Thursday, November 6, 2008

NGỘ NHẬN VỀ VIỆC TUYỂN THỨ TRƯỞNG

"Nên nhớ ở nước ta, vấn đề cán bộ và tổ chức đều do Đảng phụ trách, còn phía chính quyền chỉ thể chế hoá". Vâng, ai dám quên? "Trí thức Việt kiều", hãy nhớ đấy nhé!

Ngộ nhận về tuyển Thứ Trưởng?
Thứ Tư, 05/11/2008 - 2:55 PM
http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/go-nhan-ve-tuyen-Thu-truong/2008/11/258586.vip
(Dân trí) - Trong vòng 3 tháng, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT liên tục thông báo tuyển Thứ trưởng khiến dư luận xôn xao. Thứ trưởng liệu có tuyển được “thật” không vẫn đang là một câu hỏi rất được quan tâm nhưng còn bỏ ngỏ.

Bài toán khó có đáp số... đúng?

Ngày 23/6/2008, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký thông báo về việc giới thiệu ứng cử viên cho chức danh Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thay ông Trần Văn Nhung, nghỉ hưu vào tháng 10. Người trúng tuyển sẽ phụ trách nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo với nước ngoài và một số công tác khác.
Trong khi vị trí của vị tân Thứ trưởng này vẫn còn chưa ngã ngũ sẽ thuộc về ai, ngày 6/10/2008, Bộ GD-ĐT tiếp tục ra một thông báo mới,
tuyển thêm Thứ trưởng nữa.

Nếu lần tuyển một, Thứ trưởng có thể là nữ hoặc nam thì lần hai, Bộ chỉ cần tuyển nữ và yêu cầu cũng bớt khắt khe hơn nhiều khi nữ ứng viên, trong trường hợp đặc biệt có thể chỉ cần là cử nhân trở lên và ngoại ngữ chỉ cần bằng B tiếng Anh, thay vì phải có học vị từ Tiến sĩ trở lên và sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng (ưu tiên Tiếng Anh) như lần 1.

Xung quanh phương pháp “tuyển” lãnh đạo này của Bộ, có nhiều ý kiến trái ngược nhau, người khen, người chê nhưng dù khen dù chê các ý kiến đều bảy tỏ rất rõ sự hoài nghi về đáp số đúng của bài toán tuyển Thứ trưởng. Chẳng hạn như thông báo tuyển Thứ trưởng lần một thì từ khi thông báo tuyển đến khi Thứ trưởng Trần Văn Nhung nghỉ hưu chỉ còn khoảng 3 tháng, người trúng cử vào vị trí của Thứ trưởng Nhung làm sao đảm nhiệm tốt ngay lập tức công việc được bàn giao trong thời gian gấp rút như vậy?
Theo GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc thì việc Bộ GD-ĐT chọn chức Thứ trưởng lần này là “việc làm mới, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đổi mới có nhiều cách, có cái hay và cái dở và để thực hiện được trước hết phải có lộ trình để đạt hiệu quả. Nên nhớ ở nước ta, vấn đề cán bộ và tổ chức đều do Đảng phụ trách, còn phía chính quyền chỉ thể chế hoá. Vì vậy theo tôi, đây là bài toán chưa đủ số liệu, cách giải chưa biết thì rất khó có được đáp số”.

Chỉ chọn người nằm trong danh sách quy hoạch?

Thực ra, việc tuyển Thứ trưởng theo cách như thông báo hồi đầu tháng 6 vừa qua, không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tìm lãnh đạo cho ngành theo cách đó.

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết: “Vào năm 2007, Bộ đã áp dụng với trường hợp Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Phạm Mạnh Hùng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lúc đó chưa bài bản như hiện nay. Thông báo tuyển chọn khi ấy chỉ gửi cho các địa phương, các trường và đơn vị có khả năng có “nguồn” chứ chưa thông báo lên mạng rộng rãi như lần này”.

Để cởi bỏ sự hoài nghi của dư luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, người đứng tên ký 2 công văn về việc này khẳng định rằng: Những nhận xét cho rằng việc tuyển Thứ trưởng thực ra chỉ là hình thức, còn người trúng tuyển thì thực chất đã nằm trong danh sách quy hoạch đều là những nhận xét hoàn toàn sai.

Trong lần đăng đàn Quốc hội vào ngày 29/10 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích: “Có ý kiến đại biểu cho rằng: Bộ GD- ĐT có công khai phương án bổ nhiệm Thứ trưởng, lúc đầu có người ngộ nhận là đột phá chọn người tài, nhưng cuối cùng thấy vẫn chỉ chọn người nằm trong danh sách quy hoạch. Nhận xét như vậy là không đúng về 2 nội dung, một là không đúng về việc đã làm, hai là không đúng về tính chất công việc”.

Để chứng minh cho tính minh bạch trong việc “tuyển” Thứ trưởng của ngành, ông Nhân đưa ra dẫn chứng về quy trình tương tự khi tuyển Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong năm 2007:
“Năm 2007 chúng tôi có nhu cầu tìm một Thứ trưởng thay một đồng chí phụ trách khối phổ thông về hưu. Sau khi bàn bạc trong ban cán sự, chúng tôi xác định mình bám vào quy trình chung cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhưng làm rõ nguồn. Có hai nguồn: Một là cán bộ trong quy hoạch. Hai là cán bộ được giới thiệu để đảm bảo chất lượng.

Về phụ trách khối phổ thông thì trong quy hoạch chỉ có một đồng chí, nên chúng tôi đã tham khảo ý kiến của 64 giám đốc Sở GD-ĐT họ giới thiệu một danh sách dài hơn sau đó Bộ rút lại còn 3 đồng chí Giám đốc Sở có nhiều triển vọng nhất. Sau đó chúng tôi có mời 3 đồng chí giới thiệu cho Ban cán sự Đảng bộ nghe về công việc mình đang làm và nếu về Bộ sẽ làm như thế nào. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới bỏ phiếu trong Ban cán sự Đảng và chọn một đồng chí có triển vọng nhất và giới thiệu với Ban Bí thư quyết định, sau đó quyết định bổ nhiệm đồng chí thứ trưởng mới, đồng chí này không nằm trong quy hoạch” - Phó Thủ tướng cho hay.
Mai Minh

No comments:

Post a Comment