Saturday, November 29, 2008

CŨNG ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ

“Những Ngày Cuối Cùng” của độc tài đảng trị
Ngô Nhân Dụng

Friday, November 28, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87441&z=7
Ngày chót trong chuyến du lịch ở xứ Ai Cập vừa qua, chúng tôi được đi qua một nghĩa trang ở thủ đô Cairo. Khi nói đến nghĩa địa, chúng ta hình dung cảnh những nấm mồ. Nhưng ở đây chỉ thấy những cái “nhà,” có tường vách, có mái phẳng. Người Ai Cập để thi hài người chết dưới sàn nhà, cả gia đình “đoàn tụ” cùng một nơi, để những người còn sống có thể mang thực phẩm tới đó cùng “ăn chung” với những người quá cố, và cầu nguyện cùng với họ.

Khi trông thấy có đông người ở trong nghĩa trang, có du khách trong đoàn hỏi tại sao nhiều người thế? Người hướng dẫn du lịch địa phương, anh Abdul giải thích, đó không phải là những người đi viếng mộ. Họ là những người vô gia cư vẫn vào đó ăn, ngủ mỗi ngày. Anh nói thêm: Ở Cairo có một triệu người vô gia cư (homeless). Thủ đô Ai Cập chứa 20 triệu dân, hơn một phần tư dân số cả nước. Ðoàn xe du khách đi qua một khu dân cư chật chội, anh Abdul chỉ tay: Có thấy triền núi đằng sau những ngôi nhà kia không? Mấy tháng trước núi lở, đè xuống nhiều ngôi nhà ổ chuột và chôn sống hàng trăm người. Quý vị có biết chuyện đó hay không? (Có, tôi đọc chuyện này trên tuần báo Economist vào Tháng Chín). Abdul kể tiếp: Chính phủ nói sẽ cứu trợ những nạn nhân mất nhà. Nhưng cho tới giờ không thấy gì cả!

Báo Econommist còn cho biết chính phủ Ai Cập cũng có những chương trình gia cư xây nhà ở cho dân nghèo, nhưng nhà xây xong phần lớn chỉ cung cấp cho thân nhân, bạn bè của các quan chức nhà nước. Còn dân nghèo vẫn sống trong những ngôi nhà xây bất hợp pháp, trong một nước rộng một triệu cây số vuông nhưng chỉ có 3% là đất trồng trọt được. Báo Economist cho biết có hơn hai triệu rưỡi người Ai Cập không kiếm đủ bữa ăn hàng ngày.

Ði du lịch ở Ai Cập, chúng ta sẽ ở những khách sạn 5 sao, đi xe có máy lạnh, không phải trông thấy cảnh người nghèo sống thế nào. Sẽ có dịp chiêm ngưỡng những đền đài vĩ đại dựng lên từ 3000 năm đến 5000 năm trước đây, những mộ vua chúa và các kim tự tháp. Riêng Hoàng Ðế (Pharaoh) Ramses II, sống trước đây khoảng 3,300 năm, trị vì trong 67 năm, sinh hơn 150 người con, đã để lại hàng trăm pho tượng lớn và hàng ngàn pho tượng nhỏ của ông, cùng những ngôi đền tráng lệ xây ở vùng thượng nguồn song Nile xuống đến bờ biển để kỷ niệm ông và bà hoàng hậu.

Ngày nay ông tổng thống Ai Cập cũng nắm toàn quyền về quốc phòng, an ninh, ngoại giao, và nguồn lợi dầu khí. Ông thủ tướng chỉ chịu trách nhiệm và có quyền trong phạm vi kinh tế, xã hội. Tạp chí Economist cho biết kinh tế Ai Cập đã phát triển cao trong 4 năm qua, sau khi ông thủ tướng mới lên bắt đầu “đổi mới kinh tế.” Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế lên 7% một năm. Hàng xuất cảng tăng từ 9 tỷ đô la năm 2003 lên 24 tỷ đô la năm 2007. Số đầu tư ngoại quốc vào Ai Cập lên tới 11 tỷ Mỹ kim năm ngoái. Giá nhà ở thủ đô Cairo cũng như giá cổ phần trên thị trường chứng khoán tăng rất nhanh, trước khi xẩy ra cơn khủng hoảng toàn thế giới hiện nay.

Kinh tế phát triển nhưng không được phân chia đồng đều. Có những người sống cao hơn cả mức sống mà chúng ta coi là đế vương. Máy bay nhỏ của tư nhân xếp hàng ở phi trường Cairo. Một đám cưới ở thủ đô Cairo được tổ chức linh đình, khách khứa mặc quần áo mua từ Paris và Milano; riêng tiền hoa để trang hoàng trong bữa dạ yến cũng tốn 60,000 Mỹ kim - lợi tức theo đầu người là 100 đô la Mỹ một năm! Tỷ lệ lạm phát ở Ai Cập lên tới 23%, chỉ thua mức 26% tại Việt Nam. Nhưng chính phủ trợ cấp bánh mì và xăng. Xăng chỉ có hơn một đô la một ga lông Mỹ, giới có tiền được hưởng. Số xe hơi bán tăng gấp 4 lần trong 4 năm qua. Nhưng người dân Ai Cập nghèo có thể mua một ổ bánh mì với giá rẻ bằng một xu (cent) Mỹ, nhờ chính phủ trợ cấp.

Tại sao một quốc gia có năm ngàn năm lịch sử, với di tích những công trình xây dựng hùng vĩ và tinh xảo từ mấy ngàn năm như vậy, mà bây giờ dân chúng lại nghèo khổ và chịu cảnh bất công đến thế?

Chỉ thấy một câu trả lời: Vì những người cầm quyền ở xứ này, từ thời Thượng Cổ thường khinh rẻ dân, bạc đãi dân; người dân chưa bao giờ được sống với một chút tự do để tập làm chủ cuộc đời mình.

Những công trình kiến trúc vĩ đại thời Thượng Cổ cho thấy những dải đất đai hai bên bờ sông Nile đủ nuôi dân. Vì chính quyền mỗi thời đại có thể huy động được hàng trăm ngàn dân công lao lực, những người đó không chăn nuôi hay sản xuất lúa gạo. Nhưng các công trình xây dựng đó cũng chứng tỏ dân tộc này đã sản xuất những nhà toán học, các kỹ sư, các nhà thiên văn đại tài so với các xứ khác cùng thời gian đó. Thành phố Alexandria từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên đã được dựng lên rồi trở thành một trung tâm văn hóa của Ðịa Trung Hải. Thư viện Alexandria có hàng triệu bộ sách viết bằng 5 thứ ngôn ngữ thông dụng, trước khi bị thiêu hủy. Các nhà toán học Hy Lạp như Pythagore, Archimede, Euclid đều đã đi du học tại đây.

Một nền văn minh sáng chói như vậy, tại sao để lại di sản là một quốc gia nghèo đói và bất công như bây giờ? Vẫn chỉ có một câu trả lời: Vì các chế độ độc tài đã bòn rút xương tủy dân tộc này, người dân chưa bao giờ được thử sống với một nền nếp xã hội trong đó người dân được quyền làm chủ một phần nào vận mạng của họ. Khi người dân bị khinh rẻ mãi, có khi họ cũng nhiễm thói quen tự hạ thấp giá trị của họ. Với những triều đại vua chúa bóc lột hết sức dân của các Pha-rô, dân Ai Cập không có lý do gì để bảo vệ giai cấp lãnh đạo của họ khi đất nước bị xâm lăng. Những đế quốc từ châu Phi tới Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, rồi Ðế quốc Ottoman, Pháp, Anh, đã lần lượt chiếm đóng Ai Cập, người dân không còn sức kháng cự và cũng không muốn kháng cự. Dân chúng bị các chính quyền thay phiên nhau khai thác đến kiệt lực. Cho nên khi các đế quốc đến thì không ai tha thiết bảo vệ những người cai trị.

Một chế độ tài đảng trị đã thay thế chế độ thực dân từ năm 1952, nhưng ông Nasser cũng mơ “theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” cộng tác với Liên xô, đưa dân vào nhiều cuộc chiến tranh vô bổ; đến năm 1973 ông Sadat mới chấm dứt. Từ đó tới nay, dân Ai Cập vẫn sống dưới quyền của một đảng chính trị. Tổng Thống Hosni Mubarak đã ngồi tại chức 27 năm nay và giờ đã 80 tuổi; nhưng con ông, 44 tuổi, lại đang chuẩn bị mong được lên kế vị. Dưới áp lực của Mỹ, chính phủ Ai Cập chấp nhận có đảng đối lập và một số báo chí độc lập. Nhưng gần đây chính một đại biểu Quốc Hội đối lập đã phản đối Ngoại Trưởng Mỹ Condoleezza Rice khi bà chỉ trích chế độ thiếu dân chủ, cho thấy ngay những người gọi là đối lập cũng thân chính quyền. Ayman Nour, chính trị gia đối lập đang ngồi tù sau khi đã ra tranh cử với Tổng Thống Mubarak vào năm 2005. Ðảng cầm quyền mới thắng lớn trong một cuộc bầu cử ở địa phương năm nay, trong 52,000 ghế nghị viên chỉ có 1,00 người thuộc đảng đối lập. Mở những tờ nhật báo bằng tiếng Pháp và tiếng Anh thân chính phủ chỉ thấy những tin tức tốt đẹp về ông tổng thống và các hoạt động của chính quyền. Tờ tạp chí của Bộ Giao Thông Vận Tải in giấy láng viết một bài dài về ông bộ trưởng, với những hình ảnh ông trình diện trước ông tổng thống kèm theo hình ông cùng với phu nhân ngồi uống trà, lại thêm hình ông bộ trưởng cùng hai công tử bận đồ lớn, toàn những hình mầu sắc lộng lẫy. Ðó là những dấu hiệu của một chế độ độc tài đảng trị dùng báo chí để ca tụng đảng và những người cầm quyền.

Một nước 75 triệu dân phải nuôi 6 triệu công chức, một tập đoàn tham nhũng kiểm soát guồng máy chính trị và kinh tế. Guồng máy công chức đó coi việc trị dân là một đặc quyền, cho phép họ ra lệnh và trừng phạt. Khi đi trên xa lộ qua thành phố Cairo chúng ta thấy bao nhiêu ngôi nhà nhiều từng, cũ kỹ và xấu xí, nhưng xây cất dang dở. Người hướng dẫn cho biết theo luật thì chủ nhà chỉ phải đóng thuế thổ trạch sau khi việc xây nhà hoàn tất. Cho nên mọi người đều xây gần xong thì ngưng, để một tầng lầu không có mái hoặc cửa sổ chưa xong. Tại sao chính phủ không sửa lại luật thuế nhà đất để không cho người ta trốn thuế? Không biết! Có thể vì những người có quyền làm luật cũng là chủ nhân những ngôi nhà đang cất dở dang đó! Ðấy là cách guồng máy cai trị làm việc. Gần đây một đạo luật lưu thông được ban hành tăng mức tiền phạt rất nặng dù người lái xe vi phạm tội rất nhỏ. Người Việt Nam không khỏi liên tưởng đến chỉ thị cấm người ngực lép không được lái xe gắn máy ở Việt Nam, cùng một lối cai trị dân tùy theo hứng của các quan chức! Sau khi luật lưu thông ở Ai Cập được sửa đổi, giá biểu hối lộ cảnh sát đã tăng lên!
Ký giả Hamdi Qandil mới xuất bản cuốn sách “Những Ngày Cuối Cùng.” Ông Hamdi viết: “Chế độ này đang trên giường bệnh chờ chết, và chúng ta chỉ còn chờ ngày đưa đám. Tất cả những ngả đường để thay đổi một cách ôn hòa và tiệm tiến đã bị chặn. Chỉ còn một con đường là người dân bất hợp tác.”

Những ai tò mò muốn biết các dấu vết của nền văn minh Ai Cập vẫn nên đến thăm quốc gia cổ kính này, trong đời một người nên thấy tận mắt các di tích đó ít nhất một lần. Năm ngoái Ai Cập đã tiếp nhận 13 triệu du khách, nguồn ngoại tệ và thành phần lớn nhất trong Tổng Sản Lượng Nội Ðịa. Mỗi du khách tới đây một tuần có thể giúp nhiều gia đình người Ai Cập được no bụng trong một năm, riêng ý nghĩ đó cũng khiến người đi du lịch không mang mặc cảm phạm tội nếu biết cảnh người dân còn nghèo đói. Nhưng khi du lịch ở Ai Cập chúng ta không khỏi nghĩ đến thân phận nước Việt Nam.

Cũng giống như chế độ độc tài ở Ai Cập, đảng Cộng Sản Việt Nam đang nuôi một bộ máy tham nhũng khổng lồ, với số công an cảnh sát đông đảo có khả năng kiểm soát từng người dân, ngăn chặn tất cả các ý kiến khác với chính quyền chứ đừng nói tới hành động chống đối. Việc cải tổ kinh tế cũng tạo nên cảnh chênh lệch giầu nghèo ở Việt Nam không thua gì ở Ai Cập. Ai Cập cũng đang có nhiều cuộc biểu tình, đình công của công nhân và nông dân không khác gì ở Trung Quốc hay Việt Nam. Chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam còn độc tài hơn chính quyền Ai Cập vì họ không chấp nhận một tiếng nói đối lập nào. Một ký giả như Hamdi Qandil không thể nào xuất bản sách ở Việt Nam, nhất là khi bìa cuốn sách lại in hình vẽ nhạo ông tổng thống! Nhưng Việt Nam cũng cần một ký giả can đảm như Hamdi Qandil. Cần một cuốn sách vạch ra chúng ta đang sống “Những Ngày Cuối Cùng” của một chế độ độc tài đảng trị đang trên đà phá sản.

No comments:

Post a Comment