golf hiện là nguồn nước nuôi sống bà con các xóm Rổng Cấn, Rổng Tằm, Rổng Vòng. Hàng ngày bà con cứ ra múc nước hoặc dẫn đường ống nhựa về nhà sử dụng sinh hoạt. Vậy mà phía trên vẫn đúng ngày, giờ họ lại phun thuốc chăm sóc cỏ cây trong khuôn viên sân.
Bà Hoàng Thị Thuận, ở khu tái định cư xóm Rổng Tằm bảo: “Nói mãi họ cũng mặc kệ”. Có hôm tắm ngứa mần hết cả người nhưng vẫn phải dùng”. Hầu hết các khu tái định cư của các xóm nói trên đều dùng nước từ sân golf bơm cho. Nước lấy từ khe suối chạy qua sân golf. Theo bà Thuận, họ bơm cho là mừng rồi, có khi chẳng hiểu sao mấy ngày họ không bơm cho.
Kêu mãi cũng đến vậy thôi. Đầu tháng 5-2008, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã cử đoàn đến lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước này. Đoàn kiểm tra khẳng định nước này không thể dùng ăn uống được. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó Chủ tịch xã Lâm Sơn: “Hàng ngày, họ phun thuốc bảo vệ thực vật như vậy, về lâu dài ai sẽ dám chắc không phát sinh bệnh tật”.
Theo nghiên cứu trung bình trên mỗi hécta sân golf cần khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm, gấp khoảng 3 đến 4 lần so với khu canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Và thậm chí đối với những loại cỏ sân golf đặc biệt còn dùng nhiều loại hóa chất khác nhau.
Việc di dời nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả của bà con dân tộc Mường là điều tối kỵ bởi phong tục của họ là đào sâu chôn chặt chỉ 1 lần. Thế nhưng, khi dự án sân golf mọc giữa bản làng, họ đã chấp nhận vượt qua phong tục, không chỉ di dời nhà cửa mà còn mang 534 ngôi mộ tổ tiên đi theo.
Vậy mà giờ đây, có thể nói họ đã “được” trả giá với cuộc sống không đường đi, không lối thu hái nông sản, không việc làm, thậm chí không nhà cửa và sống trong âu lo về một tương lai gần: Tái nghèo, ô nhiễm môi trường, nguồn nước…
Khi bài báo này lên khuôn thì ông Nguyễn Xuân Lộc ở Thung Dâu gọi điện, nói rằng: “Lại một cháu nữa ở xóm tôi nghỉ học vì đường phải đi vòng quá xa, gần 10km đi bộ. Những lời da diết như vậy chẳng đáng quan tâm sao?
Nguyễn Đức Tuấn

No comments:

Post a Comment