Friday, November 21, 2008

MỘT LỐI PHÊ BÌNH KINH DỊ

Một lối phê bình kinh dị
Trần Trọng Vũ
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=5819

Ba bài viết: Về thơ, và không chỉ về thơ, Về văn xuôi, và không chỉ về văn xuôi của Nguyễn Hòa (NH) và Một giải thưởng kinh dị của Nhị Hà (N.H) đề cập tới nhiều vấn đề của nghệ thuật, về những nghệ sĩ Việt Nam và về riêng tác phẩm TRẦN DẦN Thơ.

Tôi viết bài phản biện này với tư cách một người trực tiếp làm nghệ thuật và một trong những người biên soạn tác phẩm nói trên.

Sai lầm cơ bản nhất là phương pháp luận của cả hai anh. Anh NH đã không thực hiện nhiệm vụ của người phê bình văn học. Anh tự nhận là nhà phê bình văn học có uy tín, nhưng viết bài không phải với mục đích trao đổi học thuật. Anh đã sử dụng sự mập mờ, bóng gió để phê bình. Anh cũng phạm sai lầm về kiến thức nghệ thuật. Anh N.H thì làm nhiệm vụ vu khống văn học, tuy nhiên tôi không hiểu anh viết bài với danh nghĩa nào.

Tôi xin trao đổi với từng tác giả một.

I- Với tác giả NH (Nguyễn Hòa)

Tôi xin chứng minh nhận định trên như sau :

1- Tác giả NH đã không thực hiện nhiệm vụ của người phê bình văn học. Vì sao?

Trước hết là bởi vì NH đã sử dụng phê bình văn học để… đề cao bản thân anh, và để thỏa mãn lòng cao ngạo vô cớ của anh. Chỉ cần đọc qua hai bài Về thơ, và không chỉ về thơ, Về văn xuôi, và không chỉ về văn xuôi, đã thấy anh NH xuất hiện như một nhân vật quan trọng của giới văn nghệ Việt Nam. Viết phê bình nghệ thuật nhưng anh lại tự kể về mình như sau: Anh được mời đến các buổi giới thiệu thơ, đến «Đại hội thi đua Quyết thắng». Anh là bạn của nhiều nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa… anh rất thích điều đó đến nỗi phải thổ lộ: «bây giờ thì hắn lại nể tôi, vì thấy tôi quen Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Duy». Anh đuợc Phạm Tiến Duật viết tặng một bài thơ (tuy nhiên không ai kiểm chứng được, vì anh kể là đã để đâu mất). Anh được Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách giữa đường. Anh quen chị «đầu nậu». Anh được nhiều nhà văn không tên nhờ đọc bản thảo, nhờ xuất bản tác phẩm. Anh sửa lại bài giảng cho một thầy giáo phó giáo sư tiến sĩ. Anh từ chối đọc tác phẩm của người này người kia. Anh góp ý cho nhiều nhà văn và được họ cảm ơn, và tác phẩm sau đó được nhiều người khen. Anh còn là một mạnh thường quân vì là người duy nhất bỏ tiền túi ra mua sách ế, và tặng không cho bạn bè… Chỉ trong hai bài phê bình ngắn ngủi, anh đã kịp cung cấp cho bạn đọc thân thế của anh (anh đi sơ tán ở vùng quê, anh đi bộ đội, anh «tắm bên nước đá ong dưới chân đồi», anh làm việc ở «Văn nghệ quân đội», anh lang thang trên phố Hàng Trống…). Anh là người phán xét đúng sai. Bao giờ anh cũng đúng hơn người khác. Không một khiếm khuyết.

Một nhà lý luận phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp không bao giờ tự cho phép lợi dụng phê bình để khoe khoang trình độ, địa vị và quyền lực của bản thân mình như anh NH đã làm.

Mục đích thứ hai của anh cũng nằm bên ngoài nhiệm vụ của phê bình văn học. Đó là việc bày tỏ thái độ khinh miệt của anh với những người làm nghệ thuật Việt Nam. Anh đi dự buổi giới thiệu thơ vì «gần nhà», vì «tò mò», chứ không thấy anh nói vì mục đích học thuật. Anh đã không biết rằng nhiệm vụ của người làm phê bình nghệ thuật là theo sát cuộc sống văn nghệ, rằng người ta có thể học được nhiều điều ngay cả trong những sáng tác dở nhất. Anh sử dụng ngôn ngữ ngoài chợ để gọi các nhà thơ là «thùng rỗng kêu to», gọi các sáng tác của họ là «cố gắng vô vọng của một số nhà thơ», là «trò vè lố lăng», khuyên họ «xin đừng diễn». Anh phê phán một nhà văn làm nghệ thuật trình diễn, anh khuyên nhà văn nên «viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa». Anh không hiểu rằng mọi phương tiện nghệ thuật đều phục vụ nhu cầu biểu đạt của nghệ sĩ. Tại sao anh không nhắn Auster hay Houellebecq ngồi nhà mà viết tiểu thuyết, làm điện ảnh cho thiên hạ ngắm thì còn gì là văn chương? Cũng không thấy anh thắc mắc Maïakovxki học trường mỹ thuật mà lại thành nhà thơ? Anh có lần nào kêu ca sao Văn Cao lại làm cả thơ lẫn nhạc lẫn họa?

Người làm lý luận phê bình nghệ thuật là chiếc cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng, là người đồng hành của nghệ sĩ. Người làm phê bình phải thấu hiểu những vấn đề của việc sáng tác, phải theo dõi quá trình lao động của nghệ sĩ, từ lúc chưa định hình, từ lúc còn ảnh hưởng từ đâu đó, đến lúc nghệ sĩ tìm ra con đường và phong cách riêng. Nếu không, những gì mà người phê bình nghệ thuật truyền đạt lại cho công chúng sẽ chỉ là áp đặt, phỏng đoán, và tệ hơn là vu khống nghệ thuật, và giết chết mầm mống tài năng.
Tiếc thay anh NH đã không thực hiện được chức năng này.

2- Tác giả NH sử dụng sự mập mờ, bóng gió trong phê bình nghệ thuật. Khi nào?

Khi viết về những vấn đề chuyên môn và học thuật anh tránh dẫn chứng cụ thể, mà thay bằng những «một số», «người ta», «một nhà thơ» không tên, «một nhà văn» cũng không tên, «một tờ báo» thì lại tên là X, một «truyện ngắn» cũng tên là X, còn một «Website» và một «tiểu thuyết» cùng chung nhau một cái tên Y do anh tự đặt… Những mập mờ kiểu này tràn ngập cả hai bài viết.

Tuy nhiên anh cũng cố gắng cho vào một vài cái tên, ví dụ «Trần Dần», một nhà thơ đang là một điểm nóng của dư luận văn học, cho bài của anh thêm phần sốt dẻo. Anh NH tuyên bố: «Đọc Trần Dần - thơ, tôi khâm phục ông khi đọc một số bài vốn có mặt trong Cổng tỉnh, hơn là các bài ở nửa sau của tập. Một số người coi Trần Dần là nhà thơ có nhiều cách tân, tôi tôn trọng điều đó, song thành tựu của ông liệu có ý nghĩa lớn lao hay không nếu dừng lại ở một số trò chơi chữ nghĩa, ở một số bài nghiên cứu - phê bình? Tôi nghĩ người ta cứ tán dương vậy thôi, chứ người ta không muốn học tập (không có khả năng học tập?)»

Xin anh NH cho biết «một số bài» của Cổng tỉnh, nhưng cụ thể là «bài» nào? Cổng tỉnh được chú thích là một tác phẩm «thơ – tiểu thuyết», vậy tại sao lại gọi là «một số bài»? Yêu cầu anh giải thích hộ cách gọi như vậy. Anh viết «một số người», là người nào?, «người ta» là ai? «một số trò chơi chữ nghĩa» là trò chơi nào? Như thế nào là trò chơi, thế nào là không phải trò chơi? Mọi dẫn chứng của anh đều không cụ thể.

TRẦN DẦN Thơ là một cuốn sách không thể đọc liền một hơi. Tất cả những bài viết được đưa vào cuốn sách đều phục vụ cho những nhu cầu tham khảo của độc giả và các nhà chuyên môn, như những quãng nghỉ, và như những đề nghị và gợi ý cho những cách đọc khác. Tất cả các ý kiến đều được phân tích, dẫn chứng và minh họa cụ thể. Chỉ cần nêu hai ví dụ: Một chút về Trần Dần của Vân Long có ý nghĩa như một nhân chứng chân thực. Tác phẩm Mùa Sạch của Trần Dần qua góc nhìn của Nghệ Thuật Ý Niệm của Nguyễn Như Huy là một bài phân tích kỹ lưỡng, sau rất nhiều nghiên cứu tham khảo, có kèm so sánh về niên đại, về quan niệm nghệ thuật, có kèm cả hình ảnh minh họa rành mạch. Không hiểu sao anh NH lại tuyên án là «không muốn học tập»!

Để được anh khen là «muốn học tập» và có «khả năng học tập», có lẽ các tác giả trong TRẦN DẦN Thơ phải miêu tả thêm những kỷ niệm tắm, những buổi trưa lang thang ngoài phố, những mối thân quen… như anh NH đã làm trong bài viết của anh?

Anh NH tiếp tục: «Tương tự như mấy năm trước, có nhà thơ xuất bản một tập thơ - họa. Tôi xoay ngược xoay xuôi mấy bức tranh có kèm theo mấy câu thơ rồi đành bất lực, không biết làm thế nào để khám phá cái đẹp cái hay». Lại một kết án khác. Mấy năm trước là năm nào? nhà thơ nọ là ai? Xem tranh mà phải xoay ngược xoay xuôi, vất vả giống như người mù chữ trước tờ báo. Có gì mà anh phải khoe?

Sự mập mờ cũng được anh dùng để che đi những khiếm khuyết kiến thức nghệ thuật. Anh viết: «Cách đây không lâu, bàn tới hậu hiện đại trong thơ, tôi đề xuất ý tưởng rằng các nhà thơ hãy đi hết con đường hiện đại rồi hãy tính đến hậu hiện đại». Xin anh giải thích lại cho độc giả rõ hơn: «đi» ở đây có nghĩa gì? Là nghiên cứu? Là tham khảo? Là thực hành? Là bắt chước? Là sao chép? Mỗi một cách hiểu đều có thể dẫn độc giả đi rất xa, trong những hướng đối lập. Sau đó cũng xin anh trả lời hộ: nghệ sĩ hiện đại có cần phải «đi» hết Phục hưng, Lãng mạn, Cổ điển… hay không, rồi hãy tính đến Hiện đại? Và làm thế nào để biết nghệ sĩ này đã «đi» hết Hiện đại rồi, còn nghệ sĩ kia thì chưa «đi» xong, để nhắc họ «đi» tiếp?

Hậu hiện đại tồn tại từ hơn nửa thế kỷ nay trên thế giới. Nếu một nghệ sĩ Việt Nam tìm được ở đó những phẩm chất phù hợp cho nhu cầu và ý tưởng sáng tác của mình, tại sao lại không có quyền sử dụng? Có nhất thiết phải lái thành thạo loại xe hơi đầu tiên mà con người sáng chế ra thì mới lái được loại xe mới sản xuất ngày hôm nay hay không? Loại xe nào phù hợp hơn với thời đại và nhu cầu ngày nay?

Cũng xin nói rõ để anh NH hiểu, sử dụng Hậu hiện đại là một cách để thay đổi bản thân, để sáng tạo nên những cái mới khác. Tôi không biết anh đã được học về nghệ thuật tạo hình khi nào, để chê bai các họa sĩ Việt Nam, vốn không phải chuyên môn của anh? Anh có biết từ 25 năm trước, sinh viên đã được học trên ghế trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội rất kỹ về nghệ thuật Hiện đại, trong chương trình của trường? Họ không phải đợi đến tận bây giờ mới được anh dạy cho thế nào là «nghiêm túc và hiện đại».

3- Khi nào anh NH cho dẫn chứng cụ thể trong phê bình nghệ thuật?

Đấy là khi anh kể về bản thân anh, tiếc thay lại hoàn toàn nằm bên ngoài lĩnh vực phê bình nghệ thuật.
Đấy là khi anh miêu tả lại cảnh được Nguyễn Huy Thiệp tặng sách. Anh cung cấp từng thông tin cụ thể, từ con số 2007, đến thời gian là «buổi trưa», đến địa điểm là «phố Hàng Trống», đến cả âm thanh là tiếng «gọi tên». Nguyễn Huy Thiệp ở đây được miêu tả thêm là «đã dừng xe máy» trước khi NH nghe thấy gọi tên mình. Từng động tác của hai người được tường thuật lại đầy đủ, sinh động và chính xác. Độc giả được thông tin là anh Thiệp đi xe máy, anh NH đi lang thang. Anh NH không nói gì còn những lời thân mật của anh Thiệp được trích dẫn trong ngoặc kép. Độc giả cũng được thông tin về vị thế của hai người: ai phải dừng lại trước, ai phải lên tiếng trước, ai phải tặng quà. Và sau đó, anh cũng cho biết đã tha cho cuốn sách này của anh Thiệp, không đưa vào «tầm ngắm» phê bình.

Đấy là khi anh say sưa kể lại lần tắm cùng Phạm Tiến Duật và sau đó được nhà thơ chép tặng thơ. Lần này còn chính xác hơn nữa: «Tại Đại hội thi đua Quyết thắng của Tổng cục xây dựng kinh tế tổ chức vào mùa thu năm 1977». Lần này còn có thêm phong cảnh rất đẹp với mấy «bụi sim» và «giếng nước đá ong dưới chân đồi». Lại thời gian là «suốt buổi chiều» tới «tối», tới tận «sáng hôm sau», lại địa điểm là «Thậm Thình (Phú Thọ)», lại âm thanh là «mấy anh em đùa nghịch, nói cười ầm ĩ» .

Không hiểu những miêu tả dông dài và chính xác này có giúp gì cho phê bình nghệ thuật? Nó chỉ giúp cho mục đích đề cao bản thân anh, như một nhân vật quyền chức của văn nghệ Việt Nam.

Vẫn một cách đong đếm thời gian chính xác cho một chi tiết khác cũng chẳng liên quan gì đến học thuật. Đấy là lúc anh kể về tác phẩm TRẦN DẦN Thơ: «Buổi sáng ngày báo X có bài kể về sự tấp nập, rộn ràng của bạn đọc kéo nhau tới phố Đinh Lễ để mua cuốn Trần Dần - Thơ, tôi liền mò đến xem sao. Hơn hai tiếng đồng hồ, mắt không rời các giá sách có bày Trần Dần - Thơ ở vỉa hè, tuyệt nhiên không thấy ai cầm sách lên xem chứ chưa nói là mua».

Sau khi đọc những dòng tâm sự này của anh: «Đọc tiểu thuyết của Marcel Proust, tôi nghĩ: “Sách như thế này thì ở Việt Nam phải bán hạ giá là đúng thôi!”» tôi mới hiểu rằng hóa ra anh thường xuyên sử dụng kết quả bán sách để phân tích tác phẩm nghệ thuật.

4- Đâu là năng lực cảm thụ thơ của tác giả NH?

Câu thơ được anh NH đưa vào «tầm ngắm» lần này là của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: «Đây là một câu thơ hay, rất đắc địa trong cấu tứ toàn vẹn của bài thơ Tản mạn thời tôi sống, nhưng khi nhà thơ tách riêng câu thơ ấy ra, sử dụng làm đề từ cho blog cá nhân thì tôi thấy đó là câu thơ… dở. “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” thì có gì độc đáo, nên thơ, hay câu này còn ẩn chứa các triết lý, thông điệp tinh thần sâu xa đến mức chỉ tác giả mới nhận biết được?»

Đây là lần đầu tiên tôi được đọc câu «Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa» và ngay lập tức bị cuốn hút bởi cấu trúc nhịp nhàng, cân xứng của câu thơ, và bởi những tưởng tượng mà câu thơ đem lại. Tôi xin nhấn mạnh hai chữ «vẫn cứ» vì chúng thông báo một sự việc bất thường, vì nhờ vào chúng mà câu thơ đã được hiểu như sau: MẶC DÙ một lý do nào đấy «những bông hoa VẪN CỨ nở đúng mùa».

Hai chữ «vẫn cứ» nằm chính xác ở vị trí trung tâm (về thị giác cũng như về âm tiết) của câu thơ 8 chữ, dễ dàng thu hút sự chú ý của người đọc. Không thể không nhìn thấy chúng, không thể không nghe thấy chúng. Nhưng anh NH đã không hề thắc mắc về vai trò của hai chữ «vẫn cứ» này?

Câu thơ ngắn nhưng chứa đựng nhiều uẩn khúc bên trong. Tôi nhìn thấy đâu đây những loài sâu bọ muốn tiêu diệt vườn hoa, tôi nhìn thấy phía xa những cơn dông bão nguy hiểm đã qua, sẽ đến. Và trên hết, từ câu thơ giản dị tôi nhìn thấy quy luật của tự nhiên, của cái đẹp. Bất chấp những ngăn cấm, cái đẹp «vẫn cứ» xuất hiện đúng mùa.

Là «nhà lý luận phê bình» mà anh NH không cảm nhận được một chút gì cả từ câu thơ này thì thật kỳ quặc, dù chỉ một chút tưởng tượng về một mùa hoa nào đấy, dù chỉ một hình ảnh mờ nhạt của một loài hoa trong ký ức, dù chỉ một rung động thoáng qua về cái đẹp. Chỉ một câu thơ, anh NH đã KHÔNG nhìn thấy gì, KHÔNG nghe thấy gì, và dĩ nhiên đã KHÔNG hiểu gì. Vậy thì làm sao anh có thể cảm thụ được cả một cuốn sách dài? Làm sao có thể thực hiện được vai trò của anh, nhà lý luận phê bình?

II- Với tác giả N.H (Nhị Hà)

Bài viết của N.H mang tên Một giải thưởng kinh dị, nhằm kết án tác phẩm TRẦN DẦN Thơ bằng cách viết lộng ngôn vô văn hóa, bằng cách vu khống, bôi nhọ Trần Dần cùng những người biên soạn, xuất bản di cảo của ông.

1- Đâu là trình độ tiếng Việt của tác giả N.H?

Đây là khẳng định đầu tiên của tôi về N.H: anh đã phạm lỗi vô cùng ấu trĩ trong đọc, hiểu và sử dụng tiếng Việt. Tôi chứng minh như sau:

Anh đã lồng vào bài phê bình một thứ triết lý «sáng tạo» đến kinh dị, trong một thứ ngôn ngữ «sáng tạo» đến lộng ngôn và sai nghĩa. Cái triết lý ấy là thế này: «Phàm là Con Người, ai cũng có phần “Người” và phần “Con”. Thế nhưng xã hội vận động phát triển đi lên là do “Loài Người” quyết định chứ không phải “Loài Con”». Ý kiến này chẳng hề liên quan đến nội dung bài viết của anh về thơ Trần Dần, mà chỉ là một cách khéo léo khoe kiến thức triết học rởm của anh. Đề nghị anh giải thích cụ thể «Con» là gì? Là con lợn? Là con bò? Là con lừa? Là con vẹt? Là con dao? Con sông? Con nước? Con thuyền? Con đường? Yêu cầu anh trả lời câu hỏi này: nếu không có tất cả các «Loài Con» (dù là con nào đi nữa), «Loài Người» mà anh ca ngợi có tồn tại được hay không? Loài người sẽ ăn gì? Sẽ sinh hoạt thế nào? Loài người không ăn uống, không sinh hoạt, thì làm sao có xã hội? Không có xã hội thì làm sao có sự phát triển xã hội như anh phân tích?

Từ cái triết lý nhảm trên về con người và xã hội, anh N.H đã đột ngột chuyển sang lĩnh vực văn học: «Thế nhưng xã hội vận động phát triển đi lên là do “Loài Người” quyết định chứ không phải “Loài Con”. Thơ cũng có con đường phát triển đi lên của nó.“Xác Chữ” chứa đựng “Hồn Thơ” nhưng chính “Hồn Thơ” mới làm cho “Xác Chữ” lấp lánh».

Theo N.H, trong chữ có «hồn thơ», vậy đề nghị anh dẫn chứng cho một «xác chữ» cụ thể, và chỉ hộ đâu là «hồn thơ» của nó. Nếu đã có «hồn thơ», chắc cũng sẽ phải có các loại hồn khác trong chữ? «Xác chữ» này sẽ mang «hồn thơ», «xác chữ» kia sẽ mang «hồn văn xuôi», còn «xác chữ» kia nữa sẽ mang «hồn lý luận»…? Và cũng theo lý luận của N.H, «hồn thơ» làm cho «xác chữ» lấp lánh, vậy «hồn phê bình văn học» sẽ cho «xác chữ» cái gì?

Tôi tin chắc anh N.H sẽ không thể dẫn chứng nổi, dù chỉ một cái «xác chữ». Bởi vì tất cả các chữ đều bình đẳng. Cách lý luận của anh, «hồn thơ» với xác chữ «lấp lánh» sẽ đưa thơ phát triển đi lên (còn chữ nào không lấp lánh sẽ đưa thơ đi đâu?) chỉ là một trò lộng ngôn và là một thứ tiếng Việt rỗng tuếch. Còn trầm trọng hơn nữa, anh đã sử dụng lối viết vô nghĩa này để nhân danh phê bình văn học!
Hai lý luận trên của anh, một về sự vận động của xã hội, một về sự phát triển của thơ, là một sự chắp vá tiếng Việt vô cùng ngây ngô. Anh nhầm lẫn tiếng Việt một cách sơ đẳng giữa «phần» và «loài», nên đã đi tới những sai lầm tư tưởng như vậy. Trình độ tiếng Việt của anh như thế, làm sao anh có thể cảm thụ nổi văn học, làm sao anh có thể đọc được thơ Trần Dần?

2- Phê bình nghệ thuật hay kết án nghệ thuật ?

Ngoài đoạn «lý luận» ngây ngô của N.H mà tôi vừa phân tích cùng bạn đọc, toàn bộ bài viết không chứng tỏ bất cứ một quá trình phân tích nào khác, mà chủ yếu để kết án thơ Trần Dần, Hội Văn nghệ Hà Nội, những người biên soạn và xuất bản tác phẩm TRẦN DẦN Thơ.

Kết án thứ nhất: «việc báo chí đưa tin Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng văn học 2008 cho tập “Trần Dần - Thơ” với tên gọi giải thưởng là “Thành tựu trọn đời” thì lại như một gáo nước lạnh tạt vào mặt những người cầm bút chân chính như muốn dập tắt niềm phấn khởi mà Nghị quyết 23 đem lại!». Không thấy N.H giải thích danh hiệu mới toanh «người cầm bút chân chính» này do cá nhân anh hay một cơ quan văn hóa nào truy tặng? Nếu thực sự những «người cầm bút chân chính» bị tạt nước lạnh vào mặt, họ phải là những người lên tiếng trước tiên mà không cần phải đợi N.H phản đối hộ. Là nhà văn, nhà thơ còn chưa đủ hay sao mà còn phải được dán mác «chân chính»? Một tác giả lao động miệt mài trong 40 năm liên tục là một tác giả không chân chính hay sao?

Kết án thứ hai: «Xen kẽ trong từng phần là những bài lý luận mang tính giới thiệu, phân tích và ca tụng “Trần Dần - Thơ” lên mây xanh». Xin trả lời N.H như sau: Tất cả các tác giả trong TRẦN DẦN Thơ đều có trách nhiệm và luận cứ của họ khi đánh giá tác phẩm. Các đánh giá của họ đến từ nhiều lập luận, dẫn chứng và lý giải. Việc N.H cố tình chỉ chép lại một vài kết quả nhận định của họ là một cách ăn gian trong tranh luận. Cũng yêu cầu N.H đọc lại nhiều lần nữa những bài viết này, vì một khi tiếng Việt kém, chỉ có cách duy nhất là đọc lại nhiều lần.

Kết án thứ ba: «Những lời có cánh trên làm cho bất kỳ một độc giả nào cũng đâm ra hoang mang về nhận thức và trình độ cảm thụ nghệ thuật văn học của mình… » N.H đã phạm thêm một sai lầm nữa: N.H chỉ là một độc giả, không có quyền phát biểu hộ tất cả độc giả. Nhà phê bình nghệ thuật lại càng không cho phép mình thay mặt độc giả.

Kết án thứ tư: «“Chữ” đối với Trần Dần đã trở thành một ám ảnh oan nghiệt để ông giày vò chính mình kể cả việc làm cho “Chữ” phải bẩn thỉu đến tận cùng có lẽ cũng là một sự giải thoát cho chính ông chăng?». Đề nghị N.H định nghĩa thế nào là chữ bẩn thỉu, thế nào là chữ sạch sẽ. Xin lấy một ví dụ mà N.H đã trích từ trang 255 của cuốn sách: «nữ kỹ sư truồng thỏa mãn ở sử ký sau đó bảo Dr.TÒI bắt cóc cả bẹn mình ngửa tình sửa đem về nhà jao cấu đón sáng» (xin đính chính lại tiếng Việt của N.H: tình sử dễ thế mà N.H lại chép nhầm thành tình sửa). Nếu N.H thấy chữ «truồng» bẩn thỉu thì N.H muốn thay bằng chữ gì cho sạch sẽ hơn? Chữ «jao cấu» có vẻ cũng không thơm tho lắm, N.H đề nghị chữ nào? Hay là chữ «ấy» cho tế nhị? «đem về nhà ấy đón sáng» có vẻ rất N.H đấy.

Kết án thứ năm: «Hầu hết những câu chữ “kinh khủng” của Trần Dần được viết ra trong giai đoạn cuộc đời ông gặp khó khăn nhất. Việc Trần Dần “đày đọa chữ” lẽ ra chỉ mình ông biết và nếu có ai “ngẫu nhiên” tiếp cận cũng có thể lượng thứ cho ông» Giai đọan nào là giai đoạn khó khăn nhất? Giai đoạn nào khó khăn nhì? N.H khẳng định mà không xác định rõ. Lại một sơ xuất nữa trong phê bình văn học. Thế nào là «ngẫu nhiên tiếp cận»? Còn những độc giả muốn chủ động tiếp cận thì sao? Và thế nào là «đày đọa chữ»? Các nhà thơ nhất định phải vuốt ve âu yếm chữ? Cũng xin lưu ý cùng độc giả về thái độ láo xược của N.H khi nhận định: người tiếp cận «luợng thứ» cho Trần Dần. Chữ «lượng thứ» thường chỉ dùng được cho các tội phạm. Đây là kết quả của dốt tiếng Việt, hay lòng hận thù của N.H, hay là cả hai?

3- Trần Dần đã lao động như thế nào?

Giới thiệu một tác giả, người biên soạn trước hết phải tự coi mình là một độc giả, để có thể phục vụ và bảo vệ quyền lợi của độc giả. Giới thiệu một tác giả, vai trò của người biên soạn là hệ thống các giai đoạn sáng tác, trình bày chúng trong một trật tự hợp lý, và trên hết lý giải được quá trình lao động của nghệ sĩ. Nói cách khác, để trả lời câu hỏi: «nhà thơ đã lao động như thế nào?». TRẦN DẦN Thơ đã được biên soạn trên tinh thần ấy.

Cách làm này rất gần với việc biên soạn những tác giả trên thế giới. Có thể kế đến nhiều cuốn sách giới thiệu sự nghiệp của Picasso: chúng đều hệ thống lại các giai đoạn sáng tác của ông, dù không phải giai đoạn nào cũng được tất cả người xem yêu thích. Khi giới thiệu một tác phẩm cũng vậy: chỉ một bức Guernica của ông được in kèm theo rất nhiều phác thảo, rất nhiều biến tấu. Người xem qua đó hiểu được rằng nghệ thuật phải là kết quả của một quá trình lao động dài, của nhiều thử nghiệm khác nhau. Nghệ thuật không bao giờ chỉ đến từ cảm hứng hoặc từ thói đỏng đảnh của nghệ sĩ.

Chúng tôi đã trình bày tác phẩm của Trần Dần trong 3 phần : Phần I là giai đoạn ông bắt đầu bộc lộ tính cách cá nhân, với nhiều băn khoăn trăn trở và hoài bão, nhiệt huyết của một nhà thơ trẻ. Phần II giới thiệu những thử nghiệm của ông về chữ, về âm, về nghĩa, về tính chất thị giác của thơ, về cấu trúc câu thơ và tác phẩm thơ. Trần Dần là một trong những ngọai lệ đã làm thơ đa nghĩa, đa âm, đa sắc, chắc chắn sẽ gây không ít băn khoăn cho độc giả. Phần sáng tác này lấy nhan đề «Ngoại luật», để báo trước cho người đọc rằng không thể đem thói quen đọc của họ làm «luật» để đánh giá Trần Dần trong giai đoạn này. Phần III của cuốn sách đem tới cho người đọc một Trần Dần lớn lên sau nhiều thử nghiệm nghệ thuật, và nhiều thử thách của cuộc sống. Một giai đoạn lao động khác.

VỚI TÁC PHẨM “MÙA SẠCH” :

Tiếc thay, NH và N.H đã bỏ qua quan điểm biên soạn trên và phê phán nặng nề những «ngoại luật» của Trần Dần. Theo chúng tôi «ngoại luật» mới là phần lao động quan trọng nhất của ông, vừa là kết quả vừa là nguyên nhân của «nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ trong trẻo, lóng lánh…» mà hai anh thổ lộ là có yêu thích. Anh N.H đã trích dẫn Quả đạt, mà lại không nói rõ đây là một trong nhiều «bài tập» chuẩn bị cho tác phẩm Mùa sạch sau này. Tất cả những chữ lạ của Trần Dần thực ra đều có thể tìm được trong hiện thực, nếu chúng ta tìm cách dùng chữ mà phiên âm lại âm thanh, tiếng động của cuộc sống thường nhật, nếu chúng ta biểu đạt lại những động tác, trạng thái của con người và sự vật chưa được gọi tên trong từ điển. Âm thanh không chỉ hạn chế trong một số phiên âm ít ỏi đã được thói quen biến thành qui ước: lục cục - lục bục - đùng - đoàng - ầm - ì - xì xì… Chưa kể đến việc ghi lại một cách trung thành muôn vàn cách phát âm tiếng Việt, cách đọc sai dấu của người Việt, vốn thay đổi theo từng kilômét địa lý. Theo ý kiến này, Trần Dần là người quan sát và ghi nhận hiện thực trung thực.
Hãy lấy một ví dụ: ở Hà Nội có phố Hàng Thiếc, phố Hàng Đồng, mỗi lần tới là bước vào một thế giới khác lạ của âm thanh và động tác. Người dân lao động ngay trên vỉa hè. Nếu sử dụng tiếng Việt theo thói quen thường nhật, có thể tả rằng «Ở phố Hàng Thiếc, người đập, người gõ, người cắt, người xén, người hàn, vv… một lúc là đinh tai, nhức mắt». Nhưng nếu tôi sử dụng lại chữ của Trần Dần, tôi sẽ có một kết quả khác: «Người hát - người mát - người xạt. Người ngạt - người thạt - người đạt. Người phạt - người lạc tạc. Người tác vác - người lốc xốc. Người thúc - người múc - người xúc. Người đúc - người khục - người pục. Người đục - người đoác. Người tát - người tạt - người vạc. Người đạc… người nhìn gừm gựt. Người ghì xồn xột…» Không cần phải thêm vào lời bình luận «một lúc là đinh tai, nhức mắt» nữa. Đây chỉ là một ví dụ để chứng minh rằng ở giai đoạn này Trần Dần muốn hiện thực xuất hiện một cách trực tiếp và trực diện nhất trong thơ. Không còn phải thông qua những trạng thái tình cảm của nhà thơ, bằng cách loại ra ngoài tác phẩm những cảm xúc, những bình phẩm như ông đã làm ở giai đoạn trước: giai đoạn của «chiều vô lễ», của «tôi ngồi vô giác, vô tri», của «chuông khánh thẫn thờ», của «Ôi chao! Thu rồi!… Bất tử»…

Mùa sạch là kết quả hoàn thiện của các bài tập của ông. Mùa sạch của giai đoạn «ngoại luật» này khao khát một thế giới sạch, sạch đến nỗi ta có thể nhìn ngắm, theo dõi, lắng nghe cái thế giới ấy nhưng không thể định tính nó là vui, là buồn, là trữ tình, là đau khổ, là nguy hiểm, là lo sợ, là ô nhiễm, là v.v… Có lẽ, chưa một nhà thơ Việt Nam nào làm như vậy, cho đến ngày hôm nay, 44 năm sau Mùa sạch.

VỚI TÁC PHẨM “JỜ JOẠCX” :

Tác giả N.H đã trích dẫn năm câu thơ ngắn của Jờ Joạcx, như những ví dụ tiêu biểu của sự «bẩn thỉu đến tận cùng» của chữ.

Trước hết tôi phải nhấn mạnh rằng Trần Dần đã chú thích cho tác phẩm này là: «Thơ - Tiểu thuyết. Một bè đệm». Vì vậy cần phải đọc Jờ Joạcx như một tiểu thuyết thơ. Phê phán cả một tiểu thuyết chỉ duy nhất bằng năm câu trích ngắn ngủi có phải là phê bình nghệ thuật, hay cũng là cách ăn gian trong lý luận?

Phân tích một tiểu thuyết thơ có nghĩa là gì? Là phân tích diễn biến của toàn bộ câu chuyện, tìm hiểu tư tưởng của tác phẩm, quan niệm nghệ thuật và xã hội của tác giả, cùng những thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng. N.H đã làm gì? đã không biết đây cũng là một tiểu thuyết, nên đã đọc tác phẩm như những câu thơ riêng lẻ.

Chúng tôi đã đưa vào cuốn sách bài Để đến với Jờ Joạcx của Đặng Đình Ân. Độc giả có thể hoàn toàn yên tâm tham khảo: không một lời ca tụng nào cả như lời vu khống của N.H. Tác giả chỉ tìm cách «kể» lại nội dung tác phẩm này bằng cách lý giải cụ thể các thủ pháp xây dựng nhân vật, xây dựng cốt truyện. Tôi xin trích lại ở đây một nhận xét của Đặng Đình Ân: «…bằng cách chú thích không thương tiếc: xilíp: một đơn vị đo lường ăn vào khoảng 63 thư viện, Jờ Joạcx là lời nhạo báng thẳng thừng tất cả cái được gọi là trí thức rởm đương thời» (trang 258). Jờ Joạcx cũng chế giễu «vài người không thông minh» từ một «cái tát» bé xíu mà phóng tác nên bao nhiêu ý nghĩa triết lí, thẩm mĩ, địa lý, sử kí, sinh lý, chân lý của nó.

Nhân vật xưng tôi của Jờ Joạcx vốn là «tiến sĩ. phó tiến sĩ. sử kí», vốn là người giữ chức «chân lí», chức «thẩm mĩ», vốn là «bác sĩ» kiêm «thi sĩ», đã từ chức tất cả các danh hiệu này để hóa thân thành thằng Tòi, thằng Truồng. Cả hai thằng đều bị ám ảnh triền miên bởi nhục dục, đều nói tiếng Việt không ngữ pháp. Cô nữ kĩ sư sống ở biệt thự thì mang một cái tên thường trực là «cô nữ kĩ sư truồng». Trần Dần như vậy đã đưa vào Jờ Joạcx những tiêu cực của thời đại ông: sự tha hóa của đạo đức, sự méo mó của học vấn, sự biến chất của trí thức. Để truyền tải nội dung này, ông đã sử dụng một phương pháp táo bạo và triệt để là bóp méo luôn cả các phương tiện biểu đạt của ông gồm nhiều câu, chữ, phép chính tả, luật ngữ pháp và các hình thức biểu hiện. Vì vậy «nhiều chữ của Jờ Joạcx được biến hình xung quanh chữ J, từ chỗ có thể nhận được «nguyên bản» của chúng (ví dụ: Jờ, Jòng Jã, Jút Ja, chiều Jọc), đến lúc không còn tìm được chữ gốc nữa (ví dụ: Joạc, Jọc Jạch, Ja Jắcc sss, Ju Jíc sss, Ju Jússs)…» (trang 258. Để đến với Jờ Joạcx, Đặng Đình Ân). Những phép biến dạng này của ngôn ngữ đồng hành với các cuộc hóa thân chớp nhoáng nói trên của nhân vật. Thêm vào đó, Jờ Joạcx được xây dựng bằng nhiều giọng kể của một nhân vật đa căn cước, vì lý do này mà ngôn ngữ bị biến hóa và xô lệch.

Trần Dần đã lao động như thế nào? Tất cả những cải cách ông đã làm với thơ, từ việc biến đổi chữ, đến làm mới cấu trúc câu, từ việc lấy đi ý nghĩa đằng sau câu thơ, đến việc trao cho thơ tính đa nghĩa… đều xuất phát từ ý đồ nghệ thuật của ông. Thơ không để giải trí lúc nhàn cư. Cũng không có trò chơi vô bổ nào cả như các anh NH và N.H đã lầm tưởng. Hãy xem ông ngày gánh đất, đêm đêm sửa chữa, thay đổi tập Cổng tỉnh. Hãy xem ông còn vương vấn day dứt với Con OEE, để phải làm tiếp Hậu con OEE, 21 năm sau. Hãy xem ông phát triển Thằng Thịt thành Jờ Joạcx. Hãy xem ông đã trực tiếp tham gia chiến trường, đã sống cuộc sống người lính, đã chia cùng đồng đội «cơn sốt», «đạn bom», «gió bấc», «mưa phùn - nước lũ - cơm thiu», và cả «những thỏi đạn cuối cùng». Ông đã từ chối cuộc sống gia đình khá giả, từ chối ngồi an toàn một nơi xa rồi «trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền» (thơ Tố Hữu)... Vâng, ông đã lao động như thế.

4- Họ là ai, những người «ăn theo» Trần Dần?

Tác giả N.H đã viết trong bài Một giải thưởng kinh dị của mình như thế này: «Nhưng để đem in thành sách, phát tán nó ra sau khi Trần Dần mất liệu có phải là ý của tác giả hay chỉ là sự mua danh bán lợi “ăn theo” tên tuổi Trần Dần?». Tôi xin trả lời dưới đây họ là ai - những người đã ủng hộ sự ra đời và phát hành của cuốn sách:

Họ là những nghệ sĩ,
Họ là những nhà phê bình nghệ thuật,
Họ là những trí thức,
Họ là những người làm công tác xuất bản,
Họ là những độc giả,
Họ là những thành viên hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội.

Họ là những nhân vật uy tín trong chuyên môn của mình. Họ có sự nghiệp riêng trước khi TRẦN DẦN Thơ được biên soạn. Trần Dần là một trong muôn vàn điểm gặp trên con đường học thuật và thưởng thức nghệ thuật. Họ «ăn theo» được gì từ Trần Dần?

Họ là những người biên soạn di cảo Trần Dần. Là chúng tôi, những thành viên gia đình ông, là những người con của ông. Chúng tôi «ăn theo» được gì từ ông? Có chăng «được cái hoạn nạn», như chữ của ông vẫn dùng.

Tháng 11 năm 2008
Trần Trọng Vũ
Bản gửi Phongdiep.net


No comments:

Post a Comment