Tuesday, November 18, 2008

HỘI THẢO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT (17&18-11-2008)

Hội thảo "Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập":
Đâu sức đề kháng chống ô nhiễm văn hoá?
Lao Động số 267 Ngày 18/11/2008 Cập nhật: 10:36 PM, 17/11/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Dau-suc-de-khang-chong-o-nhiem-van-hoa/200811/114996.laodong
(LĐ) - Đừng để nền văn học nghệ thuật bị nghiệp dư hoá, cũng đừng biến văn hoá thành trò diễn, chính là một trong những cảnh báo của nhiều văn nghệ sĩ tại hội thảo "Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập".
Hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) trung ương tổ chức tại TPHCM trong 2 ngày 17-18.11.

Báo cáo đề dẫn của hội thảo chỉ rõ: Một số thị trường (TT) rất sôi động như TT sản phẩm âm nhạc, TT sản phẩm mỹ thuật thể hiện qua sự hiện diện của hàng trăm gallery và hơn 10.000 hoạ sĩ; TT điện ảnh với sự ra đời của 30 hãng phim tư nhân, hội ngành cùng hãng phim nhà nước; TT sân khấu với hoạt động khởi sắc của một số nhà hát kịch ở TPHCM và Hà Nội.

Tuy nhiên, số lượng tác phẩm càng nhiều, lại có ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Một số văn nghệ sĩ có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng. Hoạt động phê bình VHNT còn lạc hậu. Một số sản phẩm chất lượng kém được truyền bá, gây tác hại xấu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ...

Hiệu quả kinh tế của 2.000 lễ hội văn hoá hàng năm cũng rất thấp. Trên thực tế, đầu tư văn hoá, văn nghệ nước ta là rất thấp, bình quân mỗi người chi dùng cho văn hoá chưa quá 1USD/năm. Hệ thống cơ sở vật chất quy mô nhỏ, lạc hậu...

Cho dù chủ đề hội thảo quá rộng và quá chung chung, nhưng một số ý kiến tại cuộc thảo luận ở các tiểu ban chiều 17.11 đã đề cập đến một số vấn đề cụ thể. Một số nghệ sĩ bình luận, cho đến bây giờ mới có một hội thảo tổng quát với mục tiêu "nhận diện" thị trường VHNT thì có phải là quá chậm hay không? Việc "nhận diện" chung như thế cho thấy có khi chính người quản lý khi nói về thị trường, nhưng lại không ra chợ, chưa sâu sát tình hình.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhìn nhận: "Nguy cơ về ô nhiễm âm nhạc có ở khắp nơi. Sự bành trướng của âm nhạc giải trí đang đẩy âm nhạc bác học vào thế bí. Đầu ra của các sản phẩm âm nhạc chủ yếu là phương tiện truyền hình, thì những chương trình ca nhạc giải trí chiếm hết giờ vàng từ đài trung ương đến địa phương.

Âm nhạc đang bị nghiệp dư hoá và tụt hậu, một phần do quản lý lỏng lẻo, nhà sản xuất chạy theo sản phẩm kém chất lượng, nhưng có lợi nhuận, đào tạo âm nhạc không còn chuẩn, từ người chơi, người nghe, người phê bình. Chính vì thế, thay vì chấn hưng âm nhạc, thì nhà quản lý phải đi "dẹp loạn".

Nhà văn Trần Hữu Lục cho rằng, "bà đỡ" cho không ít tác phẩm nhảm nhí, phản giáo dục hiện nay lại là không ít NXB, doanh nghiệp làm sách báo cộng thêm công nghệ lăngxê trên phương tiện truyền thông tạo nên một luồng sản phẩm không lành mạnh. Trong khi đó, khâu quản lý lại bị động.

Nhà phê bình Ngô Thảo khẳng định: "Cánh đồng văn học chỉ toàn cây ngắn hạn, không có cây cao bóng cả nào. Tác giả trẻ mạnh về cách viết, nhưng xem ra cũng chỉ mới "ứng phó", tầm trí tuệ, cá tính và tư tưởng không cao lắm. Đó là một phần do tâm lý xã hội: Khuyến khích cách sống nặng về hưởng thụ, nên những tác phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí là chính.

Hơn nữa, đầu tư cho mỗi hội chuyên ngành không là bao, trong khi đầu tư cho một đội bóng đá chuyên nghiệp là cả 20 tỉ đồng. Chúng ta thiếu hành lang bảo vệ nội địa đối với tác phẩm VHNT, lại có quá nhiều đài truyền hình tỉnh, thành thiếu chương trình nên phát phim ảnh nước ngoài là chủ yếu...".

Theo nhạc sĩ Ca Lê Thuần, cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá (XHH) văn hoá, xây dựng cơ chế XHH vừa thoáng, vừa chặt đúng luật, thiết lập môi trường hoạt động bình đẳng giữa NN và tư nhân. Các đơn vị nghệ thuật T.Ư chỉ duy trì hình thức công lập đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, rối nước, giao hưởng cổ điển - ballet...

Còn lại, giảm các đơn vị nghệ thuật ở địa phương (chỉ giữ 1 đoàn công lập mỗi địa phương), khuyến khích tập thể, tư nhân ngoài công lập liên doanh, liên kết xây rạp hát, TT nghệ thuật, TT triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Minh Thi


Thị trường văn học nghệ thuật - chiếc bánh chưa tròn vành
09:19' 18/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/11/814105/
Thị trường các sản phẩm văn học nghệ thuật là vấn đề đã và đang diễn ra, tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống văn học nghệ thuật, nhưng chưa từng được mổ xẻ thấu đáo...

Văn học nghệ thuật (VHNT) thời kinh tế thị trường, và thị trường các sản phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, nay đã được nhận diện, mổ xẻ từ góc độ tích cực lẫn tiêu cực trong trọn một ngày (17/11)
hội thảo tại TP.HCM.

Việt Nam đã dần hình thành nên một thị trường các sản phẩm VHNT, được minh chứng qua một số "thị trường con" sôi động như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu... Dù nền kinh tế đất nước đã chuyển sang mô hình kinh tế thị trường từ lâu nhưng cũng khó hình dung đến một ngày (và nó đã đến), công chúng Việt Nam lại được xem phim mới xuất xưởng cùng lúc với các nước trên thế giới, đọc những đầu sách ra lò cùng thời điểm với thị trường toàn cầu...

Nhà văn Ngô Thảo nồng nhiệt: "Chỉ cần nhớ lại bao nhiêu năm, tên tuổi và tác phẩm đoạt giải Nobel văn học hàng năm rất xa lạ với cả những nhà văn trong nước, thì mới thấy sự kiện một bộ phim, một cuốn sách phát hành ở Việt Nam cùng lúc với thế giới, là bước tiến xa đến mức nào!". Đó chỉ là một trong những biểu hiện cho khía cạnh tác động tích cực của thị trường các sản phẩm VHNT đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Thêm một cái nhìn vào những người đang tham gia làm nên thị trường này, đã thấy một bộ phận văn nghệ sĩ năng động ở những lĩnh vực "nóng" thu nhập cao, đời sống vật chất tốt. PGS.TS Đào Duy Quát (Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương) đánh giá: "Nhiều ca sĩ hát nhạc nhẹ, diễn viên điện ảnh, sân khấu, số đông họa sĩ... đã sống được với nghề".

Tuy nhiên, những khiếm khuyết của thị trường các sản phẩm VHNT vẫn chiếm nhiều số trang hơn trong các bản tham luận và thời gian dài hơn tại các cuộc thảo luận. PGS.TS Trần Luân Kim (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) nhìn nhận lại: "Thị trường VHNT được thai nghén rất chậm chạp và phải trải qua cuộc sinh nở hết sức khó khăn. Trong một thời gian khá dài, hoạt động VHNT nước nhà rơi vào khủng hoảng vì bị thắt chặt cả đầu vào lẫn đầu ra - thị trường VHNT chẳng những chậm hình thành mà còn bị rơi vào lúng túng, bế tắc".

Sau khi cho rằng hàng hóa VHNT là một dạng hàng hóa đặc biệt, cũng chịu sự lựa chọn khắc nghiệt của công chúng, bị chi phối bởi quy luật thị trường, PGS.TS Trần Luân Kim đưa ra nhận định của mình về thị trường VHNT nước ta hiện nay: "Khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường còn nhiều bất cập, thiếu sót: nguồn sản phẩm nội địa có hạn về số lượng, phẩm chất chưa cao, đang bỏ trống thị phần ở một số bộ môn và đang bị các sản phẩm nước ngoài lấn át ở một số bộ môn khác".

Báo cáo tại hội thảo đưa ra vài con số đáng suy nghĩ. Hiệu quả kinh tế mà thị trường các sản phẩm VHNT đóng góp cho tổng thu nhập quốc dân là rất thấp, chỉ mới đạt 0,47%. Con số so sánh: các nước trong khu vực: 2 - 3%, châu Âu: 4%. Hoạt động lễ hội được đánh giá là phong phú, lên đến 2.000 lễ hội hàng năm với các loại hình truyền thống, dân gian, cách mạng, du lịch, song hiệu quả kinh tế hầu như không đáng kể.

Trong khi đó, đầu tư cho văn hóa văn nghệ ở nước ta rất thấp, bình quân mỗi người Việt Nam chi dùng cho hoạt động văn hóa chưa quá 1 USD/năm! Hệ thống vật chất - kỹ thuật cho các loại hình VHNT như trường quay, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng triển lãm, thư viện... rất khiêm tốn, lạc hậu, không đồng bộ.
Mới chỉ nói đến các thành phố lớn, chứ chưa kể vùng nông thôn có nơi thậm chí còn chưa hình thành thị trường văn nghệ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) cũng đã đưa ra nhận định giật mình: "Chỉ có phòng hòa nhạc của Nhạc viện TP.HCM là đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Thủ đô Hà Nội không có phòng hòa nhạc cỡ 500 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, kể cả Nhà hát Lớn".

Đại biểu dự hội thảo thiếu khá nhiều so với danh sách dự kiến, vắng mặt không ít những nhân vật được xem như là doanh nghiệp trong lĩnh vực VHNT, nôm na là những ông bà bầu sân khấu kịch, chủ hãng phim, băng đĩa nhạc... ăn nên làm ra ở TP.HCM, nơi có thị trường VHNT phát triển sôi động bậc nhất cả nước - một trong những lý do để hội thảo diễn ra tại thành phố này.

PGS.TS Đào Duy Quát cho biết những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại tiểu ban thị trường các sản phẩm VHNT cũng như tại hội thảo nói chung (như hoàn thiện hệ thống luật, chiến lược đào tạo, chính sách lương, nhuận bút v.v...) sẽ được tập hợp báo cáo gửi lên Bộ chính trị và Ban bí thư theo tinh thần của hội thảo "đề xuất cho Đảng và Nhà nước những quyết sách cần thiết để khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý thị trường các sản phẩm VHNT...".

Đề tài thị trường các sản phẩm VHNT của hội thảo được đánh giá là nóng, nó đã và đang tác động mạnh đến đời sống VHNT Việt Nam không chỉ hiện tại mà cả về lâu dài. Nhưng với một thị trường còn nhiều ngổn ngang, một chiếc bánh chưa chín tới, chưa tròn vành, cuộc hội thảo quan trọng dù được sự quan tâm của các nhà quản lý cùng những người trực tiếp vận hành thị trường đó, cũng chưa thể thỏa mãn hết những mong mỏi.

Võ Tiến

No comments:

Post a Comment